Van Cliburn (Harvey Lavan, Jr.) sinh ngày 12 tháng 7 năm 1934 tại Lousiana là con trai của Harvey Lavan Cliburn và Rildia Bee O’Bryan Cliburn. Khi Van được 6 tuổi, gia đình chuyển xuống Texas. Chính mẹ của cậu, bà Rildia Bee O’Bryan đã dạy cho cậu bé những bài học piano đầu tiên khi Van chỉ mới lên 3 tuổi. Bà Cliburn là học trò của Arthur Friedheim, một người từng được học piano với Anton Rubinstein và Franz Liszt. Van có buổi trình diễn đầu tiên của mình khi mới lên 4 và khi 12 tuổi, cậu bé đã có thể chơi được những tác phẩm rất khó và có buổi biểu diễn đầu tiên cùng dàn nhạc Houston Symphony với tác phẩm mà sau này sẽ gắn chặt với sự nghiệp của cậu: Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc cung Si giáng thứ của Tchaikovsky và giành giải nhất trong một cuộc thi dành cho các nghệ sĩ piano trẻ tại Texas.

17 tuổi, Cluburn vào học tại Julliard Scholl dưới sự hướng dẫn của Rosina Lhevinne, giảng viên piano hàng đầu ở Mĩ. Và Lhevinne cùng với mẹ của Cliburn là những người thầy giáo duy nhất của chàng trai trẻ. Lhevinne là một cô giáo gốc Nga và chính bà đã đưa chất lãng mạn của Nga vào trong tiếng đàn của Cliburn cũng như là người đ. Vào năm 1954, Cliburn có buổi biểu diễn tại một trong những phòng nhạc nổi tiếng nhất trên thế giới: Carnegie Hall với tác phẩm quen thuộc: Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc cung Si giáng thứ của Tchaikovsky dưới sự chỉ huy của Dmitri Mitropolous cùng New York Philharmonic. Buổi biểu diễn thành công rực rỡ và có lẽ đây chính là một trong những yếu tố giúp cho Cliburn giành chiến thắng tại Moscow 4 năm sau đó.

Tháng 3 năm 1958, 50 nghệ sĩ piano trẻ đến từ 19 quốc gia tập trung tại Moscow để tham gia cuộc thi Piano quốc tế mang tên Tchaikovsky lần thứ nhất. Lần đầu tiên đến Moscow, sự hùng vĩ của Quảng trường Đỏ và kiến trúc mái vòm tuyệt đẹp của thánh đường St.Basil cộng với những bông tuyết rơi nhẹ đã khiến Cliburn ngây ngất. Cliburn thú nhận: “Đối với tôi, đó đã trở thành một trong những kỉ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời”. Trở lại với cuộc thi, ban giám khảo là đều là những tên tuổi đáng kính nhất tại thời điểm đó: Sviatoslav Richter, Emil Gilels, Lev Oborin, Dmitri Kabalevsky, Sir Arthur Bliss cùng một vài người nữa và trưởng ban giám khảo không phải ai khác mà chính là nhà soạn nhạc lỗi lạc Dmitri Shostakovich.

Trên thực tế, trước khi cuộc thi diễn ra, những người tổ chức cuộc thi đều muốn 1 người Liên Xô giành được giải nhất. Và người được mọi người hy vọng là Lev Vlasenko. Tuy nhiên sự xuất hiện của Cliburn đã khiến nhiều người lâm vào cảnh khó xử. Trình độ chơi đàn của anh đã làm kinh ngạc tất cả. Tuy nhiên, vẫn xuất hiện một âm mưu để hạ bệ Cliburn. Trên thang điểm từ 0 đến 25, họ sẽ chỉ cho Cliburn khoảng 15 đến 19 điểm và cộng thêm cho những thí sinh khác 1, 2 điểm. Họ nghĩ vậy là đủ để không ai nghi ngờ hành vi của mình. Nhưng Richter và những thành viên khác trong ban giám khảo nhận ra âm mưu này và họ trả lại sự công bằng cho Cliburn bằng cách cho Cliburn điểm cao nhất có thể, thậm chí là điểm tuyệt đối 25. Richter đã cho 12 thí sinh khác điểm 0 (và ông luôn cho Cliburn điểm tuyệt đối) dù rằng trong số đó có những người chơi khá tốt. Sau này phải trả lời rằng tại sao ông lại có cách cho điểm không giống ai như vậy, Richter trả lời: “Chỉ có 2 loại người: hoặc chơi nhạc, hoặc không!”.

Bằng cách này, Cliburn đã tiến thẳng vào vòng 3 và cũng là vòng chung kết. Buổi biểu diễn của Cliburn tại vòng này đã bán hết sạch vé và khán phòng không còn chỗ dù chỉ để đứng. Cliburn chọn 2 tác phẩm: Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc cung Si giáng thứ của Tchaikovsky và Concerto số 3 cho piano và dàn nhạc cung Rê thứ của Rachmaninov. Chỉ huy cho Cliburn là Kiril Kondrashin, người mà Cliburn đánh giá rất cao: “Ông là một trong những nhạc trưởng lỗi lạc nhất mà nước Nga đã sản sinh ra”. Sau khi Cliburn kết thúc phần thi của mình, phòng hòa nhạc như nổ tung bởi những tràng vỗ tay. Sự tung hô kéo dài đến hơn 8 phút. Cliburn hồi tưởng lại: “Bỗng nhiên Gilels tiến lại gần tôi, ông cầm lấy tay tôi giơ lên cao và rồi ôm chặt lấy tôi một cách công khai. Một năm trước đó, tôi đã được nghe nghệ sĩ vĩ đại này chơi tại Carnegie Hall và vô cùng khâm phục ông… Đó là một khoảnh khắc kì diệu!”. Ban giáo khảo quyết định Cliburn giành giải nhất, tuy nhiên quyền quyết định cuối cùng thuộc về Khruschev. Ban giám khảo cử Gilels đi cùng với Bộ trưởng bộ Văn hóa Ekaterina Furtsava đến hỏi ý kiến Khruschev. Khruschev hỏi: “Sao, các nhà chuyên nghiệp nghĩ gì? Cliburn có đúng là người giỏi nhất không?”. Hai người đều khẳng đinh: “Trên thực tế đúng là như vậy”. “Vậy thì hãy trao giải nhất cho anh ta!” người đứng đầu Đảng Cộng sản Liên Xô gật đầu.

Trở về Mĩ, Cliburn được đón tiếp như một vị anh hùng. Trên trang bìa của tạp chí Time số ra ngày 19 tháng 5 năm 1958 đăng ảnh Cliburn trên trang bìa với dòng tít: “Người Texas đã chinh phục nước Nga!” Một tờ báo khác thì chú thích dưới bức ảnh Shostakovich trao huy chương vàng cho Cliburn: “Trong anh ta bao gồm cả Horowitz, Liberace và Presley!”. Cliburn được đón chào hơn bất kì nghệ sĩ piano nào trước đó. Lần đầu tiên trong lịch sử thành phố New York tổ chức một diễu hành có ném băng giấy _ vốn chỉ được dùng khi báo hiệu sự thắng lợi sau khi chấm dứt một cuộc chiến trang hay đón chào những vị nguyên thủ quốc gia, những nhà du hành vũ trụ hay các người hùng thể thao chứ không phải dành cho một nghệ sĩ piano mới 24 tuổi. Cliburn được tổng thống Eisenhower đón tiếp tại Nhà Trắng. Các buổi biểu diễn của Cliburn tại Carnegie Hall vé đều bán hết sạch. Ngoài ra ông còn được mời biểu diễn liên tục tại các thành phố lớn như New York, Boston, Philadelphia, London và Paris. Nhận lời mời của Cliburn, Kondrashin đã sang Mĩ để biểu diễn và ghi âm cùng ông bản Concerto số 1 cho piano và dàn nhạc cung Si giáng thứ của Tchaikovsky cho hãng RCA. Bản ghi âm này đã nhanh chóng bán được hơn 1 triệu bản và trở thành bản ghi âm đầu tiên đạt tới con số này, đến tận bây giờ tổng số là vào khoảng 3 triệu bản.

Cliburn tỏ ra rất gắn bó với đất nước Liên Xô, kể từ sau khi đoạt giải, ông đã quay trở lại nơi đây tất cả 5 lần. Đó là vào những năm 1960, 62, 65, 72 và 89. Trong những lần này, ông đều có những buổi biểu diẽn cùng với các dàn nhạc lớn, các nhạc trưởng nổi tiếng tại những phòng hòa nhạc sang trọng của hầu hết các nước cộng hòa trong liên bang Xôviết.

Sau khi đoạt giải 4 năm, vào năm 1962, Cliburn đứng ra tổ chức cuộc thi Piano quốc tế mang tên mình tại Fort Worth, Texas (nơi ông sinh sống) và cuộc thi nhanh chóng trở thành một trong những cuộc thi uy tín nhất trên thế giới. Và có lẽ đây cũng là cuộc thi hiếm hoi trên thế giới mang tên một nghệ sĩ ngay khi nghệ sĩ đó còn đang sống (ta có thể kể đến cuộc thi Marguerite Long – Jacques Thibaud). Cuộc thi đã thu hút được nhiều nhà tài trợ nên số tiền thưởng cho những người đoạt giải luôn ở mức cao nhất trong các cuộc thi và nhiều thí sinh đoạt giải sau này đã trở thành những tên tuổi lớn như Radu Lupu, Christian Zacharias hay Alexei Sultanov. Đến nay cuộc thi đã diễn ra được tất cả 12 lần.

Van Cliburn còn là người luôn quan tâm đến việc giáo dục âm nhạc cho thế hệ trẻ, đặc biệt là tại nước Mĩ. Ông luôn luôn than phiền rằng nhạc cổ điển không nhận được những sự đầu tư xứng đáng: “Bất cứ khi nào ngân sách rót xuống các trường học, họ đều loại trừ âm nhạc và nghệ thuật. Chúng tôi cần những nhà giáo dục, các nhà chính trị nhận ra rằng thế hệ trẻ của chúng ta cần sự phát triển về tinh thần, mà điều này sẽ đến từ những kích thích của âm nhạc. Trong việc dạy nhạc sẽ có nhiều vấn đề liên quan đến toán học, kiến trúc, triết học, sân khấu và văn học. Từ năm 385 trước Công nguyên, nhà triết học Platon đã nói: “Hình thái cao nhất của toán học là âm nhạc. Không chỉ có vậy, âm nhạc còn mang tính tâm linh, vì vậy âm nhạc làm con người ta cao thượng hơn.”” Cliburn cho rằng thật là bi kịch khi những đứa trẻ thay vì học chơi một loại nhạc cụ nào đó lại chơi trò chơi điện tử. “Âm nhạc có khả năng giúp đỡ cho sự phát triển của bán cầu não phải và trái. Vì vậy giúp tạo ra sự cân bằng giữa logic và mĩ học. Điều chủ yếu là phải cho nó phát triển ngay từ khi còn bé cho đến khi 7 tuổi. Lên 8, 9 tuổi đã là hơi muộn. Đối với việc học nhạc thì càng sớm càng tốt. Tôi luôn luôn thấy một chút khó chịu khi có những người tiến đến gần tôi và hỏi: “Con tôi lên 4 và tôi có thể cho con tôi học nhạc được không?” Và tôi trả lời: “Ngay bây giờ! Một đứa bé sẽ không bao giờ là quá trẻ để học nhạc””. Cliburn _ người đã hưởng lợi rất nhiều từ việc học nhạc từ khi còn rất nhỏ luôn nhấn mạnh rằng trẻ em cần phải học nhạc như là một ngôn ngữ: “Âm nhạc là để đọc, để viết và để thuộc, như bất kì một thứ ngôn ngữ nào khác. Một đứa trẻ muốn có được một sự giáo dục toàn diện phải biết được khuông nhạc, đọc được bản nhạc, xướng âm được và biết được 3 thành phần cấu tạo nên âm nhạc là giai điệu, hòa thanh và nhịp điệu.”

Sự nghiệp ghi âm của Cliburn luôn gắn liền với hãng RCA. Tại đây Cluburn đã thu tất cả những tác phẩm mà mình yêu thích nhất như Concerto số 1 của Tchaikovsky, Concerto số 2, 3 của Rachmaninov (mà Khachaturian đánh giá là hay hơn chính bản thân Rchamaninov chơi), Concerto số 2 của Brahms, Concerto số 1 của Chopin, Liszt .v.v. và nhiều tác phẩm khác nữa. Không chỉ có vậy sự nghiệp biểu diễn của ông cũng thăng hoa, trong thập niên 60, gần như năm nào ông cũng diễn trên 100 buổi một năm tại hầu hết các phòng hòa nhạc nổi tiếng trên thế giới từ châu Âu đến châu Á và Nam Mỹ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rằng danh mục tác phẩm biểu diễn của Cliburn tuy được mở rộng kể từ khi ông đoạt giải nhưng các tác phẩm trọng tâm, các tác phẩm “đinh” trong các buổi biểu diễn thì không nhiều hơn là mấy. Những năm đầu của thập niên 70, các buổi biểu diễn liên tục đã vắt kiệt sức lực của Cliburn. Ông chơi hay dở thất thường và các nhà phê bình lại có dịp phê phán ông, cho rằng ông không chú trọng đến việc duy trì và phát triển khả năng chơi đàn của mình hơn nữa. Bắt đầu cảm thấy mệt mỏi, năm 1974 ông tuyên bố sau khi hoàn thành các hợp đồng, ông sẽ hoãn biểu diễn trên sân khấu một thời gian. Và sau tháng 9 năm 1978 thì ông không tham gia biểu diễn nữa cho đến tận năm 1989, ông mới bắt đầu xuất hiện trở lại tuy nhiên, số lượng cũng rất hạn chế.

Dưới góc độ chính trị, người ta đánh giá rằng, Van Cliburn là một nhân tố làm giảm đi sự căng thẳng và góp phần bình thường hóa quan hệ giữa 2 quốc gia Mĩ và Liên Xô. Ta có thể dễ dàng nhận ra điều này khi biết được rằng Cliburn là một trong những nghệ sĩ Mĩ biểu diễn ở Liên Xô nhiều nhất và đặc biệt hơn trong cuộc gặp gỡ lịch sử của Tổng bí thư đảng Cộng sản Liên Xô Mikhai Gorbachev với Tổng thống Mĩ Ronald Reegan tại Nhà Trắng vào năm 1987, Cliburn khi đó đã vắng bóng trên sân khấu đã được long trọng mời đến biểu diễn. Và 2 năm sau, 31 năm kể từ khi đoạt giải, Cliburn có một chuyến lưu diễn tại phòng Hòa nhạc nhạc viện Tchaikovsky, Moscow và Leningrad.

Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, Cliburn đã giành được rất nhiều danh hiệu. Rất nhiều trường đại học trao tặng ông học vị danh dự như các trường Baylor, Loyola, Texas Christian, Michigan State, đại học Cincinnati, Lousiana State, nhạc viện Tchaikovsky.v.v. Năm 1998, ông được Classical Music Broadcasters Association trao tặng giải thưởng Arturo Toscanini. Tháng 12 năm 2001, Van Cliburn được đích thân Tổng thống George Bush tôn vinh tại trung tâm Kennedy vì những đóng góp của ông cho sự phát triển của văn hóa Mĩ. Tuy nhiên, trên hết tất cả những người yêu âm nhạc cổ điển luôn kính trọng và quí mến Van Cliburn ở sự cống hiến hết mình cho cây đàn piano, cho âm nhạc cổ điển và cho sự hòa bình của thế giới này!

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: