Charles-Valentin Alkan sinh ngày 30/12/1813 (cùng năm với nhà soạn nhạc Wagner và Verdi) trong một gia đình Do Thái sống tại Paris. Tên thật của ông là Charles-Valentin Morhange nhưng sau đó ông quyết định dùng tên cha là Alkan thay vào họ của mình. Alkan là con thứ 2 trong gia đình 6 anh chị em và tất cả các đều được thừa hưởng tài năng âm nhạc từ cha họ, vốn là người điều hành một trường nhạc tư ở Le Marais.

Khi còn rất nhỏ, Alkan đã bộc lộ tài năng âm nhạc hiếm có. Khi mới 6 tuổi, ông được nhận vào Nhạc Viện Paris, nơi đã đào tạo ra rất nhiều những nghệ sĩ lỗi lạc cho nước Pháp. Tại đây, Alkan học chuyên về piano và organ, những nhạc cụ sẽ gắn bó với ông suốt cả quãng đời về sau này. Lần đầu tiên Alkan biểu diễn ra mắt công là khi mới 7 tuổi, đáng chú ý hơn cả là khi đó Alkan biểu diễn violin chứ không phải piano, nhạc cụ sở trường của mình. Năm 13 tuổi, Alkan hoàn thành khóa học hòa thanh (harmony) tại nhạc viện và sau đó bắt đầu sáng tác và trình tấu những tác phẩm của riêng mình. Tác phẩm đầu tiên (opus 1) được ông viết năm 1828, khi đó Alkan 14 tuổi.

Alkan từng là học trò cưng của Joseph Zimmermann, người cũng là thầy của một loạt các tài năng khác như Georges Bizet, César Franck, Charles Gounod và Ambroise Thomas. Zimmermann yêu quý và coi trọng Alkan hơn rất nhiều những học trò khác. Ông giới thiệu Alkan với tầng lớp thượng lưu và giới nghệ sĩ tại Paris, ngoài ra ông còn tiến cử Alkan làm phụ tá cho mình. Với tài năng hiếm có, sự nghiệp của Alkan lên như diều gặp gió. Tới những năm 1830, Alkan đã nổi danh là một trong những nghệ sĩ piano điêu luyện bậc nhất của Paris.

Vào thời điểm đầu thế kỷ 19, Paris gần như là trung tâm văn hóa của cả châu Âu và có vô số những nghệ sĩ từ mọi miền châu Âu đổ về mảnh đất màu mỡ cho nghệ thuật này. Trong số đó bao gồm những tượng đài như Chopin, Liszt và Ferdinand Hiller… Chàng trai Alkan đã không mất nhiều thời gian gia nhập “hiệp hội” những tài năng trẻ này. Thậm chí một người hiếm khi tán dương người khác như Chopin cũng đã dễ dàng bị ấn tượng bởi tài năng của Alkan. Họ sớm trở thành bạn thân và không lâu sau đó, Alkan chuyển về sống ngay cạnh nhà Chopin. Hai người thường dạy thay trong các lớp học của nhau và điều này đem lại khá nhiều lợi ích cho Alkan vì những lớp học của Chopin thường đem đến nhiều học sinh giàu có hơn.

Năm 1838, dù chỉ mới 25 tuổi nhưng Alkan đã đạt tới đính cao của sự nghiệp. Ông thường xuyên biểu diễn cùng Chopin và được ca ngợi là có kĩ thuật điêu luyện ngang ngửa với những con quỷ của cây đàn piano như Liszt, Sigismond Thalberg và Friedrich Kalkbrenner. Liszt thậm chí đã phải thốt lên rằng Alkan là người có kĩ thuật piano tinh tế nhất mà ông từng gặp.

Không may cho Alkan là ngay chính vào thời điểm đó, sự nghiệp của ông lại bị đe dọa. Vốn cả đời quanh quẩn sống ở Paris ngoại trừ hai lần du lịch, một lần là sang Anh biểu diễn, lần còn lại là do công chuyện của gia đình, hiển nhiên là danh tiếng của Alkan không thể vang xa so với những nghệ sĩ thường xuyên đi lưu diễn khắp nơi như Chopin hay Liszt. Dân Paris lại có tính hiếu kỳ nên đương nhiên họ ưa chuộng những nghệ sĩ đến từ ngoại quốc hơn là một tài năng ở ngay quê nhà. Thêm vào đó Alkan lại là người Do Thái nên tình cảm của công chúng dành cho ông dần trở nên khá tiêu cực bởi tinh thần bài Do Thái đang lan rộng thời đó.

Ngoài những khó khăn do bị kì thị chủng tộc gây ra, Alkan còn phải chịu nhiều điều tiếng do mối tình vụng trộm với một nữ học trò giàu có nhưng đã có chồng. Ngày 8 tháng 2 năm 1939, kết quả của mối tình này ra đời và cậu bé được đặt tên Elie-Miriam Delaborde, sau này cũng trở thành một trong những nghệ sĩ piano thành công nhất của Pháp. Mặc dù ở Paris, những vụ scandal tình ái kiểu này không có gì mới lạ nhưng vốn tính nhạy cảm, Alkan không khỏi bị suy sụp bởi sự dè bỉu của dư luận. Ông ngừng biểu diễn và thay vào đó chuyên tâm vào nghiệp sáng tác và dạy học. Tới năm 1848, Alkan mới quay trở lại biểu diễn trước công chúng sau suốt 6 năm im hơi lặng tiếng.

Vì Alkan sống rất kín đáo nên có nhiều tin đồn cho rằng ông là một người lập dị và rất khó ưa. Tuy nhiên thực tế những người bạn của Alkan đều kể rằng ông là một người rất thông minh, hài hước và thích đùa. Cũng như nhiều nghệ sĩ, Alkan có rất nhiều mâu thuẫn nội tâm: là người rất cởi mở nhưng lại hay thất vọng trong tình bạn; dù rất có tài nhưng lại ghét phải trình diễn trước công chúng. Do quá nhút nhát nên Alkan rất dễ bị tổn thương bởi dư luận. Ngược hẳn với Liszt, khi sự nghiệp bị đe dọa bởi những điều tiếng không đáng có, Alkan lại càng phản ứng tiêu cực và trốn tránh xã hội. Chính tính hướng nội và dễ thu mình này đã hủy hoại sự nghiệp và cuộc đời của Alkan về sau này.

Alkan đã từng có thời gian làm giáo sư tại Nhạc Viện Paris và ông rất nghiêm túc đeo đuổi sự nghiệp giảng dạy. Năm 1848, chức trưởng khoa piano của nhạc viện tạm thời để trống và hiển nhiên không ai trong nhạc viện xứng đáng với chức vụ đó hơn Alkan. Tuy nhiên do bản tính nhút nhát, không giỏi xã giao, hơn nữa lại không được tín nhiệm vì là người Do Thái nên Alkan đã để vị trí đó rơi vào tay một học trò của mình, Marmontel, một giảng viên xướng âm (solfege) có khả năng trung bình và thậm chí còn chẳng biết chơi đàn piano cho ra hồn. Sự bất công này lại một lần nữa khoét sâu thêm vết thương tinh thần của Alkan và là một trong những nguyên nhân khiến Alkan một lần nữa từ bỏ sự nghiệp biểu diễn và lần này ông xa lánh công chúng suốt tận 25 năm.

Một nguyên nhân lớn khác khiến Alkan lui về ở ẩn là cái chết của Chopin. Vốn rất ngưỡng mộ con người và âm nhạc của Chopin nên sự ra đi quá sớm của người bạn tài hoa đã ảnh hưởng rất lớn đến tính cách vốn quá mức nhạy cảm của Alkan. Sau khi Chopin mất năm 1849, Alkan đã thu nhận tất cả học trò từ người bạn quá cố của mình. Ngoài ra cũng có nhiều ý kiến cho rằng, việc Alkan rút lui khỏi công chúng không hẳn chỉ vì ông chán ngấy xã hội mà chỉ muốn chuyên tâm vào sáng tác. Bằng chứng là dù không còn mấy khi biểu diễn trước công chúng, Alkan vẫn thỉnh thoảng cho xuất bản những tác phẩm âm nhạc của mình.

Ngoài âm nhạc ra, Alkan còn một niềm đam mê lớn khác, đó là thần học. Mặc dù là người Do Thái nhưng Alkan không ngần ngại nghiên cứu cả Kinh Tân Ước (người Do Thái chỉ đọc Kinh Cựu Ước). Âm nhạc của ông mang đậm màu sắc tôn giáo và ông từng có mong muốn đem toàn bộ Kinh Thánh vào các bản nhạc của mình. Tuy nhiên Alkan chưa kịp hoàn thành nguyện vọng đó mà “mới chỉ” dịch được hết cuốn Kinh Thánh từ tiếng Hebrew sang tiếng Pháp. Ông có rất nhiều tác phẩm mang chủ đề tôn giáo viết riêng cho Pedal piano, một loại đàn giống như piano nhưng có gắn thêm bộ pedal của đàn organ và người chơi phải sử dụng cả tay lẫn chân để tạo ra âm thanh. Đây cũng là nhạc cụ sở trường của Alkan. Tuy nhiên đáng tiếc loại đàn này về sau không còn được sử dụng nữa nên kĩ thuật chơi đàn Pedal piano cũng gần như thất truyền từ đó.

Mặc dù dành phần lớn thời gian vào việc dạy học, sáng tác và dịch Kinh Thánh nhưng về khoảng đầu nửa cuối cuộc đời, cũng có đôi lần Alkan quay trở lại biểu diễn trước công chúng. Vào những năm 60 tuổi, Alkan tổ chức khá thường xuyên các buổi biểu diễn ở Paris. Hầu hết những tác phẩm ông trình tấu đều mang ít nhiều màu sắc tôn giáo như các bản nhạc của Couperin, Rameau và J.S. Bach. Ngoài ra ông cũng biểu diễn những tác phẩm của các nhạc sĩ cùng thời như Chopin, Schumann, Mendelssohn, Saints-Saens… Thời đó Alkan nổi tiếng là một nghệ sĩ piano hơn là một nhà soạn nhạc. Nhờ có ông kiên trì biểu diễn mà các bản piano sonata lúc gần cuối đời của Beethoven dần trở nên được ưa chuộng. Nhịp điệu đàn của Alkan được truyền tụng là khoan thai, chắc chắn nhưng lại vô cùng linh hoạt. Nhà soạn nhạc Vincent d’Indy sau khi nghe Alkan chơi bản piano sonata Op.110 của Beethoven đã phải thốt lên rằng: “Tôi không biết phải miêu tả điều gì đã xảy ra với những bản nhạc vốn đậm chất thơ kiểu Beethoven này nữa, giai điệu các khúc Arioso và Fugue bỗng như tỏa ra một luồng ánh sáng chói lòa mặc dầu vẫn toát lên vẻ đau thương của cái chết. Nhờ đó mà trong tôi dấy lên một niềm xúc cảm mãnh liệt chưa từng có. Thậm chí tôi còn xúc động hơn cả khi nghe Liszt biểu diễn…” Một học trò của Liszt, người có cơ hội được xem Alkan biểu diễn nhiều lần cho tới khi Alkan qua đời còn kể rằng, qua bao năm nhưng tiếng đàn của Alkan vẫn giữ được sự tươi trẻ và sức thu hút bất chấp tuổi tác.

Những năm cuối đời Alkan sống cô độc và buồn thảm. Ông không kết hôn và việc sống một mình càng khiến ông trở nên tuyệt vọng. Tâm trạng của Alkan lên xuống thất thường và ngay cả âm nhạc đôi khi cũng không cứu giúp được ông khỏi bị suy sụp. Trong lá thư viết năm 1861 gửi cho người bạn thân của mình, nhà soạn nhạc Ferdinand Hiller, Alkan đã tâm sự: “Càng ngày tôi càng cảm thấy căm ghét xã hội, căm ghét phụ nữ… Tôi chẳng cảm thấy cuộc sống có gì đáng quý hay có điều gì đáng để tôi đổ hết tâm huyết vào. Tình trạng này kéo dài khiến tôi cảm thấy buồn chán và thảm hại. Thậm chí đến cả việc viết nhạc cũng không còn sức hấp dẫn với tôi vì tôi không còn thấy được mục đích của nó nữa.”

Có nhiều lời đồn thổi xung quanh cái chết của nhà soạn nhạc bất hạnh này, như là ông bị một giá sách đè chết khi đang với tay lấy một cuốn sách trên cao. Nhưng sự thực còn bi thảm hơn những gì người ta thường nghĩ. Ông bị đồ đạc rơi đè lên người và vì sống một mình cộng với việc sức khỏe quá yếu nên mãi 24 tiếng sau đó mới có người phát hiện và đưa ông đến bệnh viện nhưng đã quá muộn. Năm 1888, Alkan ra đi khi 74 tuổi, gần 40 năm sau khi người bạn thân Chopin qua đời. Ngẫu nhiên thay, Alkan được chôn cất tại nghĩa trang Montmartre đúng vào ngày 1 tháng 4 năm 1888 và đó cũng chính là ngày chủ nhật của Lễ Phục Sinh.

Ngay cả sau khi mất, âm nhạc của Alkan vẫn luôn được Debussy và Ravel học hỏi. Các bản nhạc dành cho đàn piano của ông luôn là những chủ đề biểu diễn yêu thích của Busoni và Rachmaninov. Nhưng do giai điệu của Alkan mang tính đột phá quá mới lạ nên công chúng vẫn không mấy mặn mà với chúng. Nếu thay vì quá thu mình, Alkan suy nghĩ tích cực hơn trước những trở ngại trong sự nghiệp và dám hòa mình vào xã hội thì âm nhạc của ông có lẽ đã không bị công chúng thờ ơ đến vậy. Tuy nhiên, nói theo một cách nào đó chữ “nếu” đó cũng là một nhận định sai lầm vì chính sự bi phẫn mới là điều khiến âm nhạc của Alkan trở nên cuốn hút. So sánh những tác phẩm của Alkan trước và sau khi ẩn dật cho thấy một sự biến chuyển rõ rệt. Những tác phẩm thời kỳ đầu của Alkan (như opus 10) còn mang nhiều chất lãng mạn và đầy màu sắc tươi sáng dù vẫn có đôi chút rụt rè trong cách hòa âm. Nhưng sau một loạt những biến cố khiến Alkan quyết định lánh xa công chúng, âm nhạc của ông trở nên biến hóa khôn lường và ông đã vô cùng mạnh tay trong việc cách tân lại cấu trúc cũng như cách biểu đạt tình cảm trong những tác phẩm về sau của mình.

Hầu hết những tác phẩm của Alkan đều mang một giai điệu buồn thảm như muốn thét lên tâm trạng của một người bị chứng trầm cảm. Khúc prelude dành cho piano mang tên “The Song Of The Mad Woman On The Sea Shore” (Bài hát của người phụ nữ điên trên bãi biển) là một trong những tác phẩm phản ánh phần nào cảm xúc tuyệt vọng trong sự cô độc của Alkan.

Âm nhạc của Alkan có ma lực không kém gì của Weber và Liszt. Những tác phẩm của ông dường như khơi gợi lên tất cả các mơ ước thầm kín, những nỗi niềm phẫn uất, những ám ảnh đến cực độ. Tâm trạng thất thường và đầy mâu thuẫn của ông được khắc họa rõ nét nhất ở những nốt nhạc mãnh liệt như thiêu đốt tâm can người nghe. Chúng như những đoạn lát cắt nhỏ từ cuộc đời cô độc đầy buồn thảm của chính Alkan.

Nhưng hiển nhiên Alkan không chỉ đưa vào âm nhạc của mình những cảm xúc tiêu cực. Alkan rất có khiếu hài hước và thường hay lồng những ẩn dụ vào âm nhạc của mình. Tác phẩm tiêu biểu cho tính hài hước của Alkan là bản “Funeral March on the Death of a Parrot” (Hành khúc tang lễ dành cho con vẹt chết). Đó là một tác phẩm vui nhộn viết ra nhằm trêu đùa nhà soạn nhạc Rossini, người có sở thích nuôi vẹt. Một tác phẩm có rất nhiều hình tượng ẩn dụ khác của Alkan là “Le Festin d’Esope” (Bữa tiệc của Aesop). Đây là một khúc biến tấu piano (piano variations) và Alkan dùng mỗi đoạn biến tấu để khắc họa hình ảnh một con vật khác nhau xuất hiện trong truyện ngụ ngôn của Aesop.

Cũng như Chopin, trong 75 tác phẩm của mình, phần lớn là Alkan viết dành cho piano và keyboard. Hầu hết những tác phẩm của ông còn được lưu giữ lại đến nay đều là các bản dành cho piano độc tấu. Những tác phẩm được đánh giá cao nhất đều được Alkan cho ra đời vào trong khoảng 15 năm tính từ mốc năm 1847 tức sau khi ông bắt đầu cảm thấy xã hội là nơi không an toàn cho mình. Thời kỳ sáng tác sung sức này của Alkan đem lại những bản nhạc như một bộ prelude gồm 25 khúc nhạc; bản Grande Sonate; Douze Etudes dans les tons majeurs (hay còn gọi là Major Key Etudes) và lớn nhất là tác phẩm Douze Etudes dans les tons mineurs (Minor Key Etudes). Ngoài ra Alkan cũng viết một bản nhạc tuyệt vời dành cho cello và piano gồm 4 chương đó là Grande Sonate de Concert opus 47, đây là tác phẩm tiêu biểu nhất cho sự trưởng thành trong sáng tác của Alkan.

 Năm 1870, khi Debussy nhập học Nhạc Viện Paris, ông đã phát hiện ra nguồn cảm hứng lớn cho các sáng tác của mình về sau này: opus 63 mang tên Forty-eight Esquisses mà Alkan viết ra để mô tả nhiều cung bậc cảm xúc từ vui đến buồn ảo não. Khi nghe tác phẩm này, rất dễ nhận ra được tính “khắc họa” và “ấn tượng” trong âm nhạc của Debussy được khơi gợi từ đâu.

Đã từng có tin đồn rằng các tác phẩm dành cho piano của Alkan là “khó đến mức không thể chơi nổi”. Đây chính là một trở ngại lớn trong việc phổ biến các tác phẩm của Alkan vì phần đông các nghệ sĩ hầu như không có hứng thú với việc chọn những tác phẩm như vậy. Trên thực tế dẫu các tác phẩm khó của Alkan đòi hỏi những kĩ thuật khá cao siêu nhưng hoàn toàn nằm trong tầm tay những pianist hàng đầu. Để chơi được các bản nhạc của Alkan thực ra không cần liên tục dùng nhiều kĩ thuật khó như các tác phẩm của Chopin hay của Rachmaninov. Thậm chí những người có bàn tay vừa phải cũng có thể chơi được vài tác phẩm của Alkan.

Tuy nhiên đúng là một số tác phẩm của Alkan đòi hỏi kĩ thuật khó đến nỗi chỉ một số ít những nghệ sĩ piano rất điêu luyện mới kham nổi. Nhà xuất bản âm nhạc đã rất e ngại khi xuất bản những tác phẩm này vì họ cho rằng với độ khó như vậy bản nhạc sẽ không bán nổi vì chẳng ai đủ khả năng chơi. Trong số đó có bản Grande Sonate là một sáng tạo rất đáng kể của Alkan khi ông cố gắng khắc họa cuộc đời con người trong 4 giai đoạn khác nhau qua 4 chương của tác phẩm: những năm 20 tuổi, 30 tuổi, 40 và cuối cùng là 50 tuổi.

Tác phẩm được cho là ấn tượng nhất của Alkan là opus 39 Minor Key Etudes bao gồm 12 khúc nhạc và xuất bản thành hai tập. Cuốn đầu tiên bao gồm 7 khúc trong đó có 4 chương thuộc một “giao hưởng” (Symphony) Cuốn thứ 2 bao gồm 3 chương cho Concerto, bản Ouverture và bản etude số 12 nổi tiếng, Le Festin de Aesope (Bữa tiệc của Aesope­). Điểm độc đáo là dù được đặt tên như vậy nhưng toàn bộ tác phẩm chỉ dành cho piano độc tấu. Để chơi được Minor Key Etudes, không những người chơi phải với tay từ những nốt cao nhất tới thấp nhất của chiếc đàn piano mà còn phải liên tục lặp lại vô số những nhịp 2/16 vốn là một loại nhịp vô cùng phức tạp, ngoài ra còn phải chạy gam trên phím đen với tốc độ cao nhất. Đại tác phẩm này ngốn của người chơi đến hơn 2 tiếng và là thách thức kinh hoàng với tất cả các nghệ sĩ piano.

Những khoảng lặng xuất hiện bất ngờ và cách sử dụng hợp âm đột phá là đặc điểm lớn nhất trong âm nhạc của Alkan. Điều bí ẩn nhất với giới nghiên cứu là sao một người sống nép mình trong những quy tắc khắt khe của xã hội như Alkan lại có thể khởi đầu cho xu thế âm nhạc trong tương lai. Những nét nhạc của ông hoàn toàn có thể tìm thấy ở những tác phẩm của những nhạc sĩ có tầm ảnh hưởng lớn về sau như Debussy và Ravel. Không phải ngẫu nhiên mà cho rằng, chính Alkan mới là người tiên phong đặt nền tảng cho “âm nhạc Ấn tượng” khi cả hai “ông lớn” của trường phái này đều vô cùng ngưỡng mộ Alkan. Mặc dù sống trong thế kỷ 19 nhưng các sáng tác của Alkan hoàn toàn không bị tính mô phạm của thể thức âm nhạc cổ điển đương thời gò bó. Ông viết những tác phẩm mang chất cổ điển nhưng lại vượt trước cả thời đại về nhạc điệu và cấu trúc. Vì thế mà khi tiếp xúc với các tác phẩm của Alkan lần đầu, không ít người ngỡ ngàng khi biết ông sinh cùng thời với những nhạc sĩ trường phái Lãng mạn như Chopin và Liszt vì âm nhạc của Alkan mang nhiều tính hiện đại không thua kém gì so với những nhạc sĩ đời sau như Bartók, Cowell, Mahler và Messiaen. Rất đáng buồn là những tác phẩm của ông đã không được công chúng thể kỷ 19 đánh giá đúng giá trị của chúng.

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: