PONSELLE, ROSA

Đứng dưới góc độ lịch sử mà nhìn nhận thì Ponselle có một vai trò vô cùng quan trọng. Bà chính là ca sĩ Mĩ đầu tiên được thừa nhận tài năng trên phạm vi toàn thế giới, cũng là ca sĩ Mĩ đầu tiên hát tại Metropolitan và đặc biệt là Ponselle hoàn toàn không được đào tạo tại châu Âu, cái nôi của nghệ thuật opera. Còn dưới góc độ nghệ thuật thì có lẽ chưa cần nghe bà hát mà chỉ cần đọc lời nhận xét của một Callas vốn nổi tiếng về sự kiêu ngạo: “bà chính là ca sĩ xuất sắc nhất trong số chúng ta” thì chắc hẳn chúng ta cũng đồng ý rằng Ponselle là một ca sĩ xuất chúng. Còn nếu như đã từng được thưởng thức giọng hát của bà thì hẳn chúng ta hiểu được rằng tại sao nhạc trưởng Tulio Serafin thừa nhận rằng: “Trong đời tôi có 3 ca sĩ kì diệu: Enrico Caruso, Tito Ruffo và Rosa Ponselle”.

 Rosa Ponselle chào đời ngày 22 tháng 1 năm 1897 tại Meriden, Connecticut với tên khai sinh là Rose Melba Ponzillo. Cô là con út trong số 3 người con của một gia đình người Ý nhập cư. Ngay từ nhỏ Rosa đã có giọng hát bẩm sinh tuyệt đẹp và cô bé thường xuyên hát véo von trong suốt tuổi thơ của mình. Người mẹ chính là giáo viên thanh nhạc đầu tiên của cô. Rosa thường xuyên hát tại những rạp chiếu phim, quán café, nhà thờ tại Meriden và nhanh chóng nổi tiếng khắp địa phương về giọng hát thiên thần của mình. Trong thời gian này, Rosa cũng có những buổi học với Anna Ryan.

Carmela, chị cả của Rosa có một chất giọng mezzo-soprano khá đẹp và thường xuyên tham gia vào các chương trình ca nhạc tạp kĩ. Năm 1915, Carmela dẫn cô em gái đến nhà hát và giới thiệu Rosa với các khán giả của mình. Bị chế nhạo vì vẻ ngoài quá to béo nhưng Rosa đã chinh phục công chúng bằng giọng hát tuyệt vời. Tuy nhiên chỉ có Carmela xuất hiện trên sân khấu còn Rosa thì ẩn ở phía sau cánh gà. Sau 3 năm, chị em nhà Ponzillo (dưới cái tên “Những cô thợ may Ý”) trở thành những tiết mục “đinh” tại Keith Circuit cũng như hầu hết các nhà hát trong vùng đồng thời có được thu nhập khá ổn định. Họ thường xuyên hát những bản ballad và một số trích đoạn trong những vở opera.

Năm 1918, Carmela và Rosa yêu cầu Keith Circuit phải tăng lương cho họ vì những kết quả khả quan mà họ mang lại. Cũng trong thời gian này, Carmela theo học thanh nhạc tại New York với William Thorner, thầy giáo và ông bầu khá nổi tiếng. Thorner cũng đã nghe Rosa hát và ngay lập tức đưa ra lời đề nghị dạy Rosa (tuy nhiên sau này, Ponselle luôn từ chối rằng mình đã từng học với Thorner, dù rằng trong những lời giải thích của bà luôn tồn tại sự mâu thuẫn). Thorner đã mời Enrico Caruso, khi đó đang là ngôi sao sáng nhất của Metropolitan Opera đến nghe thử 2 chị em hát và Caruso tỏ ra vô cùng kinh ngạc với giọng hát của Rosa và ông quyết định đứng ra dàn xếp với Giulio Gatti-Casazzi, tổng giám đốc của Met để Rosa có buổi ra mắt khán giả Met cũng như kí hợp đồng biểu diễn với nhà hát trong mùa diễn 1918 – 1919.

Vào ngày 15 tháng 11 năm 1918, Rosa Ponselle đã có buổi ra mắt khán giả Met với vai Leonora trong La forza del destino của Verdi (đây cũng là lần đầu tiên La forza del destino xuất hiện trên sân khấu Met) cùng với Enrico Caruso và Giuseppe de Luca. Đó cũng là lần đầu tiên xuất hiện của Ponselle trên một sân khấu opera. Mặc dù “các dây thần kinh hầu như bị tê liệt (điều mà Ponselle thường xuyên gặp trong suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình), cô đã giành được thành công vô cùng vang dội, chinh phục hoàn toàn công chúng cũng như giới phê bình. Nhà phê bình James Huneker của New York Times đã viết: “Một sự ra mắt đầy hứa hẹn làm sao! Cùng với sự thu hút đặc biệt, cô còn sở hữu chất giọng đẹp tự nhiên. Đó là một giọng hát vàng ròng, trong mọi tình huống, âm khu thấp và trung vẫn ngọt ngào, ấm áp, mềm mại, giàu màu sắc và càng lên cao thì càng rực rỡ”. Cũng chính Huneker là người sau này đã đặt cho Ponselle một biệt danh trìu mến: “Caruso mặc váy”.

Cùng với Leonora, những vai diễn khác của Ponselle trong mùa diễn đầu tiên tại Met là Santuzza (Cavalleria Rusticana), Rezia (Oberon, Weber) và Carmelita trong vở opera lần đầu tiên được công diễn trên thế giới: The Legend của Joseph Breil. Tuy nhiên, The Legend không giành được thành công và Ponselle tỏ ra vô cùng ghét vai Carmelita, sau này bà đã đốt tổng phổ vở opera và dè bỉu: “vở opera toát ra mùi hôi hám của một cái chuồng mèo”.

Trong những mùa diễn tiếp theo tại Met, Ponselle đóng những vai nữ chính trong các vở La Juive (với Caruso trong vai Eléazar, vai diễn mới cuối cùng của ông trước khi qua đời), Guillaume Tell, ErnaniIl trovatoreAidaLa Gioconda, Don Carlo, L’Africaine, L’amore dei tre re, Andrea Chenier, La vestale và vào ngày 16 tháng 11 năm 1927 là vai diễn mang lại danh tiếng lẫy lừng và là thành tựu cao nhất trong sự nghiệp của Ponselle: Norma trong vở opera cùng tên của Bellini. Khi đã là ngôi sao của Met, Ponselle bắt đầu tham gia trong các chương trình concert.

Bên ngoài nước Mĩ, Ponselle chỉ xuất hiện tại Covent Garden, London (trong 3 mùa diễn) và ở Ý (tuy nhiên theo một lời hứa thầm kín của bà với mẹ mình, Ponselle chỉ hát có 1 vai tại Ý). Năm 1929, Ponselle lần đầu đến châu Âu và hát tại Royal Opera House, Covent Garden, cho đến thời điểm này, danh tiếng của bà hoàn tập tập trung tại Mĩ và có thể nó, bà còn vô danh ở châu Âu. Trong mùa diễn đầu tiên ở đây, Ponselle đã hát 2 vai: Norma và Gionconda và giành được những lời hoan hô vang dội của những khán giả London vốn nổi tiếng trầm tĩnh và kín đáo. Trong năm tiếp theo, bà trở lại đây trong các vở Norma, L’amore dei tre re, và La traviata (đây cũng là lần đầu tiên bà xuất hiện trong Violetta). Năm 1931, trong mùa diễn cuối cùng tại Covent Garden, Ponselle đã hát trong La forza del destinoFedra (vở opera của người quản lí cũng đồng thời là người bạn lâu năm của bà: Romano Romani) và La traviata.

Năm 1933, Ponselle hát buổi duy nhất tại Ý khi bà xuất hiện trong vai Giulia (La vestale, Gaspare Spontini) tại Maggio Musicale, Florence. Và cũng như ở London, khán giả đã dành cho bà những tình cảm hết sức nồng nhiệt. Trong đêm diễn, Ponselle đã phải hát lại aria “O nume tutelar”, một điều rất hiếm thấy trong biểu diễn opera. Thành công này đã khiến Ponselle cân nhắc đến lời mời của La Scala, Milan tuy nhiên sau khi chứng kiến sự chế nhạo có phần thái quá của một khán giả Florence với tenor nổi tiếng Giacomo Lauri-Volpi khi ông bị vỡ giọng ở một nốt cao bà đã quyết định không thử sức thêm nữa ở địa hạt opera hiển nhiên đầy khó tính tại Ý này. Ngoài những buổi biểu diễn tại London và Florence, Ponselle không bao giờ hát tại bên ngoài nước Mĩ nữa.

Ponselle tiếp tục cộng thêm những vai diễn mới vào danh mục tác phẩm biểu diễn của mình trong thập niên 30. Năm 1930 bà rất thành công khi vào vai Donna Anna (Don Giovanni) nhưng với lần xuất hiện đầu tiên trước khán giả New York trong Violetta (mà bà đã được tung hô rất nhiều khi ở London) thì Ponselle lại nhận được những lời nhận xét khá nhiều chiều, nhiều nhà phê bình cho rằng bà đã thể hiện một Violetta quá mạnh mẽ và kịch tính (W.J. Henderson đã phàn nàn về những lần “hành hạ” dây thanh quản của bà). Năm 1931, lại một lần nữa Ponselle có buổi ra mắt đầy thất vọng, chìm nghỉm không hề để lại chút ấn tượng nào trong dịp công diễn lần đầu tiên một vở opera, lần này là La notte di Zoraima của Montemezzi. Năm 1935, Ponselle lần đầu tiên hát Carmen tại Met. Dù rằng có rất nhiều ca sĩ đã thành công với vai này cũng như có sự chuẩn bị rất kĩ càng nhưng bà đã bị giới phê bình New York đập cho tơi tả, đặc biệt là Olin Downes của New York Times, người mà với những bình luận gay gắt đến mức độc ác đã thật sự làm bà đau đớn. Trong 2 mùa diễn cuối cùng của Ponselle ở Met, bà chỉ hát trong 2 vở là Carmen và Cavalleria Rusticana nhưng cả 2 vai này đều không góp phần làm tăng thêm danh tiếng cho bà. Mối bất hòa giữa Ponselle và ban giám đốc Metropolitan về danh mục biểu diễn của bà đã dẫn đến việc nhà hát không tiếp tục kí hợp đồng với bà trong mùa diễn 1937 – 1938 nữa. Buổi biểu diễn opera cuối cùng của bà diễn ra vào ngày 22 tháng 4 năm 1937 với vai Carmen trong chuyến lưu diễn của Met tại Cleveland. Khi đó bà mới 40 tuổi, đang ở đỉnh cao của sự nổi tiếng và giọng hát vẫn còn vô cùng quyến rũ.

Ponselle không hề có ý định hay chủ tâm giải nghệ sau khi rời bỏ Met, dù rằng có những việc cho thấy rõ ràng rằng bà đã để cơ hội trôi qua tầm tay. Có khá nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc này: giọng hát dù vẫn còn rất tuyệt vời nhưng bắt đầu có những dấu hiệu suy yếu; bất mãn vì bị ban giám đốc Met từ chối cho nhận một vai mới (Ponselle muốn hát Adriana Lecouvreurcủa Cilea nhưng với một cữ âm thấp hợp với bà nhưng bị tổng giám đốc Edward Johnson khước từ); sự mệt mỏi cả về thể xác lẫn tinh thần sau 19 năm biểu diễn liên tục ở đỉnh cao, một đám cưới vào năm 1936 với “đại gia” Carle Jackson và hơn cả là chính tư tưởng muốn có cuộc sống nhàn hạ, không phải biểu diễn mà bà đang sở hữu. Sau này Ponselle nói lại rằng không bao giờ bà nhớ sân khấu sau khi nghỉ hưu. Bà và Jackson xây một ngôi nhà sang trọng (Villa Pace) ở Baltimore và 2 người sống ở đó. Tuy nhiên, đây là một cuộc hôn nhân không bền vững và 2 người chia tay nhau vào năm 1949. Sự kiện này đã gây ra vết thương lòng rất lớn đối với Ponselle, bà đã vô cùng đau khổ. Dù rằng không bao giờ còn xuất hiện trên các sân khấu opera hay trong các concert nhưng bà vẫn hát tại nhà riêng cho những người bạn thân của mình và họ đều nhận xét rằng giọng hát của bà vẫn còn rất tuyệt vời như ngày nào. Điều này được khẳng định khi vào năm 1954, hãng thu âm RCA Victor đến Villa Pace và ghi âm giọng hát của bà trong một số ca khúc. Trong những năm cuối thập niên 40, bà trở thành người hướng dẫn nghệ thuật cho nhà hát còn non trẻ Baltimore Civic Opera, Ponselle dạy hát cho những ca sĩ trẻ của nhà hát. Trong số những người đã học Ponselle, có rất nhiều ca sĩ đã trở thành những tên tuổi lớn của nền opera thế giới như Beverly Sills, Sherrill Milnes, Raina Kabaivanska, Samuel Ramey, Louis Quilico, Plácido Domingo hay James Morris.

Rosa Ponselle qua đời tại nhà riêng ở Baltimore, Maryland vào ngày 25 tháng 5 năm 1981. Bà được chôn tại nghĩa trang Druid Ridge Cemetery, Baltimore.

Ponselle có một giọng hát đẹp và khêu gợi một cách kì lạ, nhiều màu sắc đến nỗi có người đã so sánh giọng hát của bà với một hỗn hợp gồm rượu vang đỏ (nồng cháy), nhung màu hạt dẻ (mượt mà) và màu nâu của chocolate (ngọt ngào). Hồi trẻ, âm vực của bà lên đến 3 quãng 8 (từ C1 đến c2) và đẹp trên hầu hết âm vực, chủ yếu là âm khu thấp và trung. trong Ponselle cũng sở hữu một kĩ thuật legato hoàn hảo, không một chút gợn. Đồng thời, Ponselle có một khả năng mezza di voce tuyệt vời cũng như có thể thể hiện mọi cung bậc của cảm xúc, từ những đoạn forte mãnh liệt cho đến những làn hơi pianissimo mảnh như tơ nhưng vẫn vang đến mọi ngóc ngách của nhà hát. Giọng hát của Ponselle thực sự có lẽ là nữ cao kịch tính (dramatic soprano) nhưng bà vẫn có thể hát, thậm chí là rất tuyệt vời một vai vốn dành cho giọng nữ cao màu sắc như Norma. Dù rằng không phải là một coloratura soprano như Luisa Tetrazzini hay Amelita Galli-Curci nhưng khả năng linh hoạt trong giọng hát giúp bà dễ dàng điều khiển những đoạn chạy nốt đặc trưng vốn là “đặc quyền” của giọng nữ cao màu sắc. Có lẽ chính sự đa dạng này đã khiến Pavarotti phải thừa nhận: “Ponselle là hoàng hậu của các hoàng hậu”.

Tuy nhiên, cũng có đôi chút khiếm khuyết, hay nói đúng hơn là một khuyết điểm duy nhất trong giọng hát của bà. Điều này có lẽ xuất phát từ yếu tố tâm lí nhiều hơn là năng lực. Ngay từ khi còn nhỏ, Ponselle đã có một nỗi ám ảnh sợ lên nốt c2. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 1955, bà cho biết rằng công việc đầu tiên bà làm khi nhận một vai mới là mở tổng phổ và đếm xem có bao nhiêu nốt c2 trong vai diễn của mình. Cũng chính vì lí do này mà trong suốt sự nghiệp của mình, Ponselle đã rất nhiều lần dịch giọng vai diễn của mình, điển hình nhất là trong Norma, bà đã thay thế tất cả các nốt c2 bằng b1. Trong những năm cuối của sự nghiệp, tuy vẫn còn khá trẻ nhưng âm vực của bà đã bắt đầu hẹp lại, âm sắc bắt đầu tối hơn và có thể nói bà đã trở thành một mezzo-soprano, giống như những gì mà Marilyn Horne hay Regina Resnik đã trải qua. Nếu như Ponselle tiếp tục hát trong những năm 1940 thì rất có khả năng bà đã thành một mezzo-soprano thực sự. Và một điều đặc biệt cuối cùng, là danh mục biểu diễn của Ponselle trải dài từ Mozart đến Mascagni nhưng chưa bao giờ bà hát một vở opera nào của Puccini trên sân khấu.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: