Tên đầy đủ của Sir Arnold Bax là Arnold Edward Trevor Bax.Ông sinh ngày 8 tháng 12 năm 1883 tại Streatham, London, Anh Quốc và mất ngày 3 tháng 10 năm 1953 tại xứ Cork thuộc Ailen.Arnold Bax sinh trưởng trong một gia đình thượng lưu có gốc gác từ Hà Lan. Nhờ sự giàu có của gia đình mà Bax có thừa đủ tài chính để theo đuổi những điềm đam mê của mình, trong đó có sự nghệp sáng tác. Ngay từ khi còn nhỏ, Bax đã tỏ rõ là một cậu bé cực kỳ thông minh và là một tài năng âm nhạc lớn. Cậu thường dành hàng giờ chơi các opera đã được chuyển soạn cho đàn piano của Wagner. Một trong những mối tình đầu của Bax với âm nhạc là vở Tristan und Isolde của Wagner. Thậm chí vở opera này cũng còn để lại dấu ấn ngay cả trong những tác phẩm về sau này của Bax như Tintagel.

 

 Không qua bất cứ trường lớp nào, Bax chủ yếu học nhạc ở nhà riêng. Năm 16 tuổi, Bax bắt đầu học nhạc một cách chính quy tại Hampstead Conservatory dưới sự chỉ dẫn của Cecil Sharp, người tiên phong trong việc khôi phục nhạc dân gian truyền thống. Năm 1900 tới năm 1905, Bax theo học tại Học viện Âm Nhạc Hoàng Gia Anh. Tại đây, Bax học sáng tác dưới sự chỉ dẫn của nhà soạn nhạc Frederick Corder, học piano với Tobias Matthay và học clarinet với Egerton. Frederick Corder chủ yếu hướng sinh viên tới phong cách sáng tác tự do và phá cách của Franz Liszt và Richard Wagner. Phương pháp giảng dạy đó đã dần hình thành cho Bax một tư duy sáng tác tương tự về sau này. Bax có khả năng đặc biệt là dù chưa nghe qua lần nào nhưng cũng có thể biểu diễn ngay trên piano những tác phẩm phức tạp mà chỉ cần nhìn qua bản nhạc trên giấy. Khi còn học trong trường, Bax đã giành nhiều giải thưởng của học viện và cả giải nhất trong các cuộc thi sáng tác danh giá như Battison-Haynes và Charles Lucas.

 Bax lấy cảm hứng sáng tác từ rất nhiều nguồn như văn học, âm nhạc dân gian cổ… Trong số đó, nguồn cảm hứng đi theo ông cả đời đến từ các tác phẩm của nhà thơ, nhà soạn kịch William Butler Yeats, người đi đầu trong phòng trào Phục Hưng Văn Học Ailen Cổ. Qua những tác phẩm của Yeats, Bax hình thành một niềm hứng thú với xử sở Ailen. Ông cất công đi tới tận những vùng xa xôi hẻo lánh nhất của Ailen, một trong số đó là ngôi làng nhỏ Glencolumbkille thuộc Donegal, địa điểm yêu thích mà ông thường xuyên quay lại thăm trong suốt 30 năm ròng.

 Thơ ca của Yeats và sự tươi đẹp của đất nước Ailen đã khơi gợi cho Bax cảm hứng sáng hàng loạt những tác phẩm mới. Bản tứ tấu String Quartet in E ( viết năm 1903), về sau được lồng vào thơ giao hưởng Cathaleen-Ni-Houlihan (viết năm 1905) là những ví dụ đầu tiên về việc Bax thể hiện tình yêu của mình với đất nước Ailen qua âm nhạc. Những sáng tác lấy cảm hứng từ Ailen không chỉ chứng tỏ rằng Bax là một nhà soạn nhạc tài năng mà còn thể hiện nét nhạc “ấn tượng” vô cùng mới lạ trong kĩ thuật hòa âm. Thậm chí ngay trong các tác phẩm của người đi đầu trường phái âm nhạc ấn tượng là Claude Debussy cũng không có sự “ấn tượng” đó. Rất nhiều những sáng tác cả về âm nhạc lẫn văn thơ của Bax trong khoảng từ năm 1903 tới năm 1916 được coi là một phần của phong trào Phục Hưng Văn Học Ailen Cổ. Điển hình trong số đó là các bản thơ giao hưởng Into The Twilight (viết năm 1908), In The Faery Hills (viết năm 1909) và vản Rosc-catha (viết năm 1910) ngoài ra còn cả các tác phẩm thơ và truyện ngắn ông viết bằng tiếng Ai-len dưới bút danh Dermot O’Byrne.

 Ngoài Ailen ra, âm nhạc của Bax còn dược khơi gợi từ nhiều nguồn cảm hứng khác. Các tác phẩm của nhà văn người Na Uy Bjørnstjerne Bjørnson đã góp một phần lớn trong việc đưa âm hưởng từ các nước Bắc Âu vào âm nhạc của Bax. Từ khoảng năm 1905 tới năm 1911, Bax đã khéo léo kết hợp những nét nhạc dân gian của vùng Bắc Âu vào những sáng tác của mình. Thậm chí ông còn thành công trong việc phổ một tác phẩm thơ bằng tiếng Na Uy của Bjørnson vào khúc ca The Flute ( viết năm 1907) với phần đệm piano. Nhưng tác phẩm về sau của Bax  có mang đậm hơi hướng của âm nhạc Bắc Âu gồm có bản Hardanger dành cho 2 piano (viết năm 1927) và thơ giao hưởng The Tale the Pine-Trees Knew (viết năm 1931).

 Năm 1910, mối tình chóng vánh với một cô gái người Ukrainia là Natalia Skarginska đã đem Bax tới tận St Petersburg, Moscow và tới cả Lubny, gần Kiev. Hành trình này đã đưa đến cho sáng tác của Bax những nét nhạc của Nga và Slav. Mối tình với Skarginska kết thúc để lại cho Bax một ám ảnh tinh thần cực độ mà ông không bao giờ hoàn toàn hồi phục nổi. Bản Piano Sonata in F sharp (viết năm 1910, được sửa lại vào năm 1917-20) có lẽ là tác phẩm phản ánh những xúc cảm hoang mang của ông trong thời kỳ này. Các sáng tác dành cho piano solo khác cũng mang đậm chất Nga và Ukrainia là Nocturne–May Night in the Ukraine và Gopak (Russian dance) đều được viết vào năm 1912.

 Năm 1919, Bax cùng ba nhà soạn nhạc người Anh khác được giao nhiệm vụ viết nhạc chờ giữa các màn trình diễn của đoàn múa Balê Russes lừng danh của Sergei Diaghilev tại London. Bax đã kết hợp giai điệu của cả ba đoạn piano sonata mang âm hưởng nước Nga mà ông từng viết trước đó thành một tổ khúc Russian Suite cho dàn nhạc. Năm 1920, ông viết nhạc nền cho vở kịch “The Truth About the Russian Dancers” của J. M. Barrie. Ảnh hưởng từ nước Nga cũng có thể tìm thấy ở nhiều các sáng tác khác của Bax, đặc biệt là ba bản thơ giao hưởng đầu tiên của ông.

 Chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra, Bax tránh được nghĩa vụ quân sự nhờ bệnh yếu tim. Ông sáng tác không mệt mỏi trong suốt những năm chiến tranh đó. Mặc dù vậy, việc Ailen ly khai khỏi Anh Quốc đã khiến tâm trạng ông xấu đi nhiều. Bax tìm kiếm sự cảm thông từ nữ nghệ sĩ pianist trẻ Harriet Cohen. Tình cảm của họ không chỉ đơn thuần là giữa một nhà soạn nhạc và nghệ sĩ nữa. Mối quan hệ của họ kéo dài suốt hơn 40 năm cho tới khi Bax mất. Cohen đem lại cho Bax một niềm cảm hứng mãnh liệt mới trong sáng tác. Năm 1915, chỉ trong 13 ngày ông đã viết tặng Cohen tận 3 bản piano mang tên “The Princess’s Rose Garden”, “The Maiden with the Daffodil” và “In the Vodka Shop”. Sự công kích cay nghiệt từ xã hội tới mối tình cấm đoán này đã khiến cả hai phải chịu nhiều căng thẳng. Chính trong thời kì khó khăn này Bax đã sáng tác ra những bản thơ giao hưởng tuyệt vời như Summer Music (1916), Tintagel (1917) và November Woods (1914-1917). Trong đó Tintagel là thơ giao hưởng nổi tiếng nhất của ông kể về mối tình tuyệt vọng của Tristan và Isolde.

 Những tác phẩm của Bax thời kì này phản ánh tư tưởng rất hoang mang và mâu thuẫn. Điều này thể hiện rõ nhất ở bản Giao hưởng số 1 được hoàn thành năm 1922 của ông. Sau chiến tranh, các sáng tác của Bax đặc biệt được ưa chuộng. Nhạc của ông được trình diễn rộng rãi khắp nơi.

 Từ năm 1928 trở đi, Bax thôi không du lịch tới làng Glencolumbkille mà thay vào đó ông hay lui tới vùng Morar thuộc Scotland để làm việc. Về mùa đông. ông đem những bản thảo dang dở của mình từ London tới khách sạn Station Hotel ở Morar để hoàn thành. Thời gian này ông có một mối tình mới với Mary Gleaves và cô thường hay đi cùng ông tới Scotland. Khoảng những năm giữa thế chiến thứ I và thứ II, Bax tìm lại về nguồn cảm hứng với Na Uy và các nước Bắc Âu. Ông bị cuốn hút bởi chất thơ trong nhạc của Sibelius. Ở Morar, Bax hoàn thành được cả giao hưởng từ số 3 đến 7, cộng thêm cả các tác phẩm đáng giá nhất của ông dành cho dàn nhạc, bao gồm ba bản Northern Ballads. Bax hoàn thành những bản giao hưởng của mình trong một khoảng thời gian tương đối ngắn. Ông được coi như là người kế tiếp truyền thống của nhà soạn nhạc lớn Elgar.

 Bax được phong tước Hiệp Sĩ năm 1937 (Knight Bachelor). Nhưng thực ra ông không mặn mà gì lắm với chức tước đó. Ông bắt đầu thấy sức sáng tác của mình dần cạn kiệt. Bax nói với bạn mình rằng ông cảm thấy kiệt sức và vô cùng cô đơn. Rằng ông cảm thấy vô cùng khó khăn trong việc “trưởng thành”. Tuổi tác và áp lực khiến ông đâm đầu vào nghiện rượu. Bax buồn nản khi nhận ra rằng phong cách của ông quá cổ điển so với các trào lưu âm nhạc hiện đại mới đang trở nên thịnh hành.

 Sự căng thẳng giữa Ailen và Anh Quốc là nguyên nhân chủ yếu gây ra khá nhiều tranh cãi khi Bax được nhận vị trí Master of the King’s Musick (tương đương với nhạc sĩ danh dự của hoàng gia) năm 1942. Nhiều người cho rằng Bax không đơn thuần chỉ là một nhà soạn nhạc Anh Quốc bởi các sáng tác của âm mang nhiều chất nhạc Ailen.

 Trong những tác phẩm về sau, nhạc nền ông viết cho bộ phim Oliver Twist của Malta G.C. là một thành công thực sự. Thế nhưng hào quang của thành công đó không đủ để cải biến quan niệm của giới phê bình và soạn nhạc tân tiến cho rằng các sáng tác của Bax quá cổ lỗ so với âm nhạc hiện đại. Bax rút lui khỏi công chúng và lui về sống ẩn dật tại khách sạn The White Horse thuộc Storrington, Sussex.

 Năm 1947, Elsa vợ của Bax mất. Harriet Cohen, người tình lâu năm của ông, những tưởng rốt cuộc 2 người cũng có thể kết hôn. Cohen đã bị sốc nặng nề khi Bax thú nhận rằng ông còn một mối tình dài 20 năm khác với Mary Gleaves và rằng ông đã thề sẽ không kết hôn nữa. Cohen suy sụp tinh thần và trong cơn tức giận, bà đã “vô tình” va phải một khay cốc thủy tinh. (Phải nhắc thêm rằng thời điểm đó Harriet Cohen là một trong những nghệ sĩ pianist được hâm mộ nhất. Bà được coi là người chơi nhạc Bach xuất sắc nhất trong thế hệ các pianist đương thời.) Tai nạn bất ngờ đó làm tổn thương trầm trọng bàn tay phải của Cohen và gần như kết thúc hoàn hoàn sự nghiệp biểu diễn của bà. Bax phản ứng với tai nạn bằng cách viết riêng cho Cohen một bản piano mới mang tên The concertante for the left-hand (Bản piano concerto dành cho tay trái). Harriet Cohen trình diễn tác phẩm độc đáo đó lần đầu vào tháng 7 năm 1950 và đã giành được rất nhiều sự tán thưởng.

 Năm 1953, Bax còn được vinh danh hơn khi được Nữ Hoàng Anh trân trọng phong là Knight Commander of the Royal Victorian Order (KCVO). Cùng năm đó ông qua đời ở tuổi 69 vì căn bệnh yếu tim và và được chôn cất tại nghĩa trang  St. Finbarr’s thuộc xứ Cork tại Ailen. Một trong những sáng tác cuối cùng của ông là tác phẩm Coronation March for Queen Elizabeth II.

 Các bản nhạc của Bax đẹp như những bức tranh đầy màu sắc. Chúng vẽ lên sự tương phản của nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Trong khi những nhà soạn nhạc cùng thời thập niên 20 và 30 như Stravinsky chuộng theo phong cách Tân Cổ Điển mới thì Bax vẫn giữ nguyên lập trường cũ. Cũng như Strauss và Elgar, các bản giao hưởng của Bax luôn đòi hỏi dàn nhạc quy mô lớn. Cả đời Bax luôn cố gắng giữ cho âm nhạc của mình mang phong thái thời Lãng Mạn. Ông đi ngược lại với phong trào âm nhạc hiện đại và nhất là với trường phái 12 Âm đang càng ngày thịnh hành của Arnold Schoenberg.

 Nhạc Bax có giai điệu đầy màu sắc. Nhiều nhà phê bình phàn nàn rằng các bản nhạc của ông quá cầu kỳ và phức tạp. Những đoạn cao trào thường được tô điểm bằng những nhạc cụ có âm sắc mạnh như kèn đồng và bộ gõ hoặc đôi khi là dùng cả bộ dây để tạo tiếng vang. Với những đoạn tiết tấu chậm, ông dùng những chất liệu âm sắc rất mềm mại và tinh tế. Cách mà Bax phối hợp các nhạc cụ thực ra rất gần với trường phái âm nhạc Ấn Tượng. Người ta nói rằng trong nhạc của Bax có thể tìm thấy cả Richard Strauss lẫn Claude Debussy.

 Sự tương phản mãnh liệt của cảm xúc cũng là một nét đặc trưng trong nhạc của Bax. Trong cùng một chương nhạc, những đoạn nhạc vô cùng mạnh mẽ vừa dứt là ông thường kèm theo sau đó những đoạn có tiết tấu từ tốn và thanh thoát. Trong âm nhạc của mình, Bax phản ánh rõ tình yêu thiết tha với biển. Những đoạn ồn ã nghe tựa như sóng vỗ ầm ầm vào vách đá còn những đoạn nhạc du dương thì giống như ánh sáng mặt trời ấm áp chiếu lấp lánh trên mặt nước biển.  Đặc trưng này của nhạc Bax trước đây bị các nhà phê bình chê là thiếu nhất quán trong chủ đề.

 Sau khi Bax mất, các tác phẩm của ông bị cho là không hợp thời và rơi vào quên lãng và rất hiếm được thu âm. Ngày nay, những tác phẩm của Bax cũng không mấy khi được trình diễn trực tiếp trước công chúng. Tới những năm 60 mới chỉ có 2 bản thu âm các bản giao hưởng của ông. Nhưng từ năm 1966 trở đi,  hãng đĩa chuyên phát hành các bản thu âm của những nhà soạn nhạc Anh Quốc là Lyrita Label bắt đầu cho ra mắt một series các CD nhạc của Bax. Sau đó vào thập kỷ 80 và 90, các hãng đĩa Naxos và Chandos cũng liên tiếp cho phát hành những bản thu âm biểu diễn nhạc của Bax. Giới phê bình bắt đầu quay lại tìm hiểu các tác phẩm phức tạp của nhà soạn nhạc trước đây bị coi là “cổ hủ” này.

 

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: