VICKERS, JON

───

  • Sơ lược cuộc đời Jonathan Vickers

Jonathan Stewart Vickers sinh ngày 29/10/1926 tại Prince Albert, Saskatchewan. Cậu bé là đứa trẻ thứ sáu trong một gia đình có 6 người con của ông William, một nhà truyền giáo và bà Myrle. Jon đã lớn lên cùng với âm nhạc và tôn giáo. Cả gia đình cậu ai cũng có thể chơi được một nhạc cụ nào đó như Vickers so sánh: “Một gia đình Trapp của người nghèo” (gia đình Trapp là những nhân vật có thật, yêu âm nhạc, được miêu tả trong vở kịch và bộ phim The sound of music). Cậu đã hát trong những buổi giảng đạo của cha mình ngay từ khi còn nhỏ. Chiều thứ bảy hàng tuần, Jon thường ngồi bên chiếc radio để nghe những vở opera của Metropolitan Opera. Mặc dù vậy, Jon không hề có ý định trở thành ca sĩ mà cậu tỏ ra rất thích kinh doanh. Cậu từng bán thịt và quản lý của hàng Woolworth. Sau đó Jon mơ ước được theo học ngành y khoa. Tốt nghiệp phổ thông năm 1945 nhưng Jon phải nhường cơ hội học đại học cho những quân nhân trở về từ cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Mọi thứ chỉ thay đổi khi có người đã gửi một cuộn băng thu âm giọng hát của Jon tới Royal Conservatory of Music, Toronto. Lúc này cậu đang bán hàng cho công ty Hudson Bay ở Winnipeg. Sau khi mời cậu đến thử giọng với Every Valley Shall be Exalted (Messiah, George Frideric Handel), quá ấn tượng về tài năng của Jon, nhạc viện đã thuyết phục cậu theo đuổi con đường trở thành ca sĩ chuyên nghiệp với một suất học bổng. Jon đã học tại đây dưới sự hướng dẫn của George Lambert và Herman Geiger-Torel từ năm 1950. 

Lambert đã nhận xét về cậu học trò của mình: “Học rất nhanh, như tờ giấy thấm vậy”. Song song với đó, Jon đã rèn luyện thể chất của mình bằng cách làm việc trong một trang trại của người hàng xóm, điều góp phần gia tăng sức mạnh trong giọng hát của cậu. Để trang trải chi phí, cậu đã phải làm tài xế xe tải vào ban đêm cho một nhà máy bia. Tháng 7/1953, Vickers kết hôn với Henrietta Elsie Outerbridge “Hetti”, một giáo viên tiếng Anh. Họ sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Teresa Stratas đã gọi đó là “một trong những câu chuyện tình yêu tuyệt vời của thời đại chúng ta”.

───

1. Được mệnh danh là “giọng tenor của Chúa”

Với sự qua đời của Jon Vickers, thế giới opera đã đi một trong những giọng tenor mãnh liệt nhất của mình. Vickers sở hữu giọng hát lớn và mạnh mẽ một cách tự nhiên, điều khiến ông trở nên đặc biệt phù hợp trong những vở opera của Richard Wagner hay Otello (Giuseppe Verdi). Nhưng như vậy là chưa đủ để trở nên vĩ đại. Vickers chưa bao giờ cố gắng dựa dẫm vào sức mạnh trong giọng hát của mình mà ông luôn nghiên cứu những vai diễn của mình một cách kỹ lưỡng và tỉ mỉ. Vickers nhấn mạnh rằng nghệ thuật phải thu hút trí tuệ chứ không chỉ thu hút cảm xúc. Tên tuổi của Vickers luôn gắn liền với các tác phẩm Wagner, ông đã mang đến cho những vai diễn không chỉ là sự oai nghiêm và kiêu hãnh, mà đi kèm với đó còn là tính nhân văn sâu sắc. Ông có danh hiệu “giọng tenor của Chúa” vì sự sùng đạo và niềm tin bền bỉ vào Cơ đốc giáo của mình, Vickers sẵn sàng từ bỏ vai diễn Tannhäuser (Tannhäuser, Wagner) vốn rất phù hợp với ông nhưng đi ngược lại những truyền thống tôn giáo mà Vickers tôn thờ. Là một người nóng tính, Vickers thường xuyên có những xung đột với những ca sĩ đồng nghiệp và nhạc trưởng, thậm chí là cả khán giả. Trong một buổi biểu diễn Tristan und Isolde (Wagner) tại Dallas vào năm 1975, Vickers đã quát lên “Hãy im đi” khi có người ngồi ở những hàng ghế đầu ho rất to. Với Vickers: “Nghệ thuật là một cuộc vật lộn với ý nghĩa của cuộc sống” và niềm tin tôn giáo đã giúp ông lựa chọn nghệ thuật. Những vai diễn của ông là sự pha trộn giữa đắng cay và ngọt ngào, của sức mạnh và sự yếu đuối thể hiện những anh hùng đau khổ và người tình bất hạnh. Như nhà quản lý âm nhạc Herbert Breslin đã từng nhận xét, đó là một giọng hát có thể khiến “cột sắt cũng phải rơi lệ”.

John Ardoin đã miêu tả giọng hát của ông là “có hàng trăm màu sắc và sự biến hoá”. Vickers luôn nhấn mạnh rằng kỹ thuật chỉ là phương tiện để phục vụ cho ý nghĩa của âm nhạc. Tuy nhiên ý nghĩa của âm nhạc còn phụ thuộc vào sự cảm nhận của mỗi người. Cũng không thiếu những lời chỉ trích nhằm vào Vickers, cho rằng ngoài giọng hát có sức mạnh khủng khiếp, ông thiếu đi sự mượt mà và tinh tế, đặc biệt khi so sánh với kỹ thuật hát bel canto mà đại bộ phận các tenor danh tiếng thời bấy giờ sở hữu. Vickers có thói quen đẩy cảm xúc mãnh liệt của nhân vật tới tột cùng, để rồi sau đó họ sụp đổ trong sự thảm khốc. Đôi khi cách diễn giải này tạo nên sự rủi ro lớn vì dễ dẫn đến sự cường điệu hoá và vượt ra ngoài ý đồ của nhà soạn nhạc. Bên cạnh đó, ông còn bị chê trách vì lối hát “scooping” của mình (không hát đúng vào cao độ mà hát thấp hơn sau đó đẩy giọng lên tới đúng cao độ), gây ra sự khó chịu. Những nốt pianissimo của Vickers cũng bị phê phán là hát falsetto. Nhưng nhiều người khác bảo vệ ông, John Steane nhận xét rằng Vickers là một trong số rất ít những ca sĩ có thể so sánh với Callas về “sự lôi cuốn trong biểu diễn”. Khi thưởng thức giọng hát của Vickers, những gì đọng lại với chúng ta không phải là âm sắc đẹp đẽ mà là cường độ âm thanh lớn nhất. Ở đó toả ra một sức mạnh kỳ lạ và biến những điểm yếu của ông thành thứ yếu.

2. Khởi đầu từ Canada và vươn tầm thế giới

Năm 1954, Vickers trở thành thành viên của công ty Opera Canada và có được vai diễn đầu tiên của mình với công tước xứ Mantua (Rigoletto, Verdi) tại liên hoan opera Toronto. Ông gắn bó tại đây tới năm 1956, hát trong nhiều vở opera và oratorio. Vickers cũng hợp tác với các đài phát thanh và truyền hình Canada, trong đó có các vở Tosca (Giacomo Puccini) và Il trovatore (Verdi), những tác phẩm mà không bao giờ ông hát trên sâu khấu. Vickers ra mắt khán giả New York vào ngày 20/11/1956 tại American Opera Society với Florestan (Fidelio, Ludwig van Beethoven). Bên cạnh việc hát trên sân khấu, Vickers cũng tập trung vào những ca khúc thính phòng của Franz Schubert hay Robert Schumann. Chỉ sau vài năm ngắn ngủi tại quê nhà, tên tuổi của Vickers đã bắt đầu xuất hiện trên trường quốc tế khi ông có được buổi ra mắt tại Covent Garden vào ngày 6/6/1957 trong Aeneas (Les Troyens, Hector Berlioz) dưới sự chỉ huy của Rafael Kubelík. Trước đó, đích thân tổng giám đốc của Covent Garden, David Webster đã gửi cho Vickers vé máy bay để mời ông đến thử giọng tại nhà hát. Khi lên đường tới London, Vickers đã sở hữu một danh mục biểu diễn khá đáng kể với hơn 22 vở opera, 35 oratorio và cantata cùng 300 lieder. Đó là một sự khởi đầu đáng khích lệ đối với một ca sĩ Canada, vốn không phải là một trong những trung tâm của thế giới opera. Ngay sau đó, Vickers đã trở thành vị khách quen thuộc tại nhà hát này khi hát trong các vở Carmen (Georges Bizet), Un ballo in maschera hay Don Carlo của Verdi. Sự gắn bó chặt chẽ giữa Vickers và những vở opera của Wagner khởi đầu vào ngày 24/9/1958 với vai Siegmund bên cạnh Astrid Varnay (Brünnhilde) trong Die walküre dưới sự chỉ huy của Rudolf Kempe. Chất giọng khoẻ khoắn, vạm vỡ hiếm có của Vickers tỏ ra đặc biệt phù hợp với âm nhạc của Wagner, ông nhanh chóng trở thành một heldentenor hàng đầu, địa bàn mà hiếm có ca sĩ nào có thể cạnh tranh với ông trong hơn 20 năm sau đó.

Với những gì mà Vickers đã thể hiện tại Covent Garden, ông đã trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Năm 1958, ông ra mắt tại liên hoan Bayreuth, thánh đường của opera Wagner khi hát trong Die walküre cùng nhạc trưởng Hans Knappertsbusch. Cũng trong năm này, Vickers lần đầu hát cùng Maria Callas trong Medea (Luigi Cherubini) tại Dallas Opera. Ngày 17/1/1960, Vickers lần đầu xuất hiện tại Metropolitan Opera khi hát trong Canio (Pagliacci, Ruggero Leoncavallo) và nhanh chóng chiếm được cảm tình của khán giả tại đây. Buổi biểu diễn Wagner đầu tiên của ông tại Metropolitan Opera là ngày 9/2/1960 trong Die walküre bên cạnh Birgit Nilsson, một trong những Wagnerian huyền thoại. Vickers đã gây ra một ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, ông được kêu gọi chào khán giả tới 9 lần ngay sau khi kết thúc màn I. Tờ Musical America đã bình luận: “Có lẽ đáng chú ý nhất trong số rất nhiều nhân tố nổi bật của buổi tối là Siegmund của Vickers. Không có giọng nam cao nào ở Metropolitan trong nhiều thập kỷ có thể bao hàm cả yếu tố anh hùng và trữ tình của vai diễn với sự điêu luyện như vậy. Ông đạt hiệu quả cân bằng trong những cơn bột phát khủng khiếp của “Wälse! Wälse!” và những biểu hiện nhẹ nhàng dịu dàng về sự tận tuỵ của mình đối với Sieglinde trong màn II”.

3. Trở thành khách mời quen thuộc của những nhà hát hàng đầu 

Thời điểm lúc bấy giờ thế giới opera không thiếu những tenor hàng đầu như Giuseppe di Stefano, Carlo Bergonzi hay Franco Corelli nhưng danh mục biểu diễn của họ chủ yếu tập trung vào các vở opera Ý và Pháp. Ngay cả một danh ca có thể so sánh với Vickers về sự mãnh liệt và kịch tính là Mario del Monaco thì cũng hầu như không động đến các tác phẩm của Wagner. Tất cả những cái trên kể trên đều sở hữu âm sắc đẹp theo trường phái Ý mà thiếu đi sự xù xì, góc cạnh và ngang tàng mà Wagner yêu cầu. Kể từ khi Lauritz Melchior giã từ sự nghiệp vào những năm 1950, khoảng trống mà vị danh ca để lại trong những vở opera của Wagner là rất lớn. Sự xuất hiện của Vickers chính là sự thay thế lý tưởng cho tenor huyền thoại người Đan Mạch. Ông cũng trở thành khách mời quen thuộc tại Vienna State Opera và La Scala cũng như những nhà hát hàng đầu khác trên thế giới. Vickers nhanh chóng trở thành sự lựa chọn tối ưu của Herbert von Karajan trong những vở opera Wagner. Karajan chính là nhạc trưởng trong những lần ra mắt của Vickers tại Vienna State Opera (Die walküre, 8/1/1959 bên cạnh Martha Modl và Lotte Rysanek) và La Scala (Fidelio, 17/12/1960 cùng với Nilsson và Hans Hotter). Karajan tỏ ra rất quý mến tài năng của Vickers, thường xuyên mời ông hát trong liên hoan Salzburg cũng như thu âm các vở opera như Carmen, Fidelio, Otello và tất nhiên, các tác phẩm của Wagner.

Ngoài những vai diễn trong opera của Wagner, Vickers còn được đánh giá là một trong những người thể hiện Otello thành công nhất, bên cạnh del Monaco và Plácido Domingo. Peter Grimes (Peter Grimes, Benjamin Britten) là một thành tựu lớn của Vickers mặc dù chính Britten tỏ ra không thích cách diễn giải của ông và cũng gây ra rất nhiều tranh cãi. Là một con chiên ngoan đạo, ông tỏ ra ghê tởm những khía cạnh đồng tính luyến ái mà tác phẩm đề cập đến, mà thay vào đó, nhìn nhận vở opera dưới khía cạnh nghiên cứu về tâm lý từ chối của con người. Một vai diễn nữa mà Vickers cũng ghi dấu ấn đậm nét là Tristan mà ông hát lần đầu vào năm 1971 tại Buenos Aires cùng với Nilsson, với sự thể hiện tuyệt vời về những đau đớn về thể xác và tinh thần. Vickers từng từ chối hát vai này trong nhiều năm, mang đến sự thất vọng cho Nilsson, người tìm kiếm đối tác tương xứng trong nhiều năm trời. Nilsson tâm sự với New York Times: “Tôi đã nói với anh ấy vào thời điểm đó rằng tôi đã chờ đợi Tristan của mình trong 14 năm trời”.

4. Tiếp cận nhân vật từ khía cạnh tôn giáo và đạo đức

Dưới sự thấm nhuần giáo lý Cơ đốc giáo, Vickers luôn có tiếp cận nhân vật qua góc nhìn tôn giáo. Ví dụ như trong aria nổi tiếng của Florestan “Gott! Welch dunked hier”, khi hầu hết các tenor khác chỉ tập trung vào nỗi tuyệt vọng của nhân vật thì với Vickers, đó là một niềm tin mãnh liệt vào Đức Chúa và sự hi vọng vào tương lai. Bản thu âm Fidelio của ông và Christa Ludwig dưới sự chỉ huy của Otto Klemperer là một huyền thoại. Và cũng với đức tin của mình, ông đã từ chối hát trong Tannhäuser, cho rằng Wagner đã “thách thức công việc cứu rỗi của Đức Chúa” và đó là một cuộc tấn công trực diện “hèn hạ, kiêu ngạo và vô đạo đức” vào Cơ đốc giáo. Cũng vì những lý do tương tự mà Vickers đã từ chối hát Siegfried (Siegfried và Götterdämmerung), những vai diễn vốn vô cùng phù hợp với giọng hát có núi lửa phun trào của ông.

5. Nổi tiếng là một người khó hợp tác

Vickers cũng được biết đến là một người không bao giờ chịu nhân nhượng trước đồng nghiệp và nhạc trưởng trong các quan điểm về nghệ thuật. Vì những tranh chấp trong cách dàn dựng mà Vickers với Georg Solti có mối mâu thuẫn không thể hàn gắn. Trong hồi ký của mình, cả Ludwig và Renata Scotto đều cho biết rằng Vickers đều đã từng làm tổn thương họ trên sân khấu trước khi ca ngợi giọng hát tuyệt vời của ông. Còn Nilsson thì nhận xét: “Vickers hầu như luôn không vui vẻ. Các dây thần kinh của ông ấy để bên ngoài da chứ không phải bên trong”. John Tooley, giám đốc âm nhạc của Covent Garden cho biết: “Jon không bao giờ chậm trễ trong việc nói cho các nhạc trưởng, nhà quản lý và sản xuất biết những gì anh ấy nghĩ. Sau khi mọi thứ bột phát, cảm xúc tốt thường chiếm ưu thế, thoả thuận được cam kết và sản phẩm được hưởng lợi”. Cũng giống như rất nhiều ca sĩ khác, tài năng của Vickers chỉ được thưởng thức một cách trọn vẹn khi nghe ông hát trên sân khấu, khi mà sự lồng lộng, dữ dội trong giọng hát của ông mới được cảm nhận rõ ràng nhất. Vickers cho biết: “Tôi hát bởi vì tôi phải làm thế. Đó là một điều tuyệt đối cần thiết, đáp ứng một số nhu cầu về tình cảm và thậm chí có thể là thể chất ở trong tôi”. Trong những năm sau này, Vickers ít xuất hiện trong những tác phẩm tôn giáo hơn nhưng tham gia trong cả bản Giao hưởng số 9 của Beethoven hay Das Lied von der Erde của Gustav Mahler.

6. Cuộc sống sau khi giã từ sự nghiệp

Giọng hát của Vickers có chiều hướng xấu đi vào những năm 1980. Ông giã từ sự nghiệp vào năm 1988. Sau khi nghỉ hưu, Vickers quay trở về cuộc sống điền viên quen thuộc trước đây của mình. Khi còn biểu diễn ông định cư tại London nhưng sau đó đã trở về sống tại một trang trại cách Toronto khoảng một giờ lái xe về phía bắc mà ông đã mua từ năm 1969. Ở đó, Vickers trồng cây, nuôi động vật, quây quần bên gia đình và tìm thấy sự bình yên trong tâm hồn. Vickers hầu như chia tay hẳn với âm nhạc và chỉ thỉnh thoảng giảng dạy tại các lớp master class. Ông lên án gay gắt phương thức dạy thanh nhạc sau này là “không dạy dỗ về sự cần thiết của màu sắc” và cho biết: “Nền tảng mà tôi đứng trên tư cách một nghệ sĩ là tất cả nghệ thuật phải thu hút trí tuệ. Sau đó, chúng ta đang đóng góp cho nền văn minh, cho sự thăng hoa của con người. Nhưng nếu chúng ta chọn cách tự mê đắm mình và chạy theo đồng tiền và danh tiếng với cái giá phải trả là sự toàn vẹn của nghệ thuật, nếu chúng ta bôi nhọ ranh giới giữa giải trí và nghệ thuật, thì chúng ta sẽ gặp rắc rối”. Sau nhiều năm chống chọi với căn bệnh Alzheimer, Vickers qua đời ngày 10/7/2015 tại Ontario ở tuổi 88.

Trong suốt sự nghiệp hơn 30 năm của mình, Vickers đã có những màn trình diễn đáng nhớ về những vai diễn anh hùng, lớn lao trong opera của Wagner cũng như Otello, Florestan hay Samson (Samson et Dalila, Camille Saint-Saëns). Ở địa hạt của mình, ông gần như là không có đối thủ. Giọng hát với sức mạnh khủng khiếp và cá tính độc đáo của Vickers đã tạo nên hình ảnh của một trong những giọng tenor xuất sắc nhất thế kỷ 20 với những vai diễn mà hiếm một tenor nào khác có thể so sánh được.

Giọng hát phi thường của Jon Vickers trong bài "La fleur que tu m'avais jetée" 

 

Ngọc Tú (pianohouse.vn) tổng hợp

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: