VIVALDI, ANTONIO

Biệt danh “Thầy tu đỏ” của Vivaldi

“Thầy tu đỏ chơi violin”, Vivaldi đã được nhắc đến như thế ở Venice vào thế kỷ 18. Người ta biết rất ít thông tin về Vivaldi và những thông tin đó thường mâu thuẫn nhau. Ông sinh năm 1678 và được rửa tội hai tháng sau đó vì bị mắc một căn bệnh nghiêm trọng, có lẽ là “một chứng đau ngực” như ông thường hay than thở sau này. Cha ông, Giovan Battista, theo một tài liệu, là một sonador of the violin ở một thị trấn Basilica của St. Mark. Mẹ ông, bà Camillia Calicchio, là con của một thợ may. Người ta biết rất ít về việc học nhạc của Vivaldi. Cha ông có lẽ là thầy giáo đầu tiên của ông nhưng việc ông đã từng được dạy dỗ bởi Givanni Leorrenzi thì không chắc chắn lắm. Gia đình Vivaldi không phải là một gia đình giàu có và Antonio ngay lập tức được hướng nghiệp để trở thành cha cố. Ông được phong tước vào ngày 24/3/1703 nhưng chỉ 6 tháng sau, ông được miễn khỏi lễ ban thánh thể, dẫu vậy, ông vẫn tiếp tục mặc trang phục của thầy tu. Việc này là nguồn gốc của những  phỏng đoán bất tận và chuyện ngồi lê đôi mách trong giới suy đồi đạo đức ở Venice thế kỷ 18, và bắt đầu một loạt huyền thoại về “Thầy tu đỏ” (gọi như vậy là vì ông có mái tóc màu đỏ). Tuy nhiên, Vivaldi lại đưa ra một lời giải thích khác trong bức thư gửi cho Marchese Bentivoglio năm 1737: “Tôi đã không nói trong lễ ban thánh thể 25 năm rồi và sẽ không bao giờ làm điều đó nữa, không phải vì tôi bị cấm làm điều đó mà chỉ vì sự lựa chọn của riêng tôi, kể cả vì căn bệnh mà tôi đã mắc phải từ hồi nhỏ”.

Phát triển trong sự nghiệp

Được giải phóng khỏi những luật lệ hà khắc của nhà thờ Cơ đốc giáo, Vivaldi đã có thể theo đuổi sự nghiệp âm nhạc của mình một cách đầy đủ hơn. Sự nghiệp của ông thăng tiến rất nhanh chóng, có lẽ bởi một sự thực rằng ông là một thầy tu. Đến tháng 9 năm 1703, ông đã là một bậc thầy về violin và hợp xướng ở chủng viện âm nhạc của Hospice của Pietà ở Venice, một trong những trại mồ côi nổi tiếng nhất của thành phố. Trên thực tế, mọi trại mồ côi Venice đều có đặc quyền dạy nhạc cho các cô bé mồ côi được họ chăm sóc. Putte nổi tiếng, hay “Những trẻ mồ côi yêu nhạc” như họ thường gọi, thường trình diễn các buổi hòa nhạc công cộng ở Venice vào các ngày chủ nhật và các ngày lễ. Một tài liệu năm 1749 có đề cập: “họ ca hát như những thiên thần và chơi violin, organ cùng tất cả các nhạc cụ khác”. Vivaldi rất hạnh phúc và tham gia vào cả hai vai trò thầy giáo và người biểu diễn”. Hơn nữa, ông còn soạn nhạc và dường như hầu hết âm nhạc được biểu diễn ở Pietà hồi đó đều do chính Vivaldi soạn ra.

Vivaldi là một người không thể đoán trước được, và âm nhạc của ông cũng vậy, nó không có tính hệ thống và rất khó để thống kê, sắp xếp tác phẩm của ông. Bản giới thiệu chính đầu tiên là bản in vào năm 1705 ở Venice gồm 12 sonata thính phòng Op.1 của ông, tiếp đó vào năm 1709 cũng ở Venice là những sonata cho violin và bass, Op.2. Hai tuyển tập này sau đó được in lại ở Amsterdam (Op.1 năm 1709 và Op.2 năm 1712) nhưng chúng ta không biết chính xác chúng được viết năm nào. Điểm quan trọng là tên của ông được in trên các tác phẩm đó và đó là tác phẩm của ông, đặc biệt các tác phẩm khác được in ở Hà Lan, và bắt đầu được  phát hành khắp châu Âu.

Một tuyển tập khác, những bản concerto được biết đến là Estro Armonico (musical fancy) Op.3, được in ở Amsterdam bởi Estien Roger, một người nổi tiếng trong lĩnh vực xuất bản thời đó. Một lần nữa, các cuộc tranh luận về thời điểm chính xác chúng được sáng tác lại nổ ra, và người ta thậm chí cũng không biết được thời điểm chúng được gửi in vì nhà xuất bản chỉ đánh dấu các trang bằng số. Tuy vậy, người ta cũng biết rằng sự sáng tạo và tinh khiết trong tác phẩm của ông đã làm rung chuyển toàn châu Âu. Johann Sebastian Bach đã tìm thấy sự lôi cuốn mạnh mẽ từ âm nhạc của Vivaldi, ở Weimar xa xưa, ông đã chuyển thể cho đàn phím (một cách sáng tạo chứ không chỉ sao chép bình thường) một số lượng các concerto khí nhạc của Vivaldi.

Mối quan hệ của Vivaldi với Pietà ở Venice không được tốt cho lắm khi ông trì hoãn các buổi giảng dạy của mình không phải chỉ một lần (vì những lý do không thể biết được). Tuy nhiên, ông lại quay trở về với công việc đó năm 1711 khi đang chuẩn bị xuất bản Estro Armonico. Thời kỳ sau năm 1712 là thời kỳ sôi nổi dưới cương vị nhà soạn nhạc, và cùng với đó là sự mệt mỏi vì những chuyến đi triền miên ở Italia và nước ngoài. Chúng ta thấy ông ở Padua, Mantua, Florence và Rome, thậm chí ở Amsterdam và Vienna. Thật khó có thể hiểu được vì sao Vivaldi, một người có sức khỏe không ổn định như ông vẫn than thở, lại có thể chịu đựng được những ngày sống xa nhà như vậy. Tuy vậy, ông vẫn chịu đựng nó và khăng khăng đòi phải tự mình giám sát các buổi trình diễn của rất nhiều vở opera mà ông đã viết suốt thời kỳ này (trong catoloque của ông có đến 45 vở opera – gần hai vở một năm).

Buổi trình diễn đầu tiên của ông ở Vicenza vào năm 1713 với Ottone in villa, tiếp theo là Orlando finto pazzo ở Venice tại Sant’Angelo năm 1714, nơi đã sớm trở thành nhà hát yêu thích của ông. Nhà quý tộc và nghệ sỹ nghiệp dư Johann Von Uffenbach (Đức), người thường xuyên tới nhà hát đó đã để lại cho chúng ta một quyển nhật ký, trong đó ông đã ghi lại những ấn tượng của mình đối với các tác phẩm của Vivaldi: “Người tổ chức là Vivaldi nổi tiếng, cũng chính là người đã viết nên vở opera, một vở tuyệt vời và quyến rũ rất đáng để nghe. Dù sự bố trí của nhà hát này không được như các nơi khác và dàn nhạc cũng nhỏ hơn, nhưng trên tất cả, nó thật đáng để nghe”.

Sáng tác của Vivaldi

Vào năm 1716, Vivaldi cho dàn dựng 3 vở opera mới và một oratorio, Juditha Triumphans, tác phẩm duy nhất trong 3 oratorio của ông vẫn còn tồn tại. Tuy nhiên, ông vẫn là nhà soạn nhạc viết phần lớn cho khí nhạc, nhiều trong số chúng đã được xuất bản thời kỳ này, kể cả La Stravaganza Op.5 (một tập hợp các concerto cho violin và đàn dây), violin sonata Op.5, concerto cho violin và đàn dây Op.6, concerto cho violin, oboe và dàn dây Op.7.

Johann Georg Pisendel, một nghệ sỹ violin trẻ tuổi người Đức phụng sự vua xứ Saxony, đã ở Venice năm 1716 và trở thành học trò của Vivaldi, bị hấp dẫn bởi uy tín của ông với tư cách một nhà soạn nhạc trong giới nhạc thành phố. Chính Pisendel đã để lại nhiều thông tin có giá trị về Vivaldi về những ứng tác nổi tiếng và tất nhiên là về trình độ kỹ thuật phi thường với tư cách nghệ sỹ violin. Trong lúc ấy, Vivaldi vẫn tiếp tục công việc của mình như một soạn giả opera và ông bầu trong rất nhiều sự kiện đặc biệt, công việc đã đưa Vivaldi tới rất nhiều nơi xa Venice. Để rút các chuyến đi của Vivaldi, Pietà đã bắt buộc ông phải có ít nhất hai buổi hòa nhạc trong một tháng với tất cả các buổi diễn tập cần thiết.

Vở opera Scanderberg của ông được trình diễn ở Florence năm 1718, và ở Mantua, Vivaldi đã dàn dựng các vở opera tại nhà hát Archducal cho hoàng thân Philip của Herse Darmstadt.F – phó quan nhiếp chính ở đó. Cũng có thể ông đã gặp ca sỹ Anna Giri ở đây. Giri là người mà ông đã sớm bị hấp dẫn một cách đầy xúc cảm và nghệ sỹ tính, tạo ra một mối quan hệ đem lại không ít rắc rối cho ông. Tốc độ sáng tác của ông dường như chùng hẳn xuống khi có một bài báo bôi nhọ ông: “Một nhà hát hợp thời hay một con đường chắc chắn và dễ dãi để sáng tác, trình diễn các tác phẩm của người Italia” được phát hành ở Venice năm 1720. Dẫu đó là một bài báo nặc danh nhưng thực chất tác giả của nó đã sớm được biết đến là Benedetto Marcello, đã chĩa thẳng những lời châm biếm vào “thầy tu đỏ”. Toàn bộ thành Venice đều biết đến vụ này và tin tức của nó thậm chí lan rộng đến Viena. Rất có thể đây là lý do tại sao Vivaldi  rút khỏi đời sống Venice mãi cho đến năm 1726. Ông đã dành nhiều năm hơn cho việc sáng tác và đi du lịch. Đây có lẽ là thời kỳ hạnh phúc và thanh thản nhất của ông trong suốt cuộc đời sáng tác không ngừng nghỉ của mình.

Sức sống và năng lực thể hiện hiện trong khí nhạc của ông được chứng minh một cách đầy đủ bằng việc ông quyết định vào năm 1725 có một tuyển tập các concerto mới, được Le Cène ở Amsterdam in. Tập tác phẩm Op.8 mới này được lấy tên là Cimento dell’ armonica edell invenzione (Thử nghiệm hòa âm và sáng tác), trong đó các yếu tố có tình miêu tả đặc trưng trong âm nhạc của ông đã đạt tới tầm cao mới của sự rực rỡ, đặc biệt là trong 4 concerto được gọi là Le quattro stagionni (Bốn mùa) được đề tặng tới bá tước người Bohemia Veenceslao Monzin. Lời đề tặng có đoạn: “Bởi vì những concerto này có thể nói về bất cứ cái gì, tôi nghĩ thật đúng đắn khi xuất bản chúng cùng với những bài thơ sonnet kèm theo và lời giảng nghĩa cho mọi tác phẩm được viết ra. Tôi cảm thấy chúng sẽ được xem là hoàn toàn mới mẻ”. Như vậy, chính Vivaldi cũng giải thích chính xác những gì mà âm nhạc của ông nói tới: có lẽ là để chứng minh cho sự tỏa sáng không thường xuyên của mình. Những concerto này đã được đón nhận tại Pháp, nơi mà khái niệm về sự mô phỏng thiên nhiên được củng cố và chấp nhận. Sự nổi tiếng của Vivaldi ở Pháp càng được củng cố hơn khi ông viết 3 serenade cho gia đình hoàng gia Pháp trong thời kỳ này. Một trong số đó. La senna festeggiante (Sông Seine hoan hỉ), một tác phẩm lộng lẫy mang đậm phong cách Pháp thời đó, được viết vào năm 1720 cho vua Louis XV.

Các các phẩm khác được xuất bản ở Amsterdam giữa năm 1727 và 1729 là tuyển tập các concerto violin La Cetra (Cây đàn Lyre của thi sỹ) Op.9. Trong tác phẩm này, ông quay về với hình thức viết cho nhạc cụ solo trước kia, một tuyển tập khác là flute concerto Op.10 và hai violin concerto Op.11 và Op.12. Danh tiếng của ông lan đi rất nhanh. Bốn mùa được trình diễn ở Paris vào ngày 7-2-1728 và ông đã gặp hoàng đế Karl VI của Hapsburg ở Trierte cuối năm đó, và đã tặng La Cetra cho ông ta. Tiếng tăm của ông lên đến tột đỉnh vào năm 1738 khi ông được mời đến Amsterdam vào lễ kỷ niệm 100 năm nhà hát lớn ở đó. Vivaldi giờ đây đã vào tuổi thất thập cổ lai hy, đã vinh dự được chỉ huy concerto grosso cho 10 nhạc cụ (violin, oboe, hunting horns, đàn dây và timpani). Ông thật sự biết ơn Hà Lan, và nhờ đất nước này mà âm nhạc của ông đã được biết đến ở châu Âu, và ông được đánh giá đúng tài năng ở đây.

Trở lại Venice, ông dàn dựng vở opera của mình L’oracolo in Messsenia cho mùa lễ hội năm đó, và sau một thử nghiệm thất bại khi dựng một mùa opera ở Ferrara, ông trở lại với việc giảng dạy và chơi nhạc ở Pietà, nơi ông đã dàn dựng một bài đồng dao, Il mopso với sự hiện diện của Ferdinand của xứ Bavaria. Một buổi hòa nhạc Pietà khác vào năm 1740 mang đến cho ông rất nhiều tặng phẩm và vinh dự. Chương trình đó có 3 concerto và một symphony, là lời chào tạm biệt của Vivaldi với Venice. Vào ngày 27-4 năm đó ông từ chức và bỏ đến một nơi không ai biết. Tên tuổi của ông dần dần bị lãng quên còn âm nhạc của ông thì chẳng còn gây hứng thú cho khán giả như trước nữa.

Danh tiếng bị lãng quên

Danh tiếng mà Vivaldi đạt được và duy trì trong giai đoạn tốt đẹp nhất của cuộc đời mình đã bất ngờ mất đi trong những năm cuối cùng một cách nhanh chóng và bí ẩn như khi nó xuất hiện. Thậm chí những thành tích của cả cuộc đời ông cũng bị lu mờ và biến mất một cách bí ẩn. Những tài liệu còn lại chỉ nói rằng ông đã chết trong nghèo túng và cô đơn ở Vienna hè năm 1741 và được chôn cất ở nghĩa địa của một nhà tế bần. Sau này, khi nghĩa địa đó bị đào xới lên thì hài cốt không nhận dạng được của “Thầy tu đỏ” đã bị quăng vào một ngôi mộ tập thể.

Mặc dù nhiều người cùng thời đã ngưỡng mộ âm nhạc của ông, Vivaldi cũng có không ít người chỉ trích. Carlo Goldoni hiếm có thể khoan dung ông, Tartini không thích các tác phẩm thanh nhạc chút nào, Benedetto Marcello chế nhạo phong cách nghệ thuật của ông. Gần hơn nữa, Stravinsky cũng cho rằng “Vivaldi… một kẻ chỉ viết cùng một concerto 600 lần”.

Vivaldi biến mất khỏi lịch sử âm nhạc và sự chỉ trích gần như ngay lập tức sau cái chết của mình. Cho tới khi một cuộc tìm kiếm các tài liệu có liên quan đến Bach năm 1800 đã phát hiện ra một bọc lớn các bản viết tay từ năm 1739, xác nhận tên của Vivaldi được J.S. Bach viết lại. Điều này rõ ràng chứng minh rằng nhà soạn nhạc vĩ đại người Đức này rất ngưỡng mộ Vivaldi.

Cuộc tìm kiếm lại các tác phẩm của Vivaldi được tiếp tục trong thế kỷ 20. Một kho đồ sộ các bản viết tay được tìm kiếm ở Turin vào cuối những năm 1920, nó đã cung cấp những cơ sở để các nhà nghiên cứu đánh giá tổng thể chất lượng âm nhạc của ông. Rất nhiều tác phẩm ông viết cho các nhà hát ở Italy thời đó chứng tỏ ông là nhà soạn opera vĩ đại đã được công nhận thời đó. Alessardro Marcello đã viết: “Signor Antonio Vivaldi, người thầy dạy violin nổi tiếng sẽ đến Rome trong ngày hội opera”. Một tư liệu từ nhà hát  Sant’ Angelo có dẫn: “Signor Vivaldi đáng kính sẽ dựng opera ở nhà hát này…” và trong một lá thư viết ngày 2-1-1739 do chính Vivaldi viết, cũng thấy: “… dầu sao đi nữa, sau 94 vở opera mà tôi đã viết…”

Người nghệ sỹ violin chắc chắn đã viết opera, nhưng ông là một nhà sáng tác khí nhạc rất lành nghề. ở cả phương diện người trình diễn và nhà soạn nhạc, ông đại diện cho violon thế kỷ 18 ở Italy. Những masterpiece cho một nhạc cụ của ông thì vô kể và chất lượng ngoại hạng. Nhiều concerto của ông dành cho violin như một nhạc cụ độc tấu nhưng ông cũng viết cho nhiều nhạc cụ độc tấu hoặc một nhóm nhạc cụ. Điều này phản ánh kinh nghiệm lâu năm và phong phú của ông khi là một giáo viên tại Pietà ở Paris. Âm nhạc của ông mang đầy tính phóng khoáng và màu sắc. Các concerto của ông có trình độ từ kỹ thuật bậc thầy trong những tác phẩm solo đến những đối thoại và phong cách ca xướng thân tình hơn trong những bản concerto “dành cho nhiều nhạc cụ”. Chính trình độ của các tác phẩm này đã khiến “Thầy tu đỏ” thành một nhân vật quan trọng đến thế trong lịch sử âm nhạc.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: