MELBA, NELLIE

“Nếu bạn muốn hiểu tôi, trước hết phải biết rằng tôi là người Úc” – Nellie Melba

Hầu hết những tên tuổi lớn của nền âm nhạc cổ điển vào giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 đều đến từ châu Âu và phần nào là Mĩ. Với sự xuất hiện của cái tên Neille Melba, bản đồ âm nhạc thế giới đã được mở rộng đến tận nước Úc xa xôi, góp phần phổ biến loại hình nghệ thuật trước đó còn khá xa lạ này. Là một trong những giọng soprano vĩ đại nhất mọi thời đại, Melba là cái tên khiến nước Úc tự hào và yêu mến.

Neille Melba sinh ngày 19/5/1861 tại Richmond, Melbourne với tên khai sinh là Helen Porter Mitchell. Melba là chị cả trong tổng số 10 người con còn sống sót của ông David Mitchell, một nhà thầu xây dựng và bà Isabella Ann. Sự nhạy bén trong kinh doanh và hành vi ứng xử nghiêm khắc của người cha, cũng là một ca sĩ giọng bass không chuyên, đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến Melba, người sau này tuyên bố cha cô là người đàn ông có ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình. Mẹ cô là người rất có thẩm mỹ âm nhạc và chơi được một số nhạc cụ, bà chính là người thầy âm nhạc đầu tiên của con gái mình. Tuy nhiên, Nellie không phải là một thần đồng mặc dù lần đầu tiên cô biểu diễn trước công chúng khi chỉ mới lên 6 tuổi. Từ nhỏ, cô thường hay huýt sáo và ăn mặc cũng như hành xử giống những cậu bé.

Nellie theo học tại trường nội trú ở Richmond trước khi được gửi tới Presbyterian Ladies’ College vào năm 1875. Ở đó, trong bối cảnh môi trường giáo dục tiên tiến nhất được dành cho các nữ sinh tại bang Victoria, cô đã theo đuổi niềm đam mê thanh nhạc và piano của mình. Giáo viên của cô, bà Ellen Christian từng là sinh viên của ca sĩ lừng danh Manuel Garcia. Trong quá trình học tại trường, cô nổi bật với khả năng hùng biện cũng như hội hoạ. Một người thầy khác của Nellie, giọng tenor người Ý Pietro Cecchi đã nhận ra khả năng tiềm tàng của cô và thúc giục Nellie theo đuổi con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Mặc dù cha cô khuyến khích Nellie học nhạc nhưng ông lại không muốn con mình trở thành ca sĩ chuyên nghiệp.

Năm 1880 sau sự qua đời của mẹ mình, cô đã rời trường học và theo cha tới Mackay, gần Queensland, nơi ông Mitchell mua một nhà máy đường. Tại đây Neille đã gặp chàng trai Charles Nisbett Frederick Armstrong, lớn hơn cô 3 tuổi và là con của một vị nam tước. Hai người đã kết hôn vào ngày 22/12/1882. Sống khép kín trong nhà, cô buồn chán về những cơn mưa không ngớt, thất vọng về một cuộc hôn nhân tẻ nhạt. Sự ra đời của đứa con trai George không ảnh hưởng nhiều đến tham vọng trở thành ca sĩ chuyên nghiệp của cô. Mặc dù cô đã rời khỏi trường nhưng Cecchi vẫn gửi cô một lá thư đầy xúc động, tin rằng giọng hát của cô sẽ khiến cả thế giới say mê. Và vào ngày 19/1/1884, cô rời Mackay trở lại Melbourne. Ngày 17/5/1884, cô đã có buổi hoà nhạc đầu tiên của mình khi hát tại Melbourne Town Hall. Cũng trong dịp này cô đã gặp nghệ sĩ flute John Lemmone, sau này trở thành người đệm đàn, nhà quản lý và tổ chức biểu diễn opera cũng như có mặt trên giường bệnh khi cô hấp hối.

Sau một vài thành công khi bắt đầu trở thành ca sĩ chuyên nghiệp (cô kiếm được 750 bảng trong năm đầu tiên), cô theo cha mình, lúc này đã trở thành uỷ viên hội đồng bang Victoria, tới London tham dự triển lãm Ấn Độ và thuộc địa. Cô đã bị thành phố quyến rũ nhưng những lời đề nghị chưa được đưa ra. Nhà soạn nhạc Sir Arthur Sullivan khuyên cô nên tiếp tục theo học và trong vòng một năm có thể dành cho Nellie một vai nhỏ trong vở opera The Mikado của mình. Cô đã có một buổi biểu diễn của riêng mình tại đây, nhưng bị chìm trong màn sương mù dày đặc và những tràng vỗ tay theo phép lịch sự. Thành công lớn nhất của Nellie là cô đã có được một buổi thử giọng tại Paris cho Mathilde Marchesi, giọng mezzo-soprano và là thầy giáo thanh nhạc nổi tiếng, do bà Pinschof, phu nhân của lãnh sự Áo-Hung tại Melbourne và là học trò cũ của Marchesi giới thiệu. Marchesi đã nhận ra khả năng tiềm năng của Nellie, bà thốt lên: “Cuối cùng tôi cũng đã có một ngôi sao!” nhưng vấn đề của cô nằm ở khía cạnh kỹ thuật, nó cần phải được tinh chỉnh.

Trong những năm theo học với Christian và Cecchi, cô đã được hướng dẫn những vai diễn nổi tiếng nhất trong các vở opera Ý. Dưới sự dẫn dắt của Marchesi, cô được đưa tới nhiều phòng khách sang trọng để thực hành giao tiếp xã hội cũng như tích luỹ kinh nghiệm ca hát. Bà cũng giới thiệu cô học trò mình tới nhiều nhà soạn nhạc danh tiếng thời đó như Delibes, Thomas, Massenet và đặc biệt là Gounod, người sẽ trực tiếp hướng dẫn cô trong các vở opera của mình. Nellie cảm thấy mắc nợ Marchesi rất nhiều, cô đã gọi bà là “Mẹ” và nhiều lần coi bà là giáo viên thanh nhạc duy nhất của mình. Chính Marchesi là người đã thúc ép cô chọn một nghệ danh và cái tên Melba – một sự rút gọn từ quê hương Melbourne của cô ra đời từ đó. Bà đã thay đổi cô rất nhiều.

Melba lần đầu xuất hiện với tư cách ca sĩ opera là tại Théâtre Royal de la Monnaie, Brussels vào ngày 13/10/1887 với vai Gilda (Rigoletto, Verdi). Sau đó là các vai trong La traviata (Verdi) và Lucia di Lammermoor (Donizetti). Với vai Lucia này cô lần đầu ra mắt tại Covent Garden, London vào ngày 24/5/1888. Đó có vẻ không phải là một thành công nên dù ngay sau đó cô còn hát tiếp Gilda tại đây nhưng nhà hát chỉ tiếp tục mời cô vào một vai nhỏ Oscar trong vở opera tiếp theo Un ballo di maschera (Verdi). Cô từ chối và đóng gói hành lý, trở lại Brussels. Tuy nhiên, Melba đã tìm được đồng minh cho mình tại Covent Garden khi nhà bảo trợ nghệ thuật nổi tiếng Lady de Grey đã viết thư đề nghị cô quay về London. Melba đồng ý nhưng trong lúc đó, cô đã có màn ra mắt Paris thành công với Ophélie (Hamlet, Thomas) vào ngày 8/5/1889, được cả khán giả và giới phê bình tán dương. Cô trở lại Covent Garden với vai diễn Juliette trong vở Roméo et Juliette của Gounod, một đêm diễn tuyệt vời đối với cô vào ngày15/6/1889.

Melba quả thật đã gặp may mắn khi phần lớn sự nghiệp của cô trùng khớp với thời kỳ hoàng kim của Covent Garden mặc dù kiến trúc sư của nó, người điều hành nhà hát Augustus Harris đã tỏ ra miễn cưỡng khi ký hợp đồng với cô. Harris đã mở rộng danh mục biểu diễn của nhà hát, dàn dựng những tác phẩm lớn lên đến hàng trăm người, thu hút được nhiều khán giả của giới bình dân trong khi vẫn giữ chân được tầng lớp quý tộc, tạo nên một địa vị xã hội tuyệt vời cho Nhà hát hoàng gia, một điều khiến Melba rất phấn khích. Có thể một số buổi biểu diễn đỉnh cao nhất của cô đến từ những nơi khác, đáng chú ý như tại La Scala vào năm 1893 hay nhiều lần ở Metropolitan, New York nhưng cô đã trở thành biểu tượng tại Covent Garden, trở lại đây trong nhiều mùa diễn, giữ chìa khoá của một phòng thay đồ cố định. Ở đó, cô có vị trí tối cao. Sự toả sáng của Adelina Patti vào năm 1895 chỉ là hiện tượng nhất thời. Với một tính cách mạnh mẽ phía sau sân khấu, cô loại bỏ hết các đối thủ cạnh tranh. Ngày 4/12/1893, cô có màn ra mắt tại Metropolitan Opera với Lucia trong Lucia di Lammermoor và gặt hái được những màn tán thưởng nhiệt liệt. Henderson đã viết trên New York Times: “Melba là giọng soprano mà công chúng sẽ nhanh chóng ngưỡng mộ. Nếu cô ấy không phải giọng nữ cao màu sắc hàng đầu, chắc chắn cô ấy có thứ hạng rất cao. Thiên nhiên đã ban tặng cho cô ấy một giọng hát đáng yêu nhất từng được phát ra ở cổ họng con người. Nó chỉ đơn giản là ngọt ngào với sự đầy đặn, phong phú và tinh khiết. Giọng hát có một cá tính rõ ràng, cân bằng hoàn hảo trong toàn bộ âm vực”. Met cũng là một mái nhà quen thuộc của cô, cô xuất hiện đây trong hơn 200 buổi biểu diễn với hơn 10 vai diễn khác nhau.

Được sự giúp đỡ về mặt vật chất từ người bạn Lady de Grey, Melba thoải mái di chuyển trong xã hội thượng lưu. Danh tiếng của cô đã nhanh chóng đạt đến đỉnh cao, ngoài những buổi biểu diễn tại khắp các nhà hát opera trên toàn thế giới, cô được mời đến hát cho Sa hoàng Alexander III tại St Petersburg, ở Stockholm trước Vua Oscar II, Vienna trước Hoàng đế Franz Joseph, Berlin trước Hoàng đế Wilhelm II và Windsor trước Nữ hoàng Victoria. Sau này trong đêm diễn chia tay Covent Garden, Melba nhớ lại: “Đó là những năm tháng rực rỡ nhưng đơn điệu”. Mỗi khi xuất hiện, Melba luôn được một đám đông người hâm mộ vây xung quanh. Nhận được nhiều lời khuyên đầu tư hữu ích từ người bạn thân, nhà tài phiệt nổi tiếng Alfred de Rothschild, tình trạng tài chính của bà được đảm bảo. Ngay sau thời khắc chuyển giao thế kỷ, Melba đã mua một ngôi nhà tại Great Cumberland Place, London mà cô sẽ ở trong hơn 20 năm sau đó. Cô đã thuê những công nhân Pháp sửa chữa theo phong cách của cung điện Versailles.

Mặc dù Charles Armstrong đã tới châu Âu cùng Melba nhưng ông vẫn phải quay về Úc vì tham gia quân ngũ. Ông không muốn chia tay Melba. Tuy nhiên, năm 1890, Melba đã gặp Philippe, công tước xứ Orleans, người thuộc dòng họ Bourbon danh giá từng ngồi trên ngai vàng nước Pháp, hiện tại đang sống ở Anh. Cặp đôi được bắt gặp ở London, Paris, Brussels, St Petersburg và Vienna. Báo chí nắm được tin tức và ngay lập tức Charles Armstrong đã đệ đơn ly hôn với lý do vợ ngoại tình. Câu chuyện hấp dẫn này đã bị đè xuống, chủ yếu vì những áp lực ngoại giao. Ngài công tước để trốn tránh đã tới châu Phi trong 2 năm. Armstrong sau đó đã đưa con trai của hai người tới Mỹ và ly dị vào năm 1900 ở Texas.

Năm 1902, bà trở về Úc trong một chuyến lưu diễn tại quê hương và New Zealand đã được mong chờ từ lâu. Chỉ riêng hai buổi hoà nhạc tại Sydney và Melbourne, bà đã thu được 21.000 bảng Anh, một số tiền kỷ lục thế giới thời điểm đó. Hàng nghìn người chào đón mỗi khi bà di chuyển. Với liên bang Úc mới được thành lập, Melba là biểu tượng cho sự quyến rũ, thành công và được quốc tế chấp nhận. Melbourne đặc biệt cảm thấy rằng chính bà đã làm cho nơi này trở nên nổi tiếng.

Từ năm 1904 cho đến khi giã từ sự nghiệp, Melba đã thực hiện nhiều bản thu âm ở Anh và Mỹ. Mặc dù công nghệ ghi âm thời điểm đó còn hạn chế, chúng ta ngày nay không có cơ hội để thưởng thức trọn vẹn giọng hát của bà. Tuy nhiên, qua những gì còn lại chúng ta vẫn có thể thấy được một giọng hát nữ cao trữ tình thuần khiết với khả năng chạỵ những nốt nhạc nhanh đầy màu sắc hoa mỹ, những đường legato mềm mại và cao độ chính xác một cách hoàn hảo. Âm vực của bà lên đến 3 quãng tám. Có lẽ chính những đặc điểm này và lối hát ít sử dụng rung của bà đã khiến khán giả Anh, những người quen thuộc với âm nhạc hợp xướng và thánh ca truyền thống thần tượng. Nhược điểm của bà nằm ở khả năng phát âm trong các vở opera tiếng Pháp nhưng với nhà soạn nhạc Delibes, ông không quan tâm Melba hát bằng thứ tiếng nào, miễn bà hát, thế là đủ. Danh mục biểu diễn của bà được coi là khá ít ỏi, chỉ trong 25 vở opera. Những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Melba là Gilda (Rigoletto) Nedda (Pagliacci, Leoncavallo), Rosina (Il barbiere di Siviglia, Rossini), Violetta (La traviata) và Mimì (La bohème) – vai diễn cô được đích thân tác giả Puccini hướng dẫn, Juliette (Roméo et Juliette) và Marguerite (Faust, Gounod). Ngoài ra, bà còn hát trong một số vở opera của Wagner như Elsa (Lohengrin), Elisabeth (Tannhäuser) hay Brünnhilde (Siegfried). Tuy nhiên những vai diễn khá nặng này tỏ ra không phù hợp với giọng hát trữ tình của bà, buổi biểu diễn Brünnhilde tai Met thậm chí còn bị coi là thảm hoạ. Điều đáng ngạc nhiên là Melba không hát trong bất kỳ vở opera nào của Mozart, những vai diễn được đánh giá là rất lý tưởng với bà. Melba cũng từng tuyên bố Puccini sáng tác vai diễn Madama Butterfly trong vở opera là dành riêng cho bà và bà từng theo học nó với chính nhà soạn nhạc. Tuy nhiên bà luôn lảng tránh và chưa bao giờ hát vai diễn này.

Thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 là thời kỳ đỉnh cao của Melba khi bà đã ngoài 40 tuổi. Ngày 18/2/1904 tại Monte Carlo, bà vào vai Hélène trong vở opera cùng tên của nhà soạn nhạc Camille Saint-Saëns. Đây là tác phẩm được bà đề nghị nhà soạn nhạc sáng tác dành riêng cho mình. Mùa diễn năm 1906-1907, vì không hài lòng với Metropolitan bà chuyển sang cộng tác với Opera Manhattan, một nhà hát mới được Oscar Hammerstein thành lập cũng tại New York. Nếu cộng tác với Met, Melba sẽ phải hát những vai bà được giao, ở đâu và theo chỉ dẫn. Điều này không phù hợp với tính cách của bà: “Không một nghệ sĩ nào có thể cống hiến hết mình trong điều kiện đó. Tôi tự nói với bản thân: Tôi là Melba, tôi sẽ hát ở đâu khi nào tôi thích và theo cách của riêng tôi”. Có thể đó là một tuyên bố ngạo mạn, nhưng vào năm 1908, bà là ca sĩ được trả lương cao nhất trong giới opera.

Sau chuyến lưu diễn tại Mỹ, bà đã bị viêm phổi nên đã huỷ các chương trình của mình ở Covent Garden và về Úc dưỡng bệnh. Trong lúc đó, giọng soprano trẻ tuổi (kém Melba 10 tuổi) Luisa Tetrazzini đã thay thế bà một cách hoàn hảo và nguy cơ ngôi vị độc tôn bị cạnh tranh gắt gao đang dần hình thành. Mặc dù khi Melba trở lại, vị trí của bà vẫn chưa bị suy suyển. Nhưng những thành công vang dội sau đó của Tetrazzini ở Mỹ, dù chưa cảm thấy thực sự bị thách thức, nhưng Melba đã phần nào thấy được áp lực trong việc giữ vững vị trí hàng đầu của mình. Năm 1909, bà lưu diễn tại những vùng hẻo lánh của Úc, quãng đường di chuyển khoảng 10.000 dặm. Cùng năm, bà mua một bất động sản tại Coldstream gần Melbourne và thuê kiến trúc sư John Grainger (cha của nhà soạn nhạc Percy Grainger và là bạn thân của cha bà) thiết kế Coombe Cottage. Nơi này trong những năm cuối đời trở thành trung tâm hoạt động của Melba. Melba bắt đầu quảng bá cách thức dạy thanh nhạc của riêng mình, về cơ bản là phương pháp của Marchesi được bà cải tiến. Bà giảm dần các buổi biểu diễn tại “ngôi nhà nghệ thuật” Covent Garden vì ba lý do: Sự không hoà thuận với giám đốc nghệ thuật Thomas Beecham “tôi không thích Beecham và các phương pháp của ông ấy”, sự xuất hiện của Tetrazzini và bà muốn dành nhiều thời gian hơn ở Úc.

Năm 1911, cùng với nhà quản lý nghệ thuật James Cassius Williamson, Melba thành lập công ty Opera Melba-Williamson với mục đích tổ chức và biểu diễn các vở opera tuyệt vời nhất thế giới trên khắp nước Úc. Khi cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, Melba đã thực hiện nhiều buổi hoà nhạc hoà nhạc tại Mỹ để quyên góp tiền cho các tổ chức từ thiện tại quê nhà. Năm 1918, bà được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp sĩ Đế chế Anh – DBE (Dame). Trong thời gian này, bà thành lập một trường dạy hát thuộc Nhạc viện Melbourne, sau này sẽ được đổi tên thành Melba Memorial Conservatorium of Music. Bà dạy học miễn phí tại đây cho những học trò được gọi trìu mến là “Những cô gái của Melba”. Sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, bà quay trở lại với Covent Garden nhưng sự mệt mỏi và buồn tẻ của thành phố khiến bà cảm thấy vô cùng chán nản. Bà hát Mimì trong La bohème (Puccini) dưới sự chỉ huy của Beecham trong đêm diễn mở màn sau 4 năm đóng cửa. Ngày 15/6/1920 đánh dấu một sự kiện trọng đại khi bà trở thành ca sĩ đầu tiên thực hiện một chương trình phát sóng trực tiếp trên đài phát thanh. Buổi thu thanh diễn ra tại phòng thu New Street Works của kỹ sư Guglielmo Marconi tại thành phố Chelmsford, Anh. Ở những thành phố xa xôi như New York cũng tiếp được sóng của chương trình lịch sử này. Trong những năm 1920, bà giảm dần các hoạt động bên ngoài nước Úc, tập trung vào các buổi biểu diễn và giảng dạy tại Melbourne và Sydney. Tháng 10/1924, bà tuyên bố giã từ các vở opera nhưng thực chất buổi biểu diễn opera cuối cùng của bà tại Sydney diễn ra vào ngày 7/8/1929 và Melbourne vào ngày 27/9/1929 và chính thức giã từ sân khấu opera Úc tại Geelong vào tháng 11/1929. Từ đó, ở Úc đã lưu truyền một câu thành ngữ “nhiều lời chia tay hơn cả Dame Nellie Melba”. Trước đó vào năm 1926, bà giã từ sân khấu Covent Garden với các trích đoạn trong Roméo et JulietteOtello (Verdi) và La bohème. Buổi biểu diễn cuối cùng của bà trên sân khấu diễn ra tại London trong một chương trình từ thiện vào ngày 10/6/1930. Bà qua đời tại Sydney vào ngày 23/2/1931 ở tuổi 69 vì căn bệnh nhiễm trùng huyết, xuất phát tự một cuộc phẫu thuật mặt trước đó tại châu Âu. Tang lễ của bà được tổ chức long trọng tại nhà thờ Scots, Melbourne do chính cha của bà, ông David Mitchell xây và bà từng hát trong dàn hợp xướng tại đó khi còn là một cô bé. Một phần của tang lễ đã được ghi hình. Bà được chôn tại nghĩa trang Lilydale , gần Coldstream. Trên bia mộ của bà khắc dòng chữ vĩnh biệt của Mimì trong La bohème: “Addio, senza rancor” (Vĩnh biệt, không thù oán).

Là một ngôi sao toả sáng trong thời kỳ của mình, nhưng Melba thường xuyên bị chỉ trích vì thái độ thù địch với các ca sĩ có cùng chất giọng, những người có tiềm năng cạnh tranh và phá vỡ ngôi vị của bà. John Barry Steane, nhà phê bình âm nhạc người Anh, nghiên cứu về tiểu sử bà cho biết bà “phê phán một cách bệnh hoạn” các giọng nữ cao trữ tình khác. Tuy nhiên, đối với những người có chất giọng không tương đồng, không phải là đối thủ của mình, Melba lại tỏ ra rộng lượng và hào phóng trong việc giúp đỡ.

Dù chỉ là một ca sĩ opera nhưng trong thời điểm bà sinh sống, Melba có lẽ là người Úc nổi tiếng nhất thế giới. Bà là người Úc đầu tiên xuất hiện trên bìa tạp chí Time vào tháng 4/11927. Sau lần phong tặng Dame đầu tiên năm 1918, vào năm 1927 bà tiếp tục được nữ hoàng Anh phong tặng tước hiệu cao quý nhất Đại hiệp sĩ Đế chế Anh (GBC). Bà cùng Adelina Patti là hai người được tạc tượng bán thân bằng đá cẩm thạch và để trang trọng trên cầu thang của nhà hát Covent Garden. Hình của bà xuất hiện trên tờ tiền 100 đô la Úc. Ở Melbourne và San Francisco, Mỹ đều có địa danh mang tên bà. Ngôi nhà cũ của bà ở Queensland giờ trở thành bảo tàng Melba. Một số món ăn cũng được đặt theo tên của bà. Trong thời kỳ đỉnh cao, bà được đón nhận như những ngôi sao nhạc pop, rock hiện tại. Melba thường bị báo chí Úc công kích vì hợm hĩnh và sự giàu có quá mức của bà, nhưng những màn ủng hộ nhiệt thành của công chúng diễn ra trong suốt các chuyến lưu diễn ở Úc và sự đông đúc trong đám tang của bà đã chứng minh rằng “một phần lớn sự nổi tiếng đáng kinh ngạc của Melba là do sức hút cá nhân phi thường của bà. Những người yêu mến bà là những con người thực sự. Có vẻ như đối với họ… bà ấy vẫn ổn, rất cá nhân và con người”. Chính sự kết hợp giữa thành tựu nghệ thuật và tinh thần tự do thái quá trong tính cách đã khiến bà trở thành huyền thoại.

 

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: