PREY, HERMANN

“Ngay cả sau hơn bốn thập kỷ trên sân khấu, giọng nam trung trữ tình của Prey vẫn toát lên một sự ấm áp tuyệt vời” – Tagesspiegel, Berlin

Là một trong những giọng nam trung vĩ đại nhất thế kỷ 20, ca sĩ người Đức Hermann Prey đã chinh phục khán giả yêu thanh nhạc trên khắp thế giới bằng giọng hát trữ tình ấm áp, cuốn hút và truyền cảm với một phong thái hài hước, vui vẻ. Nổi tiếng nhất với hai vai diễn bất hủ Figaro trong Il barbiere di Siviglia (Gioacchino Rossini) và Le nozze di Fagaro (Wolfgang Amadeus Mozart) với sự hóm hỉnh đặc trưng, nhưng Prey có một sự nghiệp khá đa dạng khi hoá thân vào nhiều vai diễn khác trong các vở opera của Mozart, Richard Wagner, Giuseppe Verdi, Richard Strauss. Sở hữu một phong cách diễn xuất hài hước, dí dỏm, Prey cũng rất nổi bật trong những vở opera hài hước hay operetta trường phái Đức-Áo của những nhà soạn nhạc như Franz von Suppé, Johann Strauss hay Albert Lortzing. Prey biểu diễn và thu âm rất nhiều các lied của Franz Schubert, Robert Schumann, Hugo Wolf. Khác với một giọng nam trung người Đức lừng lẫy khác, Dietrich Fischer-Dieskau có cách tiếp cận các ca khúc thính phòng một cách hàn lâm, chuẩn mực và sâu sắc thì Prey lại thiên về bản năng, cách xử lý tác phẩm của ông giản dị và gần gũi hơn. Fischer-Dieskau chú trọng vào mỗi từ, mỗi câu hát trong tác phẩm, coi chúng có tầm quan trọng riêng còn Prey thì lại để ý đến bố cục của toàn bộ tác phẩm. Ngoài ra, không thể không nhắc đến sự tham gia của Prey trong các tác phẩm thanh nhạc lớn của Johann Sebastian Bach, Joseph Haydn hay Gustav Mahler. Trong bất kỳ lĩnh vực nào mà ông xuất hiện, Prey cũng đóng góp những giá trị hết sức to lớn.

Cậu bé Hermann Prey sinh ngày 11/7/1929 tại Berlin, trong một gia đình có cả ông nội và bố đều mang tên Hermann và cậu là thế hệ thứ ba sở hữu cái tên này. Cha của cậu là một thương gia. Mẹ của cậu, bà Anna chính là người đã nuôi dưỡng, phát triển và khuyến khích tình yêu âm nhạc trong đứa con đầu lòng của mình. Từ nhỏ, Hermann đã bộc lộ khả năng ca hát của mình. Khi lên 10 tuổi, cậu hát giọng nữ cao trong dàn hợp xướng nam Mozart tại địa phương. Hermann lớn lên trong thế chiến thứ hai và giai đoạn Đức quốc xã đang cai trị Berlin. Khi 15 tuổi, Hermann đã vượt qua kỳ kiểm tra thể lực của quân đội Đức. Nhưng khi thông báo tuyển quân của nhà cầm quyền gửi tới đúng vào thời điểm giai đoạn cuộc bao vây Berlin lần cuối cùng diễn ra vào năm 1945, cha cậu đã đốt nó. Năm 1970, trong một cuộc phỏng vấn với Times, Prey đã hồi tưởng lại những ký ức kinh hoàng lúc bấy giờ: “Trong 3 tuần lễ, chúng tôi sống trong tầng hầm ở nhà ông tôi, chỉ ăn đồ hộp. Chúng tôi lo lắng lắng nghe tiếng rít lên của bom, tiếng nổ cả ngày lẫn đêm, tiếng súng bắn… Tôi biết rằng nỗi sợ hãi mà tôi học được sau đó là gốc rễ của những cảm xúc băng giá mà tôi thể hiện bất cứ khi nào tôi hát Winterreise của Schubert”.

Sau khi chiến tranh kết thúc, Prey thành lập một nhóm nhạc trong trường học, tổ chức các buổi hoà nhạc biểu diễn cho quân đội Mỹ và Anh. Để kiếm tiền, anh vừa hát vừa chơi piano và accordion, thậm chí còn sáng tác một số ca khúc để hát trong hộp đêm. Năm 1948, Prey vào học tại Hochschule fur Musik, Berlin, một trong những nhạc viện tốt nhất tại Đức, chuyên ngành thanh nhạc. Thầy giáo của anh tại đây là Jaro Prohaska và Gunter Baum, ngoài ra anh cũng theo học những buổi học tư với Harry Gottschalk. Năm 1950, Prey có buổi biểu diễn đầu tiên của mình với tư cách một ca sĩ opera. Năm 1951, anh được mời hát trên đài truyền thanh Đức. Sau 4 năm theo học tại Nhạc viện, Prey đã thể hiện mình là một giọng nam trung đầy tiềm năng, trữ tình, nhẹ nhàng và nhạc cảm đầy lôi cuốn. Năm 1952, anh tham gia một cuộc thi hát “Ca sĩ bậc thầy” lần thứ ba do quân đội Mỹ tài trợ cho các thanh niên Đức, thu hút tới 2.800 thí sinh trong độ tuổi từ 18 đến 25. Prey đã xuất sắc giành giải nhất với aria “Eri tu che macchiavi quell’anima” của nhân vật Renato trong vở opera Un ballo in maschera của Verdi. Chiến thắng này đã mang lại cho Prey một số tiền trợ cấp 190 đô la Mỹ và đáng giá hơn là một chuyến lưu diễn 2 tuần tại Mỹ. Tháng 11/1952, Prey ra mắt khán giả Mỹ trong một chương trình hoà nhạc thực hiện cùng nhạc trưởng Eugene Ormandy và Philadelphia Orchestra. Cũng trong năm này, Prey có vai diễn opera đầu tiên trong sự nghiệp của mình khi anh vào vai người tù thứ hai trong Fidelio (Ludwig van Beethoven) tại Hessisches Staatstheater Wiesbaden.

Sau khi trở về từ Mỹ, Prey gia nhập nhà hát opera Hamburg Staatsoper. Ông gắn bó với nhà hát cho đến năm 1960, tham gia trong nhiều vở diễn, đặc biệt là của các nhà soạn nhạc đương đại như Rolf Liebermann, Gottfried von Einem, Luigi Dallapiccola và Hans Werner Henze, điều hiếm khi Prey thực hiện trong giai đoạn sau này của sự nghiệp. Bên cạnh đó, ngay từ giai đoạn mới bắt đầu này, Prey cũng rất chú ý đến mảng lied và thực hiện nhiều chương trình Liederabend (hát các ca khúc nghệ thuật Đức). Ngày 13/2/1954, Prey kết hôn với Barbara Pniok, họ có với nhau ba người con Annette, Florian và Franziska, trong đó cậu con trai Florian sau này cũng trở thành một giọng nam trung giống như cha mình. Trong giai đoạn này, Prey đã tích luỹ được nhiều kinh nghiệm quý báu với các vai diễn lớn nhỏ trước khi bắt đầu sự nghiệp quốc tế vĩ đại của mình. Cũng trong năm này, Prey có được bản thu âm đầu tiên của mình khi ông vào vai Halekin trong vở opera Ariadne auf Naxos (Richard Strauss) do Herbert von Karajan chỉ huy cùng Philharmonia Orchestra. Các bạn diễn của Prey là Elisabeth Schwarzkopf, Rita Streich và Irmgard Seefried. Năm 1955, Prey lần đầu biểu diễn cùng Gerald Moore, thực hiện một recital các lied tại Anh. Sau này họ trở thành những người bạn thân thiết. Moore thường xuyên đệm cho Prey trong các chương trình thính phòng. Năm 1956, ông quay lại Mỹ lần đầu tiên, thực hiện một chương trình hoà nhạc độc tấu tại Carnegie Hall. Ngày 20/2/1956, Prey và Elisabeth Grümmer hát trong Ein deutsches Requiem (Johannes Brahms) với nhạc trưởng Otto Klemperer. Năm 1957, lần đầu tiên Prey xuất hiện tại một nhà hát opera hàng đầu thế giới khi ông hát Figaro trong Il barbiere di Siviglia (Rossini) tại Vienna State Opera, vai diễn sau này đã gắn liền với tên tuổi ông. Đây là một bước đột phá quan trọng trong sự nghiệp biểu diễn của Prey.

Năm 1959, lần đầu tiên Prey tham dự Liên hoan Salzburg, ông hát trong vở opera Die schweigsame Frau (Richard Strauss) cùng tenor Fritz Wunderlich và nhạc trưởng Karl Böhm. Đây cũng là lần gặp gỡ đầu tiên giữa Prey và Wunderlich, đánh dấu bước khởi đầu cho một tình bạn thân thiết của hai ca sĩ vĩ đại. Trong 6 năm ngắn ngủi (Wunderlich qua đời sớm vào năm 1966 vì một tai nạn), họ đã tham gia cùng nhau trong rất nhiều vở opera và các tác phẩm thanh nhạc lớn. Giọng hai người tỏ ra hoà hợp một cách đặc biệt. Năm 1960, ông tiếp tục tham gia lễ hội này với vai Guglielmo trong Così fan tutte (Mozart) cùng Schwarkopf và Christa Ludwig và hát trong Giao hưởng số 8 của Mahler. Ngày 17/12/1960, lần đầu tiên Prey ra mắt tại Metropolitan Opera trong vai Wolfram (Tannhäuser, Wagner) cùng Hans Hopf và Leonie Rysanek. Đây cũng là lần xuất hiện đầu tiên tại Met của nhạc trưởng Georg Solti. Khác với Fischer-Dieskau, Prey tham gia ít hơn nhiều, chỉ tổng cộng trong 3 vở opera của Wagner. Prey đã giành được sự tán thưởng trong phần biểu diễn của mình. Robert Sabin đã viết trên tờ Musical America: “Prey đã chứng tỏ mình là một nghệ sĩ thông minh và đầy cảm xúc… Anh ấy đã thực sự thành công trong việc loại bỏ mọi dấu vết của sự khuôn sáo khỏi O du, mein holder Abendstern!”. Prey sau đó còn xuất hiện nhiều lần tại Met với các vai diễn nổi tiếng của mình như hai vai Figaro, Papageno (Die Zauberflöte, Mozart), Eisenstein (Die Fledermaus, Johann Strauss) và một số vai diễn khác.

Prey rất nổi tiếng với các vai diễn trong opera của Mozart. Với Prey, thật khó lý giải bí quyết tại sao ông lại thành công với âm nhạc Mozart đến vậy. Ông đã hát Mozart nhiều hơn bất kỳ nhà soạn nhạc nào khác trong cuộc đời mình. Prey đã hát tất cả các vở opera của Mozart trong hai mươi năm tại Liên hoan Salzburg và thực hiện một số bản thu âm. Với Prey, Mozart luôn là trung tâm trong sự nghiệp opera. Ông luôn tìm được niềm hứng khởi khi đắm chìm trong âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài này. Bên cạnh một giọng nam trung ấm áp, ngọt ngào với âm sắc đặc trưng, Prey còn sở hữu một khả năng diễn xuất đa dạng, hóm hỉnh và duyên dáng. Cách xử lý tác phẩm của ông không cầu kỳ mà chân thực, đi vào lòng người. Tuy nhiên, Prey không thích được biết đến như một ca sĩ chuyên hát về một nhà soạn nhạc, Mozart hay Schubert. Với ông, một ca sĩ phải có khả năng hát được mọi thứ.

Năm 1965, cũng với vai Wolfram (Tannhäuser), Prey xuất hiện lần đầu tại Bayreuth, ngôi đền thiêng cho âm nhạc của Wagner. Mặc dù Prey thường hát Verdi trong thời gian đầu của sự nghiệp, nhưng sau đó ông tập trung nhiều hơn vào Mozart và Richard Strauss. Ông cũng xuất hiện nhiều trong các vở operetta và biểu diễn thường xuyên trên truyền hình Đức. Tại Liên hoan Sazlburg vào ngày 29/8/1965, Prey đã biểu diễn trong oratorio Die Schöpfung (Haydn) bên cạnh Wunderlich, Janowitz dưới sự chỉ huy của Karajan và Vienna Philharmonic. Năm 1968, Prey thực hiện chuyến lưu diễn tại các nước Nam Mỹ. Cũng trong năm này, một trong những lần hiếm hoi hai baritone vĩ đại của nước Đức kết hợp với nhau trong Le nozze di Figaro (Mozart) khi Prey hát vai Figaro còn Fischer-Dieskau hoá thân trong bá tước Almaviva, các ngôi sao khác tham gia dự án là Edith Mathis, Gundula Janowitz và Tatiana Troyanos, nhạc trưởng là Böhm. Trong bộ phim thực hiện năm 1972, hai giọng nữ chính được đổi thành Mirella Freni và Kiri Te Kanawa. Mặc dù có nhiều điểm chung nhưng Prey và Fischer-Dieskau không phải là những người bạn thân thiết. Prey cho rằng Fischer-Dieskau chưa bao giờ đối xử với mình một cách thân mật và ấm áp. Ông luôn dành cho người đồng nghiệp đáng kính của mình một sự “kính nhi viễn chi”. Böhm là nhạc trưởng đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp của Prey. Prey có mối quan hệ rất tốt và dành cho Böhm những lời đánh giá tích cực. Böhm là một nhà khổng lồ thực sự về Mozart và họ chia sẻ với nhau rất nhiều điểm chung về thẩm mĩ âm nhạc.

Ngày 9/12/1969 đóng dấu một cột mốc quan trọng trong sự nghiệp của Prey khi ông trở thành ca sĩ đầu tiên không phải người Ý hát vai Figaro trong Il barbiere di Siviglia (Rossini) tại thánh đường opera La Scala cùng với Luigi Alva, Teresa Berganza dưới sự chỉ huy của Claudio Abbado. Bản thu âm vở opera này của Prey cùng Alva, Berganza, Abbado và London Symphony Orchestra cho Deutsche Grammophon được đánh giá là một trong những đĩa nhạc huyền thoại, cần phải có trong bất kỳ bộ sưu tập nào. Cũng với vai diễn này, Prey lần đầu xuất hiện tại Covent Garden vào năm 1973. Prey từ chối các vai diễn opera nặng và xen kẽ các buổi biểu diễn opera với các chương trình hát lied để giữ cho giọng hát nhẹ nhàng, uyển chuyển và đảm bảo một sự nghiệp lâu dài cho bản thân.

Là một nghệ sĩ có lịch biểu diễn dày đặc, Prey luôn bận rộn, Khi được hỏi làm thế nào để có thể cân bằng được cuộc sống, giữa opera và hát thính phòng, Prey cho biết: “Nếu một năm của tôi chia làm 4 quý, một quý tôi dành cho opera, một quý cho lied, một quý cho thu âm và truyền hình, một quý còn lại là nghỉ ngơi. Nhưng “kỳ nghỉ” không thực sự là một kỳ nghỉ. Đó cũng là một loại làm việc, một trại huấn luyện để chuẩn bị cho những dự án mới. Tôi chỉ không xuất hiện trước công chúng”. Prey thực sự mà một nghệ sĩ có sức hoạt động lâu dài và bền bỉ. Ông đóng trong rất nhiều các vở opera, thực hiện vô số buổi hoà nhạc cũng như độc tấu, với một danh mục biểu diễn đồ sộ và có một bộ sưu tập khổng lồ các bản thu âm. Theo một thống kê không đầy đủ, Prey từng hát khoảng 450 lied của các nhà soạn nhạc như Beethoven, Schumann, Brahms, Wolf, Carl Loewe và đương nhiên không thể thiếu Schubert. Prey vô cùng yêu quý âm nhạc của nhà soạn nhạc này: “Khi tôi còn trẻ, Schubert quá đơn giản đối với tôi. Tôi không thể hiểu được vẻ đẹp của nó. Tôi thích nhạc của Hugo Wolf, nhạc trí tuệ. Tuy nhiên, ở tuổi trưởng thành, tôi đã yêu âm nhạc của Schubert. Marc Chagall từng nói với tôi rằng, Beethoven và Mozart là những thiên tài nhưng Schubert là một kỳ quan. Và ông ấy đã đúng. Một đời người không thể nào sao chép được tất cả các sáng tác của Schubert. Nhưng Schubert đã sáng tác hàng trăm tác phẩm này trong 16 năm! Tôi nghĩ ở Schubert có một điều gì đó thật thần thánh”. Với Prey, hát lied khó khăn hơn nhiều so với opera trong việc tiếp cận với khán giả: “Điều khó khăn nhất là hát trong một buổi độc tấu với một lượng khán giả nhỏ, giao tiếp trực tiếp với họ. Ví dụ, hát trong nhà riêng cho 10 người, cực kỳ khó và đáng sợ”, ngoài ra “khi bạn hát lied bạn không có đạo cụ, không râu, không trang phục. Bạn phải tự mình tạo ra mọi thứ. Khi tôi hát thể loại này, tôi đã bị vẻ đẹp của nó làm choáng ngợp và có lẽ đây là điều mà khán giả cảm nhận được khi họ lắng nghe tôi”. Ông cũng được coi là một thông dịch viên vĩ đại của Bach với Mass giọng Si thứ, St Matthew Passion và rất nhiều cantata.

Năm 1981, Prey xuất bản cuốn hồi ký First Night Fever: The Memoirs of Hermann Prey (Cơn sốt đêm đầu tiên: Hồi ký của Hermann Prey). Từ năm 1982, ông giảng dạy tại Hochschule für Musik und Theater Hamburg cũng như tổ chức các lớp master class nhưng không nhiều vì vẫn còn một lịch biểu diễn dày đặc. Và chỉ đến giai đoạn này, Prey mới thêm vào danh mục biểu diễn của mình hai vai nữa trong opera của Wagner: Beckmesser (Die Meistersinger von Nürnberg) và Friedrich (Das Liebesverbot). Từ năm 1983, ông sáng lập một liên hoan âm nhạc Schubert ở Musikverein, Vienna, biểu diễn các tác phẩm (kể cả những vở opera chưa hoàn thành) của nhà soạn nhạc, hoạt động được duy trì đến năm 1997. Giọng của Prey đã trở nên tối, sâu và dày hơn. Năm 1988, lần đầu tiên Prey thử sức mình trong một lĩnh vực mới khi ông làm đạo diễn cho vở Le nozze di Fagaro tại Liên hoan Salzburg. Với vai diễn Beckmesser (Die Meistersinger von Nürnberg), Prey lần cuối hát tại La Scala vào ngày 14/3/1990 (nhạc trưởng là Wolfgang Sawallisch) và tại Met vào ngày 21/12/1995 (James Levine với những bạn diễn là Bernd Weikl, Karita Mattila và Ben Heppner). Ông gần như không hát trong các vở opera nữa mà chỉ tham gia trong các recital. Nhìn lại sự nghiệp của mình, Prey tiếc nuối khi hai vợ chồng ông để ba đứa con của mình “lớn lên mà không có chúng tôi” vì hai người quyết định đồng hành cùng nhau trong mọi chuyến biểu diễn của Prey “Chúng tôi vắng nhà 80% thời gian. Nhưng chúng tôi phải như vậy. Nếu người vợ ở nhà và người chồng ra ngoài thế giới, bạn bắt đầu có hai cuộc sống riêng biệt”. Prey cũng than phiền về chất lượng những ca sĩ trẻ, cho rằng “họ thiếu kỷ luật và định hướng”.

Năm 1996, Prey hát trong Ariadne auf Naxos tại Bayerische Staatsoper, Munich. Đây là một trong những lần xuất hiện cuối cùng của ông trên sân khấu opera. Ngày 4/10/1997, sự cố lớn lớn đầu tiên về sức khoẻ đã xảy ra ông, Prey bị suy tim, huyết áp quá cao. Tuy nhiên, sau khi được điều trị, ông vẫn tiếp tục các chương trình biểu diễn đã lên lịch trước của mình, chủ yếu là các recital. Mùa xuân năm 1998, Prey thực hiện một chương trình với các bài hát của Schubert cùng Levine chơi piano tại New York. Ngày 12/7/1998, Prey biểu diễn chương trình cuối cùng của mình tại Prinzregententheater, Munich. Ông qua đời sau đó vào ngày 22/7/1998 vì suy tim ở tuổi 69 tại Krailling, bang Bavaria, Đức, nơi mà gia đình ông định cư từ năm 1963 và ông được phong danh hiệu công dân danh dự năm 1989.

Nếu như Fischer-Dieskau tạo ấn tượng cho khán giả về một người khổng lồ, một học giả trên sâu khấu thì Prey mang tới một phong thái bình dị và dễ gần hơn. Nhưng điều đó không có nghĩa là ở ông thiếu đi chiều sâu, nông cạn và hời hợt trong cách diễn giải. Ông tiếp xúc với các tác phẩm bằng một bầu nhiệt huyết chân thành, biểu diễn chúng với trái tim nồng nhiệt, bay bổng của người nghệ sĩ đa cảm. Chúng chỉ đơn giản là tạo ra sự khác biệt chứ không hề kém cạnh về mặt chất lượng nghệ thuật. Hermann Prey sẽ luôn được nhớ đến với tài năng âm nhạc tuyệt vời và vẻ đẹp đặc trưng, không thể nhầm lẫn trong giọng hát của ông.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: