KRAUS, ALFREDO

Là một trong những giọng ca tinh tế, tao nhã và chuyên nghiệp nhất thế kỉ 20, sự qua đời của Alfredo Kraus vào ngày 10 tháng 9 năm 1999 tại Madrid là một tổn thất to lớn đối với nền nghệ thuật opera thế giới. Trong con người Kraus luôn hướng về 2 cực. Một mặt là những vai trong các vở opera của Mozart và mặt khác là những vai tenor trữ tình trong các vở opera của Donizetti, Verdi và trên hết tất cả là sự hóa thân bất hủ vào nhà thơ Werther trong vở opera cùng tên của Messenet. Giọng hát của ông gợi nhớ về ca sĩ nổi tiếng người Ý hồi đầu thế kỉ 20 Dino Borgioli còn phong cách trình diễn lại khiến chúng ta liên tưởng đến Tito Schipa. Đó là ý thức về việc quyết đoán trong việc lựa chọn phong cách âm nhạc của mình ngay từ đầu hơn là để mặc cho yếu tố tâm lý và sự bốc đồng trên sân khấu dẫn dắt vai diễn của mình. Những buổi biểu diễn của Kraus tại Salzburg dưới sự ưu tiên và đỡ đầu của Herbert von Karajan là minh chứng hùng hồn nhất cho sự mềm mại, ngọt ngào, trong sáng, sâu sắc và đặc biệt hơn, là sự chính xác trong giọng hát của ông.

Alfredo Kraus Trujillo sinh ra tại Las Palmas de Gran Canaria vào ngày 24 tháng 11 năm 1927, là đứa con thứ 3 trong số 3 người con trai và 1 cô con gái của ông Otto Kraus, một nhà báo người Tây Ban Nha có nguồn gốc từ Áo và bà Josefa Trujillo, một phụ nữ địa phương. Cả tuổi thơ của Alfredo trôi qua bình yên tại Las Palmas, cậu bé tích cực tham gia vào một tổ chức hoạt động về văn hóa và âm nhạc, đặc biệt là opera tại địa phương. Otto và Josefa Kraus thường xuyên đến nhà hát địa phương để xem những vở opera do những ca sĩ nổi tiếng đóng, khi những ca sĩ này thường dừng chân tại Canary Islands trước khi thực hiện chuyến đi đến những nước Mĩ Latin. Trong ngôi nhà của mình, gia đình Kraus đều đặn và vui thích tổ chức những buổi hát opera với cây đàn piano. Alfredo tự nguyện tham gia vào dàn hợp xướng tại trường, tự tập một mình những bài luyện thanh và say mê theo dõi những vở opera và zarzuela (một loại hình ca hát đặc trưng của Tây Ban Nha gần giống với opera) tại nhà hát Las Palmas. Năm 1945, khi 18 tuổi, chàng trai trẻ Kraus theo một khóa học 3 năm ngành điện tại trường đào tạo kĩ sư. Giọng hát của tenor người Đan Mạch Helge Rosvaenge và những ca sĩ Ý nổi tiếng như Beniamino Gigli, Maria Caniglia và Gino Bechi đã gây ấn tượng rất sâu sắc đối với cậu. Kraus hát trong bè tenor của dàn hợp xướng địa phương được người dân rất hoan nghênh và chính họ là những người đầu tiên say mê chất giọng lạ của Kraus. Với thực tế này, ông Otto đã đề nghị con trai mình suy nghĩ một cách nghiêm túc về việc theo học hát chính quy tại Nhạc viện. Kraus không hề chần chừ đồng ý ngay và từ đó Kraus đã chọn ca hát là sự nghiệp của mình.

Năm 1948, chàng trai trẻ 21 tuổi lên đường tới Barcelona để học hát 2 năm với cô giáo người Nga Gali Markova, người đã đưa ra những giáo án rất nghiêm khắc nhưng vô cùng khoa học cho chất giọng tenor tự nhiên vốn đã nhẹ nhàng của anh. Sau 2 năm thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Valencia, vào năm 1952, anh theo học 6 tháng với một thầy giáo già rất có kinh nghiệm là Francisco Andres. Ông đã dạy cho Kraus những kĩ thuật hát mà bản thân ông đã tiếp thu được từ nhà giáo, ca sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha Mercedes Llopart. Trở về Canary Islands, anh đính hôn với Rosa Blanca Lej Bird, một cô gái Las Palmas đẹp rực rỡ có xuất xứ từ Scotland. Anh cưới cô vào năm 1956. Năm 1955, anh đến Italy, nơi tập trung tất cả những gì tinh túy nhất của nghệ thuật opera. Tại Milan, anh đã được gặp Llopart trứ danh. Dưới sự hướng dẫn của bà, Kraus đã hiểu được chính xác vị trí của âm thanh, sự cộng hưởng âm thanh trong các xoang của đầu người, đặc biệt là các xoang ở phía trước mặt, làm thế nào để chống được cơ hoành và nén hơi thở giữa cơ hoành và các xoang, tất cả điều này là đúc kết từ giáo trình về kĩ thuật thanh nhạc của trường phái thanh nhạc Lamperti – Garcia nổi tiếng từ những năm giữa của thế kỉ 19, đây được gọi là kĩ thuật Maschera. Llopart luôn giải thích và hát mẫu cho Kraus thông qua tổng phổ của những vở opera, ngay cả với những đoạn recitativo, bà cũng hướng dẫn từng nốt một. Bà Llopart gây ấn tượng rất mạnh trước người học trò của mình khi hết sức ngăn cản anh hát trước công chúng khi vẫn còn đang trong quá trình học và rèn luyện kĩ thuật. Bà thường nói: “Đứng trước khán giả, một ca sĩ thường quên cách điều khiển giọng hát và trút vào bài hát cảm xúc của mình. Không có kĩ thuật, cơ hội giao tiếp với khán giả là rất ít. Làm sao có thể sử dụng tốt những kĩ năng hát và gây được ấn tượng trên sân khấu?”

Ngay từ đầu, việc chọn danh mục tác phẩm biểu diễn cho Kraus đã là một vấn đề. Llopart cho rằng với âm sắc trong giọng hát của Kraus, phù hợp nhất là những vai spinto tại những nhà hát nhỏ. Kể từ đó, Kraus lao vào nghiên cứu tổng phổ của Toscavà Manon Lescaut của Puccini. Anh hát rất tốt nhưng trong giọng hát vẫn cảm nhận được sự gượng ép thiếu tự nhiên, trong khi đó, Kraus không hề cảm thấy mệt mỏi khi hát vai bá tước xứ Mantua trong Rigoletto (Verdi). Cuối cùng, Llopart khuyên Kraus hãy hát những vai tenor trữ tình. Kết thúc cho một sự bắt đầu. Trong toàn bộ sự nghiệp của mình, Kraus luôn trân trọng ghi nhớ bài học kinh nghiệm đầu đời và giữ vững nguyên tắc cứng rắn khi lựa chọn tác phẩm biểu diễn. Chính điều này đã tạo nên nét thanh lịch trong phong cách biểu diễn của Kraus. Phương châm sống của Kraus là: “Không bao giờ bước dài hơn chân của mình”.

Năm 1955, khi 28 tuổi, Kraus đoạt giải nhất trong cuộc thi Geneva Competition và tỏ ra sẵn sàng cho việc trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Đầu năm 1956, Kraus có một chương trình biểu diễn ra mắt thế giới opera tại Cairo, Ai Cập trong vai bá tước xứ Mantua trong vở opera Rigoletto, cùng với Anna Maccianti (Gilda), Enzo Mascherini (Rigoletto) và Cavaradossi trong Tosca, với Luciana Serafini (Tosca), Piero Guelfi (Scarpia). Kraus tự nhận xét rằng vai diễn spinto Cavaradossi rất thành công vì những nhà hát và biên chế dàn nhạc tại Ai Cập khá nhỏ. Với một nhà hát và dàn nhạc lớn hơn, giọng của anh phải mở quá nhiều và vì vậy sắc thái trong giọng hát sẽ bị mất. Anh còn một buổi hát trong Cavaradossi tại một nhà hát nhỏ tại Cannes, Pháp và sau đó thì không bao giờ Kraus hát lại vai này nữa. Vào giữa và cuối năm 1956, anh vào vai Alfredo (La Traviata, Verdi) tại Venezia và Torino, một vai đã đem lại danh tiếng cho anh trên khắp nước Ý trong suốt những năm cuối của thập niên 50.

Sau tháng 11 năm 1956, việc học những tác phẩm mới và hát trên sân khấu đối với Kraus đã trở nên thuận lợi hơn rất nhiều. Năm 1957, anh ra mắt trong Fenton (Falstaff, Verdi). Năm 1958, anh hát Alfredo tại Teatro Nacional de São Carlos, Lisbon và đó là lần cộng tác duy nhất giữa anh và Maria Callas _ người mà Kraus nhận xét rằng là một phụ nữ và đồng nghiệp tuyệt vời: “Maria luôn tỏ ra tốt bụng không thể tin được”. Bản thu âm quý giá này đã được EMI Classics lưu giữ. Kraus cũng có buổi ra mắt trong Don Pasquale cùng Renata Scotto, trong Les pêcheurs de perles với Gino Bechi và Marina, một vở zarzuela của Pascual Juan Emilio Arrieta y Correra. Kraus luôn quan tâm rất nhiều đến thể loại zarzuela mà ông thường xuyên hát trong những recital của mình. Tại cuối một chương trình tuyệt vời của mình ở Florence, trong đó trọn vẹn là những bài hát về mảnh đất quê hương, Kraus nhận xét: “Zarzuela là một loại hình nghệ thuật ít được biết đến trên thế giới và đó là một điều bất công”. Năm 1960, anh vào vai Pinkerton (Madama Butterfly) và hát lần duy nhất trong Requiem của Verdi. Năm 1961 là lần ra mắt trong I Puritani và năm 1962 là La Favorita. Kraus cũng đã có những buổi công diễn đầu tiên tại Mĩ vào năm 1962 và vào cuối năm 1965 ông hát trong L’heure espagnole của Maurice Ravel và Carmina Burana của Carl Orff tại Chicago. Cuối thập niên 50 và đầu thập niên 60, Kraus đã liên tiếp xuất hiện tại những nhà hát hàng đầu thế giới. Năm 1959, anh hát vai Edgardo (Lucia di Lammermoor, Donizetti) tại Covent Garden, London và năm 1960 là tại La Scala, Milan với Elvino (La sonnambula, Bellini). Tuy nhiên phải đến ngày 16 tháng 2 năm 1966, Kraus mới có buổi ra mắt tại Metropolitan, New York khi anh hát trong vai diễn quen thuộc: bá tước xứ Mantua (Rigoletto) bên cạnh Roberta Peters và Cornell MacNeil.

Năm 1965 là một năm có nhiều ý nghĩa trong sự nghiệp và cuộc sống của Kraus. Kraus đã lần đầu tiên vào vai nhà thơ Werther (Werther, Massenet) cùng với Anna Maria Rota (Charlotte) và Franco Bordoni (Albert) tại Teatro Municipale di Piacenza, Italy. Trong đêm diễn đáng nhớ này, ông đã phải hát “bis’ lại aria ở cuối màn 3 “Pourquoi me reveiller” – một điều cực kì ít xuất hiện trên sân khấu opera. Giọng hát của Kraus tỏ ra phù hợp một cách đặc biệt với những vai nam chính trong các vở opera của Massenet. Trong những năm sau đó, ông đã hiểu biết opera của Massenet một cách tường tận, thấu đáo. Ông thấu hiểu được sự kết hợp giữa sự bi thương và đam mê cháy bỏng, chính điều này đã đưa tên tuổi Kraus vào lịch sử opera, đưa danh tiếng ông bay xa trên khắp thế giới, như Tito Schipa ngày trước. Tuy nhiên, Kraus thú nhận rằng, đã là một ca sĩ, mình phải ngày một hoàn thiện để có thể hát tốt hơn trong những vai như Alfredo, Arturo, Edgardo, Ferrando, Hoffman, Nemorino và Tonio.

Mùa hè năm 1968, không phải ai khác mà chính là nhạc trưởng vĩ đại Herbert von Karajan đã mời Kraus hát trong Don Giovanni tại Salzburg. Trong vở opera này, Karajan đã trình làng một dàn ca sĩ thượng thặng: Nicolai Ghiaurov đóng vai chính cùng với Gundula Janowitz, Teresa Zylis-Gara, Mirella Freni, Geraint Evans, Rolando Panerai, Martti Talvela và Alfredo Kraus. Sự cộng tác của giọng tenor với nhạc trưởng người Áo rất đáng chú ý vì họ có thể chia sẻ với nhau quan điểm rằng phân tích đặc điểm của từng nhân vật trong tất cả những vở opera của Mozart mà bỏ qua recitativo là một sai lầm. Kraus nói: “chúng tôi phải chấp nhận rằng “tất cả đều là người Ý” với sự diễn cảm chính xác sao cho tất cả khán giả hiểu được rằng cái gì đang xảy ra trên sân khấu. Sự tin tưởng này trái ngược với nhiều chỉ huy khác, âm nhạc của Mozart rất nổi tiếng đối với người nghe, tuy nhiên họ thường quên mất rằng trong opera tồn tại những recitativo”. Kraus khá lo lắng khi Karajan đề nghị ông không tập gì khác ngoài recitativo trong 3 tuần. Sau sự thắc mắc của Kraus, Karajan trả lời: “Đừng lo lắng gì về các aria. Tôi biết anh sẽ hát như thế nào”. Kraus trở lại Salzburg một năm sau đó nhưng từ chối tham gia tại festival này trong mùa hè 1970. Kraus phàn nàn với Karajan rằng mình đã uổng phí 2 mùa hè tại Salzburg, mất 2 kì nghỉ hè cùng gia đình. Krajan hiểu và dành cho Kraus lời nhận xét quý mến: “Hãy nhận lấy lòng kính trọng của tôi dành cho anh và con đường nghệ thuật của anh”. Họ tạm biệt nhau rất chân thành như thường lệ và không bao giờ cộng tác với nhau nữa.

Trong thập niên 70 và 80, danh mục tác phẩm biểu diễn của Kraus ngày càng được mở rộng hơn. Kraus tập trung vào những vở opera của Donizetti như Linda di ChamounixLa fille du régimentLucrezia Borgia và các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Pháp như Les contes d’HoffmannRomeo et Juliette, Lakmé. Những vai diễn này cũng cháy bỏng ,mãnh liệt và dữ dội không kém những vai trước đó như Werther, Des Grieux, Nadir và Faust. Tiếng tăm của Kraus ở Ý được tăng đáng kể với việc có một chiến dịch quảng cáo những bản thu âm của Kraus vào những năm 60, liền theo đó là một bộ phim về tiểu sử của một tenor vĩ đại người Tây Ban Nha, Julian Gayarre với nhạc phim là những trích đoạn opera và những bài hát Tây Ban Nha. Điều này rất đáng kể khi tại đây José Carreras cũng vào vai Julian Gayarre rất đạt trong một bộ phim khác có tiêu đề Romanza Final. Rất nhiều trích đoạn trong các vở zarzuela và một vở opera hoàn chỉnh Les pêcheurs de perles được đưa vào một bản thu âm của Carillon Records và sau này được hãng đĩa Bongiovanni biên tập lại.

Một đóng góp quan trọng trong sự thành công của Kraus là buổi biểu diễn Werther tại Teatro alla Scala vào năm 1976, được lặp lại vào năm 1980 với Elena Obraztsova, Daniela Mazzuccato và Alberto Rinaldi và sau đó là năm 1984 tại Paris Opera với những lời phê bình thật ấn tượng và thiện chí. Tần số xuất hiện của Kraus tại những nhà hát ở Vienna, London, Paris và Nam Mĩ tăng không ngừng, trong đó một buổi biểu diễn tại Colon, Buenos Aires đặc biệt ấn tượng. Kraus nhớ lại: “Trong một buổi biểu diễn La Fovorita, sự thể hiện của tôi trong “Spirto gentil” đã khiến khán giả hoan hô trong suốt 10 phút và họ yêu cầu tôi hát lại”. Tại Vienna, Kraus trở thành một trong những ca sĩ được yêu thích nhất đối với khán giả địa phương, những người luôn luôn vỗ tay bất kì nơi đâu họ gặp ông, kể cả khi ông chỉ xuất hiện chỉ với tư cách khán giả. Vào năm 1988, tên ông được đề trang trọng trong album vàng của Vienna Opera Kammersanger. Các nước Pháp, Ý và Tây Ban Nha, đã ban tặng ông nhiều giải thưởng danh dự như: Comendeur de l’ordre des Arts et des Lettres, Chevalier de l’Ordre National de la Legion République FranÇaise của Pháp; Commendatore della Republica Italiana, Verdi d’Oro di Parma, Premio Enrico Caruso y Sigillo Magnum dell’ Universita di Bologna của Ý; Premio Nacional de Música de España, Medalla de la Gran Orden del Mérito Militar con distintivo blanco concedida por SM el Rey Juan Carlos I của Tây Ban Nha. Và đặc biệt vào năm 1991, Alfredo Kraus được trao giải thưởng Premio Príncipe de Asturias cùng với những đại diện tiêu biểu nhất của nền thanh nhạc Tây Ban Nha và thế giới: José Carreras, Teresa Berganza, Pilar Lorengar, Plácido Domingo, Montserrat Caballé và Victoria de los Angeles.

Những năm tháng sau này, Kraus giảm bớt số buổi biểu diễn opera xuống còn 20 đến 25 buổi một năm (ngay khi ở thời kì đỉnh cao thì Kraus cũng không bao giờ hát quá 50 buổi một năm) và tăng số lần xuất hiện trong những concert đồng thời cũng chú tâm vào việc dạy hát cho những ca sĩ trẻ mà ông cho rằng họ có năng khiếu. Ông không bao giờ bỏ lỡ kì nghỉ hè của mình tại một villa tuyệt đẹp ở Lanzarote. Kraus vẫn tiếp tục hát cho đến đầu thập niên 90 khi ông đã gần 70 tuổi với kĩ thuật, phong cách, cá tính và nhạc cảm như chúng ta vẫn thường thấy, trong đó có đêm diễn đáng nhớ vào năm 1992 khi ông hát vai Nemorino (L’elisir d’amore) tại Covent Garden. Trước khi qua đời một thời gian ngắn, ông vẫn hát trong Lucia di Lammermoorvà Werther với chất giọng tuyệt vời như vẫn trong thời kì hoàng kim. Ông qua đời ngày 10 tháng 9 năm 1999 tại Madrid sau một trận ốm kéo dài. Để ghi nhận những đóng góp to lớn của ông, trước đó vào ngày mùng 5 tháng 12 năm 1997 thành phố Las Palmas quê hương ông đã lấy tên ông để đặt cho nhà hát của thành phố.

Sự nghiệp của Kraus kéo dài 35 năm trong đó hơn 20 năm, tên tuổi ông luôn đứng ở những vị trí hàng đầu như là một tenor có chất giọng quý hiếm và cách xử lí tác phẩm tinh tế bậc nhất. Ông là hiện thân của tất cả những phẩm chất của một tenor “duyên dáng” cực kì phù hợp với những vở opera bel canto như La sonnambula, L’elisir d’amore, Don Pasquale hay Lucrezia Borgia. Giọng hát thanh lịch và những nét lướt nhanh tinh xảo những nốt cao như c2 hay thậm chí d2 là chìa khóa giúp ông mở những cánh cửa La Favorita, I Puritani, La fille du régiment và Rigoletto (còn có người cho rằng Kraus là một trong rất ít những giọng tenor đã từng lên nốt f2 nổi tiếng trong “Credeasi Misera” trích từ I Puritani). Kraus thích ứng rất dễ dàng với những vở opera cầu kì, hoa mĩ của Rossini như Il barbiere di Siviglia, La Cenerentola, L’italiana in Algeri, Il turco in Italia và Le Comte Ory. Ông cũng tỏ ra rất phù hợp với những vở opera của Mozart như Don Giovanni, Così fan tutte và Die Zauberflötecũng như các vở opera của Pháp mà đỉnh cao là Werther huyền thoại.

Đứng dưới góc độ kĩ thuật mà nhận xét thì có thể nói Kraus sở hữu một kĩ thuật hát siêu đẳng, khả năng hát mezza di voce (yếu – mạnh – yếu, tức là hát một nốt nhạc ban đầu yếu rồi mạnh dần lên rồi lại nhẹ dần xuống trên một làn hơi duy nhất) cực kì đỉnh cao, có thể nói là không có đối thủ trong thế giới tenor. Ông có thể hát rất nhẹ (pianissimo) đồng thời ngân những nốt cao đầy màu sắc với độ xoáy (squillo) khủng khiếp mà vẫn rất thoải mái, không tốn sức và vô cùng nhẹ nhàng đến nỗi Gualerzi, một nhà phê bình thanh nhạc hàng đầu ở Ý đã nghĩ rằng đó là falsetto (lối hát giả thanh). Trong Ritmo, một tạp chí tại Tây Ban Nha xuất bản tháng 3 năm 1978, Kraus đáp trả: “Tôi không bao giờ thử dùng kĩ thuật falsetto, tôi không bao giờ cảm thấy cần đến nó và hơn nữa là tôi không biết sử dụng nó như thế nào. Maschera và falsetto là 2 kĩ thuật hoàn toàn khác hẳn nhau. Nếu bạn thực hiện được một thứ thì sẽ không làm được cái còn lại và cũng không dễ để đưa âm thanh từ vị trí này đến vị trí khác”.

Còn nếu đứng dưới góc độ nghệ thuật diễn xuất, thì các nhà phê bình phàn nàn rằng Kraus còn nhiều thiếu sót trong diễn xuất trên sân khấu, thiếu sự sắc sảo và bùng nổ đặc biệt là trong những năm tháng đầu tiên của sự nghiệp. Kraus thừa nhận rằng mình chú tâm đến việc hoàn thiện kĩ thuật hơn là nghiên cứu diễn xuất của nhân vật. Tuy nhiên những năm tháng sau này, mọi việc diễn ra tốt đẹp hơn, thậm chí đã đạt đến sự hoàn hảo trong những vai mang phong cách quý tộc như Edgardo (Lucia di Lammermoor) và Arturo (I Puritani) và tất nhiên là cả trong Werther quen thuộc.

Nhìn lại con đường nghệ thuật trải dài suốt 40 năm của Alfredo Kraus, rõ ràng đó là một tấm gương sáng để những thế hệ ca sĩ sau này noi theo. Luôn khắt khe với nghề, nghiêm khắc với bản thân, ông là một mẫu mực không chỉ về tài năng mà còn cả về đạo đức nghề nghiệp. Dù rằng Kraus thường bị phàn nàn rằng thiếu sự mạo hiểm khi lựa chọn tác phẩm nhưng rõ ràng rằng Kraus có lí khi trung thành với các vai lyric tenor. Chỉ khi hát những vai như vậy, ông mới phát huy được hết vẻ đẹp và giữ được sự trường tồn của giọng hát. Phải chăng Kraus đã rút ra được bài học từ Giuseppe di Stefano?

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: