TETRAZZINI, LUISA

“Tôi già, tôi béo nhưng tôi vẫn là Tetrazzini”  Luisa Tetrazzini

Trong thế hệ vàng đầu tiên của kỷ nguyên ghi âm, chúng ta không thể không nhắc đến cái tên Luisa Tetrazzini. “Chim sơn ca của thành Florence” sở hữu một giọng nữ cao màu sắc có âm sắc tuyệt đẹp, với một cữ âm và sự nhanh nhẹn vượt xa những tiêu chuẩn thông thường. Bà đã có một sự nghiệp chói sáng ở hai bên bờ Đại Tây Dương và là một trong những ca sĩ được mến mộ nhất thời bấy giờ. Trong những năm đầu thế kỷ 20, cùng với những tên tuổi như Enrico Caruso, Titta Ruffo, Feodor Chaliapin, Nellie Melba… bà luôn là đại diện tiêu biểu cho một thế hệ của những giọng ca vàng, những người mở ra một thời đại mới, giúp cho những người yêu âm nhạc có thể thưởng thức tiếng hát của họ ngay tại trong ngôi nhà của mình.

Luisa Tetrazzini sinh ngày 29/6/1871 tại Florence, Ý trong một gia đình có người bố là một thợ may quân phục. Luisa có hai chị gái và hai anh trai, và chị gái Eva Tetrazzini chính là ca sĩ dạy hát đầu tiên của cô, khi Luisa chỉ mới lên ba tuổi. Eva sau này cũng trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Khi lên mười tuổi, Luisa theo học tại Insituto Musicale, Florence với Contrucci và giáo sư Ceccherini. Cô kết hôn lần đầu tiên khá sớm, với Giuseppe Santino Alberto Scalaberni vào ngày 14/10/1889.

Một năm sau, ngày 21/10/1890, khi chỉ mới 19 tuổi, Tetrazzini có màn ra mắt với tư cách ca sĩ opera chuyên nghiệp khi cô may mắn được thay thế cho ca sĩ chính, vào vai Inez trong vở L’Africaine (Meyerbeer). Mặc dù chỉ được thông báo trước không lâu trước khi mở màn, nhưng buổi biểu diễn đã thành công ngoài sự mong đợi của cô, Tetrazzini nhớ lại: “Vỉa hè từ nhà hát về nhà tôi xếp hàng dài, ngay cả khi tối muộn đó, với một số lượng lớn người, tất cả đều hét lên chúc mừng tôi”. Cũng với vai diễn này, cô hát tiếp tại Rome vào ngày 26/12/1890 trước sự thưởng thức của nhà vua và hoàng hậu Ý. Hoàng hậu sau đó đã đề nghị Tetrazzini hát trích đoạn Liebestod trong Tristan und Isolde (Wagner), vở opera yêu thích của bà. Trong thời kỳ đầu sự nghiệp, Tetrazzini thực hiện các buổi biểu diễn vòng quanh nước Ý cùng nhà hát và có chuyến lưu diễn quốc tế đầu tiên tới Nam Mỹ với tư cách cá nhân. Cô hát trong 4 mùa diễn tại Buenos Aires. Cô đi cùng với Pietro Cesare, người tình của Tetrazzini trong 14 năm. Chồng cô, Scalaberni đã tới Buenos Aires với mong muốn đưa cô trở về Florence nhưng Tetrazzini đã từ chối và họ chia tay nhau. Tetrazzini đã nói rằng cô thà ngồi tù còn hơn phải trở về nhà với chồng mình.

Lần đầu tiên cô hát trong Lucia (Lucia di Lammermoor, Donizetti) là tại Buenos Aires vào ngày 21/11/1892. Đây cũng vở yêu thích của tổng thống Argentina Luis Saenz Pena. Ông đã trở thành người hâm mộ cô cuồng nhiệt. Vào năm 1894, cô đã từng sử dụng mối quan hệ này để xin Pena ân xá cho một trung uý hải quân bị cầm tù 9 năm. Sau khi kết thúc chuyến lưu diễn tại Nam Mỹ, cô trở về hát tại châu Âu và có một mùa diễn tại Nga với lần đầu tiên xuất hiện vào ngày 31/12/1896 với vai Oscar (Un ballo in maschera, Verdi) tại Saint Petersburg. Sau đó, Tetrazzini tiếp tục hát tại Madrid, Milan, Turin và Odessa. Ngày 22/2/1899, cô quay trở lại Saint Petersburg để hát trong Lucia di Lammermoor, lần đầu hát cùng Enrico Caruso. Cả hai sau này trở thành những người bạn vô cùng thân thiết. Danh mục biểu diễn của Tetrazzini trong thời gian này bao gồm những vai soprano màu sắc điển hình như Lucia, Oscar, Violetta (La traviata, Verdi), Gilda (Rigoletto, Verdi) hay Philine (Mignon, Thomas).

Đầu năm 1904, cô chia tay Cesare để đến với ban trai mới, giọng nam cao Giulio Rossi bất chấp việc Cesare đe doạ bắn chết những người tình của cô. Cũng trong năm này, cô có được bản thu âm giọng hát đầu tiên của mình. Kể từ đó, Tetrazzini đã thực hiện rất nhiều đĩa nhạc, cho đến tận năm 1920, chủ yếu với hãng EMI Classics ở London. Ngày 8/12/1904, trong một buổi biểu diễn Lucia di Lammermoor tại Mexico, tình cờ William H. “Doc” Leahy, giám đốc của nhà hát San Francisco cũng tham dự và thán phục trước tài năng của cô, Leahy đã mời Tetrazzini cộng tác với nhà hát. Và ngày 11/1/1905, Tetrazzini có buổi ra mắt khán giả Mỹ tại San Francisco với vai Gilda (Rigoletto). Khi ngôi sao sáng của Covent Garden, London khi đó, Nellie Melba nghỉ hát vì căn bệnh viêm phổi và trở về Úc tĩnh dưỡng, Tetrazzini là một trong những ca sĩ được mời thay thế. Mặc dù đã có được những thành công ban đầu ở châu Âu và Mỹ nhưng tại Anh, tên tuổi của Tetrazzni vẫn là một ẩn số. Cô ra mắt tại đây vào ngày 2/11/1907 với Violetta (La traviata) và tạo ra một sự phấn khích thật sự. Sau khi kết thúc đêm diễn, Tetrazzini đã được gọi ra sân khấu chào lại tới 20 lần. E. A Baugham đã viết trên Daily News: “Chất lượng mà giọng hát của Tetrazzini tạo ra đã mê hoặc lòng người. Nó mềm mại và là vàng ròng… Tôi bao giờ thấy sự thống khổ của nhân vật chính trong Verdi lại được nhận ra với một sự thấu hiểu và chân thành đến vậy… Tôi không cho rằng tôi cường điệu khi nói quý cô Tetrazzini có giọng hát của thế kỷ và nổi bật ngay cả so với những ca sĩ Ý danh tiếng mà chúng ta đã biết”. Và đây không phải là lời khen duy nhất sau đó dành cho cô, họ còn so sánh cô với Adelina Patti, ngôi sao sáng tại Covent Garden thuộc thế hệ trước. Bản thân Tetrazzini cũng rất thần tượng Patti. Cô kể lại rằng sau thành công của đêm diễn, Patti đã mời cô đi ăn và xác nhận rằng báo chí đang xôn xao về việc Tetrazzini sẽ là người tiếp tục di sản của mình. Sau đó, cả hai đã trở thành những người bạn tốt và thường xuyên viết thư thăm hỏi nhau cho đến khi Patti qua đời. Tetrazzini từng cho biết những lời khen ngợi của Patti là kho báu quý giá nhất cuộc đời mình: “Những lời tung hô của một đám đông khán giả sẽ khiến bạn hài lòng sau khi bạn đã cống hiến hết sức của mình. Tuy nhiên, những lời khen ngợi, tán dương từ Patti còn hơn nhiều so với sự vui sướng mà khán giả mang lại”.

Kể từ thời điểm đó, Tetrazzini đã trở thành một trong những ngôi sao sáng chói nhất trong địa hạt opera. Bà nằm trong số những ca sĩ được trả lương cao nhất, những buổi biểu diễn của bà luôn được chào đón, bán hết sạch vé ở bất cứ đâu bà biểu diễn. Ngay từ năm 1904, tổng giám đốc của Metropolitan Opera, Heinrich Conried đã mời bà một hợp đồng trong 3 năm, bắt đầu từ tháng 11/1905. Tuy nhiên, hợp đồng này không thành hiện thực vì Conried từ chối trả trước một khoản tiền đặt cọc. Khi Tetrazzini hát ở San Francisco, Conried đã kiện bà, yêu cầu cấm hát nhưng thua kiện. Năm 1908, cuối cùng Tetrazzini cũng xuất hiện lần đầu trước khán giả New York nhưng là với Manhattan Opera Company, đối thủ của Met do Oscar Hammerstein sáng lập với vai Violetta (La traviata). Bà tỏ ra rất trung thành với nhà hát này và chỉ xuất hiện duy nhất tại Met trong một mùa diễn 1911-1912 với 8 buổi biểu diễn trong ba vai (Lucia, Violetta và Gilda). Bà cũng cộng tác với những nhà hát opera ở Boston và Chicago. Vào năm 1910, Metropolitan Opera mua lại Manhattan Opera và rắc rối nảy sinh. Met cho rằng hợp đồng của bà với Manhattan Opera nay thuộc về Met nhưng Tetrazzini không đồng ý và các tranh chấp phát sinh. Trong quá trình kiện tụng Tetrazzini tạm thời bị cấm biểu diễn tại tất cả các nhà hát trên toàn nước Mỹ. Bà đã tổ chức một cuộc họp báo và tuyên bố: “Tôi sẽ hát tại San Francisco, kể cả có phải hát trên đường phố vì tôi biết hát ở đó sẽ miễn phí”. Câu nói này sau đó trở nên rất nổi tiếng. Vào đêm Giáng sinh năm 1910, tại gần đài phun nước Lotta, trước tòa nhà San Francisco Chronicle, San Francisco, Tetrazzini trong bộ áo choàng trắng lấp lánh đã hát cùng một dàn nhạc và hợp xướng khoảng 50 người trước khoảng 250.000 khán giả tụ tập ở đó!!! Chương trình diễn ra trong khoảng nửa giờ đồng hồ Sau đêm diễn, Fredrick Wood đã viết trên Chronicle: “Luisa Tetrazzini đã đoàn kết San Francisco… Một sự ngọt ngào, rõ ràng và tinh khiết trong tất cả vẻ đẹp chân thật của nó”. Samuel Dickson, một khán giả ở đó đã thốt lên: “Nếu bạn nhắm mắt lại, bạn sẽ thấy mình cô độc trên thế giới với giọng hát tuyệt vời đó”. Tetrazzini luôn tỏ ra yêu mến thành phố này: “Đây là nơi đầu tiên tôi hát tại Mỹ và tôi yêu San Francisco hơn bất kỳ thành phố nào trên thế giới. Tôi có thể hát ở đâu ngoài trời vào đêm Giáng sinh?”. Sau này bà đã thắng kiện Metropolitan Opera.

Tetrazzini sở hữu một kỹ thuật thanh nhạc xuất sắc khiến bà có thể vượt qua bất cứ thử thách khó khăn nào, khả năng kiểm soát hơi thở hoàn hảo. Những nốt trill, staccato, trang trí hoa mỹ là sở trường của bà. Âm vực cao của bà rất đẹp, nhưng không giống như Amelita Galli-Curci, nó không mảnh, nhẹ mà đầy đặn, mạnh mẽ và vang vọng. Tuy nhiên, không giống như đối thủ Nellie Melba của mình có vẻ đẹp trên toàn bộ cữ giọng, phần âm vực của bà khoẻ, dày dặn nhưng phần trung âm lại mảnh và có âm sắc the thé, thường bị những nhà phê bình của Mỹ và Anh chê bai là “giống trẻ em”. Giọng nam cao người Ireland John McCormack còn cường điệu hơn khi so sánh nó với “tiếng khóc của một đứa trẻ lai”. Tuy nhiên, qua năm tháng, những nhược điểm cũng phần nào được khắc phục, qua những bản thu âm bà để lại, chúng ta có thể nhận thấy rõ điều này. Tetrazzini dần trở nên đẫy đà hơn khi già đi, nhưng bà vẫn thể hiện được sự diễn xuất linh hoạt trên sân khấu, đặc biệt trong những vai diễn hài hước và sở hữu một tích cách vui vẻ, hoà nhã và hoạt bát.

Vì những va chạm tại Covent Garden, giữa Tetrazzini và Melba có một sự xung khắc ghê gớm. Nhưng bà và Caruso lại có một tình bạn đặc biệt gắn bó và thân thiết trong nhiều năm. Khi ông qua đời vào ngày 2/8/1921 đã khiến bà hết sức đau khổ. Sau khi ngã bệnh, Caruso đã viết cho Tetrazzini một tấm bưu thiếp với nội dung: “Tôi đang chờ bạn với vòng tay rộng mở, chờ đợi từng khoảnh khắc để có thể chào đón bạn với một nốt nhạc vàng”. Thật không may, bà đã không đến kịp để gặp ông trước khi Caruso qua đời. Sau này, Tetrazzini thường xuyên đến viếng mộ ông.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, Tetrazzini giảm dần các buổi biểu diễn opera và hát nhiều hơn trong các chương trình hoà nhạc. Bà viết cuốn hồi ký Cuộc đời ca hát của tôi vào năm 1921 và một bài chuyên luận về thanh nhạc Làm thế nào để hát vào năm 1923. Sự nghiệp biểu diễn của Tetrazzini kết thúc vào năm 1931 nhưng năm 1934 bà mới tổ chức chương trình giã từ sự nghiệp tại London. Mặc dù vậy, giọng hát của Tetrazzini vẫn còn tràn trề nội lực và làm say đắm lòng người. Sau khi nghỉ hưu, bà dạy hát và nêu ra cái tên Lina Pagliughi, coi nữ ca sĩ này sẽ là người kế tục mình. Bà đã khép lại sự nghiệp, để lại nhiều vai diễn xuất sắc, là đỉnh cao mà không dễ để nhiều ca sĩ thế hệ sau có thể vượt qua được như Gilda, Violetta, Rosina (Il barbiere di Sivilgia, Rossini) hay Lucia, vai diễn mà bà đã hát hơn 100 lần trong sự nghiệp.

Trong sự nghiệp kéo dài hơn 30 năm của mình, Tetrazzini đã luôn toả sáng và là ca sĩ được trả cát sê cao nhất. Bà đã tích luỹ được một khối tài sản đáng kể và không ngần ngại phô trương sự giàu có của mình. Tetrazzini thích mua những đồ trang sức đắt tiền và luôn mang những chiếc nhẫn, vòng tay, dây chuyền trên sân khấu, trong cái vai diễn mà bà cảm thấy phù hợp với nhân vật mà mình hoá thân. Tuy nhiên, bà không phải là người hợm của và trọc phú. Bà thường xuyên cho đi tiền bạc và của cải của mình để giúp đỡ những người xung quanh. Cuộc chiến pháp lý khi chia tay người chồng thứ ba cũng ảnh hưởng đến tình hình tài chính của bà. Khi qua đời vào ngày 28/4/1940 tại Milan, bà hầu như không còn tài sản nào. Tang lễ của bà được tổ chức tại nhà thờ ở Via Casoretto. Trên ngôi mộ của Tetrazzini, tấm bia khắc dòng chữ lấy từ Lucia di Lammermoor: “Alfin son tua” (Cuối cùng thì tôi cũng là của bạn). Mặc dù bà đã qua đời, nhưng thông qua những bản thu âm của mình, nghệ thuật của Luisa Tetrazzini sẽ không bao giờ bị lãng quên.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: