GHIAUROV, NICOLAI

Trong vòng 30 năm, từ 1960 đến 1990, Nicolai Ghiaurov trở thành một nhân vật không thể thiếu được trên những sân khấu opera quốc tế. Chất giọng bass chắc nịch, sâu sắc cộng với vóc dáng oai nghiêm, đường bệ của ông có một ý nghĩa to lớn trong việc giải thích vì sao ông luôn được chào đón nồng nhiệt tại khắp các nhà hát opera nổi tiếng nhất trên toàn thế giới. Danh mục biểu diễn của ông trải dài từ Mozart, Rossini cho đến Verdi và Puccini cũng như rất nhiều vai diễn trong các vở opera của Pháp trong thế kỉ 19 và tất nhiên là với một người Bulgaria, Nicolai Ghiaurov không thể bỏ qua những vai bass trong các vở opera của những nhạc sĩ Nga như Glinka, Tchaikovsky, Mussorgsky hay Borodin. Mặc dù trong giọng hát Ghiaurov không hề thiếu âm sắc đặc trưng của những giọng nam trầm có nguồn gốc Slav nhưng khác với những giọng bass đến từ Đông Âu, thậm chí kể cả Chaliapin, Ghiaurov sở hữu một sức mạnh tràn trề trong giọng hát cũng như khả năng legato không bao giờ cạn khiến ông trở thành một “quyền lực đáng sợ” với những vai bass trong các vở opera của Ý, đặc biệt là những vở của Verdi. Ghiaurov xứng đáng là giọng bass số một thế giới kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ 2.

 Nicolai Ghiaurov sinh ngày 13 tháng 9 năm 1929 tại Velingrad, một thành phố miền núi nhỏ ở phía nam Bulgaria. Cậu bé đã tỏ ra yêu thích việc ca hát từ khi còn rất nhỏ, điều thường xuyên xảy ra với những nghệ sĩ lớn. Khi lên 6 tuổi, Nicolai đã thường xuyên hát cũng như chơi đàn harmonica trong những bữa tiệc của gia đình. Dù gia đình khá nghèo như cha mẹ cậu luôn khuyến khích Nicolai theo đuổi niềm đam mê của mình. Cậu bé cũng có một thời gian dài học chơi piano cũng như violin và sau đó là clarinet và trombone. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình nên những nhạc cụ này đều là đi mượn. Trong thời gian học phổ thông, Nicolai cũng tham gia vào đội kịch nói của trường. Và đến khi 17 tuổi, chàng trai trẻ nung nấu ước mơ trở thành một nghệ sĩ kịch nói đồng thời khát khao được một lần vào vai chàng họa sĩ trẻ Mario Cavaradossi trong vở La Toscacủa kịch tác gia người Pháp Victorien Sardou (đây chính là cơ sở để Puccini sáng tác nên vở opera Tosca).

 Đã đến tuổi trưởng thành và chàng thanh niên Nicolai Ghiaurov cảm thấy mình phải nhanh chóng đưa ra quyết định cho sự nghiệp của mình. Thời gian này, Ghiaurov đang phải phục vụ trong quân đội, anh tham gia với tư cách nghệ sĩ kèn clarinet và chỉ huy Dàn hợp xướng quân đội. Một lần tình cờ, khi Ghiaurov đang dàn dựng dàn hợp xướng thì viên sĩ quan chỉ huy ở đó, cũng một ca sĩ giọng tenor nhận ra Ghiaurov có một giọng hát tuyệt đẹp. Đây rõ ràng là một khoảnh khắc định mệnh đối với cuộc đời của anh, viên sĩ quan ngay lập tức giới thiệu Ghiaurov với một nguời bạn của mình, giọng nam trung nổi tiếng của nhà hát Sofia National Opera thời kì này, Christo Brambarov. Brambarov không nhận lời dạy Ghiaurov ngay lúc đó vì tại thời điểm này ông quá bận rộn với nhiều học sinh khác nhưng ông ra sức động viên anh vào học tại Sofia Musician Academy. Và trong buổi biểu diễn cuối cùng của Ghiaurov với Dàn hợp xướng quân đội vào năm 1949, lại là một dấu ấn khác của định mệnh, nhà soạn nhạc bị mù Petko Stainov đã được nghe giọng hát của anh và ông hứa sẽ thu xếp cho anh được học tại Sofia Musician Academy. Khi nhận được tin này, ngay lập tức Brambarov đồng ý nhận dạy chàng trai trẻ, chính ông là người hướng dẫn Ghiaurov đến với phong cách opera Ý, điều hiếm thấy đối với những ca sĩ opera Đông Âu thời kì này. Tuy nhiên trong năm học đầu tiên, Brambarov chỉ yêu cầu Ghiaurov luyện thanh trên 1 quãng 8 duy nhất. Và khi 20 tuổi, Nicolai Ghiaurov đã tìm thấy con đường của mình.

 Tài năng hiển nhiên của ông đã nhanh chóng đuợc công nhận và ông đã được cử đi học tại Nhạc viện Tchaikovsky, Moscow – nhạc viện danh tiếng nhất của Đông Âu từ năm 1950 đến năm 1955 bằng học bổng của nhà nước. Hiện tại vẫn còn lưu giữ một đĩa nhựa thu giọng hát của Ghiaurov thời kì này. Qua đĩa nhạc, ta vẫn cảm nhận được vẻ đẹp tuyệt vời tràn đầy sức sống thanh xuân của tuổi trẻ với một phong cách đặc trưng, không hề lẫn với bất kì ai, cho thấy một sự nỗ lực học tập miệt mài, không ngừng nghỉ. Trong thời gian tu nghiệp tại Nhạc viện Tchaikovsky, ông được cử đi tham gia một cuộc thi tại Pháp và đã giành giải nhất. Với một “lí lịch” đẹp như vậy trở về quê nhà, ngay lập tức Ghiaurov trở thành giọng bass chính của nhà hát Sofia National Opera mà ông có buổi biểu diễn đầu tiên của mình vào năm 1955 với vai Don Basilio trong Il Barbiere di Sivigliacủa Gioacchino Rossini. Từ đó trở đi, Nicolai Ghiaurov không bao giờ ngừng lại nữa.

 Trở lại Moscow vào năm 1957, ông đã chinh phục đuợc những vị khán giả Liên Xô rất khó tính khi hát tại Nhà hát Lớn với vai Méphistophélès trong Faust của Charles Gounod và Pimen trong Boris Godunov của Modest Mussorgsky. Sau đó một thời gian, Méphistophélès trở thành vai đầu tiên Ghiaurov được đề nghị ghi âm. Lúc này, danh tiếng của Ghiaurov đã bay xa đến các nước Tây Âu và cánh cửa của những nhà hát nổi tiếng trên thế giới đã mở ra đối với ông, bắt đầu ngay một năm sau đó và cũng là Méphistophélès trong Faust tại Teatro Communale, Bologna. Năm 1960, ông bừng sáng với vai Vaarlam trong Boris Godunov tại La Scala, Milan – mở đầu cho một sự cộng tác khăng khít và thân thiết với nhà hát trong suốt những năm sau đó. Tiếp theo là một sự ra mắt không thể tốt hơn khi Ghiaurov chinh phục thành Vienna bằng một recital, những tràng vỗ tay dành cho ông không ngừng nghỉ. Năm 1962, với vai Parde Guardiano trong La forza del destino của Giuseppe Verdi, ông có buổi diễn đầu tiên tại Covent Garden, London và đây cũng lại là một thành công to lớn nữa. Nhà phê bình opera nổi tiếng người Anh Alan Blyth là khán giả trong đêm diễn này đã thốt lên: “Một sự ra mắt chói sáng với một âm sắc đẹp kì diệu khiến tôi nhận thức được rằng Nicolai Ghiaurov sẽ trở thành một ngôi sao sáng trên bầu trời opera thế giới!” Buổi biểu diễn đầu tiên của ông tại Mĩ là vào năm 1963 tại Lyric Opera of Chicago và lại là vai diễn quen thuộc Méphistophélès trong Faust. Ghiaurov có sự cộng tác khá chặt chẽ với nhà hát này, tại đây ông đã xuất hiện trong 12 vai trong đó có những màn trình diễn đầy ấn tượng với Boris GodunovDon Quichotte (Massenet) và Mefistofele (Boito).

Vào ngày mùng 8 tháng 11 năm 1965, với Méphistophélès, Ghiaurov đã xuất hiện lần đầu tiên tại Metropolitan Opera, New York và nhận được rất nhiều lời khen ngợi, trong đó Harold C. Schonberg của tờ The New York Times bình luận: “Ghiaurov đã gây được ấn tượng rất mạnh. Ông không chỉ sở hữu một giọng hát đẹp mà còn rất linh hoạt. Chính nhờ khả năng này mà Ghiaurov đã thể hiện rất thành công nhân vật Méphistophélès: một con quỷ hoang tưởng, khoác lác và  khệnh khạng. Ông đã chiếm hữu toàn bộ sân khấu bằng một diễn xuất trời phú”. Tổng cộng trong sự nghiệp của mình, Ghiaurov có hơn 80 buổi biểu diễn cùng Met trong 10 vai diễn khác nhau. Cũng trong năm 1965, Ghiaurov được đích thân nhạc trưởng lỗi lạc Herbert von Karajan mời hát vai Boris Godunov trong vở opera cùng tên của Mussorgsky tại Salzburg Festival. Đây là vai diễn được coi là thách thức lớn nhất đối với các giọng bass và trước đó Ghiaurov chưa từng một lần hát vai này. Tuy nhiên buổi biểu diễn đã thành công ngoài sự mong đợi và Karajan sau đó đã đề nghị được cộng tác tiếp với Ghiaurov và vào năm 1970, cùng với hãng Decca và Vienna Philharmonic họ đã tiến hành ghi âm vở opera này. Sau 2 thập kỉ, cùng với nhạc trưởng Emil Tchakarov và hãng Sony Classical, Ghiaurov đã một lần nữa ghi âm tác phẩm bất hủ này.

 Trong thập niên 70, 80 của thế kỉ 20, Nicolai Ghiaurov hoàn toàn xứng đáng được coi là người kế tục Chaliapin. Ông trở thành “ông vua không ngai” trên lãnh địa của mình. Bên cạnh các vở opera của Nga, những vai nam trầm trong các vở opera của Verdi tỏ ra rất phù hợp với Ghiaurov. Ta có thể kể đến Philip II, Grand Inquisitor (Don Carlo), Parde Guardiano (La forza del destino), Jacopo Piesco (Simon Boccanegra), Banquo (Macbeth), Sparafucile (Rigoletto), Don Ruy Gomez de Silva (Ernani), Ferrando (Il Trovatore); Ramfis (Aida) hay Zaccaria (Nabucco). Bên cạnh chất giọng đặc biệt hiếm có, Ghiaurov còn đuợc giới phê bình đánh giá rất cao về khả năng diễn xuất, chính niềm đam mê thời thanh niên đã giúp Ghiaurov có được thế mạnh này. Dù là một giọng bass thật sự nhưng với âm vực rộng, rất khỏe ở âm khu cao nên ông cũng tỏ ra rất thành công với vai Don Giovanni (Don Giovanni, Mozart) và thậm chí đã từng thu âm Votre toast je peu vous le rendre (Toreador Song) trong Carmencủa Georges Bizet.

 Năm 1981, Ghiaurov kết hôn với giọng nữ cao nổi tiếng người Ý Mirella Freni. Họ trở thành một trong những cặp vợ chồng đẹp nhất trong giới ca sĩ opera và chính ông là người đã truyền cho bà niềm cảm hứng đối với những vở opera của Nga, đặc biệt là Eugene Onegin và The Queen of Spades (Tchaikovsky). Đồng thời 2 người cũng thường xuyên tổ chức các concert và recital, trong đó họ thường xuyên hát những bài hát của những nhạc sĩ Nga như Glinka, Dargomizhsky, Mussorgsky, Borodin…

 Sự nghiệp ca hát của Ghiaurov kết thúc vào cuối những năm 1990 nhưng cùng với Freni, ông đã thành lập Centro Universale del bel canto tại Vignola đồng thời dạy các lớp master class cho các sinh viên thanh nhạc tài năng trên khắp thế giới tại đây với mục đích truyền bá nghệ thuật hát bel canto.

 Ông qua đời ngày 2 tháng 4 năm 2004 tại Modena, Ý sau một cơn đau tim. Khi nhận được tin này, Placido Domingo – một trong những người bạn diễn thân thiết năm xưa đã đau buồn thốt lên: “Với sự ra đi của Nicolai Ghiaurov, thế giới âm nhạc đã mất đi một người khổng lồ! ”

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: