DOMINGO, PLACIDO

“Ca sĩ opera vĩ đại nhất của thời đại chúng ta!” – The Guardian

Sau đêm biểu diễn cuối cùng của mình tại nhà hát Metropolitan, New York vào ngày 23 tháng 4 năm 1975, Galina Vishnevskaya – nghệ sỹ nhân dân, một trong những soprano nổi tiếng nhất của Liên Xô thời bấy giờ và là vợ của nghệ sỹ cello huyền thoại Mstislav Rostropovich nhận được một câu hỏi: “Giữa Luciano Pavarotti và Plácido Domingo (hai tenor nổi tiếng nhất thế giới lúc đó) bà thích ai hơn?”. Sau một thoáng suy nghĩ, khẽ mỉm cười Vishnevskaya trả lời: “Khi nhắm mắt thì tôi thích nghe Pavarotti, còn khi mở mắt thì tôi thích Domingo”. Nếu bạn đã một lần được nhìn thấy khuôn mặt của Domingo thì hẳn bạn sẽ hiểu tại sao Vishnevskaya lại trả lời như vậy!

Với mái tóc bồng bềnh lượn sóng, đôi mắt như hớp hồn người đối diện, nụ cười khinh bạc, gương mặt điển trai đầy nam tính khiến ta hình dung đến một ngôi sao điện ảnh hơn là một ca sỹ opera. Nhưng nếu bạn cho rằng Domingo chỉ nổi tiếng chỉ nhờ vào vẻ bề ngoài thì thật sai lầm. Ông là một tài năng vĩ đại thực sự!

Plácido Domingo sinh ngày 21 tháng 1 năm 1941 tại Barrio de Salamanca – một vùng thuộc ngoại ô Madrid, Tây Ban Nha trong một gia đình có cả bố (cũng tên là Placido) chơi violin và là ca sĩ giọng baritone, mẹ Pepita Embil, là ca sỹ opera rất nổi tiếng từng có thời gian hát tại Teatro Liceo, Barcelona – nhà hát nổi tiếng nhất Tây Ban Nha và một thời mang danh hiệu “Nữ hoàng của Zarzuela”. Họ chính là người dạy Domingo những bài học âm nhạc đầu tiên. Không khí âm nhạc luôn bao trùm gia đình và cậu bé luôn cảm thấy thích thú khi được làm quen với cây đàn piano. Gia đình Domingo có một chuyến biểu diễn các vở Zarzuela (một loại hình nghệ thuật ca hát của Tây Ban Nha gần giống với opera) tại Cuba, Puerto Rico và Mexico vào năm 1950. Cha mẹ Domingo bất ngờ nảy sinh tình yêu mãnh liệt với mảnh đất Mexico và quyết định ở lại nơi đây và không trở về Tây Ban Nha nữa. Domingo nhớ lại: “Bố mẹ nói với tôi, hãy ở lại đây thêm 1 tuần nữa. Và một tuần dài bằng 34 năm”. Chính tại nơi đây, Domingo bắt đầu nhận ra thiên hướng âm nhạc của mình và quyết định sẽ gắn bó cả cuộc đời mình với nó. Theo học tại Nhạc viện quốc gia tại Mexico City khi lên 14 tuổi với nhiều chuyên ngành khác nhau như piano, sáng tác, chỉ huy và thanh nhạc. Domingo tỏ ra rất có năng khiếu chơi piano và rất có thể nếu theo đuổi đến cùng, chúng ta đã có một Domingo – pianist. Tuy nhiên những bài học thanh nhạc vẫn tỏ ra quyến rũ cậu nhất dù rằng cậu có một thời gian ngắn học chỉ huy với nhạc trưởng nổi tiếng Igor Markevich. Và cũng tại nơi đây, khi chỉ mới 16 tuổi, Domingo đã kết hôn lần đầu tiên với một bạn học piano và một năm sau có đứa con đầu lòng. Tuy nhiên chỉ ít lâu sau 2 người chia tay và Domingo không tiết lộ tên người vợ đầu tiên của mình trong cuốn tự truyện.

Buổi biểu diễn đầu tiên của Domingo diễn ra vào năm 1957 khi ông hát trong vở Zarzuela: Gigantes y cabezudos tại Mexico City. Tuy nhiên lúc này giọng hát của ông là baritone – giọng hát chủ lực trong các vở zarzuela. Giọng hát ông chỉ định hình là tenor vào 3 năm sau đó, năm 1960, ông hát vai Alfredo trong vở La Traviata tại Monterrey. Người có công lớn trong việc biến đổi giọng hát của Domingo chính là thầy giáo của ông Carlo Morelli. Domingo cho biết: “giọng của Morelli cũng là baritone nhưng trong một lần hát 1 aria trong Andrea Chenier, ông đã lên tới b1 dù rằng khi đó ông đã 60 tuổi. Tôi thực sự choáng váng và tự nhủ rằng ông ấy làm được thì mình cũng phải làm được. Và ơn Chúa, tôi đã làm được! Carlo Morelli là một thầy giáo đáng kính, ông làm tôi tin rằng điều quan trọng nhất để thành công là sức mạnh của ý chí”.

Các buổi biểu diễn tiếp theo là tại Dallas Civic Orchestra vào tháng 11 năm 1961 trong vở Lucia de Lammermoor của Donizetti với vai Arturo bên cạnh Joan Sutherland và tại Fort Worth cũng trong Arturo với lần xuất hiện cuối cùng của Lily Pons trong Lucia. Tháng 8 năm 1962, ông kết hôn lần 2 với Marta Ornelas – cũng là một bạn học trước kia. Tuy nhiên, không như lần trước, đây là một mối tình chung thủy. Ornelas đã quyết định hi sinh sự nghiệp đầy hứa hẹn của mình cho chồng dù rằng cô được bình chọn là ca sĩ xuất sắc nhất tại Mexico cũng trong năm 1962 này. Ngay sau đám cưới, Domingo nhận được một hợp đồng biểu diễn lớn với Israel National Opera trong các năm 1962 – 1965 và hai vợ chồng lên đường đến Tel Aviv. Tại nhà hát này, ông đã có tới 280 buổi biểu diễn trong 12 vai khác nhau và đây là quãng thời gian rất tốt để Domingo tích lũy thêm kinh nghiệm và phát triển thêm khả năng tiềm tàng của mình. Đây cũng là cơ hội quý giá để Domingo trau dồi thêm khả năng ngôn ngữ của mình (một điều vô cùng thuận lợi khi hát opera) khi hầu hết những ca sĩ tại đây đều hát với tiếng mẹ đẻ của mình. Ví dụ như trong một lần diễn vở La Traviata, baritone hát tiếng Hungary, soprano hát tiếng Đức, tenor hát tiếng Ý còn hợp xướng lại hát tiếng Hebrew. Chính trong những đêm diễn như vậy, ông đã được ban giám đốc của New York City Opera cũng như nhạc trưởng Julius Rudel phát hiện và mời về Mĩ để cộng tác với nhà hát. Đáng nhẽ buổi biểu diễn đầu tiên tại New York của Domingo diễn ra vào ngày 21 tháng 10 năm 1965 với Don Jose trong Carmen nhưng do một đồng nghiệp bị ốm nên ông được hát thay trong vai Pinkerton (Madama Butterfly) vào ngày 17 tháng 10. Tháng 2 năm 1966, Domingo hát trong đêm diễn mở màn của nhà hát tại Lincoln Center trong lần đầu tiên ra mắt tại Mĩ vở opera Don Rodrigo của Ginastera. Tuy nhiên, Domingo chỉ thực sự trở nên nổi tiếng vào 2 năm sau đó nhờ một sự việc khá tình cờ. Vào ngày 28 tháng 9 năm 1968, tại nhà hát Metropolitan Opera, New York, do Franco Corelli bị khản giọng nên Domingo được vào vai Maurizio trong vở opera Adriana Lecouvreur (Cilea) cùng với prima donna hàng đầu thế giới lúc bấy giờ là Renata Tebaldi. Và từ đó cái tên Placido Domingo đã được thế giới opera chính thức công nhận.

Placido Domingo được đánh giá là giọng tenor toàn diện nhất thế giới, thật khó để tìm được trường hợp nào tương tự như của ông. Có lẽ ông là ca sỹ duy nhất trên thế giới hát được các vai từ leggiero tenor (Almaviva trong Il barbiere di Siviglia của Rossini) đến heldentenor (Tristan trong Tristan und Isolde của Wagner) dù rằng định nghĩa thích hợp nhất có lẽ là lyric-dramatic tenor. Từ các vở opera của Verdi đến Puccini, từ Mozart đến Wagner, từ Tchaikovsky đến Berlioz, Domingo đều thể hiện thật tuyệt vời với rất nhiều đỉnh cao: Otello, Don Jose, Radames, Alfredo, Faust, Samson, Des Grieux, Andre Chenier, Turriudu và nhiều, rất nhiều vai diễn khác nữa đã khiến chúng ta đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, ngỡ ngàng trước một sức sáng tạo phi thường và kỳ diệu. Đó là chưa kể đến những vai nam trung như Figaro trong Il barbiere di Siviglia hay thậm chí ông đã từng nhiều lần hát các aria và duet của vai Don Giovanni trong vở opera cùng tên của Mozart vốn dĩ dành cho giọng Bass–baritone. Domingo sở hữu một chất giọng đầy biểu cảm, đanh thép tuy những nốt c2 không thực sự đẹp (một điều cũng dễ hiểu vì giọng ông ban đầu là baritone, ngay cả Caruso huyền thoại (một tenor cũng có giọng ban đầu là baritone) cũng bị các nhà phê bình chê là đôi lúc các nốt c2 bị vỡ), bù lại chính những bài học chỉ huy hồi trẻ với Igor Markevich đã giúp ông có được cái nhìn tổng quát, sự thông minh và hợp lí khi xử lí vai diễn, khỏa lấp được những hạn chế trong chất giọng và tạo nên sự đa cực. Caballe nhận xét về những người bạn diễn thân thiết của mình: “Tôi có thể hát nhiều thứ với Luciano, nhiều hơn với Jose nhưng có thể hát mọi thứ với Plácido”. Cũng giống như Maria Callas, ngoại hình của Domingo góp phần làm cho vai diễn của mình thêm hoàn hảo và có sức thuyết phục hơn, đây chính là một trong những điểm khác biệt cơ bản giữa Domingo với những đồng nghiệp thân thiết, một Pavarotti khá nặng nề và một Carreras quá thư sinh. Cùng với Corelli, Domingo được đánh giá là một trong những ca sĩ đẹp trai nhất.

Kể từ sau buổi ra mắt tại Metropolitan Opera, Domingo nhận được lời mời biểu diễn từ khắp các nhà hát và festival âm nhạc nổi tiếng trên thế giới như La Scala, Milan; Vienna Staatsoper; Covent Garden, London; Bastille Opera, Paris, San Francisco Opera; Lyric Opera, Chicago; Los Angeles Music Center Opera; Bayreuth Festival và Salzburg Festival. Tuy nhiên, Met vẫn là mái nhà thân thiết của ông. Tại đây ông đã hát trong gần 700 buổi với 42 vai khác nhau và trở thành giọng tenor xuất hiện nhiều nhất tại đây kể từ thời Enrico Caruso huyền thoại trong đó có tới 21 buổi mở màn mùa diễn, phá kỉ lục trước đó của Caruso với 17 buổi.

Trong những năm 1970, danh tiếng của Domingo đã nổi như cồn và bao trùm khắp thế giới, rất nhiều dàn nhạc nổi tiếng và các hãng thu âm danh tiếng đã đề nghị được cộng tác cùng ông. Rất nhiểu bản ghi âm huyền thoại đã được xuất bản trong thời gian này trong đó có những vai để đời của ông như Otello (một vai rất nặng, sánh ngang với những vai heldentenor của Wagner như Siegfried hay Tristan) hay Don Jose (Carmen). Domingo được coi là 1 trong 3 Otello của thế kỉ bên cạnh Mario del Monaco và Jon Vickers. Sự nghiệp thu âm của Domingo cũng vô cùng huy hoàng, ông có tới hơn 300 bản thu âm (trong đó có 98 vở opera) và gặt hái được vô số giải thưởng, trong đó có 11 giải Grammy. Thời gian đầu ông gắn bó chủ yếu với các vở opera của Ý và Pháp nhưng kể từ năm 1976, Domingo bắt đầu hát trong các vở opera của Đức như Oberon của Weber hay Die Meistersinger von Nürnberg của Wagner và của Nga với Gherman trong The Queen of Spades của Tchaikovsky. Vào ngày mùng 7 tháng 10 năm 1973, không tự bằng lòng với những vinh quang mà mình đã đạt được, Domingo quyết định dấn mình vào một lĩnh vực mới mẻ hơn, lĩnh vực mà ông đã từng được theo học khi còn ở Mexico: nhạc trưởng khi ông chỉ huy vở opera La Traviata tại New York City Opera. Đây là một điều rất ít gặp đối với các ca sĩ, trước ông chỉ có Richard Tauber, Dietrich Fischer-Dieskau, Peter Schreirer, Sherrill Milnes và sau này là Jose Cura làm được nhưng không một ai trong số họ đạt được thành công như ông. Không chỉ chỉ huy các vở opera, đã không ít lần Domingo biểu diễn và ghi âm các tác phẩm khí nhạc cùng với các nghệ sỹ như Mstislav Rostropovich hay Sarah Chang.

Thập niên 80 là đỉnh cao thành công của Placido Domingo. Ngoài việc mở rộng danh mục các tác phẩm biểu diễn của mình bằng việc tham gia trong các vở opera của Berlioz hay Wagner ông còn được một số dàn nhạc nổi tiếng ở châu Âu như Berlin Philharmonic, Vienna Philharmonic hay London Symphony Orchestra mời chỉ huy. Vào ngày mùng 8 tháng 3 năm 1982, tờ Newsweek giật title trên trang nhất: “King Of The Opera: The Tenor Plácido Domingo” – Domingo: Ông vua của opera!

Năm 1990, để quyên góp tiền cho Quỹ máu trắng quốc tế mang tên José Carreras (José Carreras International Leukaemia Foundation), Domingo cùng với Carreras và Pavarotti thực hiện buổi hòa nhạc tại Rome. Từ đó cái tên “The three Tenors” đã trở nên vô cùng quen thuộc. Bộ 3 này còn xuất hiện với nhau nhiều lần sau đó trong đó có đêm diễn đáng nhớ tại Los Angeles vào năm 1994 đã thu hút tới hơn 1,3 tỉ người theo dõi trên truyền hình và bán được tới hơn 10 triệu CD và Video.

Vào ngày 30 tháng 6 năm 1991 tại Vienna Staatsoper, đã xảy ra một sự kiện vô tiền khoáng hậu, sau khi kết thúc vở Otello, Domingo được khán giả tung hô tới hơn… 80 phút và gọi ra chào tới 101 lần. Thật kì diệu!

Năm 1993, Domingo thành lập “Operalia” – một cuộc thi quốc tế quan trọng nhằm phát hiện những tài năng opera trẻ trên toàn thế giới. Rất nhiều người đoạt giải trong cuộc thi này đã trở thành những ca sĩ nổi tiếng hiện tại như: Nina Stemme, José Cura hay Rolando Villazón. Năm 1996, Domingo lại thử sức mình trong một lĩnh vực mới. Ông trở thành tổng giám đốc của Washington National Opera và sau đó là Los Angeles Opera vào năm 2000. Ông trở thành một trong những nghệ sĩ bận rộn nhất trên thế giới.

Cho tới thời điểm hiện tại, Domingo đã có tất cả 122 vai diễn opera, gấp đôi hoặc gấp 3 những tenor khác. Vai diễn mới đây nhất của ông là vai Tần Thủy Hoàng trong vở opera The first Emperor (Vị hoàng đế đầu tiên) của nhạc sĩ người Trung Quốc Tan Dun được biểu diễn tại Metropolitan Opera. Trong “The three Tenors”, Pavarotti đã giã từ sự nghiệp còn Carreras thì dường như quá mải mê với các công việc từ thiện, chỉ còn lại một mình Placido Domingo là thường xuyên xuất hiện trước ánh đèn sân khấu. Phương châm sống của Domingo: “Nếu tôi nghỉ ngơi, tôi sẽ bị han gỉ”!

Bên ngoài sân khấu opera, Domingo được biết đến như là một con người say mê thể thao, đặc biệt là bóng đá. Ông cũng rất được các đồng nghiệp yêu quý, Kiri Te Kanawa nhận xét: “Placido yêu gia đình, yêu tất cả bạn bè và đối xử rất tốt với các đồng nghiệp”. Năm 1985, ông đã ủng hộ hàng triệu đôla Mỹ và tổ chức hàng loạt concert để quyên góp tiền cho những nạn nhân của cơn động đất tại Mexico, Armenia cũng như cho các tổ chức từ thiện.

Khó có thể kể hết được những giải thưởng mà Domingo đã đạt được, những danh hiệu danh dự mà các tổ chức quốc tế, các quốc gia đã dành tặng ông nhưng trên tất cả, chúng ta trân trọng Domingo ở sự cống hiến hết mình, không mệt mỏi của ông cho nghệ thuật, cho thế giới opera trong suốt chặng đường 40 năm qua. Cho dù ngày nay chúng ta đã nhìn thấy gánh nặng tuổi tác trong giọng hát của ông thì chúng ta vẫn không thể phủ nhận được rằng đó chính là một trong những giọng tenor tuyệt vời nhất thế giới!

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: