DEL MONACO, MARIO

 

“Ca hát chẳng sung sướng như vẽ tranh. Nếu không may hát nhầm một note, anh sẽ bị phê bình, còn nếu bôi nhầm mầu, có khi anh lại được tán dương” – Mario del Monaco

 Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử opera. Nó đánh dấu sự xuất hiện của một thế hệ ca sĩ mới xuất sắc và đầy tài năng. Nếu coi Maria Callas và Renata Tebaldi là 2 prima donna nổi tiếng nhất của thời kì này thì 2 “primo tenor” tương xứng sẽ là Giuseppe di Stefano và Mario del Monaco. Giọng hát kịch tính, mạnh mẽ đầy nam tính của del Monaco như một đối trọng với giọng hát trữ tình tuyệt đẹp của di Stefano. Và một điều hết sức thú vị là del Monaco chính là người thể hiện vai nam chính trong buổi biểu diễn debut của Callas tại La Scala, Milan (trong I Vespri Siciliani của Giuseppe Verdi, năm 1951) và cũng là người thể hiện vai nam chính trong buổi biểu diễn debut của Tebaldi (trong Otello, Verdi, năm 1955) tại Metropolitan Opera, New York – 2 nhà hát gắn liền với tên tuổi của 2 nữ danh ca huyền thoại này.

 Mario del Monaco sinh ngày 27 tháng 7 năm 1915 trong một gia đình dòng dõi tại Florence, Ý. Bà nội của Mario là công chúa của Caterina Vanni di San Vincenzo thuộc vùng Palermo, còn ông nội cũng là một nhà hoá học có gốc gác quí tộc. Niềm đam mê nghệ thuật của Mario chịu ảnh hưởng rõ rệt từ truyền thống âm nhạc của gia đình. Ông Ettore del Monaco, cha của Mario, từng có thời gian viết phê bình âm nhạc tại thành phố New York. Bà Flora Giachetti, mẹ ông, vốn là một ca sĩ tài năng. Mario hồi nhỏ theo học violin, tuy nhiên càng lớn, cậu lại càng tỏ ra có niềm đam mê lớn lao với ca hát, thấy vậy, bà Giachetti đã hướng dẫn và truyền đạt nhiều kinh nghiệm ca hát cho Mario khi còn nhỏ. Mario từng nhiều lần nhắc đến người mẹ thân yêu của mình với tên gọi trìu mến: “nàng thơ đầu tiên của tôi”.

 Vì công việc của ông Ettore, gia đình del Monaco phải chuyển từ Florence đến Cremona và sau đó là Tripoli rồi đất nước Libya xa xôi. Cuối cùng họ quyết định dừng chân và lập nghiệp ở Pesaro, thành phố bên bờ biển Adriatic. Tại đây, Mario theo học thanh nhạc tại Conservatorio Rossini, dưới sự hướng dẫn của giáo sư nổi tiếng Arturo Melochi.

 Thời kì mới chập chững bước vào nghề là giai đoạn thực sự khó khăn đối với Mario. Năm 1936, nhạc trưởng Tullio Serafin nghe Mario hát và ông giới thiệu Mario vào trường đào tạo của Nhà hát Hoàng gia của Rome Opera House. Nhưng thật không may, giọng hát Mario lại gặp vấn đề trong suốt quá trình học. Thực ra lý do chủ yếu là sức khỏe Mario không tốt, nên thầy giáo  khuyên ông chỉ nên chú tâm vào các tác phẩm âm nhạc bel canto hay những tác phẩm nhẹ nhàng. Chính vì việc luyện tập trái với tầm cữ giọng đó, Mario gần như hoàn toàn mất giọng. Thất vọng vì con đường sự nghiệp dường như chấm dứt, giữa tình cảnh bi quan ấy, Mario quyết định quay trở lại Pesaro, gặp lại vị thầy giáo cũ Arturo Melochi. Là một giảng viên giàu kinh nghiệm, Melochi không chỉ giúp Mario lấy lại giọng hát, niềm tin mà còn hướng dẫn Mario luyện tập một cách khoa học và đúng đắn nhất để phát triển giọng hát.

Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2, từ năm 1938 đến năm 1943, Mario phục vụ trong quân đội Ý, đầu tiên ở Milan, sau đó ở Treviso và tiếp tục công việc học hành dưới sự chỉ bảo của giáo sư Melochi tại Pasero. Khi đang còn là sinh viên, Mario đã có vai diễn debut đầu tiên khá thành công trong vở Cavalleria Rusticana (Pietro Mascagni). Nhận thấy tài năng đặc biệt của Mario, nhạc trưởng Raffaelli quyết định giúp đỡ phát triển con đường sự nghiệp của ông. Ngày 31 tháng 12 năm 1940, Mario đã may mắn có được buổi biểu diễn ra mắt chính thức tại nhà hát Teatro Puccini tại Milan với vai Pinkerton trong vở Madama Butterfly(Giacomo Puccini).

 Ngày 21 tháng 6 năm 1941, vào lúc sự nghiệp đang chớm nở, Mario quyết định kết hôn với soprano trẻ tuổi Rina Filippini. Hai người từng quen biết và gắn bó trong suốt thời kì còn học tại nhạc viện tại Pasero. Mario và Rina chung sống với nhau khá hạnh phúc và có với nhau 2 bé trai xinh xắn: Giancarlo và Claudio del Monaco.

 Năm 1945, Mario del Monaco có chuyến lưu diễn vượt Đại Tây Dương, với sự xuất hiện đấy ấn tượng tại các nhà hát opera của Mexico và Nam Mĩ. Cùng năm đó, ông có buổi biểu diễn debut tại La Scala, Milan lại với vai Pinkerton. Năm 1946, lần đầu tiên xuất hiện tại nhà hát Royal Covent Garden, Mario Del Monaco đã gây ấn tượng mạnh với khán giả bằng một loạt vai diễn trong Tosca, La Boheme, Madama Butterfly, Pagliacci, ngay sau đó là Rome Opera với Il Tabarro, Carmen, Cavalleria Rusticana. Kể từ đây, Mario del Monaco chính thức được biết đến như một trong nhưng tenor trẻ xuất sắc nhất thời hậu chiến, xuất hiện liên tục tại những nhà hát lớn ở nhiều nơi trên thế giới như Stockholm, Bologna, Rio de Janeiro …

 Trong khoảng gần 10 năm đầu của sự nghiệp, Del Monaco tập trung chủ yếu vào một số các vai trữ tình hoặc lirico-spinto trong những vở opera verismo như Rodolfo trong La Boheme (Puccini), Des Grieux trong Manon Lescaut (Puccini), Cavaradossi trong Tosca (Puccini), Pinkerton trong Madama Butterfly (Puccini), Faust trong Mefistofele (Arrigo Boito), Maurizio trong Adriana Lecouvreur (Francesco Cilea)…

 Giống như phần lớn các ngôi sao opera khác, Mario del Monaco luôn tự học hỏi, trau dồi và phát triển kĩ thuật cũng như giọng hát của mình trong suốt sự nghiệp. Khi giọng hát đã dẫn ổn định, Del Monaco cũng mở rộng kịch mục của mình với rất nhiều vai nặng hơn trong các vở opera của Verdi.

 Năm 1950, del Monaco và Tebaldi cùng có buổi biểu diễn debut tại Mĩ trong vở Aida (Verdi) tại nhà hát San Francisco, đánh dấu sự gắn bó với người bạn diễn thân thiết này trong suốt hơn chục năm. Thập niên 50 với vị trí gần như độc tôn của mình trong những vai tenor kịch tính, del Monaco đã xuất hiện bên cạnh những soprano tài năng nhất trong thế hệ của ông như Maria Callas, Victoria de los Angeles, Gabriela Tucci, Leyla Gencer, Magda Olivero… nhưng Tebaldi mới thực sự là bạn diễn ăn ý, hoàn hảo nhất với ông. Del Monaco từng học cùng với Tebaldi tại Pasero và 2 người cũng từng có vài lần biểu diễn với nhau tại đây. Del Monaco và Tebaldi được nhà phê bình và giới hâm mộ opera xưng tụng là: “cặp đôi của thế kỉ” trên sân khấu Opera. Rất nhiều trong số những bản thu âm quan trọng nhất của del Monaco đều được thực hiện cùng với Tebaldi (và chủ yếu thuộc hãng Decca).

 Chỉ vài tuần sau, với danh tiếng của mình ngày 27 tháng 11 năm 1950, del Monaco đã có buổi biểu diễn debut tại nhà hát Metropolitan, New York với vai Des Grieux trong vở Manon Lescaut (Puccini) cùng Dorothy Kirsten. Buổi biểu diễn thành công đến nỗi, Sir Rudolf Bing, Tổng giám đốc của Met lúc bấy giờ, lập tức viết một lá thư thuyết phục del Monaco tham gia vào buổi biểu diễn mở màn của mùa diễn năm sau tại Met với vở Aida, cùng một đội hình thượng hạng (với Zinka Milanov, Elena Nokolaidi, George London). Del Monaco đã gắn bó với Met suốt 10 mùa diễn liên tiếp, với gần 150 đêm diễn trong hầu hết những vai lirico-spinto và kịch tính nổi tiếng nhất trong opera Ý, Pháp: Don Jose (Carmen, Georges Bizet), Samson (Sámon et Dalila, Camille Saint-Saens), Radames (Aida, Verdi), Andrea Chenier (Andrea Chenier, Umberto Giordano), Ernani (Ernani, Verdi), Otello (Otello, Verdi), Pagliacci (Canio, Ruggero Leoncavallo), Turiddu (Cavaleria Rusticana, Mascagni)…

 Dù nổi tiếng suốt thập niên 1950 – 1960 với hầu hết những vai tenor quan trọng trong opera Ý, nhưng vai diễn thành công nhất trong suốt cuộc đời nghệ thuật của Mario del Monaco chính là Otello trong vở opera cùng tên của Verdi. Với Otello, del Monaco đã tạo nên một tượng đài hùng vĩ trong suốt lịch sử opera thế kỉ 20. Nhiều nhà phê bình quả quyết rằng, nếu del Monaco sống cùng thời Verdi, bằng con mắt tinh đời của mình, Verdi sẽ lựa chọn ông thay vì Francesco Tamagno (tenor kịch tính rất nổi tiếng cuối thế kỉ 19 và cũng là Otello đầu tiên và xuất sắc nhất trong thời đại của mình). Del Monaco không chỉ có giọng hát hoàn toàn phù hợp với Otello, ông còn là người luôn nghiên cứu, tìm tòi cách thể hiện tính cách, trạng thái tinh thần ở mỗi góc độ, thời điểm khác nhau, và luôn có những lý giải riêng. Những buổi biểu diễn Otello cuối cùng của del Monaco cho thấy sự suy giảm ít nhiều về nội lực của giọng hát, tuy vậy nó vẫn rất tuyệt vời và tràn đầy cảm xúc. Nhiều người chứng kiến đã cho rằng, ngay cả trong đêm diễn ấy, del Monaco vẫn có thể hát từ câu “nostra del cielo è gloria” (aria Otello trong màn 1) đến tận chữ “uragano” với chỉ một làn hơi. Jon Vickers, Placido Domingo hay Jose Cura cũng đã có những thành công đáng ghi nhận với Otello, nhưng không một ai nghi ngờ Otello thực sự của thế kỉ 20 chính là Mario del Monaco. Ông đã tham gia biểu diễn Otello 218 lần, một con số đáng nể, thậm chí nhiều tài liệu thống kê số lần del Monaco đã từng thể hiện vai diễn này lên đến… 427 lần.

 Giọng hát vang rền với âm sắc như một chiếc kèn trumpet đồng thời lại có chất thô ráp, góc cạnh của Mario del Monaco khiến người ta phải dùng một từ mới để chỉ loại giọng đặc biệt này: Robusto tenor – tenor “cuồng bạo”. Sau này, Robusto tenor để chỉ những ca sĩ có chất giọng dầy, khỏe tự nhiên của một baritone nhưng có khả năng thể hiện những note b1, c2 sáng chói và đầy sức mạnh như del Monaco. Càng lên cao, giọng hát của del Monaco càng chắc khỏe và giàu nhạc tính hơn. Tenor huyền thoại Giacomo Lauri-Volpi cũng công nhận rằng, del Monaco có những note Si giáng (b1b) đẹp nhất trong giới biểu diễn lúc bây giờ. Chính vì điều đó, những khán giá của nhà hát La Scala đã ví giọng hát ông như “con bò tót bằng đồng của thành Milan”.

 Đã có quá nhiều những lời tán dương về những khả năng kì lạ về âm vực hay âm lượng khác thường của del Monaco, điều đó khiến nhiều người ít để ý đến những khía cạnh tuyệt vời khác trong cách thể hiện cũng như giọng hát của ông. Mario del Monaco có khả năng thể hiện những đoạn nhạc nhanh với kĩ thuật chạy note không thua kém bất cứ một Leggiero tenor hay baritone thực thụ nào. Nhưng đặc biệt hơn, bên cạnh những note cao vang lớn, những âm thanh thô ráp, mạnh mẽ là khả năng thể hiện những đoạn nhạc trữ tình với màu âm phong phú, kĩ thuật phân câu rất thông minh và legato cực kì hoàn hảo như lời ca ngợi của Lauri-Volpi: “Cậu ấy làm chủ giọng hát tốt đến nỗi, không thể nào tìm ra một khoảng trống nào trong toàn bộ âm thanh cậu ấy tạo nên ”.

 Mario del Monaco từng bị nhiều nhà phê bình cáo buộc là hát dùng sức và không biết sử dụng kĩ thuật hát nửa giọng (mezza voce – cách hát khi thể hiện những đoạn nhỏ nhẹ, trữ tình) một cách chính thống. Tuy vậy, là một nghệ sĩ lớn, ông vẫn tìm ra cách thể hiện riêng để khắc phục điểm yếu của mình. Có thể thấy trong rất nhiều bản thu âm của ông như: aria “L’anima ho stanca” trong Adriana Lecouvreur, “Donna non vidi mai” trong Manon Lescaut, “O tu che in seno agli angeli” trong La forza del destino và đặc biệt là aria “E lucevan le stelle” trong màn cuối Tosca, đã cho chúng ta thấy cách xử lí rất tinh tế, giàu tính trữ tình với khả năng mezza voce tuyệt vời khiến nhiều giọng tenor trữ tình cùng thời phải ghen tị.

 Dù một số người thích âm thanh đẹp đẽ trong sáng, cách thể hiện mềm mại, dịu dàng cho rằng del Monaco đôi khi xử lí quá thô bạo và thực tế lại hơi ỷ vào giọng hát tự nhiên, nhưng tất cả đều công nhận khả năng truyền cảm xúc mãnh liệt trong từng câu hát, kĩ thuật diễn xuất thần trên sân khấu của ông. Nhà phê bình âm nhạc người Mĩ Irving Kolodin đã viết rằng: “Sẽ không thể cảm nhận đầy đủ nếu chỉ nghe Mario del Monaco hát, bạn phải ngắm nhìn anh ấy biểu diễn trên sân khấu”.

 Tuy có cách hát “gào thét” tàn phá giọng hát, trái ngược với hầu hết các phương pháp thanh nhạc truyền thống, Mario del Monaco lại là một người rất biết cách giữ gìn, bảo vệ giọng hát của mình nên ông đã may mắn có một sự nghiệp dài lâu. Mặc dù thập niên 60, 70 xuất hiện nhiều tenor kịch tính xuất sắc không kém như Franco Corelli, Jon Vickers hay Placido Domingo nhưng giọng hát của ông vẫn luôn có một vị trí riêng đối với những người hâm mộ. Đến gần cuối sự nghiệp, del Monaco vẫn hát các vai nặng như Otello hay Canio. Lần xuất hiện cuối cùng trên sân khấu opera của del Monaco là với Canio trong vở Pagliacci của Leoncavallo vào năm 1976 khi ông đã ngoài 60 tuổi, kết thúc hơn 30 năm thống lĩnh sân khấu opera thế giới. Sau khi viên mãn sự nghiệp, ông lui về sống cùng gia đình riêng tại Venice, Ý.

 Là người có xuất thân dòng dõi và cũng là một ngôi sao tầm cỡ thế giới, del Monaco lại sống khá giản dị. Ông không có sự phân biệt với các tầng lớp khán giả hay bất cứ nhà hát lớn nhỏ nào. Buổi biểu diễn nào cũng được đầu tư nghiêm túc, cẩn thận và thể hiện với tất cả xúc cảm mạnh mẽ nhất. Những bản thu tư liệu các buổi biểu diễn live tại nhiều nhà hát nhỏ, ít danh tiếng đã cho thấy phần nào điều đó. Về tính cách cầu toàn, cẩn thận của ông, người ta thường nhắc đên câu chuyện về buổi biểu diễn ra mắt của del Monaco trong vở Andrea Chenier vào 6 tháng 10 năm 1945 tại Valdagno. Ông đã tìm gặp tác giả Umberto Giordano, hỏi han thật tỉ mỉ, cặn kẽ rồi cùng học vai với riêng nhà soạn nhạc, khi phát hiện thấy rất nhiều đoạn ghi chú đặc biệt trong tổng phổ của Giordano.

 Mario del Monaco là một người rất mộ đạo. Thời thanh niên, ông nhiều lần được mời tham gia biểu diễn trong cách dịp hành lễ lớn tại rất nhiều nhà thờ lớn nhỏ từ vùng Marchesse cho đến tận Romagna. Ông từng kể lại, thời nhỏ, khi lần đầu tiên ông được nghe thấy âm thanh kì diệu của đàn ống, ông đã bị ấn tượng mạnh bởi những note nhạc quyến rũ phát ra từ chiếc đàn ống được Đức cha chơi tại nhà thờ Santa Maria del Fiore. Từ đó del Monaco đã nảy sinh tình yêu đối với thánh ca và các tác phẩm âm nhạc tôn giáo. Mario rất thích và thường xuyên tổ chức các buổi hòa nhạc về âm nhạc nhà thờ, trong đó  luôn có sự góp mặt của đàn ống. Ngay tại nhà riêng, ông cũng sắm cho mình một chiếc đàn ống cổ, được mua từ cửa hàng nổi tiếng Domenico Rossi, chiếc đàn được dòng họ chuyên làm đàn ống nổi tiếng Borboni chế tạo. Mario thường hay tập luyện với chiếc đàn khổng lồ này và ông cũng cho rằng âm sắc nó rất hài hoà với giọng hát của ông. Năm 1965, sau một lần thoát chết và sớm bình phục qua khỏi một tai nạn hiểm nghèo, del Monaco đã quyết định thu âm một tuyển tập các ca khúc nhà thờ như một hành động bày tỏ lòng thành kính của mình với Đức Chúa trời.

 Đã có rất nhiều giai thoại hay và cả những câu chuyện thực hư về giọng hát khác thường của del Monaco hay những giây phút xuất thần trên sân khấu. Trong số đó, người ta đã ghi nhận một hiện tượng có một không hai đã xảy ra. Đó là trong một đêm diễn vở La Wally của Alfredo Catalani (với Tebaldi và del Monaco trong vai nữ và nam chính) tại nhà hát La Scala, Milan vào cuối năm 1953. Irene Mayer – một cô gái mù đến từ bang Maryland, Mĩ, đã quả quyết rằng, cô ta có thể trông thấy del Monaco khi ông đang biểu diễn. Nhưng khi del Monaco rời sân khấu, những hình ảnh trước mắt cô lập tức biến mất. Trong khi del Monaco hát, Irene có thể miêu tả chi tiết về vị trí của ông trên sân khấu, phục trang và cả những động tác biểu diễn. Trước đấy, Irene đã một lần gặp phải trường hợp kì lạ này khi “xem” buổi biểu diễn Aida của del Monaco tại Metropolitan Opera. Khi đang thưởng thức đêm diễn, đột nhiên cô gái thốt lên: “Ôi, tôi nhìn thấy được anh chàng tenor đó rồi!”. Irene cũng tả được chi tiết về sân khấu và phục trang del Monaco khi đó, nhưng chỉ mỗi lần ông xuất hiện và hát trên sân khấu. Hiện tượng kì lạ này không xảy ra khi Irene xem băng hình hay nghe các bản thu âm của Monaco. Từ đó, việc đến xem các buổi biểu diễn của del Monaco như một niềm hi vọng và nguồn sống đối với Irene. Các bác sĩ đều chứng thực hiện tượng kì lạ này, nhưng không thể đưa ra được một lời giải thích hợp lí nào mang tính khoa học, còn đa số mọi người đều cho rằng, chính âm nhạc và giọng hát của del Monaco đã làm nên phép màu kì diệu.

 Mario del Monaco mất ngày 16 tháng 10 năm 1982 tại Mestre, Venice trong sự nuối tiếc của bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ. “Phép màu” không còn xảy ra được nữa, nhưng với tất cả những gì để lại cho hậu thế, những khán giả yêu thích opera sẽ vẫn mãi ghi nhớ về giọng hát của một trong những tenor kịch tính xuất sắc nhất của thế kỉ 20: Mario del Monaco.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: