ANDERSON, MARIAN

Khi bạn ngừng mơ ước và lý tưởng thì bạn cũng có thể ngừng tất cả mọi thứ” – Marian Anderson

Ngày 7/1/1955, nhà hát Metropolitan Opera, New York công diễn vở opera Un ballo in maschera của Giuseppe Verdi dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng Dmitri Mitropoulos với dàn ca sĩ xuất sắc: Zinka Milanov, Richard Tucker, Leonard Warren, Roberta Peters. Bề ngoài đây cũng chỉ là một buổi biểu diễn bình thường như bao buổi biểu diễn khác. Tuy nhiên, đêm diễn này sẽ luôn được những người say mê opera nhớ mãi cũng như trở thành một cột mốc hết sức quan trọng không chỉ đối với Metropolitan Opera nói riêng mà còn với cả lịch sử biểu diễn opera tại các nhà hát nói chung. Với vai bà thầy bói Ulrica, giọng contralto huyền thoại Marian Anderson đã trở thành nữ ca sĩ da đen đầu tiên đóng vai chính xuất hiện tại một nhà hát opera nổi tiếng. Một khoảnh khắc lịch sử!

 Marian Anderson sinh ngày 27/1/ 1897 tại Pennsylvannia, Philadelphia (đó là theo giấy khai sinh của bà còn trong suốt cuộc đời mình, Anderson luôn nói rằng mình sinh ngày 17/1/1902, tuy nhiên khi nói về Anderson thì các nhà phê bình âm nhạc luôn luôn lấy cột mốc 1897). Marian là chị cả trong số 3 người con gái của ông bà John và Anna Anderson. Ông John là một người phu khuân vác tại Reading Terminal Market còn mẹ của Marian là giáo viên tại Virginia. Tai họa ập đến gia đình cô vào năm 1912, khi ông John bị tai nạn vào đầu trong khi đang làm việc và qua đời. Anna và 3 người con gái nhỏ phải chuyển đến sống ở nhà ông nội của Marian và bà cũng phải từ bỏ nghề dạy học của mình để trở thành một người làm công việc lau chùi, dọn dẹp nhà cửa.

Dù có một tuổi thơ khó khăn nhưng cô bé Marian vẫn có được một nền tảng giáo dục rất tốt, có lẽ nguyên nhân chính là do mẹ cô đã từng là một cô giáo. Lớp học của cô tại Stanton Grammar School ở ngay cạnh phòng học nhạc, Marian thường ghé tai sát vào tường và lắng nghe những bài giảng âm nhạc ở phòng bên. Và hôm sau khi đến lớp, cô đã thuộc lòng những bài hát đã được dạy vào ngày hôm trước. Tỏ ra có năng khiếu âm nhạc từ rất sớm, chính cha của cô bé là người đầu tiên nhận ra điều này. Khi Marian lên 6 tuổi, John đã cho cô tham gia vào dàn hợp xướng trẻ con tại nhà thờ Baptist. Ngay từ thời gian này, chất giọng contralto quý hiếm của cô đã được bộc lộ và cô đã được mang biệt danh “The Baby Contralto”. Khi lên 8 tuổi, bác của cô bé đã tặng cô một cây đàn piano nhưng gia đình không phải dạy Marian một buổi nào vì cô bé đã tự bản thân mày mò chơi được khá nhiều bản nhạc.

 Khi lên 13 tuổi, Marian gia nhập dàn hợp xướng chính thức tại nhà thờ cũng như thỉnh thoảng tham gia trong các dàn hợp xướng của những nhà thờ khác tại địa phương. Lúc này, chất giọng đặc biệt của cô đã gây được sự chú ý và Marian bắt đầu nhận được những lời mời hát tại những quán bar hay các tụ điểm âm nhạc trong thành phố, thậm chí trong một đêm, cô bé phải hát tại 3 địa điểm khác nhau. Cuộc sống cứ thế tiếp diễn cho đến khi Marian 17 tuổi, tình cờ một hôm cô đi cùng gia đình một người bạn đến studio của Mary Saunders Patterson – một soprano khá nổi tiếng người da đen. Dù vô cùng thích thú nhưng Marian cảm thấy khó có thể theo học ở đây được vì khoản học phí lên tới 1$/ 1 buổi học – một số tiền quá lớn đối với cô. Tuy nhiên, sau khi được thưởng thức chất giọng tuyệt vời của “The Baby Contralto”, thì Patterson đã quyết định dạy cô miễn phí. Sau 6 tháng, cảm thấy rằng 1 contralto nên được 1 contralto dạy dỗ nên Patterson đã giới thiệu Marian đến Agnes Reifsnyder – một contralto thực sự. Tuy nhiên, không như Patterson, Reifsnyder đòi học phí trong 2 năm là 500$. Không thể có được một số tiền lớn như vậy, Marian đã định bỏ cuộc nhưng may mắn thay Philadelphia Choral Society đã đứng ra tổ chức một buổi hòa nhạc để quyên góp tiền và cô bé đã có thể theo học với Reifsnyder từ năm 1916 đến năm 1918. Trong thời gian này, Marian từng tham gia hát trong Messiah (Handel) và Elijah (Mendelssohn) tại Philadelphia và Boston. Sau khi tốt nghiệp trung học vào năm 1920, lại thêm một điều may mắn nữa đến với Marian Anderson. Tình cờ Guiseppe Boghetti, một nhà sư phạm thanh nhạc người Ý nổi tiếng thời đó đã nghe Anderson hát “Deep River”, và như ông kể lại “tôi đã khóc”. Từ đó, Boghetti đã trở thành người hướng dẫn thanh nhạc cho Anderson và dưới sự giúp đỡ của ông, cô đã bước những bước rất dài trong sự nghiệp của mình. Boghetti đã phân tích rất kĩ lưỡng từng chi tiết trong giọng hát của cô, từ đó ông biên soạn một giáo trình hoàn hảo. Ông đặc biệt lưu ý đến vấn đề hơi thở, từ đó làm việc một cách có hệ thống giúp Anderson có được một làn hơi dồi dào đồng thời mở rộng danh mục những tác phẩm biểu diễn cho cô. Boghetti luôn theo sát sự nghiệp của Anderson cho đến khi ông qua đời vào năm 1941.

Trong thời gian này, Anderson thường xuyên biểu diễn tại những trường học dành cho người da đen và một số nhà thờ ở phía nam nước Mĩ. William “Billy” King trở thành người đệm đàn và đồng thời là người quản lí của cô. Vào ngày 23/4/1924, họ đã tiến một bước dài trong sự nghiệp của mình khi có cơ hội được biểu diễn tại Town Hall, New York. Thật không may, buổi biểu diễn thu hút được rất ít khán giả và những nhà phê bình có mặt trong buổi tối ngày hôm đó lại phàn nàn rằng giọng hát của Anderson chẳng có gì đặc biệt. Anderson vô cùng thất vọng, cô sợ rằng sự nghiệp của mình đến đây là chấm dứt.

Tuy nhiên chỉ một thời gian ngắn sau, cô tham dự và giành chiến thắng trong cuộc thi do Philadelphia Philharmonic Society tổ chức và ngay sau đó cô đã chiến thắng trước 300 đối thủ tại cuộc thi Lewisohn Stadium và có vinh dự được hát cùng New York Philharmonic vào ngày 26/8/1925 trước 7500 khán giả. Cuộc biểu diễn này đã gây được tiếng vang lớn và cô đã thu hút được sự chú ý của Arthur Judson, một ông bầu chuyên tổ chức các buổi biểu diễn đầy uy tín và ông đã kí một hợp đồng với Anderson.

 Vào ngày 30/12/1928, Marian Anderson có một recital vô cùng đáng nhớ tại Carnegie Hall. Sau buổi biểu diễn, New York Times đã viết: “Cô sở hữu một giọng hát tràn trề sức mạnh, tràn đầy cảm xúc, tạo ra sự tương phản rõ rệt và đặc biệt là sự duyên dáng”. Nhưng bắt chấp sự thành công, sự nghiệp biểu diễn của cô vẫn gần như phẳng lặng, Anderson vẫn chỉ thường xuyên biểu diễn cho những khán giả da đen.

Anderson giành được một suất học bổng tại Anh của National Association of Negro Musicians và vào ngày 16/9/1930, cô có buổi biểu diễn tại Wigmore Hall, London, ngay sau đó là một suất học bổng của Julius Rosenwald Fund. Nhận thức được rằng để có thể vào vai trong các vở opera (vốn được viết chủ yếu bằng tiếng Ý và Đức), cô tập trung vào việc học tập 2 ngôn ngữ này đồng thời nghiên cứu nghệ thuật hát lieder đồng thời tham gia các chuyến lưu diễn tại Anh, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Liên Xô. Trong concert ra mắt tại Berlin, Anderson đã thu hút được sự chú ý của Rule Rasmussen và Helmer Enwall, 2 nhà quản lí chuyên tổ chức các buổi biểu diễn tại vùng Scandinavia. Ngay sau đó, Enwall trở thành nhà quản lí của cô trong các tour diễn tại châu Âu.

 Trở về Mĩ biểu diễn trong một số chương trình nhưng đến năm 1933, cô lại quay trở lại châu Âu thông qua sự giúp đỡ của Julius Rosenwald Fund. Từ tháng 9/1933 cho đến tháng 4/1934, Anderson biểu diễn tổng cộng 142 buổi, tất cả đều tại vùng Scandinavia, trong đó có lần ra mắt vua Gustav tại Stockholm và vua Christian ở Copenhagen. Tuy nhiên, kỉ niệm đáng nhớ nhất đối với Anderson trong thời gian này chính là lần gặp nhà soạn nhạc nổi tiếng người Phần Lan Jean Sibelius, lúc này đã gần 70 tuổi. Ông đã viết bài hát “Solitude” tặng cô và hóm hỉnh nói: “Mái nhà của tôi quá thấp cho giọng hát của cô”. Cuộc gặp gỡ này đã để lại dấu ấn vô cùng sâu đậm trong lòng của Anderson và cô coi đó là động lực lớn mạnh nhất giúp cô có niềm tin vào con đường mà mình đã chọn.

Năm 1935, Anderson được mời tham gia festival quốc tế Mozarteum, Salzburg. Tại đây, nhạc trưởng vĩ đại Arturo Toscanini đã thốt lên: “Giọng hát của cô chỉ xuất hiện một lần trong vòng một trăm năm”. Và Sol Hurok, một ông bầu rất nổi tiếng ngay sau khi nghe cô hát đã mời cô kí một hợp đồng cho những buổi concert trên đất Mĩ. Cũng trong năm này, với RCA Victor, Anderson đã có được bản thu âm đầu tiên của mình.

Ngày 20/12/1935, Anderson xuất hiện lần thứ 2 tại Town Hall, New York và trái ngược với lần ra mắt, lần này là một thành công to lớn. Ngay sau đó là 2 concert tại Carnegie Hall và một chuyến lưu diễn vòng quanh nước Mĩ. Anderson vẫn không quên quay trở lại châu Âu đồng thời đến biểu diễn tại Nam Mĩ. Cho đến năm 1938, Anderson thường xuyên biểu diễn 70 buổi trong 1 năm.

 Trong suốt cuộc đời mình, Anderson đã rất nhiều lần là nạn nhân của nạn phân biệt chủng tộc nhưng lần nào bà cũng kiêu hãnh ngẩng cao đầu bước tới và buộc những kẻ có tư tưởng thấp kém đó phải cúi đầu yên lặng trong sự hổ thẹn. Sự kiện nổi tiếng nhất diễn ra vào năm 1939. Hurok gọi điện để cố gắng thuê Constitutional Hall, Washington, D.C – một trung tâm biểu diễn tốt nhất thành phố, nhưng được trả lời rằng không một ngày nào còn trống. Washington là một thành phố có định kiến về người da đen nhất và trong các nhà hát ở đây cũng vậy, năm 1935 Constitutional Hall đã từng trưng ra biểu ngữ: “buổi hòa nhạc chỉ dành cho những nghệ sĩ da trắng”. Người giám đốc nhà hát đã gào lên trong máy điện thoại trước khi dập máy: “Không một đứa da đen nào được xuất hiện ở đây trong khi tao đang là giám đốc nhà hát”. Công chúng bị xúc phạm, những người trong giới nhạc phản ứng dữ dội, và đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt phải nhẫn nhục từ chức chủ tịch Daughters of the American Revolution (DAR – Cuộc cách mạng cho phụ nữ Mĩ), tổ chức sở hữu Constitutional Hall. Dưới sự đề nghị của Roosevelt cùng với Hurok và Walter Francis White, chủ tịch của National Association for the Advancement of Colored People (NAACP – Hiệp hội quốc gia về sự tiến bộ của người da màu), tổng thư kí của NAACP Harold L. Ickes đã quyết định tổ chức cho Anderson một buổi hòa nhạc ngoài trời ở phía trước Lincoln Memorial trong ngày lễ Phục sinh. Vào ngày 9/8/1935, Marian Anderson đã hát trước hơn 75 nghìn khán giả cũng như hàng triệu thính giả qua làn sóng phát thanh. Trước khi hát, với bức tượng Abraham Lincoln ở phía sau, Anderson đã kiêu hãnh nói: “Tôi nói có, nhưng lời nói “có” này không hề đến một cách dễ dàng và nhanh chóng. Tôi không hề thích nhiều buổi diễn và không ai có thể nói trước rằng công việc sẽ tiến đến đâu. Tôi lắng nghe lương tâm tôi… Như tôi đã nghĩ trước đây, tôi thấy rằng ý nghĩa của tôi với tư cách cá nhân thật nhỏ bé trong việc này. Tôi đã trở thành, dù có muốn hay không, một biểu tượng, tiêu biểu cho những người chúng tôi”. Vài tuần sau, Marian Anderson có buổi biểu diễn tại tư dinh của tổng thống Franklin D. Roosevelt trong buổi đón tiếp vua nước Anh George VI và hoàng hậu Elizabeth.

Năm 1943, nhận lời mới của DAR, Anderson hát tại Constitution Hall trong đêm diễn do Hội chữ thập đỏ Mĩ tổ chức với mục đích quyên góp tiền cứu trợ cho nhân dân Trung Quốc. Cô nói: “Tôi không cảm thấy nhiều sự khác biệt khi hát ở đây hoặc ở nơi khác. Đó không phải là cảm giác của sự chiến thắng. Tôi cho rằng đây là một nhà hát đẹp và tôi hạnh phúc khi được hát ở đây”.

Tháng 7/1943, Anderson kết hôn với Orpheus H. Fisher, một kiến trúc sư Delaware mà bà quen biết từ thuở ấu thơ. Họ sống với nhau tại “Marianna Farm” ở Connecticut. Trong suốt cuộc chiến tranh thế giới thứ 2 và cuộc chiến tranh Triều Tiên, bà thường xuyên hát tại các bệnh viện và doanh trại quân đội. Cho đến năm 1956, bà đã có tới hơn 1 nghìn buổi biểu diễn.

 Ngày 7/1/1955, Anderson có buổi ra mắt tại Metropolitan Opera, New York với vai Ulrica trong vở opera Un ballo in Machera của Verdi và bà đã trở thành ca sĩ da đen đầu tiên có được vinh dự hát trên sân khấu này. Khi đó bà đã 58 tuổi và giọng hát tuyệt đẹp của bà đã dần đi vào giai đoạn cuối và có cảm giác rằng sự bồn chồn đã khiến bà bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, Anderson tỏ ra rất hài lòng với buổi biểu diễn này.

Năm 1957 bà thực hiện chuyến lưu diễn tới Ấn Độ và Viễn Đông với tư cách đại sứ thiện chí của U.S. State Department và American National Theater and Academy. Bà đã trải qua quãng đường dài 35 nghìn dặm trong vòng 12 tuần lễ, thực hiện 24 buổi hòa nhạc. Sau khi trở về, bà được tổng thống Mĩ khi đó là Dwight Eisenhower chỉ định là người đại diện của United Nations Human Rights Committee. Bà đã hát tại lễ nhậm chức của Eisenhower cũng như người kế nhiệm là John F. Kennedy vào năm 1961. Năm 1962, Anderson lần đầu đến biểu diễn tại Australia và New Zealand.

Tháng 10/1964, Marian Anderson bắt đầu thực hiện chuyến lưu diễn giã từ sự nghiệp huy hoàng nhưng cũng đầy chông gai của mình tại Constitution Hall, chuyến lưu diễn này trải dài trên nhiều thành phố lớn tại 4 lục địa và kết thúc vào ngày lễ Phục sinh, 18/4/1965 tại Carnegie Hall. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật của mình, bà đã biểu diễn tới hơn 50 buổi ở Carnegie Hall!

 Trong suốt cuộc đời mình, bà đã giành được vô số giải thưởng danh giá, trong đó có Springarn Medal vào năm 1939, giải thưởng thường niên dành cho những phụ nữ da đen Mĩ “có những thành tựu cao nhất trong năm hoặc năm trước trong bất kì lĩnh vực nào”. Năm 1941, bà nhận giải thưởng Bok, giải thưởng thường niên dành cho những công dân nổi tiếng nhất của Philadelphia. Bà đã sử dụng tiền thưởng 10 nghìn dollar để thành lập Quỹ học bổng mang tên Marian Anderson (những ca sĩ da đen nổi tiếng sau này như Leontyne Price hay Jessye Norman đều từng giành được học bổng này). Năm 1963, tổng thống Lyndon Johnson trao tặng bà huân chương American Medal of Freedom. Năm 1977, Quốc hội Mĩ trao tặng bà huy chương vàng nhân dịp 70 năm ngày sinh nhật Anderson. Năm 1986, bà nhận National Medal of Arts do tổng thống Ronald Reagan trao tặng.

Dù đã giã từ sự nghiệp, tuy nhiên bà đã phá lệ quay trở lại sân khấu khi tham gia với tư cách người dẫn chuyện trong tác phẩm “A Lincoln Portrait” của Aaron Copland tại Saratoga cùng Philadelphia Orchestra dưới sự chỉ huy của chính tác giả vào năm 1976. Năm 1978 bà trở thành thành viên danh dự của Kennedy Center và vào năm 1991, bà nhận giải thưởng Grammy thành tựu trọn đời cho tất cả những gì bà đã cống hiến cho âm nhạc, cho nước Mĩ. Lễ sinh nhật lần thứ 75 và 80 của Anderson đều được tổ chức trang trọng tại Carnegie Hall.

 Kể từ khi giã từ sự nghiệp bà sống với chồng tại điền trang rộng 155 mẫu Anh tại Danbury, Connecticut. Sau khi chồng bà qua đời vào năm 1986, bà tiếp tục sống tại đây cho đến tháng 7 năm 1992 bà chuyển đến sống tại Portland, Oregon với người cháu là nhạc trưởng James DePriest. Mùa xuân sau đó Anderson bị một cơn đột quỵ và từ đó bị liệt, chỉ di chuyển được trên xe lăn. Ngày 8/4/1993, sau một cơn đau tim, Marian Anderson qua đời ở tuổi 96. Bà được chôn cất tại nghĩa trang Eden ở Philadelphia, Pennsylvania.

Marian Anderson sở hữu một giọng hát thật đặc biệt, âm vực của bà rất rộng lên đến gần 3 quãng 8. Bà có thể xuống thấp tới F (vốn khó khăn ngay cả đối với những baritone – bản thu “Der Tod und das Mädchen” của Schubert do RCA phát hành) và lên cao tới âm vực của dramatic soprano dù rằng giọng hát của bà chính thức là contralto. Bà cũng ghi âm một vài aria dành cho soprano như “Casta diva” (Norma); “Pace, pace, mio Dio” (La forza del destino). Contralto không phải là một giọng hát thích hợp cho opera nên sự xuất hiện chủ yếu của Anderson là trong các tác phẩm thanh nhạc nhà thờ của Bach, Handel, Brahms hoặc các lieder của Schubert, Schumann cũng như những bài hát dân gian Mĩ mang âm hưởng tôn giáo (spiritual).

Marian Anderson không chỉ đơn thuần là một contralto, một nghệ sĩ hay một nhà yêu nước mà bà là một ví dụ điển hình nhất cho cho niềm tự hào của nhân dân Mĩ, đất nước Mĩ. Trong thập niên 60, 70 của thế kỉ 20 xuất hiện một lớp những ca sĩ Mĩ da đen vô cùng nổi tiếng như Leontyne Price, Grace Bumbry, Jessye Norman, Kathleen Battle… nhưng mỗi khi nhắc đến Anderson, họ đều bày tỏ lòng kính trọng sâu sắc, coi bà là thần tượng, là cái đích để họ phấn đấu, vươn lên trong sự nghiệp. Trong cuộc đời hoạt động nghệ thuật kéo dài gần 8 thập niên của mình, bà đã tạo cảm hứng cho nhiều triệu khán giả nhưng điều khiến họ luôn nhớ tới bà là Anderson đã xóa đi rào cản ngăn cách giữa người da đen và người da trắng, giúp họ xích lại nhau hơn. Anderson không bao giờ đầu hàng trước những chướng ngại vật và bà đã chiến đấu với nó bằng tất cả tâm huyết, sức lực, tình cảm của mình như thể điều đó là lẽ sống của bà. Bà không bao giờ hài lòng với thành công của mình cũng như chưa bao giờ có mong ước trở thành một ca sĩ hàng đầu, một diva. Ở bà luôn toát lên về khiêm nhường và thân thiện, nhưng đằng sau bề ngoài trầm lặng đó là một tâm hồn chứa đựng một sức mạnh mãnh liệt giúp bà chiến thắng trong cuộc cách mạng gian truân này. Và điều cuối cùng, Marian Anderson là một nghệ sĩ vĩ đại, tài năng của bà đã ảnh hưởng không chỉ đến nền văn hóa Mĩ mà còn tác động đến cả tình hình chính trị của Mĩ trong thế kỉ 20.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: