HERLEA, NICOLAE

“Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình là một ngôi sao. Tôi là một người khiêm tốn với năng khiếu thanh nhạc bẩm sinh mà tôi nhận thức được rất nhiều. Tôi tin rằng tài năng thực sự không cần sự quảng cáo giả tạo. Âm nhạc không bắt đầu với tôi và nó sẽ không kết thúc với tôi. Tôi chưa bao giờ bị sự long lanh và hào nhoáng của showbiz hấp dẫn.” – Nicolae Herlea

Figaro trong Il barbiere di Siviglia (Gioachino Rosini) là một vai diễn điển hình dành cho giọng baritone. Ở đó có tất cả những gì mà một ca sĩ bậc thầy cần phải thể hiện. Đó là sự hấp dẫn về mặt giai điệu, những dòng chạy nốt đặc trưng của opera bel canto đòi hỏi một trình độ kỹ thuật vững vàng, tính hài hước và hóm hỉnh trong tính cách. Mọi baritone hàng đầu trên thế giới đều muốn được một lần thử sức chinh phục vai diễn khó khăn này nhưng không phải tất cả đều thành công. Nhưng với một ca sĩ, Figaro trong Il barbiere di Siviglia không chỉ là bệ phóng đưa ông đến với đỉnh cao danh vọng mà còn là dấu ấn mang “thương hiệu” cho tài năng của ông. Trong suốt cuộc đời nghệ thuật của mình, baritone người Romania Nicolae Herlea đã hoá thân vào Figaro tổng cộng 550 lần, nhiều hơn bất cứ một ca sĩ nào khác. Ông đã toả sáng ở tất cả những sân khấu opera danh giá nhất thế giới. Không chỉ có vậy, với chất giọng mạnh mẽ, khoẻ khoắn nhưng cũng không thiếu phần tinh tế và mềm mại, những vai diễn trong opera của Giuseppe Verdi cũng chiếm một vị trí quan trọng trong danh mục biểu diễn của ông, đặc biệt là Rigoletto. Là ca sĩ Romania hiếm hoi được biểu diễn tại nước ngoài trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Herlea đã cộng tác với hầu hết những ca sĩ danh tiếng nhất của thế giới và là người đại diện ưu tú cho một trong những giá trị văn hoá của quê hương mình.

Nicolae Herlea sinh ngày 28/8/1927 tại Bucharest trong một gia đình công chức nhà nước với cái họ Herle vì cha cậu sinh ra dưới chế độ Áo-Hung. Cha mẹ cậu không phải là những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nên những gì đọng lại về ca hát trong Nicolae khi còn nhỏ chỉ là những lần hát quốc ca tại trường học. Năng khiếu ca hát của Nicolae được phát hiện một cách rất đặc biệt, có lẽ không giống với bất kỳ ai khác. Thông thường, những tài năng trong tương lai sẽ tình cờ được nhận ra thông qua một buổi biểu diễn ở trường, trên đường phố hay thậm chí trong một cuộc dã ngoại, tức là ít nhất họ đã thực sự cất lên tiếng hát của mình. Nhưng Nicolae lại không cần làm như vậy mà năng khiếu âm nhạc vẫn được bộc lộ. Như Herlea sau này kể lại, khi 14 tuổi, cậu bé Nicolae từng bị cảm lạnh rất nặng và cần phải có một cuộc phẫu thuật nhỏ. Thật tình cờ, vị bác sĩ chịu trách nhiệm cho ca mổ lại rất thông thạo với các ca sĩ, ông nhận thấy dây thanh quản của Nicolae thật đặc biệt và không động đến nó. Ông nói với mẹ cậu bé: “Xin đừng để bất cứ ai động vào dây thanh quản của đứa trẻ, vì nó thực sự đặc biệt”

Sau lần đó, Herlea cùng với chị gái và người bạn Florian Penescu mày mò tự luyện tập, học lý thuyết âm nhạc và xướng âm, anh xác định mình là giọng nam cao. Rồi anh theo học tại trường nhạc tư nhân Nicolae Oancea và sau 3 năm học tại đây, đã quyết định thi vào Đại học âm nhạc quốc gia Bucharest. Năm 1945, khi 17 tuổi, anh trúng tuyển vào học lớp của Aurelius Costescu-Duca, vốn từng là một baritone xuất sắc tại Romania. Ông đã xác định Herlea cũng là giọng nam trung và trở thành người cố vấn khôn ngoan cho cậu học trò của mình. Herlea nhớ lại: “Ông ấy dạy tôi bức tranh của giọng hát và hơi thở có ý nghĩa như thế nào. Thở rất quan trọng; trên thực tế, thở ngang bằng với ca hát. Sau đó là các bài tập hàng ngày, một giờ luyện thanh rồi đến 3 giờ giải lao. Trong ca hát, bạn không thể mệt mỏi vì dây thanh quản vốn rất nhạy cảm và cần được bảo vệ. Chúng ta có giọng hát từ Chúa và chúng ta phải tôn trọng nó”. Khi theo học tại nhạc viện, Healea cũng tham gia trong một nhóm nhạc để kiếm tiền giúp đỡ gia đình. Herlea may mắn được tham dự các khoá học chuyên môn tại Accademia di Santa Cecilia, Rome, một trong những trung tâm đào tạo opera hàng đầu tại Ý dưới sự hướng dẫn của Giorgio Favaretto. Anh bắt đầu biểu diễn từ năm 1948, nhưng chỉ trong những chương trình hoà nhạc. Buổi biểu diễn opera đầu tiên đến với Herlea vào ngày 14/4/1950 với Silvio (Pagliacci, Ruggero Leoncavallo) tại Nhà hát Opera Quốc gia Romania, Bucharest. Để được nhận vào nhà hát, Herlea đã có một buổi thử giọng với aria “Largo al factotum” (Figaro) và các bài hát Romania. Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, Herlea đã trở thành ngôi sao hàng đầu tại đây và luôn đóng những vai baritone quan trọng của nhà hát. Anh chính thức có biên chế tại nhà hát vào năm 1951 và kể từ đó, đều đặn hàng tuần trong suốt 35 năm, Herlea luôn có ít nhất một buổi biểu diễn. Herlea gắn bó với nhả hát cho đến khi giã từ sự nghiệp. Anh cũng giành được một số giải thưởng trong các cuộc thi thanh nhạc tại Praha và Geneva trong những năm 1950, là bệ phóng tốt đẹp để hướng đến những thành công trong tương lai.

Dù đã rất nổi tiếng tại Romania nhưng con đường để đến với phương Tây và những sân khấu opera lớn với Herlea là không hề dễ dàng. Tại Romania lúc đó rất dư thừa những ca sĩ tài năng. Những ngôi sao như Viorica Cortez, Ileana Cotrubas hay Virginia Zeani đều sống tại nước ngoài. Lần biểu diễn xuất ngoại đầu tiên của Herlea diễn ra vào năm 1958 tại khắp Liên Xô, tới cả Siberia. Trong sự nghiệp của mình, tổng cộng Herlea từng hát tại Liên Xô trong 20 mùa diễn. Tuy nhiên, lại không hề có một vai diễn của Nga nào. Herlea lý giải: “Bởi vì tôi không biết tiếng Nga, trước đó tôi đã hát trong Con đầm pích, Prince Igor tại Bucharest, tại Bỉ, tại Pháp nhưng tôi yêu cầu bản thân mình không thể hiện chúng trước công chúng Nga”. Với Herlea, sự gian dối trong nghề nghiệp sẽ không cho phép người đó đi quá xa và không thể nhập vai bằng ngôn ngữ mà mình không hiểu, bởi vì theo cách đó sẽ không thể tiếp cận với tâm lý và sự phát triển tính cách của nhân vật. Healea sử dụng thành thạo tiếng Đức, Pháp và Ý: “Tôi học tiếng Đức ở nhà, bởi vì cha tôi sinh ra trong chế độ Áo-Hung. Gia đình tôi có họ là Herle. Tôi học tiếng Pháp ở trường trung học và tiếng Ý – ở tuổi 12-13, với một sinh viên Ngữ văn”.

Cuối cùng thì Herlea cũng có được buổi ra mắt đầu tiên của mình tại một nhà hát phương Tây. Ngày 29/10/1960, ông hát trong vai diễn “để đời” của mình Figaro bên cạnh Teresa Berganza tại Covent Garden. Báo chí London đã ca ngợi ông: “Cuối cùng thì Covent Garden đã tìm được một Figaro mới và cừ khôi ở Nicolae Herlea. Với giọng hát mượt mà và phong phú khiến chúng ta liên tưởng đến nhung nâu mềm mại, phong cách của ông – vui vẻ và tinh nghịch, hứng thú bất tận của ông đã thống trị đêm trình diễn. Herlea có tất những gì thuộc về Figaro: sự nhanh nhẹn, hoạt bát, vui nhộn tinh quái, sự tự chiếm hữu bất khả xâm phạm, nói tóm lại, tính cách của một trong những bậc thầy bẩm sinh của những thủ đoạn.” Kể từ đó, con đường đến với những nhà hát danh tiếng nhất trên thế giới trải dài trước mắt Herlea. Ngày 6/1/1964, ông lần đầu hát tại La Scala trong vai Rodrigo (Don Carlo, Verdi) bên cạnh một dàn sao Bruno Prevedi, Raina Kabaivanska, Fiorenza Cossotto, Martti Talvela và Nicolai Ghiaurov. Với Herlea, màn ra mắt tại La Scala rất đặc biệt bởi vì đây là nhà hát duy nhất trên thế giới luôn yêu cầu thử giọng, bất kể anh là ca sĩ nổi tiếng đến đâu đi chăng nữa. Ông nhớ lại buổi nói chuyện với đạo diễn opera Francesco Siciliani về buổi thử giọng diễn ra sau đó với Luciano Pavarotti, người sau này sẽ trở thành một trong những danh ca opera nổi tiếng nhất thế giới. Ngày 9/2/1964, Herlea lần đầu hát trong Figaro tại La Scala cùng với Luigi Alva, Cossotto và Ghiaurov, một trong những đêm diễn tuyệt vời nhất của ông tại đây. Herlea có một tình bạn rất thân thiết với Alva và Ghiaurov, thường xuyên biểu diễn cùng nhau, đặc biệt là cặp bài trùng ăn ý Herlea-Alva trong Figaro-Almaviva.

Và cũng với vai Rodrigo, Herlea có buổi biểu diễn đầu tiên tại Metropolitan Opera vào ngày 7/3/1964 cùng Franco Corelli và Leonie Rysanek. Peter Davis đã đánh giá tích cực trên Musical America: “Herlea là một sự bổ sung đáng giá cho nhà hát vì ông có chất giọng với màu sắc của nhung lụa, được tập trung tốt, đáp ứng được mọi mong muốn của người ca sĩ”. Ngày 26/11/1964, tại Metropolitan Opera, Herlea hát trong Don Carlo (La forza del destino, Verdi) bên cạnh Gabriella Tucci, Carlo Bergonzi và Cesare Siepi dưới sự chỉ huy của Nello Santi trong một buổi biểu diễn đặc biệt. Đó là lần đầu tiên kể từ ngày 4/3/1960, khi Leonard Warren mất ngay trên sâu khấu, nhà hát mới cho dàn dựng lại tác phẩm này. Và Herlea đã hát trong chính vai Don Carlo của Warren. Lần xuất hiện cuối cùng của Herlea tại Metropolitan Opera diễn ra vào ngày 28/5/1966 trong Enrico (Lucia di Lammermoor, Gaetano Donizetti) cùng với Anna Moffo và Richard Turker. Tổng cộng, ông đã hát tại đây trong 24 buổi, một điều không hề dễ dàng trong bối cảnh thời điểm đó.

Giọng hát của Herlea có âm sắc màu đồng, những nốt cao ấn tượng dựa trên một nền tảng kỹ thuật vững chắc rất phù hợp với những vai baritone của Verdi. Ông đã mang đến những màu sắc độc đáo trong từng vai diễn của mình, là sự kết hợp hoàn mỹ giữa sự hùng vĩ, uy nghi, rền vang và những đường legato mượt mà, liền mạch. Nhiều nhà phê bình đã không ngần ngại đánh giá rằng giọng của Herlea sinh ra là để hát Verdi. Và khi được hỏi đâu là vai diễn ưa thích nhất của mình, Herlea đã tuyên bố một cách đáng ngạc nhiên rằng là Rigoletto chứ không phải là Figaro. Rigoletto của Herlea là sự tổng hợp của những nốt pianissimo tuyệt đẹp khi nói chuyện với con gái Gilda, đầy đe doạ và sợ hãi trong Pari siamo khi thề trả thù Công tước nhưng cũng là một ông già ốm yếu, bị sỉ nhục trong Cortigiani, vil razza dannata. Khi ông bước lên sân khấu, đơn giản đó là sự thống trị. Bất chấp việc nhạc cổ điển, trong đó có opera dần mất đi khán giả, Herlea vẫn tin tưởng những giai điệu tuyệt vời trong các tác phẩm của những nhà soạn nhạc vĩ đại người Ý sẽ sống mãi: “Công chúng hiện đại, sống trong thế giới ồn ào và vội vã này, tìm cách thoát khỏi điều đó và thường tìm thấy sự nghỉ ngơi trong trường phái bel canto xưa cũ”.

Herlea luôn mơ ước được xuất hiện cùng Maria Callas trên sân khấu. Ông luôn trách bản thân mình xuất hiện tại phương Tây quá muộn. Và rồi cơ hội đã đến với Herlea vào năm 1972. Giuseppe di Stefano trong một chuyến biểu diễn tại Bucharest cùng Herlea đã đề nghị cả hai sẽ cùng hát với Callas trong Tosca(Giacomo Puccini). Ngay lập tức Herlea đã nhận lời. Lần hợp tác này sẽ diễn ra tại Tokyo, Herlea tỏ rất xúc động và lấy làm vinh dự. Ông đã tập dượt rất kỹ phần của mình, đó là một vai diễn khá mới đối với Herlea: “Trong tất cả các vai mà tôi đã hát, tôi không làm những gì mà người khác đã làm. Bản sao vẫn mãi là một bản sao, bởi mỗi nghệ sĩ đều có một khởi đầu khác nhau. Về mặt tâm lý, tôi phải biết rất rõ vai diễn của mình, vì tôi không chỉ là người phát ra âm thanh”. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, các nhà tổ chức Nhật Bản thông báo Callas ốm nên không thể hát được nữa và mong muốn Herlea gợi ý một cái tên thay thế và ông đã đề nghị Montserrat Caballé. Họ đã hát cùng nhau trong hai đêm và là một thành công rực rỡ. Nhưng đọng lại trong Herlea vẫn là những tiếc nuối vì ông đã không còn cơ hội được hát cùng Callas thần thánh.

Năm 1983, Simona, vợ của Herlea, một bác sĩ phụ khoa đã kiếm được việc làm tại Đức và nộp đơn xin định cư tại đây. Điều này ảnh hưởng khá lớn đến sự nghiệp của ông, các buổi biểu diễn tại nước ngoài của Herlea bị cắt giảm nghiêm trọng. Herlea đã nghỉ hưu và chuyển sang việc giảng dạy các lớp master class tại ngôi trường cũ của mình, Đại học âm nhạc quốc gia Bucharest. Chỉ đến khi chính quyền của Nicolae Ceaușescu sụp đổ, gia đình ông mới được đoàn tụ. Herlea định cư tại Frankfurt nhưng vẫn quay về quê hương để hợp tác các hoạt động liên quan đến âm nhạc. Ông là Chủ tịch hội đồng giám khảo cuộc thi giọng hát quốc tế Hariclea Darclée (nữ ca sĩ lừng danh người Romania những năm cuối thế kỷ 19), luôn quan tâm đến việc quảng bá di sản âm nhạc phong phú của quê hương và hỗ trợ các ca sĩ trẻ Romania. Herlea qua đời tại Frankfurt vào ngày 24/2/2014 ở tuổi 86.

Một điều đáng tiếc đối với hâm mộ là không có quá nhiều những bản thu âm của Herlea có chất lượng tốt. Các màn trình diễn xuất sắc nhất của Herlea tại các nhà hát hàng đầu đều không thấy được phát hành. Thật may mắn là vẫn còn có đĩa nhạc ghi lại những lần xuất hiện của Herlea tại Romania. Nếu như chính quyền Romania cởi mở hơn, Herlea có cơ hội được biểu diễn và thu âm tại phương Tây nhiều hơn, ngày nay chúng ta chắc chắn sẽ được thưởng thức một giọng hát Herlea với đầy đủ những phẩm chất tuyệt vời nhất.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: