Là một nghệ sĩ nổi bật trong số những nhạc công hàng đầu thế giới trong thời đại chúng ta, nghệ sĩ dương cầm Việt Nam Đặng Thái Sơn được thế giới âm nhạc biết đến vào tháng 10 năm 1980, khi ông giành giải nhất và huy chương vàng trong cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 10 tại Warsaw, Ba Lan. Đây cũng là lần đầu tiên một nghệ sĩ châu Á giành được vị trí đầu tiên tại một cuộc thi âm nhạc tầm cỡ hàng đầu thế giới.

 Đặng Thái Sơn sinh ngày 2 tháng 7 năm 1958 tại Hà Nội, là con của nhà thơ Đặng Đình Hưng và nữ nghệ sĩ dương cầm Thái Thị Liên – một trong những nữ nghệ sĩ dương cầm đầu tiên của Việt Nam, người tốt nghiệp khoa Piano tại Nhạc viện Prague – Tiệp Khắc. Đặng Thái Sơn bắt đầu học piano cùng mẹ tại Hà Nội từ năm lên 4 tuổi. Năm 1974, giáo sư âm nhạc người Nga Isaac Katz trong 6 tháng phụ trách bộ môn âm nhạc cổ điển Tây phương tại nhạc viện Hà Nội đã phát hiện ra Đặng Thái Sơn và góp tiếng nói, đề nghị Nhà nước Việt Nam cho ông được sang Liên Xô đào tạo tại nhạc viện Tchaikovsky, Moscow. Tại đây Đặng Thái Sơn theo học cùng với Vladimir Natanson và Dmitri Bashkirov.

Năm 1980, từ nhạc viện Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn sang Warsaw, Ba Lan để tham dự cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin lần thứ 10 và giành giải nhất. Cũng trong cuộc thi này, Ivo Pogorelich, một thí sinh người Nam Tư cùng học với Đặng Thái Sơn tại nhạc viện Tchaikovsky và được mệnh danh là “phù thủy của cây đàn piano”, bị loại ở vòng ba. Trước sự kiện này, nữ nghệ sĩ piano nổi tiếng Martha Argerich trong hội đồng giám khảo tức giận bỏ ra về khi cuộc thi vẫn đang tiếp diễn. Thí sinh chiến thắng trong cuộc thi này là Đặng Thái Sơn nhưng trên thực tế, sau cuộc thi Pogorelich mới là cái tên được nhắc tới nhiều hơn. Ngày nay cái tên Ivo Pogorelich cũng trở nên rất nổi tiếng. Từ năm 1989, đã có hẳn một Festival mang tên Pogorelich và tháng 12 năm 1993, Pogorelich đã thành lập “International Solo Piano Competition” dành cho các pianist trẻ tuổi với giải thưởng dành cho giải nhất lên đến 100.000 USD.

 Trở lại với cuộc thi piano quốc tế mang tên Frederic Chopin lần thứ 10, ngoài giải thưởng lớn ra, Đặng Thái Sơn còn đoạt thêm tất cả những giải phụ do các tổ chức, cơ quan khác trao tặng. Trong cuộc thi lần thứ 10 có 3 giải phụ: giải của Polish Radio về Mazurka, giải của Frederick Chopin Society về Polonaise và giải của National Philharmonic về Concerto (giải polonaise và concerto, Đặng Thái Sơn chia sẻ vinh dự cùng với pianist người Liên Xô đoạt giải nhì năm đó Tatyana Shebanova). Đây cũng là một thành tích đáng nhớ trong lịch sử giải Chopin. Đặng Thái Sơn là người duy nhất đã chiếm nhiều giải hơn bất cứ ai đã từng thắng giải Chopin từ trước đến thời điểm đó. Maurizio Pollini (Italia, lần thứ 6 1960) không chiếm được một giải phụ nào cả. Martha Argarich (Argentina, lần thứ 7, 1965) và Garrick Ohlsson (Mĩ, lần thứ 8, 1970) mỗi người chiếm được một giải về mazurka. Krystian Zimerman (Ba Lan, lần thứ 9, 1975) chiếm được giải mazurka và polonaise. Sau chiến thắng của Đặng Thái Sơn, Stanislav Bunin (Liên Xô, giành giải nhất trong cuộc thi Chopin lần thứ 11, 1985) chiếm được giải polonaise và concerto. Lần thứ 12 và 13 không có ai đạt được giải nhất Chopin. Yundi Li (Trung Quốc, lần thứ 14, 2000) chiếm giải polonaise. Tuy nhiên đến năm 2005, kỉ lục này đã bị phá khi tài năng trẻ người Ba Lan Rafa Blechacz đã giành được huy chương vàng kèm thêm 4 giải thưởng phụ: mazurka, polonaise, concerto và sonata (lần đầu tiên xuất hiện giải thưởng này do Krystian Zimerman trao). Với chiến thắng được coi là “kì tích” này, Đặng Thái Sơn đã được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu cao quý: Nghệ sĩ Nhân dân trong đợt trao giải thưởng này lần đầu tiên vào năm 1984 khi ông mới 26 tuổi – ông cũng trở thành nghệ sĩ trẻ tuổi nhất có được danh hiệu này.

 Sau khi giành giải thưởng trong cuộc thi âm nhạc Chopin, sự nghiệp lưu diễn quốc tế để đưa Đặng Thái Sơn đi qua hơn 40 quốc gia, ông đã biểu diễn tại những phòng hòa nhạc nổi tiếng thế giới như Lincoln Centre (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herculessaal (Munich), Musikverein (Vienna), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo).

 Đặng Thái Sơn đã từng biểu diễn với nhiều dàn nhạc hàng đầu thế giới như Leningrad Philharmonic, Montreal Symphony Orchestra, BBC Philharmonic, Prague Symphony, Moscow Philharmonic, Russian National Symphony Orchestra, Staatskapelle Berlin, Vienna Chamber Orchestra, Sinfonia Varsovia và Sydney Symphony Orchestra.  Ông cũng được làm việc với những chỉ huy danh tiếng như Sir Neville Marriner, Mariss Jansons, Pinchas Zukerman, Dmitri Kitaenko, Pavel Kogan, Jerzy Maksymiuk, Vladimir Spivakov…

 Năm 1995, ông đã tham gia vào một sự kiện âm nhạc tầm cỡ thế giới Japanese Broadcasting Corporation được tổ chức, cùng tham gia vào sự kiện đó có những nhân vật nổi tiếng khác như Yo-Yo Ma, Seiji Ozawa, Kathleen Battle và Mstislav Rostropovich. Tháng 1 năm 1999, ông là nghệ sĩ nước ngoài duy nhất được mời tham dự như một solist cùng với Warsaw National Opera Theatre Orchestra trong Gala âm nhạc mở đầu năm Chopin, nhân dịp kỉ niệm 150 năm ngày mất của nhà soạn nhạc vĩ đại (1849 – 1999).

 Nhiều cuộc trình diễn được biết đến khác của ông bao gồm 5 lần biểu diễn trong Festival âm nhạc của Isaac Stern tại Miyazaki (Nhật) cũng như 6 tour lưu diễn ở Trung Quốc. Tại Bắc Mỹ, ông cũng được mời trình diễn hai lần biểu diễn mở đầu chính tại Woman’s Musical Club tại Toronto và Jordan Hall tại Boston, cũng như tham gia vào ban giám khảo cuộc thi Piano quốc tế Cleveland.

 Trong mùa diễn 2001 – 2002, Đặng Thái Sơn là solist khách mời cùng với City of Birmingham Symphony Orchestra, dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Sakari Oramo, Baden-Baden Symphony Orchestra và trình diễn các buổi hòa nhạc tại Trung Quốc, Nga, Pháp, Nam Mỹ, Canada và Mỹ tại học viện danh tiếng Tcu-Cliburn.

 Tháng 10 năm 2005, Đặng Thái Sơn là nghệ sĩ piano khách mời duy nhất biểu diễn cùng Warsaw Philharmonic tại Gala âm nhạc mở màn cuộc thi piano quốc tế Chopin lần thứ 15 tại Warsaw, đồng thời ông cũng được mời vào ban giám khảo tại cuộc thi này.

 Từ năm 1987, ông là giáo sư khách mời tại Kunitachi Music College (Tokyo). Theo lời mời của Vladimir Ashkenazy, ông cũng giảng dạy một lớp cao học tại Berlin vào tháng 10 năm 1999, cùng với Murray Perahia và chính Ashkenazy. Hiện nay ông đang giảng dạy tại trường Đại học Montréal (Québec, Canada). Ông là nghệ sĩ châu Á đầu tiên được mời giảng dạy tại đây.

 Đặng Thái Sơn đã thu âm rất nhiều các tác phẩm âm nhạc cho các hãng thu âm như Deutsche Grammophon, Melodya, Polskie Nagrania, CBS Sony, Victor JVC và Analekta. Những bài trình diễn của ông thường là những tác phẩm của Frédéric Chopin,  cũng như những tác phẩm của những nhà soạn nhạc nổi tiếng (Beethoven, Schumann, Grieg, Mozart, Rachmaninov…). Sự nghiệp của Đặng Thái Sơn gần như gắn liền với Chopin. Đặng Thái Sơn đã thu âm gần như tất cả các tác phẩm của Chopin. Ông đã ghi âm 2 concerto, toàn bộ waltz, toàn bộ nocturne kể cả những bài được phát hiện sau khi Chopin mất (posthumous), toàn bộ polonaise, toàn bộ prelude, đầy đủ ballade, scherzo, sonata.v.v. Bên cạnh đó cũng có 1 đĩa nhạc rất đáng chú ý khi Đặng Thái Sơn cùng với Andrei Gavrilov – pianist người Nga, người giành giải nhất cuộc thi piano quốc tế mang tên Tchaikovsky năm 1974 ghi âm các Concerto dành cho 2 piano và dàn nhạc của Wolfgang Amadeus Mozart và Felix Mendelssohn.

 Một điểm khác biệt khi nghe Chopin của Đặng Thái Sơn so với các nghệ sĩ khác là tiếng đàn của ông rất nhẹ nhàng, thanh thoát. Những bài hùng mạnh như polonaise; những bài mơ màng, êm ái như các nocturne; vui tươi, thanh thoát như các valse; ảm đạm như những prelude ông đều đối xử với Chopin rất chừng mực. Nếu phải mạnh thì cũng chỉ mạnh đủ để mình hiểu đó là mạnh. Những đoạn êm dịu thì Đặng Thái Sơn thật tuyệt diệu. Âm thanh như thủ thỉ vào tai, bẽn lẽn, ngập ngừng, tỉ mỉ, ân cần, lả lướt, bay bướm. Tuy nhỏ nhẹ nhưng nghe rất rõ, không mất chút chi tiết nào. Khi một phóng viên hỏi ông “Chơi nhạc Chopin như thế nào?”, ông đã trả lời: ”Âm nhạc Chopin là cái gì đó anh không thể dạy được và anh cũng không thể học được thực sự. Dĩ nhiên là có những thứ cần phải học, như phong cách Chopin, thành thạo kỹ thuật, những thứ anh tập luyện trong nhạc viện. Tuy nhiên sự phức tạp của âm nhạc này đến với linh cảm của riêng anh. Nó ở trong trái tim của anh. Khi tôi so sánh cách trình bày nhạc Chopin của tôi cách đây 25 năm với cách của tôi bây giờ, chúng rất khác nhau. Nhưng, trong một nghĩa nào đó, tôi đã đi được một vòng, tôi hiện lại đứng tại điểm xuất phát. Lúc đầu lối chơi của tôi mang nhiều chất thơ, tôi tìm kiếm sự tinh khiết trong âm nhạc. Sau đó là giai đoạn tôi thử làm mình trở nên bi kịch nhiều hơn, nhiều đen và trắng hơn, đại loại như vậy. Bây giờ tôi cần sự cân bằng trở lại, Nhưng bây giờ không chỉ có đẹp và thơ, mà còn rất nhiều đau đớn nữa. Anh cần cuộc đời cho anh sự trải nghiệm”.

 Là người Châu Á, Đặng Thái Sơn có những cách thể hiện và cảm nhận các tác phẩm cổ điển riêng, khác với các nghệ sĩ Châu Âu. Trong một cuộc phỏng vấn với báo điện tử Vietnamnet, ông đã nói: “Cây đàn Piano là của châu Âu, mình là người Á Đông, sức vóc không thể địch lại các bạn châu Âu được. Mình có cách của mình. Họ vận sức, mình vận khí, Sơn vẫn tập Yoga để thể  hiện được tinh thần – phần hồn của bản nhạc. Phải luôn hiểu cái mạnh, cái yếu của mình để phát huy cái mạnh, khắc phục cái yếu nhằm đạt hiệu quả trong thể hiện các tác phẩm… Sơn cảm nhận từ mình ra rằng: người Á Đông sức vóc có hạn, nhưng cảm nhận rất tinh tế, làm những cái tỉ mỉ, tỉa tót thì rất tốt, nhưng làm cái tổng thể, vĩ mô thì hơi yếu. Cây đàn Piano là một cỗ máy âm nhạc đồ sộ, phải bắt nó phục tùng mình một cách tốt nhất. Chơi Piano đánh mạnh là rất dễ, nhưng chơi những nốt nhỏ mới khó, không khéo sẽ mất nốt. Những nốt nhỏ gieo vào lòng người nghe những ấn tượng có khi mạnh hơn cả những âm thanh choáng ngợp…” Năm 2001 tại Miyazaki, Nhật-Bản, nghệ sĩ violin xuất chúng Isaac Stern đã gọi Đặng Thái Sơn là “A genuine musician”! (Một nghệ sĩ chân chính).

Tháng 11 năm 2005, nghệ sĩ piano Đặng Thái Sơn và Budapest Operetta Theatre Orchestra đã thực hiện chuyến lưu diễn Toyota Classics 2005 tại một số thành phố lớn của châu Á, trong đó có Nhà hát lớn Hà Nội. Chương trình đã làm nên sự kiện Đặng Thái Sơn và góp phần đưa Đặng Thái Sơn vào một trong 11 gương mặt châu Á nổi bật trên các phương tiện truyền thông của châu lục do báo The Nation, tờ báo lớn nhất ở Thái Lan bình chọn trong năm đó. Và vào tháng 11 năm 2006, Đặng Thái Sơn lại trở về biểu diễn tại Nhà hát lơn Hà Nội trong đêm nhạc đầy cảm động nhân dịp kỉ niệm 50 năm thành lập Nhạc viện – mái trường xưa yêu dấu và cũng là để tri ân với cái nôi đã ươm mầm tài năng và chắp cánh cho người nghệ sĩ tài hoa. NSND Đặng Thái Sơn tâm sự: “Đối với tôi, chơi đàn tại quê hương mình không bao giờ là đủ”!

Mặc dù sống ở Canada, Đặng Thái Sơn tin rằng ông vẫn đóng góp thiết thực cho đất nước. Ông mơ ước mở một ngôi trường dạy nhạc ở Việt Nam để đào tạo tài năng nghệ thuật cho quốc gia. Và với những sinh viên trẻ tuổi Việt Nam đang theo học tại các Nhạc viện trong nước cũng như trên khắp thế giới tràn đầy khát vọng và sự cống hiến cho một nền âm nhạc cổ điển Việt Nam lớn mạnh, tượng đài Đặng Thái Sơn sừng sững vẫn luôn là cái đích để họ ước mơ và vươn tới!

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: