Khi Clara Haskil ngồi xuống bên cây đàn piano, âm nhạc như thể hiện ra từ hư không. Bàn tay của bà dường như lướt trên bàn phím mà không cần chuẩn bị trước, giống như một viên đá phẳng lướt trên mặt nước. Một phong cách biểu diễn rất điển hình: dường như không có gì bắt đầu hay kết thúc và mọi thứ trở nên vô tận. Sự ngưỡng mộ và danh tiếng quốc tế đến khá muộn với Haskil vì thể trạng sức khoẻ yếu đuối và những nghịch cảnh mà các cuộc Chiến tranh thế giới mang lại nhưng rất nhiều nghệ sĩ piano tài năng đã dành cho Haskil những lời lẽ trân trọng nhất. Dinu Lipatti mô tả cách chơi của bà là “tổng thể của sự hoàn hảo trên trái đất”, Wilhelm Backhaus gọi đó là “người đẹp nhất thế giới” còn Rudolf Serkin gọi bà là “Clara hoàn hảo”. “Đừng mong đợi câu chuyện của một sự tồn tại không may mắn, đó là câu chuyện của một sự nghiệp rắc rối”, đây là cách mà Haskil nói về cuộc đời của bà, của một nghệ sĩ piano lỗi lạc nhưng cũng đầy rẫy những bất hạnh.

Tuổi thơ Clara Haskil

Clara Haskil sinh ngày 7/1/1895 trong một gia đình Do Thái ở ở Bucharest. Cha của cô, ông Isaac qua đời khi Clara mới lên 4 tuổi và mẹ, bà Berthe đã phải rất vất vả để nuôi sống 3 cô con gái của mình. Bà Berthe vốn là một nghệ sĩ piano uyên bác, sử dụng được nhiều ngoại ngữ đã phải dạy piano, tiếng Pháp, Đức, Ý và Hi Lạp và mở một cửa hàng may nhỏ để trang trải cuộc sống. Những người em ruột của Berthe cũng giúp đỡ chị gái của mình rất nhiều. Bất chấp những khó khăn, cả 3 cô gái của bà đều được theo học âm nhạc. Chị cả Lili học piano còn cô em út Jane học violin. Clara đã thể hiện năng khiếu tuyệt vời của mình ngay khi lên 3 tuổi. Cô bé có thể ngay lập tức chơi lại trên đàn piano bằng một ngón tay những giai điệu mà mình vừa nghe Lili chơi. Chính bà Berthe là giáo viên đầu tiên của Clara. Tên của cô cũng được bà đặt để tưởng nhớ người chị gái của mình đã qua đời, vốn là một sinh viên piano đầy triển vọng của nhạc viện Bucharest. 5 tuổi, Clara được cho theo học chính quy tại nhạc viện. Khi lên 7 tuổi, Clara được gia đình quyết định cho theo học tại Vienna vì nhận được một suất học bổng tại đây. Đi cùng cô bé là người cậu Avram, vốn là một bác sĩ, người rất thương yêu cô cháu gái của mình. Tại Vienna, Clara theo học với Anton Door, một thầy giáo piano nổi tiếng. Kinh ngạc trước tài năng của cô bé, Door đã đề nghị Neue Freie Presse đăng một bài viết của mình: “Giáo sư Anton Door thu hút sự chú ý của chúng tôi đến một cô bé có tài năng âm nhạc khá đặc biệt. Ông đã viết cho chúng tôi: Những ngày này, một bác sĩ từ Romania đến nhà tôi, nắm tay một bé gái bảy tuổi, con gái của một góa phụ. Cô bé này là một thần đồng: cô bé chưa bao giờ nhận được bất kỳ sự giáo dục âm nhạc thực sự nào – nhưng điều này là không cần thiết bởi vì mọi thứ được chơi trong khả năng của đôi tay nhỏ bé, cô ấy lần lượt chơi từ trí nhớ, không có lỗi và hơn thế nữa ở bất kỳ giọng điệu nào. Tôi đã chơi cho cô bé một bản sonata dễ nghe của Beethoven: cô bé đã giải mã nó một cách hoàn hảo và không gặp trở ngại nào. Ở đây chúng ta phải đối mặt với một bí ẩn: sự trưởng thành này của bộ não một đứa trẻ thực sự là kỳ lạ”. Sau đó, Clara còn theo học với Richard Robert, người cũng là thầy giáo của Serkin và George Szell. Ông là thầy giáo rất xuất sắc và thương yêu cô học trò của mình. Tại nhà của mình, Robert dành một căn phòng nhỏ để cô bé chơi đùa mỗi khi cảm thấy buồn chán. Ngày 16/11/1902, Clara có buổi biểu diễn đầu tiên của mình.

Quá trình đào tạo

Năm 1905, cậu Avram đưa Clara tới Paris. Tại nhạc viện Paris, Clara theo học cả hai chuyên ngành violin và piano. Clara rất yêu thích violin sau khi được thưởng thức tài nghệ của Joseph Joachim. Năm 1907, cô được nhận vào lớp của Alfred Cortot nhưng ông tỏ ra không thích Clara: “Cô chơi như một người lao công” và việc dạy cô được chuyển cho Lazare Lévy. Clara cũng theo học với Joseph Morpain, người mà cô rất kính trọng và duy trì một mối quan hệ lâu dài. Tháng 6/1909, Clara đã giành giải nhất trong một cuộc thi violin với Jacques Thibaud làm trưởng ban giám khảo, nhưng trong cuộc thi piano cô chỉ giành được giải nhì. Giám đốc của nhạc viện Paris lúc đó, Gabriel Fauré đã chúc mừng Clara sau khi cô chơi một tác phẩm của ông, Chủ đề và những biến tấu: “Tôi không biết có nhiều âm nhạc trong đó đến vậy, tác phẩm mà tôi đã sáng tác”. Avram bị ốm và phải trở về Bucharest, bà Berthe đã đến Paris để sống với cô nhưng không thể mang theo Lili và Jane. Clara bắt đầu thực hiện các buổi biểu diễn của mình. Trong chuyến đi tại miền bắc nước Ý và Thuỵ Sĩ, Clara chơi Chancone của Johann Sebastian Bach được Ferruccio Busoni chuyển soạn cho piano dưới sự chứng kiến của chính Busoni tại Zürich. Ông ngỏ ý muốn cô theo học với mình tại Berlin nhưng bà Berthe đã từ chối với lý do cô còn nhỏ, một điều mà Clara luôn hối hận trong suốt cuộc đời mình.

Bị lâm bệnh

Năm 1914, Haskil bị mắc chứng bệnh vẹo cột sống nghiêm trọng và gia đình đã đưa cô đến Berck, miền Bắc nước Pháp để điều trị. Thời gian dự kiến chữa bệnh chỉ vài tháng nhưng rồi đã lên tới 5 năm và trùng khớp với cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cô sống khép kín và thu mình, ít phát triển các kỹ năng xã hội, mặc một chiếc áo ngực bằng thạch cao. Trong giai đoạn này Haskil cũng hiếm có cơ hội được chơi piano. Đây là giai đoạn khó khăn trong cuộc đời của cô. Mẹ cô qua đời về ung thư năm 1917, người cậu Avram bị bắt đưa vào trại tị nạn vì có quốc tịch Áo. Haskil cảm thấy mình cô đơn hơn bao giờ hết. Đôi lúc cô mắc chứng bệnh sợ sân khấu và Haskil hiếm khi cảm thấy thoả mãn với những màn trình diễn của mình.

Năm 1918, sau khi cuộc chiến tranh và việc chữa bệnh kết thúc, Haskil trở về Paris. Mặc dù đã đạt được độ chín trong nghệ thuật nhưng phong cách biểu diễn giản dị và tự nhiên của cô không được yêu thích trong thời điểm đó, khi mà khán giả đặc biệt đánh giá cao kiểu chơi đàn với kỹ thuật điêu luyện. Hiếm khi Haskil có được những chương trình hoà nhạc. Năm 1924, một số mạnh thường quân đã hỗ trợ để Haskil có được một chuyến lưu diễn tại Mỹ. Tại đây, sau khi chơi cùng cô trong piano concerto của Robert Schumann, Leopold Stokowski đã thốt lên: “Tôi tin rằng tài năng của cô ấy vượt xa hầu hết các nghệ sĩ trẻ và chắc chắn cô ấy đã có một sự nghiệp trước đây, đặc biệt là khi cô ấy cống hiến cho âm nhạc một sự nồng nhiệt gần như là sự cuồng tín”. Năm 1925, Haskil có được chuyến lưu diễn thứ hai tại Mỹ của mình. Ngày 7/5/1926, tại Lausanne, Haskil lần đầu tiên biểu diễn với Pablo Casals, mở ra một tình bạn thân thiết giữa hai người. Sau này, họ còn thực hiện nhiều chương trình hoà nhạc cùng nhau. Tuy nhiên, về tổng thể, số lần xuất hiện trước công chúng của Haskil là khá hiếm hoi, một số là trong các chương trình từ thiện, một số khác thì khoản tiền thu lại chỉ đủ cho cô mua chiếc váy mà cô sẽ mặc tại sự kiện đó. Những lần biểu diễn tuyệt vời với Casals hay Eugène Ysaÿe hoặc George Enescu chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Jeanne, em gái của cô chơi violin trong Orchester National de la Radiodiffusion Française (nay là Orchester national de France), một dàn nhạc vừa mới thành lập và Haskil hay biểu diễn cùng với dàn nhạc này. Tại Paris, Haskil thu hút được sự quan tâm của công nương de Polignac, một trong những nhà bảo trợ tư nhân lớn nhất lúc bấy giờ. De Polignac không hỗ trợ Haskil về tiền bạc mà mời cô đến biểu diễn tại tư dinh của mình tại Paris. Tại đây cô đã gặp gỡ với những nhân vật đình đám khác như Francis Poulenc, Igor Stravinsky, Arthur Rubinstein và Vladimir Horowitz. Tuy nhiên, sự yếu đuối về thể trạng và nhút nhát về tính cách không giúp đỡ Haskil nhiều trong những lần tụ họp như vậy ngoại trừ việc quen biết nghệ sĩ piano trẻ cũng đến từ Romania Dinu Lipatti. Họ gặp nhau lần đầu vào một buổi tối năm 1936 và bắt đầu cho một tình bạn bền chặt mà chỉ có sự qua đời của Lipatti vào năm 1950 mới có thể khiến nó gián đoạn. Ngày 10/5/1939, hai người lần đầu tiên biểu diễn Symphonie concertante dành cho 2 piano và dàn dây được Lipatti sáng tác tại Paris.

Sự nghiệp biểu diễn

Khi cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai nổ ra, Haskil đang ở Paris. Bà không an toàn ở đó vì là người Do Thái. Tháng 3/1941, với sự giúp đỡ của bạn bè, bà đã chuyển đến Marseille, “khu vực tự do”. Mùa xuân năm 1942, Haskil phàn nàn về những cơn đau đầu dữ dội và thị giác bị tổn hại. Các bác sĩ phát hiện một khối u chèn ép vào dây thần kinh quang học. Bạn bè đã quyên góp được số tiền 30.000 franc và mời được một bác sĩ giỏi đến từ Paris để thực hiện cuộc phẫu thuật. Cuộc phẫu thuật này kéo dài trong 4 giờ và Haskil được gây mê cục bộ. Trong suốt thời gian diễn ra ca mổ, bà tưởng tượng và dùng những ngón tay biểu diễn bản piano concerto số 9 “Jeunehomme” của Wolfgang Amadeus Mozart để đảm bảo rằng cả trí óc và các ngón tay đều không bị tổn hại. Để kỷ niệm “sự trở lại cuộc sống”, Haskil đã biểu diễn bản piano concerto số 20 của Mozart tại điền trang của nữ bá tước Pastré. Bà đến Geneva vào ngày 7/11/1942, chỉ 4 ngày sau quân Đức chiếm đóng Marseille. Haskil định cư tại Thuỵ Sĩ cho đến cuối đời.

Cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Haskil bắt đầu trở lại biểu diễn tại châu Âu. Tháng 12/1946, bà biểu diễn một chương trình độc tấu tại Wigmore Hall trong các tác phẩm của Domenico Scarlatti, Ludwig van Beethoven, Joseph Haydn và Bach. Haskil cũng thực hiện 6 chương trình để BBC phát trên đài phát thanh. Năm 1949, một loạt các chương trình biểu diễn và phát thanh của bà đã được thực hiện tại Hà Lan, góp phần khiến bà trở nên nổi tiếng. Bà nhập quốc tịch Thuỵ Sĩ trong cùng năm. Mặc dù nhận được nhiều lời tán dương nhưng sự nghiệp của Haskil chỉ thực sự cất cánh trong thập niên 50. Năm 1950, Haskil được Casals mời tham gia liên hoan Prades. Tại đây bà gặp gỡ Arthur Grumiaux, sau này sẽ trở thành người bạn thân và bạn diễn ăn ý nhất với bà trong các tác phẩm thính phòng. Grumiaux cũng có thể chơi piano rất tốt và trong một số buổi hoà nhạc, họ đã đổi nhạc cụ cho nhau, tạo nên một màn biểu diễn ngoạn mục mà hiếm khi có thể thưởng thức được ở đâu khác. Haskil cũng được mời ký hợp đồng thu âm với hãng Philips. Ngày 10/7/1951, bà chuyển đến sống ở Vevey, phía bắc hồ Geneva, gần Lussane. Lần đầu tiên trong cuộc đời Haskil có nhà và piano Steinway của riêng mình. Cuộc sống của bà đã ổn định, Haskil có thể hoàn toàn tự trang trải mà không cần dựa vào các nhà hảo tâm. Bà liên tục được mời cộng tác với những dàn nhạc xuất sắc và các nhạc trưởng danh tiếng tại châu Âu.

Điểm ấn tượng đầu tiên mà Haskil gây kinh ngạc cho đồng nghiệp là đôi bàn tay với các ngón tay dài bất thường của mình. Bà có thể dễ dàng chơi những quãng 13 mà không sử dụng ngón tay cái. Ngón tay cái của bà cũng dài bất thường, thường bị đồng nghiệp trêu chọc là “ngón tay cái nhanh nhất của phương Tây”. Lipatti trong một lần chứng kiến Haskil chơi chương chậm piano sonata số 14, D. 784 của Franz Schubert, yêu cầu một hợp âm quãng 13 được chơi rải. Haskil không xử lý như vậy mà chơi cùng lúc toàn bộ hợp âm khiến Lipatti choáng ngợp: “Clara, bàn tay của chị lớn hơn bất cứ một người đàn ông nào”. Haskil xấu hổ và từ đó bà chỉ chơi chúng bằng cách rải hợp âm. Điểm ấn tượng thứ hai của Haskil gây kinh ngạc mọi người là trí nhớ tuyệt vời của bà. Bà có thể chơi lại dễ dàng bất kỳ thứ gì được nghe trước đó, ở tất cả các giọng. Bà học các tác phẩm mới rất nhanh, đã có giai thoại, Haskil từng biểu diễn piano concerto số 2 đồ sộ của Johannes Brahms mà chỉ có 2 ngày để ghi nhớ tác phẩm. Tuy nhiên tất cả những điểm trên chưa đủ để thể hiện tài năng của Haskil. Điểm khiến bà trở nên tuyệt vời là sự thuần khiết trong giai điệu, trong trẻo và dịu dàng của từng nốt nhạc. Có một sự tương phản rõ ràng giữa vẻ ngoài của Haskil và khi bà biểu diễn. Từ từ chậm rãi tiến tới bên cây đàn, bà là một người phụ nữ yếu ớt với tấm lưng còng vì căn bệnh vẹo cột sống ngày càng trầm trọng, mái tóc bạc trắng nhưng khi những ngón tay tiếp xúc với phím đàn, khán giả như bị hớp hồn, lạc vào một không gian thần tiên mà ở đó nghệ thuật của bà chi phối tất cả. Là bậc thầy của thời kỷ Cổ điển và Lãng mạn thời kỳ đầu, đương thời các buổi biểu diễn Mozart của bà được đặc biệt yêu thích, coi là “biểu diễn Mozart như các vị thần”, một diễn giải viên vĩ đại như báo chí London mô tả. Cùng với đó là các tác phẩm của Beethoven, Schubert, Schumann và Frédéric Chopin. Mặc dù mắc chứng bệnh sợ sân khấu nhưng bà còn sợ phòng thu hơn. Kể từ năm 1951, Haskil thu âm khá nhiều cho Philips nhưng chúng không thể nào thể hiện được sự phép nhiệm màu của bà. Các buổi biểu diễn của Haskil trong phòng hoà nhạc thường là những điều kỳ diệu và những điều kỳ diệu chỉ đơn giản là không thể tái tạo được.

Năm 1956, Haskil cùng Herbert von Karajan và Philharmonia Orchestra biểu diễn tại liên hoan Salzburg nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh Mozart. Tatiana Nikolayeva cũng được mời biểu diễn tại đây. Nikolayeva đã dược dặn trước rằng hãy chú ý đến các buổi biểu diễn của Karajan, đó là một Arturo Toscanini mới. Trong phần đầu của chương trình, đó là một bản giao hưởng của Mozart và Nikolayeva chưa thực sự cảm thấy ấn tượng và bà không cho rằng Karajan giỏi như Toscanini. Đến phần hai, Haskil bước ra sân khấu với piano concerto số 20 của Mozart. Nikolayeva kể lại: “Đột nhiên, một bà già, với mái tóc bạc phơ, lưng gù và gần như không bước đi, chậm chạp tiến ra sân khấu. Tôi tin rằng bà ấy sẽ không thể chơi piano trong tình trạng đó và tôi muốn rời khỏi khán phòng vì sợ hãi. Bà ngồi bên cây đàn piano và lặng yên, cúi đầu trước các phím đàn trong phần giới thiệu dàn nhạc do Karajan chỉ huy một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, ông ấy có vẻ không giỏi bằng Toscanini. Sau đó, đến khoảnh khắc của piano. Haskil chơi đoạn nhạc đầu tiên. Tôi ngay lập tức bật khóc. Biến đổi, dàn nhạc đệm cho bà. Và đột nhiên, Karajan trở thành Toscanini”. Tháng 11/1956, Haskil trở lại Mỹ sau gần 30 năm. Bà biểu diễn cùng Boston Symphony Orchestra và New York Philharmonic trong piano concerto số 20 của Mozart và piano concerto số 3 của Beethoven. Bà nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt và được báo chí tung hô: “Clara Haskil đã được gửi đến trái đất để chơi Mozart”. Bà như một ngôi sao chổi, thắp sáng bầu trời nước Mỹ và rồi không bao giờ quay trở lại.

“Người phụ nữ vĩ đại của âm nhạc” như báo chí thường nhắc về bà phải đối mặt với một nghề nghiệp và lịch trình khiến những người trẻ, khoẻ hơn cũng phải sợ hãi và kiệt sức. Trong khoảng thời gian từ tháng 11/1957 đến tháng 3/1958, bà đã hai lần cận kề cái chết và buộc phải từ bỏ cuộc sống âm nhạc trong một thời gian, trong đó có chuyến lưu diễn tại Mỹ. Nhưng rồi Haskil vẫn quay trở lại, và như bà nói “mượn thời gian”, bà vẫn biểu diễn, thu âm và khiến những nhà sản xuất và kỹ sư âm thanh phải ngả mũ thán phục: chúng có thể hoàn hảo ngay sau một lần chơi. Tháng 11/1960, Haskil cùng Igor Markevitch và Orchestre Lamoureux thực hiện bản thu âm piano concerto số 20 và 24 của Mozart cho Philips, một trong những đĩa nhạc được đánh giá là xuất sắc nhất của bà. Ngày 1/12, bà cùng Grumiaux biểu diễn một chương trình tại Théâtre des Champs-Elysées. Đó là lần xuất hiện cuối cùng của Haskil trên sân khấu. Sau đó, bà lên đường tới Brussels để biểu diễn với Grumiaux, đi cùng với chị gái Lili. Ngày 6/12/1960, tại nhà ga Brussels-South, bà trượt chân và ngã cầu thang, chấn thương rất nặng. Haskil cố gắng nói với những người xung quanh bà rất tiếc vì không thể chơi với Grumiaux vào ngày hôm sau. Haskil được đưa vào bệnh viện nhưng không qua khỏi. Rạng sáng ngày 7/12/1960, đúng một tháng trước sinh nhật lần thứ 66 bà đã qua đời. Một tai nạn bất ngờ và là điều bất công cho một tài năng vĩ đại. Haskil được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse, Paris.

Charlie Chaplin, người sống gần Vevey, đã có một tình bạn tuyệt vời và sự ngưỡng mộ lớn dành cho Clara Haskil. Ông thường mời bà đến nhà mình tại Manoir de Ban, chủ yếu vào dịp Giáng sinh và được lắng nghe tiếng đàn của bà. Chaplin miêu tả tài năng Haskil: “Trong cuộc đời của tôi, tôi đã gặp ba thiên tài: Giáo sư Einstein, Winston Churchill và Clara Haskil. Tôi không phải là một nhạc sĩ được đào tạo nhưng tôi chỉ có thể nói rằng cách biểu diễn của bà thật tinh tế , biểu cảm của bà tuyệt vời và kỹ thuật của bà thật phi thường”. Bà là một nghệ sĩ ma thuật, không thể bắt chước và không bao giờ bị lãng quên. Cuộc đời của Haskil tràn ngập những khó khăn và bệnh tật nhưng bà đã mang đến cho người yêu nhạc vô vàn những khoảnh khắc diệu kỳ. Bà là một biểu tượng cho sự kiên cường, không bao giờ từ bỏ, vượt qua nỗi đau của bản thân để cống hiến cho âm nhạc. Để tưởng nhớ tên tuổi của bà, cuộc thi piano quốc tế mang tên Clara Haskil được thành lập vào năm 1963 và tổ chức hai năm một lần tại Vevey, nơi bà sống những năm cuối đời.

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: