SCHOENBERG, ARNOLD

Arnold Schönberg sinh ngày 13 tháng 9 năm 1874 tại Vienna, Áo trong một gia đình Do Thái. Mẹ ông, bà Pauline, là một giáo viên dạy piano còn cha ông, Samuel, là chủ một cửa hàng. Ngay từ khi 8 tuổi, ông đã học chơi violin, viola, cello và đã tự tìm tòi sáng tác các trio, duo để hòa tấu cùng các bạn mình. Sau này Schönberg học thêm với một nhạc sỹ khá nổi tiếng của Áo lúc bấy giờ là Alexander von Zemlinsky trong một thời gian ngắn và có thể nói ông là một trong số hiếm hoi các nhạc sỹ thành danh bằng con đường tự học.

 Ngay từ nhỏ Schönberg đã đặc biệt ngưỡng mộ Brahms, Wagner cũng như các nhà soạn nhạc thời kỳ hậu lãng mạn là Richard Strauss và Gustav Mahler. Các sáng tác thời kỳ đầu của Schoenberg như Gurre-Lieder và Verklärte Nacht, Op. 4 chịu khá nhiều ảnh hưởng của các nhà soạn nhạc này.

 Gurre-Lieder là một oratorio rất nổi tiếng viết cho ca sĩ solo, hợp xướng và dàn nhạc chịu nhiều ảnh hưởng của Wagner, Strauss và Mahler. Tác phẩm gồm 3 phần lớn và phần thứ tư có tiêu đề “Des Sommerwindes wilde Jagd” dựa trên lời thơ của nhà văn Đan Mạch Jens Peter Jacobsen. Thực ra vào năm 1900 ông đã viết một số lied cho tenor, soprano với phần đệm piano để tham gia một cuộc thi sáng tác, sau đó ông quyết định phối lại cho hợp xướng và dàn nhạc cũng như viết các khúc dạo liên kết chúng lại với nhau. Tác phẩm được hoàn thành năm 1911 và được công diễn lần đầu tại Vienna vào ngày 23 tháng 2 năm 1913 dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Franz Schreker. Tác phẩm được nhạc trưởng Leopold Stokowski thu âm lần đầu  tiên và đây cũng là tác phẩm yêu thích của các nhạc trưởng sau này như Simon Rattle, Ricardo Chaily, Pierre Boulez…

 Verklärte Nacht, Op. 4 viết năm 1899 cho 6 đàn dây là một trong những sáng tác đầu tiên của Schönberg lấy cảm hứng từ bài thơ cùng tên của Richard Dehmel. Khi được trình diễn lần đầu vào ngày 18 tháng 3 năm 1902, tác phẩm một chương này gây ra phản ứng khá mạnh từ các nhà phê bình âm nhạc Vienna bởi những quãng nghịch và vì toàn bộ tác phẩm không hề có một giọng trung tâm. Tuy nhiên tác phẩm với sức biểu cảm mãnh liệt này lại giành được không ít cảm tình từ giới yêu nhạc và Schönberg quyết định phối lại cho dàn nhạc dây và nó trở thành một trong những tác phẩm tiêu biểu của thể kỷ 20.

 Ngày 7 tháng 10 năm 1901, Schönberg kết hôn với Malthide Von Zemlinsky, em gái của người bạn cũng như thầy của mình và họ chuyển đến sinh sống tại Berlin. Đây là quãng thời gian vô cùng khó khăn với đôi vợ chồng trẻ. Schoenberg phải kiếm sống bằng việc phối khí các opera cũng như operetta của các nhà soạn nhạc khác và phải tạm dừng sáng tác Gurre-Lieder. (Wellesz, một chuyên gia nghiên cứu về Schönberg, cho rằng trong quãng thời  gian này ông đã phối tới 6000 trang các tác phẩm loại  này).

 Tại Berlin, Schönberg cũng tham gia chỉ huy các buổi hòa nhạc của một nhóm các nghệ sỹ tiến bộ của Berlin lúc bấy giờ có tên là Uberbrett và nhận dạy thêm tại Stern Conservatory. Cũng chính tại đây ông gặp nhà soạn nhạc danh tiếng của thành Vienna Richard Strauss và Strauss đã tạo cảm hứng cho ông sáng tác  bản thơ giao hưởng Pelleas und Melisande (1902) dựa trên vở kịch của Maurice Maeterlinck.

 Năm 1903, Schönberg trở về Vienna và bắt tay vào sáng tác một bản tứ tấu (sáng tác nay vĩnh viễn không được hoàn thành) và một tác phẩm cho hợp xướng. Cũng chính tại đây, lần đầu tiên ông đã gặp Mahler, nhà soạn nhạc cũng như nhạc trưởng danh tiếng của Áo lúc bấy giờ, khi Mahler đến xem buổi diễn tập Verklärte Nacht của nhạc trưởng Rose. Tình bạn giữa Gustav Mahler và  Arnold Schönberg là một mối quan hệ khá đặc biệt vì mặc dù rất quý mến và thường xuyên qua lại với nhau nhưng họ chưa bao giờ có cái nhìn chung về âm nhạc. Nếu Mahler là đại diện tiêu biểu của thời hậu lãng mạn thì Schönberg luôn muốn sáng tạo nên một thứ âm nhạc hoàn toàn mới, hoàn toàn đoạn tuyệt với chủ nghĩa lãng mạn hay chủ nghĩa dân tộc như các nhạc sỹ cùng thời lúc bấy giờ. Phải nói rằng Mahler và Strauss là những nhạc sỹ tiền bối đặc biệt quan tâm đến tài năng của Schönberg và có những ảnh hưởng không nhỏ lên các sáng tác giai đoạn đầu của ông. Họ cảm thấy lo lắng cho tương lai của nhà soạn nhạc trẻ khi nghe các sáng tác sau này của ông.

 Có thể nói Schönberg là người đưa âm nhạc sang một giai đoạn phát triển mới khi phát triển ngôn ngữ âm nhạc phi giọng điệu (atonal music) bằng hệ thống 12 âm (hay còn gọi là serial technic). Phương pháp sáng tác của ông ảnh hưởng mạnh mẽ  đến các học trò của ông như Alban Berg, Anton Webern, Hanns Eisler… và là tiền đề cho các nhạc nhạc sỹ hiện đại sau này như Pierre Boulez, Karlheinz Stockhausen, Luigi Nono, Milton Babbitt… Schönberg còn là tác giả của hai cuốn sách khá nổi tiếng được sử dụng khá rộng rãi trong các nhạc viện là “Theory of Harmony” (Lý thuyết hòa âm) và  “Fundamentals of Musical Composition” (Nguyên tắc cơ bản của sáng tác âm nhạc). Cũng phải nói rằng Schönberg không phải là người đầu tiên hay duy nhất phát triển hệ thống 12 âm. Các nhà soạn nhạc khác như Nikolai Roslavets, Josef Matthias Haue cũng đã phát triển hệ thống 12 âm cùng lúc với ông, thậm chí Charles Ives đã có những  thử nghiệm  từ trước đó. Tuy nhiên phải đến Shoenberg, kỹ thuật 12 âm thực sự mới lên đến đỉnh cao và tạo nên một trào lưu, trường phái phái riêng biệt trong lịch sử âm nhạc.

 Là nhạc sỹ tiên phong của thời đại mình, Schönberg đã phải chịu rất nhiều chỉ trích, thậm chí tẩy chay của các đồng nghiệp cũng như các nhạc sỹ tiền bối: “Trong suốt 13 năm phát triển phong cách riêng của mình, vốn rất xa lạ với mọi người, tôi đã phải đấu tranh cho mỗi tác phẩm mới của mình. Tôi bị các nhà phê bình xúc phạm một cách nặng nề, bị mất nhiều bạn tốt cũng như mất niềm tin vào nhận xét của những của người xung quanh. Một mình tôi chống lại tất cả”.

 Sau nhiều năm bị giới phê bình cũng như thính giả chê bai, âm nhạc của Schönberg bắt đầu được đón nhận trở lại. Thơ giao hưởng Pelleas und Melisande được biểu diễn lần đầu tại Berlin và đặc biệt là oratorio Gurre-Lieder ra mắt tại Vienna vào ngày 13 tháng 2 năm 1913 được tán dương nhiệt liệt. Ngoài âm nhạc, ông còn vẽ rất nhiều tranh cũng như sáng tác thơ, kịch, viết các tiểu luận về nghệ thuật cũng như xã hội. Schönberg thường xuyên giao lưu và gặp gỡ với các họa sỹ danh tiếng bấy giờ, thậm chí ông còn mở triển lãm tranh cùng với họ.

 Năm 1918 ông cùng các học trò mình lập ra tổ chức “Society for Private Musical Performances” (Hiệp hội trình diễn âm nhạc tư nhân), nơi giao lưu cũng như biểu diễn các tác phẩm đương đại. Các tác phẩm biểu diễn được tập rất kỹ và giới hạn đối tượng khán giả trong phạm vi hội viên của hội. Tổ chức này thực sự là nơi nâng đỡ nhiều nhạc sỹ trẻ tài năng như Alban Berg, Webern cũng như giới thiệu các nhạc sỹ ít được biết đến tại châu Âu lúc bấy giờ như Scriabin, Debussy, Mahler … Năm 1921 hoạt động của hội phải dừng lại do khó khăn về tài chính nhưng hơn 300 buổi biểu diễn do hội tổ chức thực sự đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả ở Vienna lúc bấy giờ.

 Ngày 30 tháng 1 năm 1933,  Hitler lên nắm quyền và bắt đầu chiến dịch bài Do Thái của mình. Mặc dù là một nhân vật nổi bật trong giới âm nhạc Áo lúc đó, Schönberg vẫn bị buộc phải nghỉ dạy tại nhạc viện. May thay đúng lúc đó Schönberg được nhạc viện Malkin ở Boston mời sang Mỹ giảng dạy và thậm chí còn tổ chức một cuộc thi sáng tác mà những người thắng cuộc sẽ được cấp học bổng để theo học với ông. Ngày 31 tháng 11 năm 1933, ông cùng gia đình đặt chân đến New York và nhận đuợc sự quan tâm đặc biệt của báo giới bởi với người Mỹ ông được biết đến như là nhạc sỹ “nổi loạn” của thành Vienna .Tại Mỹ ông có buổi biểu diễn đầu tiên với Boston symphony Orchestre vào tháng 1 năm 1934 và ít lâu sau đó chỉ huy chính tác phẩm Pelleas und Melisande của mình trước giới yêu nhạc ở Boston. Tuy nhiên do không chịu được cái lạnh ở miền Tây, ông chuyển đến Los Angeles, dạy tại University of California và bắt đầu  sáng tác trở lại.

 Arnold Schönberg cho xuất bản 4 tứ tấu nhưng thực ra ông còn có một vài sáng tác khác cho tứ tấu đàn dây và qua các sáng tác này ta có thể thấy rõ sự thay đổi trong ngôn ngữ âm nhạc của ông. Đầu tiên là bản tứ tấu ở giọng Rê trưởng, hoàn thành năm 1897 dưới sự giúp đỡ của Alexander Zemlinsky. Tứ tấu đàn dây No. 1 viết trong giai đoạn 1904 đến 1905 chỉ có một chương duy nhất với những cảm xúc mãnh liệt của chủ nghĩa lãng mạn gợi nhớ đến âm nhạc của Wagner và Brahms. Bản tứ tấu này viết ở giọng Rê thứ, sử dụng các thủ pháp sáng tác của giai đoạn trước như chuyển giọng và phát triển các motive. Tuy nhiên cấu trúc tác phẩm có điểm khác với các tứ tấu thời kỳ này đó là cách sắp xếp câu nhạc không cân đối mà được phân theo thành những  nhóm có màu sắc đối lập nhau. Theo như lời kể lại của Schönberg thì khi ông đưa bản nhạc cho Mahler xem, Mahler đã nhận xét : “Tôi đã từng  chỉ huy các bản nhạc phức tạp nhất của Wagner, bản thân tôi cũng từng sáng tác các bản nhạc lớn lên tới 30 khuông nhạc nhưng bản nhạc này chỉ chưa quá 4 khuông nhạc mà tôi không sao hiểu  được”.

 Bản tứ tấu số 2 viết trong giai đoạn khá nhạy cảm, khi vợ ông, Mathilde, cùng các con đến sống với với họa sỹ Richard Gerstl. Chương 3 và 4 khá đặc biệt khi có thêm giọng soprano hát lời thơ của Stefan George. Ba chương đầu của bản tứ tấu này đều có giọng trung tâm với ngôn ngữ quen thuộc của chủ nghĩa hậu lãng mạn (Post Romantic) nhưng chương cuối cho thấy những cách tân ban đầu của Schönberg trong việc phá bỏ hệ thống giọng điệu. Bản tứ tấu này được Rosé Quartet và  Marie Gutheil-Schoder  biểu diễn lần đầu tại Vienna vào ngày 21 tháng 12 năm 1908.

 Bản tứ tấu số 3 viết khi Schönberg đã định hình ngôn ngữ 12 âm của mình với giai điệu khó nắm bắt sự cách tân trong sử dụng tiết tấu, một nét  đặc trưng của âm nhạc hiện đại. Bản tứ tấu số 4 cũng sử dụng ngôn ngữ 12 âm nhưng Schönberg chú trọng đến phần giai điệu hơn và gần với ngôn ngữ  “free atonal” mà học trò của ông là Alban Berg thường dùng. Tác phẩm được hoàn thành ngày 26 tháng 7 năm 1936 và được Kolisch Quartet biểu diễn lần đầu tại Los Angeles.

 Trong giai đoạn cuối đời mình ông có rất nhiều tác phẩm đặc sắc như: Violin Concerto op. 36  (1934/36), Kol Nidre, op. 39  cho hợp xướng và dàn nhạc (1938), bản  Piano Concerto op. 42 (1942) nổi tiếng, A Survivor from Warsaw, op. 46 (1947)…

 Năm 1941, Schönberg chính thức trở thành công dân Mỹ. Năm 1945 ông bị đau tim nên phải ngừng dạy học và chỉ tập chung vào sáng tác. Ông mất ngày 13 tháng 7 năm 1951 tại Mỹ mà không kịp hoàn thành vở opera Moses und Aron. Ngày nay Schönberg không chỉ được nhắc đến như là một trong những nhạc sỹ tiên phong của thế kỷ 20 mà còn là nhà sư phạm lỗi lạc đã tạo nên một thế hệ nhạc sỹ trẻ đầy tài năng cho châu Âu và nước Mỹ.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: