3 Tiêu Chí Chọn Đàn Piano Cho Người Chơi Chuyên Nghiệp
----------
Để tìm một cây đàn piano rất DỄ hoặc rất KHÓ.
Để tìm một cây đàn Piano không khó, các bạn chỉ cần hỏi nơi bán đàn piano là sẽ ra model mình cần. Rất nhiều người chỉ cho rằng tìm đúng mẫu mã, series, nhìn vào máy móc là có thể dễ dàng đánh giá được nó là “Tốt” hoặc “Xấu”. Các tiêu chí này là cần thiết, tuy nhiên, chúng chỉ mang tính chất tham khảo, đảm bảo tình trạng, năm sản xuất, người mua cũng “an tâm ảo” hơn.
Tuy nhiên, người chơi piano chuyên nghiệp thì lại lựa chọn dựa trên các tiêu chí khác, với các tiêu chuẩn khắt khe hơn rất nhiều mà không phải người bán piano (piano man) nào cũng hiểu được. Điều đáng buồn hơn, đó chính là việc không phải người chơi piano chuyên nghiệp thực sự nào cũng dễ dàng diễn tả hay mô tả được cái “tiêu chuẩn khắt khe” mà họ mong muốn. Điều này đã tạo ra một bức tường vô hình giữa những người bán piano và các người chơi chuyên nghiệp. Vấn đề mà từ trước đến nay chưa có lời giải.
.
Với những bạn am hiểu chuyên môn về ÂM NHẠC và KIẾN THỨC VỀ ĐÀN PIANO đã tích góp được trong nhiều năm nay. Phương sẽ giải thích vừa sơ sơ vừa tận tình cho các anh em trong nghề dễ hiểu.
“TIÊU CHUẨN KHẮT KHE” ĐÓ LÀ GÌ?
Đối với những cây piano mới thì rất dễ so sánh vì chúng đều có các tiêu chuẩn như nhau, nếu có khác nhau thì đó là sự sai số cực kỳ ít nên rất dễ đánh giá và so sánh. Nhưng các cây piano cũ thì lại khác rất nhiều. Khác ở đây là bởi vì đàn piano cũ thì tình trạng không phải cây nào cũng giống cái nào, nên không có giá niêm yết cố định, không có đánh giá nào là chính xác hoàn toàn cả, ngoài những thông tin cơ bản như tình trạng máy, số series, độ mới, những thứ chỉ đánh giá nhanh chóng từ bên ngoài. Để hiểu được sự khác biệt lớn và hiểu được tâm tư hay “tiêu chuẩn khắt khe” của những pianist chuyên nghiệp, anh chị em cần phải tìm hiểu sâu hơn về những yếu tố sau và đây cũng chính là những rào cản của anh em với họ đó:
.
YẾU TỐ ĐẦU TIÊN LÀ DYNAMIC RANGE (DR)
Dynamic Range (DR) chính là dải cộng hưởng vật lý của mỗi cây piano. DR càng rộng, bạn sẽ nghe rõ hơn các tần số thấp và tần số cao nhất của cây đàn piano, chưa kể mỗi tần số có thể thể hiện từ nhỏ nhất đến mạnh nhất một cách rõ ràng mà âm thanh khi phát ra không bị: Bể, đanh, mất đi qua nhanh, độ vang yếu…v.v..Chúng tôi đã thử nhiều cây Yamaha C7 và nhận thấy mỗi cây cho ra mỗi âm sắc khác nhau. Có cây số series rất cao nhưng Dynamic Range rất tệ hoặc có cây series thấp nhưng Dynamic Range vẫn tốt. Tuy nhiên, nhược điểm những cây series thấp quá nhìn chung tiếng khá sáng (vì búa cứng lại qua thời gian) và cần phải voicing lại âm sắc (tone).
.
Để nghe được Dynamic Range rất dễ, anh em chỉnh dây cho chuẩn nhất, voicing sao cho tiếng bớt sáng lại nhất có thể, xong test các quãng, tập trung vào các tần số thấp và cao, nghe nó ngọt, rõ nốt, không nhòe, không đục, không bị mất đi nhanh..v.v. thì cây piano đó có Dynamic Range tốt. Anh em phải tìm mấy cây đàn cao cấp, tập nghe trên nhiều cây piano có Dynamic Range tốt trước, sau đó lấy nó làm tiêu chuẩn, rồi hãy test những cây piano khác của mình mà tự đánh giá… Đây là một trong những chi tiết nhỏ nếu không để ý thì sẽ khó nhận ra, cũng là yếu tố khiến cho những người chơi chuyên nghiệp hài lòng hơn mặc dù họ không biết mô tả nó là gì hoặc chỉ dùng những từ chung chung như, tiếng nó không mạnh, không vang, hay yếu quá….v.v..càng nghe khiến anh em rối hơn. Tuy Dynamic Range thì quan trọng thật đấy, nhưng có một thứ còn quan trọng hơn nữa đó là MÀU ÂM SẮC.
YẾU TỐ THỨ HAI LÀ MÀU ÂM SẮC (COLOUR)
Yếu tố thứ hai đó chính là MÀU ÂM SẮC: Những ai chơi piano cổ điển chuyên nghiệp lâu năm sẽ rất hiểu điều này, vì nhạc cổ điển cho họ tiếp xúc với rất nhiều tác phẩm qua các thời kỳ với các sắc thái âm thanh, kỹ thuật diễn tấu, thuật ngữ mô tả âm thanh khác nhau. Người chơi piano cổ điển để học và hiểu hết tất cả những điều ấy sẽ phải trải qua một quá trình luyện tập rất lâu và gian nan. Nhưng cũng vì thế, người chơi piano cổ điển có trình độ sẽ dễ dàng phân biệt được MÀU ÂM SẮC tốt hơn rất nhiều so với người chơi các thể loại khác.
.
Vậy MÀU ÂM SẮC là gì? Nó chính là sự biến thể của âm thanh qua lực búa khác nhau. Vì thông qua lực búa khác nhau thì ngoài việc Soundboard nó sẽ cộng hưởng và cho ra các mức ÂM LƯỢNG khác nhau theo âm thanh đồng thời cũng cho ra các biến thể âm sắc khác nhau theo lực búa luôn. Nói thì dễ hiểu vậy chứ trên thực tế sẽ rất khó nhận ra nếu anh em không để ý, mà có để ý thì cũng sẽ rất khó nghe, khó cảm và Phương cũng đã gặp rất nhiều anh em Sales piano và khách hàng nhầm lẫn hiểu lầm giữa MÀU ÂM SẮC và ÂM LƯỢNG là một, không phải đâu nhé. Thường Phương thấy chỉ có những người chơi chuyên nghiệp mới nhận ra được sự thay đổi này.. Đối với Soundboard đàn piano cũ nếu chế tạo từ gỗ tốt và kỹ thuật sản xuất tốt, còn sáng màu, thì nó vẫn có xu hướng đàn hồi tốt và cộng hưởng linh hoạt hơn để tạo ra cảm giác biến thể màu âm sắc dễ dàng hơn cho người chơi. Nhưng nếu Soundboard quá cũ, tối màu, thì nó sẽ mất sự đàn hồi và chỉ có thể cho một màu âm duy nhất và cái mà anh em chỉ có thể nghe được sự khác biệt đó chính là sự thay đổi của âm lượng lớn hay nhỏ của nó mà thôi chứ không hề có biến thể về MÀU ÂM SẮC. Chưa kể vì Soundboard mất sự đàn hồi nên độ Dynamic Range sẽ bị yếu đi rõ rệt.
.
Đây chính là yếu tố thứ hai khiến cho người chơi piano chuyên nghiệp và người bán hàng không thể nào hiểu được nhau một cách rõ ràng, thậm chí không thể chia sẻ với nhau được. Nếu là một người bán hàng yếu kiến thức, bạn có thể sẽ không nắm bắt được ý muốn của người chơi là gì.
.
Cứ cho là nếu may mắn tìm được một cây đàn có Dynamic Range rất tốt, MÀU ÂM SẮC cũng rất tốt nhưng lại bỏ sót đi yếu tố quan trọng cuối cùng chính là bàn phím. Nếu một bộ máy phím có tình trạng cũ thì nó sẽ không cho người chơi cảm giác thỏa mãn, mặc dù cây đàn đã đạt cả hai điều kiện trên. Nên yếu tố quan trọng kế tiếp là TOUCH LEVEL
YẾU TỐ THỨ BA LÀ ĐỘ CHẠM PHÍM (TOUCH LEVEL)
Nếu đã giác ngộ được hai điều trên rồi thì yếu tố thứ Ba này anh em sẽ dễ hiểu như ăn cháo. Nhiệm vụ của bàn phím cuối cùng thật ra cũng chỉ là “mở khóa” (Unlock) được hai yếu tố số 01 và số 02 phía trên của cây đàn mà thôi. Bàn phím phải đạt được sự linh hoạt, nhạy, không cần quá nặng hay quá nhẹ. Nên lúc nào cũng phải được kỹ thuật viên quan tâm và chỉnh tốt nhất. Đó là lí do vì sao, những cây đàn piano cao cấp cần phải được bảo trì thường xuyên, chăm sóc kỹ lưỡng hơn rất nhiều so với những dòng đàn thấp cấp khác. Đàn piano phải được điều chỉnh làm sao để búa “strike” vào “string” (Đập vào dây) với nhiều mức độ khác nhau và giảm thiểu nhiều nhất độ trễ từ đầu ngón tay của người chơi đến khi họ nghe ra âm thanh. Điều này được nhận thấy rõ bởi những người chơi đàn piano chuyên nghiệp.
.
Phía trên chính là 03 yếu tố mà người chơi chuyên nghiệp quan tâm. Những cây đàn piano càng cao cấp bao nhiêu, càng đắt tiền thì sẽ càng thể hiện được rõ hơn được 03 yếu tố này và khiến cho người chơi dễ điều khiển hơn, dễ kiểm soát âm nhạc của chính họ hơn. Lưu ý là không phải những cây đàn piano đắt tiền nào đáp ứng được hoàn toàn 03 yếu tố phía trên, ví dụ như những cây piano quá cũ đang được bán với giá quá cao như hiện nay vì sức mạnh thương hiệu, vì độ sang trọng, độ hiếm, phiên bản đặc biệt, giới hạn hay một cây đàn piano nào đó được mọi người săn đuổi…. những mẫu này đã phần mang những giá trị khác và chúng chắc chắc sẽ không so bì được với những mẫu piano tiên tiến nhất hiện nay về khả năng chơi và âm thanh thực sự.
VẬY CHỌN CÁI GÌ BÂY GIỜ?
Vậy sẽ có nhiều anh em sẽ tiếp tục thắc mắc là. Nếu những cây đàn piano cao cấp đều đã đạt đến cả 03 yếu tố trên vậy thì biết nên chọn cái nào, chọn thương hiệu nào.
.
Thưa anh chị em, những dòng đàn thương hiệu cao cấp như Steinway, Fazioli, Bechstein, Mason & Hamlin, Steingraeber & Sohne, Bluthner ..v..v ngoài việc đáp ứng rất tốt cả 03 yếu tố quan trọng phía trên thì sự khác nhau của chúng lại nằm ở CHẤT GIỌNG / CHẤT ÂM (VOICE). Đây là yếu tố cao hơn và nó phụ thuộc vào sở thích của từng nghệ sĩ, mỗi hãng sẽ có một trải nghiệm chất âm riêng biệt, chất âm này phụ thuộc rất nhiều vào trải nghiệm văn hóa, âm nhạc và đặc tính vùng miền của nơi sản xuất ra cây đàn đó. Ví dụ như nhiều người thích Yamaha có chất âm mỏng, hay thích Steinway vì chất âm dày và sự cân bằng, long lanh, hay thích Fazioli vì chất âm trong trẻo, vừa dày và sáng..v.v.. nói chung, trải nghiệm chất âm sẽ có rất nhiều quan điểm khác nhau.
.
Giống như hôm nay bạn thích ăn phở Huế, ngày mai thích ăn Phở Bắc, ngày kia thích ăn Phở miền Nam, bạn hiểu ý Phương không? Tuy cùng là Phở nhưng các trải nghiệm hương vị lại khác nhau, nó liên quan đến đặc tính nêm nếm của từng vùng miền, con người vùng miền đó. Thì âm thanh piano nó cũng giống như vậy, thế thôi.
.
Riêng mình thì cho đến nay, thương hiệu yêu thích nhất của mình là Steingraeber & Sohne, một thương hiệu của Đức cho đến nay vẫn giữ được cho mình truyền thống sản xuất piano chất lượng tốt nhất thế giới và liên tục cải tiến cây piano hiện đại, để càng ngày càng bổ sung cho những nghệ sĩ piano đẳng cấp World Class sự sáng tạo trong lối chơi, tiếp cận âm nhạc cổ điển hiện đại. Đây cũng là thương hiệu piano mình từng trải nghiệm và thấy nó có Dynamic Range tốt nhất trong tất cả các hãng piano, đó là từ pppp đến FFFF, so với các hãng khác chỉ từ ppp đến FFF thì Steingraeber & Sohne thể hiện được 04 x p và 04 x f.