NILSSON, BIRGIT 

 “Bạn có biết cảm giác khi hát cùng Birgit giống như là gì không? Câu trả lời của tôi có thể làm cho mọi người cười, nhưng tôi vẫn thường luôn nói rằng, nó giống là đang hát cùng với những vách đá trên eo biển Gibralta vậy, thật đẹp, thật vững chãi và đầy sức mạnh” – Jon Vickers.

Wagnerian soprano – giọng nữ cao kịch tính chuyên hát trong opera Wagner – có sức lôi cuốn kì lạ đối với khán giả yêu thích opera, đặc biệt là opera của Wagner. Sẽ thật không dễ dàng nếu có thể liệt kê hết những prima donna đặc biệt này: Lottle Lehmann, Frida Lieder, Kristen Flagstad, hay những tên tuổi sau này như Astrid Varnay, Leonie Rysanek, Hildegard Behrens… Thế nhưng chắc chắn một điều người ta không thể bỏ qua một cái tên: Birgit Nilsson. Birgit Nilsson không chỉ là một Wagnerian soprano tài năng, được nhiều người yêu thích, bà là một hiện tượng – một hiện tượng đặc biệt trong giới biểu diễn opera và dấu ấn mà bà để lại đối với các thế hệ ca sỹ sau này là vô cùng to lớn.

Birgit Nilsson sinh ngày 18 tháng 5 năm 1918 dưới cái tên đầy đủ là Birgit Märtha Nilsson trong một gia đình thuần nông tại một trang trại ở Västra Karups, Skåne, 60 dặm về phía bắc Malmö, Thụy Điển. Không như nhiều đứa trẻ đồng trang lứa khác, Birgit sớm bộc lộ niềm đam mê với âm nhạc. Chính bà sau này cũng nhiều lần kể rằng: “Tôi biết hát trước cả khi biết đi. Thậm chí, tôi còn hát cả trong giấc mơ nữa”. Chiều lòng con gái, mẹ Birgit mua cho cô bé một chiếc đàn piano đồ chơi. Birgit đã say mê hát và chơi những giai điệu dễ thương trên cây đàn piano chỉ có một quãng tám ấy trong suốt thời thơ ấu. Mới 5 tuổi, Birgit đã tham gia biểu diễn đàn Organ trong một buổi hoà nhạc tại trường học địa phương, mẹ cô bé phải nằm bò xuống sàn để điều khiển những phím đàn mà cô con gái bé bỏng không với tới được. Nhận thấy tố chất đặc biệt của cô bé, một người chỉ huy hợp xướng gần nhà đã khuyến khích gia đình để Birgit đi học và theo đuổi con đường âm nhạc. Mẹ Birgit rất ủng hộ con gái, nhưng bố cô thì không. Là thành viên của một đại gia đình có 6 thế hệ làm nghề nông, ông muốn cô sẽ thừa kế trang trại và trở thành một người nông dân chất phác hiền lành như cha mẹ, chứ không phải theo đuổi con đường nghệ thuật lãng mạn. Birgit đã rất khó khăn để thuyết phục bố, sự kiên trì cuối cùng cũng có tác dụng. Tuy vậy phải đến năm 23 tuổi, Birgit mới bắt đầu thi vào nhạc viện hoàng gia Stockholm và chính thức học hành một cách bài bản.

Việc học nhạc tại nhạc viện danh tiếng này cũng không hề đơn giản, nhất là đối với một cô gái con nhà nông dân nghèo như Birgit. Trong suốt năm học đầu, Birgit sống bằng khoản tiền thừa kế của mẹ tại quê nhà. Đến năm thứ hai, cô phải tự làm thêm kiếm sống và trang trải học phí bằng nhiều công việc như đóng những vai quần chúng trong phim hay thậm chí là hát trong các đám tang, đám cưới. Nhưng đó không phải là thử thách duy nhất của Birgit. Ở trường, những bài giảng giáo điều cùng với những phương pháp sư phạm cứng nhắc của các giảng viên thanh nhạc tỏ ra không phù hợp với giọng hát tự nhiên của Birgit. Cô hoàn toàn không giành được thiện cảm của bất cứ một thầy cô giáo nào. Birgit Nilsson kể lại: “Vị giáo viên đầu tiên dường như đã giết chết giọng hát của tôi. Người thứ hai, thậm chí còn tệ hơn thế nữa”. Joselph Hislop, vị giáo viên chính của Birgit tại đây thậm chí còn mỉa mai cô học trò: “Con gái của một gia đình nông dân thì không thể nào trở thành ca sỹ được”. Dù vậy, sau 5 năm học, Birgit cũng tốt nghiệp nhạc viện Stockholm.

Con đường nghệ thuật chông gai lại tiếp tục thử thách bản lĩnh Birgit Nilsson. Năm 1946, buổi biểu diễn đầu tiên của cô trên sân khấu nhà hát hoàng gia Stockholm là một thất bại thảm hại. Nilsson được chỉ định hát thay vai chính Agathe (Der Freischütz – Weber) cho một soprano bị ốm. Leo Blech – vị nhạc trưởng chỉ huy đêm diễn đã tỏ ra cay nghiệt với Nilsson, ông than phiền với mọi người: “Cô ta là một người không có nhạc cảm” và không thèm để ý đến chuyện Nilsson chỉ được tập vai trong thời gian vỏn vẹn có 3 ngày – một thời gian ngắn kỉ lục đối với các ca sĩ opera, nhất là người mới vào nghề như cô. Buổi biểu diễn đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý của Nilsson. Giữa lúc tuyệt vọng trên con đường sự nghiệp, một may mắn lớn đã đến với cô. Fritz Busch vị nhạc trưởng huyền thoại người Đức đã phát hiện ra giọng hát Nilsson và cứu giúp con đường sự nghiệp dường như bế tắc cho cô. Năm 1947, ông mời Nilsson tham gia vai nữ chính trong vở opera Macbeth của Verdi. Một vai soprano kịch tính như Lady Macbeth đã bộc lộ khả năng tiềm ẩn trong giọng hát Nilsson: dầy dặn, vang khoẻ với một âm lượng khổng lồ. Nilsson nhận được nhiều lời khen ngợi sau buổi biểu diễn. Thậm chí Leo Blech vị nhạc trưởng từng thành kiến với Birgit trước kia, cũng thay đổi thái độ và mời Birgit tham gia hát biểu diễn trích đoạn màn một Die Walküre (vai Sieglinde) tại Berlin. Đây cũng là lần đầu tiên Birgit Nilsson được biểu diễn tại một sân khấu lớn nước ngoài.

Không thỏa mãn với những thành công nhỏ bước đầu, Nilsson đã quay trở lại Stockholm để tự trau dồi thêm. Ở tuổi 30, khi các soprano khác đã gây dựng tên tuổi của mình bằng những chuyến lưu diễn quốc tế, Nilsson vẫn quyết định tự học và luyên tập. Nilsson biết mình phải làm gì và đi theo con đường nào, một giọng nữ cao kịch tính cần có sự chuẩn bị về sức khoẻ và sự ổn định của giọng hát theo thời gian và ở tuổi này cũng không là quá muộn nếu đi theo con đường đó. Nilsson tự xây dựng kịch mục cho mình gồm các vai nữ cao kịch tính, đặc biệt là những vai nữ chính trong opera của R. Strauss và Wagner – những vai là thế mạnh của Nilsson. Cạnh đó, Nilsson cũng tham gia khá đa dạng những vai diễn như Marschallin trong Der Rosenkavalier (vai diễn mà Nilsson rất yêu thích nhưng sau này không có ai mời bà biểu diễn và thu âm), Donna Anna (Don Giovanni), Aida, Tosca và Lisa (The Queen of Spades)… ở nhà hát Opera Stockholm để trau dồi kĩ năng diễn xuất trên sân khấu. “Người thấy vĩ đại nhất chính là sân khấu. Khi bạn bước ra sân khấu, bạn sẽ biết học là thế nào”, Nilsson đã nói vậy. Bà là một người luôn đề cao việc tự học, tự luyện tập đối với một ca sỹ opera chuyên nghiệp. Chính sự cẩn thận, kiên trì không nóng vội đó đã giúp cho con đường nghệ thuật phát triển bền chắc sau này của Nilsson. Quả thực, càng về sau, giọng hát của Nilsson càng dày đẹp, chính xác và gần như mất đi rất ít sức mạnh vốn có ngay cả khi đã ở cuối sự nghiệp.

Thời gian hoạt động bình lặng ở quê hương không chỉ cho Nilsson những kinh nghiệm cần thiết mà còn mang đến cho cô Bertil Niklasson – một sinh viên ngành thực vật học mà Nilsson tình cờ gặp gỡ trên một chuyến tàu. Cảm mến và quý trọng nhau, hai người quyết định thành hôn vào năm 1948. Là người hiểu biết và thông cảm cho nghề nghiệp của vợ, Bertil đã giúp cho cuộc sống gia đình của Nilsson thật sự êm ấm, hạnh phúc cho đến cuối đời dù hai người không có con với nhau.

Cơ hội rồi cũng đến với Nilsson, năm 1951, Fritz Busch lại một lần nữa mời Nilsson đến Glyndebourne để hát Elettra (Idomeneo – Mozart). Dù là một vai spinto, nhưng giọng hát kịch tính của Nilsson tỏ ra quá “thừa thãi” đối với Elettra. Tuy vậy buổi biểu diễn cũng là bước đệm để Nilsson đến với những sân khấu lớn quốc tế. Ngay sau đó, với những vai kịch tính hợp sở trường của mình, Nilsson đã chinh phục khán giả ở hầu hết các nhà hát nổi tiếng châu Âu.

Năm 1953 với Sieglinde (Die Walküre), Nilsson đã có buổi ra mắt đầy ấn tượng tại Vienna State Opera – nhà hát sau này có quãng thời gian gắn bó lâu dài với Nilsson. Năm 1954, Nilsson chính thức biểu diễn tại Bayreuth Festival (nhà hát opera nổi tiếng chuyên biểu diễn opera Wagner từng gắn liền tên tuổi với nhiều huyền thoại Hendel tenor và Wagnerian soprano) trong vai Elsa (Lohengrin). Trước đó, cũng tại nhà hát này, Nilsson đã tham gia biểu diễn trong Bản giao hưởng số 9 của Beethoven. Cùng năm, Nilsson đã hát trọn cả ba Brünnhilde trong bộ Der Ring des Nibelingen tại Bavarian State Opera ở Munich dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng vĩ đại chuyên chỉ huy Wagner thời kì này Hans Knappertsbusch. Năm 1956, Nilsson đến Mỹ và tham gia biểu diễn Brünnhilde (Die Walküre) tại nhà hát San Francisco Opera. Năm 1957, lại với vở opera này, Nilsson có một buổi biểu diễn debut thành công tại Royal Convent Garden, London.

Bước vào giữa thập niên 50, Birgit Nilsson đã nổi lên là một trong những giọng nữ cao kịch tính hàng đầu thế giới. Ở độ tuổi 40, giọng hát của Nilsson đã thực sự bước vào độ chín. Mạnh mẽ, đầy đặn nhưng vẫn sáng khoẻ ở âm khu cao, độ vang lớn khác thường với khả năng xuyên thấu bất cứ dàn nhạc khổng lồ nào, các note c3 chính xác, chắc nịch với sự tập trung cao như tia laze, nhưng đặc biệt là sức khoẻ và độ dẻo dai kì lạ của giọng hát trong suốt những vở opera dài hơn 4 tiếng đồng hồ của Wagner. Nilsson bắt đầu lưu diễn tại các nhà hát nổi tiếng trên khắp thế giới như Vienna, Berlin, Tokyo, Buenos Aires, Chicago…

Năm 1958, được coi là bước ngoặt trong sự nghiệp của Birgit Nilsson, giống như bà vẫn hay thừa nhận. Nilsson được mời biểu diễn tại La Scala – một trong những nhà hát khó tính và nổi tiếng bậc nhất của châu Âu, tất nhiên lại với Die Walküre.Buổi biểu diễn thành công đến nỗi vào tháng 12 năm đó, Nilsson được mời biểu diễn Turandot trong đêm diễn mở màn mùa diễn tại nhà hát danh tiếng này. Đây là niềm tự hào của riêng Nilsson vì bà chính là nghệ sỹ ngoại quốc thứ hai (trước đó là Callas) có được vinh dự này. Buổi biểu diễn thanh công vang dội và đưa tên tuổi của Nilsson sánh ngang với các huyền thoại trước đây. Turandot là một trong những thành công lớn nhất trong sự nghiệp của Nilsson. Sau này, khi được yêu cầu hát Turandot tại Met, giọng nữ cao kịch tính hàng đầu Leonie Rysanek đã từ chối vì cho rằng bà không thể thể hiện nó xuất sắc như Nilsson.

Thời gian này, Nilsson bắt đầu được Rudolf Bing – giám đốc điều hành của nhà hát Metropolitan chú ý. Thực ra, trước đấy, năm 1956, Bing đã có ý định mời Nilsson biểu diễn Salome (sự lựa chọn ban đầu chính là Callas) khi Nilsson đến Mỹ. Ông rất ấn tượng với buổi biểu diễn Fidelio tại Stuttgart và Munich của bà. Nhưng phải mất ba năm sau, khán giả của Metropolitan mới được thưởng thức giọng hát của Nilsson. Ngày 18/12/1959, Nilsson đã ra mắt nhà hát Metropolitan với Isolde trong Tristan und Isolde dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng tài danh Karl Böhm. Kí giả Howard Taubman của tờ NewYork Times đã miêu tả lại: “Giọng soprano Thuỵ Điển đã thoả mãn khán giả Met với sự rực rỡ của một Isolde hoàn hảo nhất, kể từ đêm diễn đáng nhớ của Kristen Flagstad hai thập kỉ trước… Khi màn 1 kết thúc, khán giả ngồi im trên ghế và đón chờ Nilsson ra chào. Và Nillson bước ra, cả nhà hát đã nổ tung như các cổ động viên cuồng nhiệt của sân vận động reo hò khi Cornely ghi một bàn thắng…” Ngay ngày hôm sau, trên trang nhất của NY Times xuất hiện một cái tít lớn: Birgit Nilsson với Isolde vụt sáng như một ngôi sao mới trên bầu trời Met”.

Birgit Nilsson đã xuất hiện tại Metropolitan 223 lần với 16 vai và bà cũng trở thành một trong những ca sỹ được yêu thích nhất của nhà hát. Với Turandot, Nilsson nhận được mức cátsê kỉ lục 3000 $ cho một đêm diễn, mức cátsê cao nhất trả cho một ca sĩ đơn ca tại Met. Nilsson cũng xây dựng được mối quan hệ thân thiết với Bing. Khi được hỏi, nếu Nilsson có khó khăn khi đồng ý biểu diễn không, Bing đã trả lời với một nụ cười: “Chẳng có gì là khó khăn cả, bạn đặt đủ tiền, thì một giọng ca tráng lệ sẽ xuất hiện”. Một người hỏi Nilsson, bà có phụ thuộc vào ai không, Nilsson đã trả lời: “Có, chỉ một người thôi, Rudolf Bing.”

Những bản thu âm quan trọng nhất của Nilsson được ghi cùng với nhạc trưởng Georg Solti. Khi đó Solti đang chuẩn bị cho việc ghi âm trọn vẹn bộ Ring (ông đã bắt đầu với Das Rheingold vào năm 1958) và hầu như chắc chắn không có ai có thể thay thế Nilsson trong vai Brünnhilde. Jane Eaglen một trong những Wagnerian soprano xuất sắc nhất hiện nay đã kể lại: “Khi tôi mới bước vào Royal Northern College of Music ở Manchester, Anh để theo học thanh nhạc, kiến thức về opera của tôi rất hạn chế. Thầy giáo của tôi, Joseph Ward, nóii rằng một ngày nào đó tôi sẽ trở thành một Brünnhilde. Điều này thực ra chẳng có ý nghĩa gì với tôi cả, vậy là ông ấy khuyên tôi nên vào thư viện và tìm nghe bản Ring với George Solti chỉ huy và Nilsson trong vai Brünnhilde. Phải thật bình tĩnh để nói rằng, chỉ trong vòng 5 phút tôi đã bị cuốn hút và điều này làm thay đổi hoàn toàn cuộc đời của tôi. Một con bé 18 tuổi như tôi lúc đó đã nghĩ rằng, một ngày nào đó, mình sẽ hát thứ âm nhạc đầy lôi cuốn này – thứ âm nhạc đã được hát bởi một giọng hát lạ thường mà tôi không thể tin được đó là giọng người. Tôi sẽ nhớ mãi cảm giác khi tôi nghe tiếng hô xung trận nổi tiếng của Brünnhilde, tôi đã thực sự sửng sốt. Tôi tiếp tục tìm kiếm những bản thu âm của Birgit và từ đó lần đầu tiên tôi được biết tới âm nhạc Wagner qua những Wesendonck Lieder, Isolde, Brünnhilde với giọng hát của bà. Sự ngưỡng mộ của tôi đối với giọng hát và sự thể hiện của bà là không kể xiết.”

Nilsson và Solti cũng đã thực hiện một trong những bản ghi âm xuất sắc nhất của Salome và một bản ghi âm đỉnh cao không kém của Elektra (Regina Resnik đã thể hiện một cách tuyệt vời vai Klytemmestra – người mẹ điên loạn của Elektra) — khó mà có thể tìm ra một bản ghi khác của vở Elektra với dàn ca sỹ hoàn hảo như vậy.

Vai Elektra đòi hỏi những điều gần như là quá sức con người – khả năng diễn xuất tuyệt vời, một giọng ca khỏe và có chất thép, những điều mà Nilsson có thừa cho đến tận cuối sự nghiệp của mình. Trên thực tế, vai diễn hoàn chỉnh cuối cùng trên sân khấu của bà tạii London năm 1977 cũng chính là vai Elektra, khi đó nhạc trưởng là một huyền thoại sống khác – Carlos Kleiber. Sau vài năm vắng bóng ở Metropolitan Opera (vì một vấn đề nhỏ về thuế với IRS), Birgit Nilsson trở lại một cách xuất sắc trong vai Elektra ở tuổi 62 cùng với James Levine vào năm 1980. Thật may là một trong những buổi diễn đó đã được ghi hình lại và hiện vẫn còn đang được bán.

Sẽ thật thiếu sót nếu không nhắc đến bản thu âm trực tiếp Tristan und Isolde năm 1966 tại Bayreuth. Cùng với W. Windgassen, C. Ludwig và M. Tavella, dưới sự điều khiển của nhạc trưởng K. Böhm, Nilsson đã có một bản ghi âm đáng nhớ với Isolde.

Dấu ấn cuối cùng trong sự nghiệp của Birgit Nilsson là vai Vợ người thợ nhuộm (Die Frau ohne Schatten) bà diễn ở Stockholm vào năm 1975. Đây cũng là vai diễn mà bà đã thể hiện năm 1981 ở Metropolitan Opera, vai Nữ hoàng đã được giao cho đồng nghiệp trẻ hơn là Eva Marton. Vào cuối buổi diễn, khi màn khép lại và khán giả vỗ tay như sấm cho hai người, Nilsson với tính phóng khoáng vốn có của mình đã nhường lại sân khấu và những tiếng reo hoan hô cho Eva Marton.

Với sự cống hiến của mình, Birgit Nilsson nhận được nhiều danh hiệu và giải thưởng cao quí. Bà từng nhận được huân chương vàng danh dự Illis Quorum – giải thưởng cao quí nhất từ chính phủ Thuỵ Điển. Năm 1981, Thuỵ Điển cũng phát hành con tem in hình bà trong vai Turandot. Từ khi không còn diễn trên sân khấu, Birgit Nilsson vẫn tiếp tục tham gia vào thế giới âm nhạc và giảng dạy rất nhiều, đặc biệt là những lớp Master tại nhạc viện Hoàng gia Stockholm. Khi được đề nghị trao giải cho một nghệ sĩ trẻ, bà thường xuất hiện từ trong cánh gà với tiếng hô xung trận vang rền của Brünnhilde: “Hojotoho!”. Bà cũng là người đứng tên và làm giám khảo cho cuộc thi “The Birgit Nilsson Prize”, một cuộc thi thanh nhạc được thành lập năm 1988 nhân kỉ niệm 350 năm New Sweden, khi những người Thuỵ Điển đầu tiên đặt chân lên đất Mỹ. Những người từng được giải nhất cuộc thi này gồm có Ben Heppner, Alan Held, Earle Patriarco và Christine Goerke – những ca sĩ đã bước đầu gây dựng được tên tuổi trên sân khấu Opera thế giới hiện nay.

Birgit Nilsson là người bướng bỉnh và hài hước. Giai thoại về bà thì nhiều vô kể và cũng có rất nhiều câu chuyện vui xung quanh những vụ tranh cãi của bà với các nhà sản xuất, đạo diễn và nhạc trưởng. Tuy nhiên những bất đồng như vậy luôn vì lợi ích về mặt âm nhạc và tính kịch của buổi diễn chứ không phải vì những ý thích nhất thời. Có đôi lúc bà không hài lòng về chất lượng của những bản thu âm, tuy nhiên có cả một di sản những bản ghi thu âm và cả những bản ghi trực tiếp có thể nói lên rất nhiều về khả năng âm nhạc và diễn xuất của bà.

Tuy nổi tiếng là một người phụ nữ mạnh mẽ ngang ngạnh và đầy cá tính, nhưng hầu như những người tiếp xúc với bà, đặc biệt là những đồng nghiệp đều ca ngợi tính tình giản dị, chân thành và vui nhộn của Nilsson. Tình bạn với Astrid Varnay là một ví dụ. Astrid Varnay, cũng là một giọng nữ cao kịch tính, lại là đồng hương và cùng tuổi với Nilsson nên bà cũng là một trong những người bạn thân thiết với Nilsson. Varnay sớm thành danh từ đầu những năm 40 khi thay thế vai Sieglinde cho Lehmann trong một đêm diễn tại Met, thì lúc này Nilsson mới bắt đầu vào học nhạc. Hai người từng chia sẻ nhiều vai diễn, đặc biệt là những vai nữ chính của Wagner và R. Strauss. Varnay kể lại rằng, một dịp, Varnay nhận vai người mẹ độc ác Klytemnestra, còn Nilsson thì trong vai Elektra trong Elektra – R. Strauss. Trong một lần đến buổi diễn tập, bà nghe thấy một giọng nói trẻ con nhõng nhẽo phía sau: “Mẹ ơi, mẹ ơi!!!”. Khi quay lại, bà đã rất ngạc nhiên, thì ra đó là Nilsson. Một năm sau, Varnay có dịp liên lạc với Nilsson, bà gọi cho Nilsson. Khi Nilsson nhấc máy: “Nilsson nghe đây”, thì Varnay trả lời: “Mẹ của con đây”. Và câu chào này trở thành tín hiệu riêng giữa hai người mỗi lần gặp lại nhau. James Levine – một trong những nhạc trưởng mà Nilsson rất mực quí mến, đã phát biểu: “Birgit thật tuyệt vời! Giọng hát của bà, sự cống hiến nghệ thuật của bà, những trò đùa tinh quái cùng với những tình cảm chân thành với bạn bè, tất cả đều hội tụ làm một. Tôi sẽ rất nhớ bà và toàn thể gia đình Metropolitan cũng vậy.”

Về cuối đời, khi đã viên mãn sự nghiệp, tiền tài và danh vọng, Birgit trở lại trang trại quê hương cùng chồng. Chính tại mảnh đất quê hương này, nơi mà bao thế hệ con người trong gia đình Nilsson từng sinh sống, trồng trọt, cày cuốc và bà lại tiếp nối những công việc lao động chân tay ấy. Nilsson chưa bao giờ chối bỏ nguồn gốc của mình, ngay cả khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp, hàng năm bà vẫn dành thời gian trở về quê hương để đào đất, trồng khoai, thậm chí bà luôn than phiền là không được mang theo thỏ, ngựa… những con vật nuôi bà yêu quý trên các chuyến lưu diễn. “Mẹ tôi bảo rằng, hãy sống ở gần đất, để khi ngã xuống, con sẽ không thấy đau.” Nilsson đã trả lời một phóng viên như thế và bà đã thực hiện điều đó cho đến khi nằm xuống, trở về với đất trong sự thanh thản và hạnh phúc.

Birgit Nilsson mất ngày 25 tháng 12 năm 2005. Tên tuổi của bà sẽ mãi được nhắc đến như một trong những nghệ sỹ vĩ đại nhất của thế kỉ 20.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: