BARTOLI, CECILIA

“Cecilia Bartoli là một nghệ sĩ đặc biệt với một năng lực làm việc tưởng chừng không giới hạn. Bà đã đưa nhạc cổ điển đến với một lượng đông đảo khán giả bằng nhiều cách khác nhau”  Roger Lewis

Tài năng của Celilia Bartoli – giọng mezzo-soprano người Ý đã được khẳng định từ hơn 20 năm nay. Những người yêu thích opera đã tấp nập kéo tới các buổi biểu diễn của cô từ những ngày đầu khi cô mới bước chân vào sự nghiệp ca hát vào giữa thập niên 80 của thế kỉ 20. Ngày nay, cô là một trong số không nhiều những nghệ sĩ có được chất giọng nữ trung màu sắc và một kĩ thuật khủng khiếp. Còn với những ai yêu mến opera thì cô chính là một món quà Chúa ban tặng. Katrine Ames của tờ Newsweek đã nhận xét: “Giọng ca của Bartoli có thể trải dài trong suốt 3,5 quãng tám rồi lại hạ thấp nhẹ nhàng, ấm áp. Đó chính là sự kết hợp giữa sự nhạy bén và nét hoa mĩ. Còn với Linda Blandford của New York Times thì: “Giọng ca Bartoli luôn là một chuỗi liền mạch ngay cả khi lên cao tới đỉnh hay xuống ở đoạn thấp nhất”. Vào đầu những năm 2000, Bartoli tiếp tục phát triển trên con đường nghệ thuật của mình, cô đã tiếp tục đạt kỉ lục về lượng đĩa hát bán ra – hơn 700.000 bản trên khắp thế giới trong lần phát hành năm 1999 của album Vivaldi. Và lần phát hành album Salieri – bao gồm các trích đoạn trong các vở opera gần như bị lãng quên của Antonio Salieri – năm 2003 cũng đã nhanh chóng leo lên vị trí đầu tiên trong số các album nhạc cổ điển trên toàn cầu.

Cecilia Bartoli sinh ngày 4 tháng 6 năm 1966, tại Rome, Italy. Cô được sinh ra trong một gia đình có truyền thống về âm nhạc: mẹ cô là một giọng nữ cao trữ tình và cha cô là một giọng nam cao kịch tính. Để gánh vác gia đình của mình (với một con trai và hai con gái), bố của cô – ông Pietro Bartoli đã phải từ bỏ sự nghiệp solo của mình để tham gia vào dàn hợp xướng Opera Rome. Theo báo chí, ông là một người có tính khí khá thất thường, không dễ gì làm cho ông vui lòng. Bartoli đã có lần nói với tờ New York Times rằng khi còn nhỏ cô rất sợ cha mình. Cuộc sống của gia đình Bartoli tương đối khó khăn. Các em trong nhà thường phải đi những đôi giày cũ của anh, chị mình để lại.

Niềm đam mê âm nhạc của Bartoli bắt đầu từ khi cô còn nhỏ. Khi đó cô bé thường đi loanh quanh trong nhà và bắt chước giọng hát của mẹ mình. Mẹ Bartoli đã dạy cho cô hát và cho đến bây giờ bà vẫn là người thầy duy nhất dạy luyện thanh cho Bartoli. Bartoli đã từng nói mẹ cô không thích những giọng hát bó hẹp trong những khuôn phép và dưới một sức ép nào đó chính mẹ của Bartoli đã giúp cho cô phát triển được phong cách hát phóng khoáng như ngày nay.

Bartoli biểu diễn lần đầu tiên khi cô mới lên 9 tuổi. Lúc đó, cô đã tham gia hát một bài thánh ca tại nhà hát Opera Rome trong buổi biểu diễn vở opera Tosca của Giacomo Puccini, nhưng lần đó cô chỉ hát sau cánh gà. Trong những năm thiếu niên, cô không mấy quan tâm tới ca hát mà lại thích trở thành một vũ công flamenco và một nghệ sĩ kèn trombone. Nhưng cuối cùng, cô cũng trở lại với niềm yêu mến ca hát: “Khi giọng của tôi bắt đầu có tiến bộ, đó thực sự là một cảm giác kỳ diệu”. 17 tuổi, Bartoli nhập học tại Academy of Saint Cecilia, Rome để có cơ hội tiến xa hơn trên con đường mà cô đã chọn.

Hai năm sau đó, các nhà phát hiện tài năng trẻ đã chọn Bartoli và đưa cô xuất hiện trong một chương trình truyền hình – Fantastico, đây là một chương trình biểu diễn ở Rome với sự góp mặt của hai nghệ sĩ opera Leo Nucci và Katia Ricciarelli. Trong chương trình này, Bartoli đã hát “Barcarolle” – một trích đoạn từ vở opera Les contes d’Hoffmann của Jacques Offenbach và một duet trích từ Il Barbiere di Siviglia của Gioacchino Rossini. Khi hồi tưởng lại khoảng thời gian khó khăn đó, Bartoli đã tâm sự với Innaurato của Vanity Fair: “Tôi đã may mắn khi được một lượng thính giả lớn lắng nghe”.

Chính quảng cáo là thứ mà Bartoli cần lúc bấy giờ. Không lâu sau khi xuất hiện trước công chúng trong buổi diễn Il Barbiere di Siviglia tại Rome, cô gặp nhà sản xuất đĩa nhạc Christopher Raeburn. Ông hứa sẽ giúp cô sản suất đĩa Il Barbiere di Sivigliavà một vài aria của Rossini. Sau đó, Reaburn đã đưa cho nhà môi giới rất có uy tín Jack Martroianni – thành viên trong Columbia Artists Management – cuốn băng ghi lại giọng hát của Bartoli. Mastroianni rất ấn tượng với giọng ca này và ông đã sắp xếp một cuộc hẹn với Bartoli để được trực tiếp nghe Bartoli hát. Trong buổi thử giọng đó, chính mẹ Bartoli là người đã hát song ca cùng với cô. Theo tờ New York Times, Mastroianni đã nhận xét về buổi thử giọng ngày hôm đó: “Cường độ giọng hát của hai người mạnh mẽ và đồng nhất tới mức làm ta tưởng như đó chỉ là của một người, họ hoà hợp trong từng hơi thở”. Mastroianni rất thích giọng ca của cô và đồng ý là người quản lí cho cô ca sĩ trẻ chưa mấy tên tuổi này. Theo Bandford, Mastroianni đã rất hứng thú khi là người đại diện cho Bartoli, đồng thời ông còn thuyết phục bạn bè và những đồng nghiệp của mình tạo điều kiện cho cô. Mastroianni quyết định sẽ hướng Bartoli theo con đường của opera thay vì chỉ tập trung vào các buổi diễn độc tấu. Theo Blandford: “Nếu như trước đây Bartoli chỉ được hát hơn 4 phút cho 1 hoặc 2 aria trong một vở opera nào đó thì nay Mastroianni đã tạo cho cô cơ hội được thoả sức thể hiện giọng ca của mình trong 2 tiếng đồng hồ.”

Ban đầu, thật không dễ dàng để có được một vị trí cho Bartoli. Khi Mastroianni nói với Albert Innaurato – một thành viên của Vanity Fair, họ đều cho rằng giọng cô quá nhỏ và cái mà họ cần là một chất giọng to. Một số nhà phê bình cũng cho rằng nếu cô hát ở Metropolitan Opera, New York (một trong những nhà hát opera lớn và nổi tiếng nhất trên thế giới) giọng của Bartoli không đủ lớn để các thính giả ở dãy cuối khán phòng có thể nghe được. Đáp lại những lời chỉ trích ấy, Bartoli đã nói với Newsweek’s Ames: “Nếu bạn nhạy bén, bạn sẽ không cần phải có âm lượng quá to. Cái quan trọng nhất không phải là độ to nhỏ mà chính là cách thể hiện nó như thế nào. Có những người có cả hai thứ đó, nhưng chắc họ đều là Chúa mất rồi.” Và Bartoli cũng đã từng nói với Innaurato: “Tôi là một ca sĩ coi trọng chất lượng chứ không phải số lượng. Tôi không lo lắng về vấn đề âm lượng. Tôi muốn kiểm soát được từng âm sắc, sắc thái của lời hát. Ở Italy, có tình trạng chú trọng tới chất giọng phải to. Tuy nhiên, tôi lại thích làm sao người ca sĩ có thể điều chỉnh được giọng hát của mình hơn. Mà khi âm lượng to, người ta sẽ không thể điều chỉnh được giọng hát của mình. Giọng hát của tôi dành cho những ai biết cách thưởng thức âm nhạc.”

Trong những năm cuối của thập niên 80, những thành công liên tiếp đến với Bartoli, nhạc trưởng Riccardo Muti, giám đốc âm nhạc của La Scala, Milan tình cờ chứng kiến một buổi biểu diễn của cô đã mời Bartoli đến thử giọng tại nhà hát. Còn Herbert von Karajan vĩ đại đã dành cho cô một vị trí soloist trong buổi biểu diễn Mass giọng Si thứ, BWV. 232 của Johann Sebastian Bach tại Salzburg Easter Festival. Hai nhạc trưởng Daniel Barenboim và Nikolaus Harnoncourt đã hướng cô vào những vở opera của Wolfgang Amadeus Mozart và trợ giúp cô rất nhiều trong việc phát triển sự nghiệp quốc tế của Bartoli.

Vào năm 1990, Bartoli có buổi công diễn đầu tiên ở Mĩ, tại buổi hoà nhạc Mostly Mozart tổ chức tại Lincoln Center. Tại đây, cô đã biểu diễn các trích đoạn trong 2 vở opera: La clemenza di Tito của Mozart và La Donna del Lago của Rossini. Dần dần, khán thính giả đã yêu mến giọng nữ trung này và bắt đầu xuất hiện những lời ca tụng cô. Không lâu sau buổi diễn đó, Bartoli có một buổi công diễn tại Pari khi cô vào vai Cherubino trong vở Le nozze di Figaro của Mozart.

Chính vì giọng hát uyển chuyển, hoa mĩ của Bartoli rất hợp với các tác phẩm của Mozart và Rossini nên hai nhà soạn nhạc đại tài này đã trở thành hai cái tên quen thuộc trong sự nghiệp ca hát và ghi âm của cô. Theo Martthew Gurewitsch của New York Times, Bartoli đã từng bày tỏ quan điểm của mình về hai nhà soạn nhạc này: “Âm nhạc của Rossini hóm hỉnh và thực tế hơn. Còn Mozart thì ngọt ngào và thần thánh như một thiên sứ. Rossini đã đạt tới trình độ điêu luyện của một bậc thầy. Còn âm nhạc của Mozart thật mượt mà, êm dịu; nó cần thêm sự khích lệ và thể hiện tinh tế của người ca sĩ. Âm nhạc của Mozart khó khăn hơn đối với tôi.” Gurewitsch nhận xét: “Ở cô, ta đã bắt đầu cảm nhận được sự nỗ lực cần thiết.” Sau buổi biểu diễn các tác phẩm của Rossini tại New York mùa xuân năm 1992, nhà phê bình Allan Kozinn đã nhận xét trên tờ New York Times: “Kĩ thuật của Bartoli rất đáng để chúng ta quan tâm. Những nét lướt hoa mĩ, độ ngân và sự rung láy đều rất tinh tế và ăn khớp một cách tuyệt đối. Cô đã rất thận trọng và sử dụng vibrato một cách có chọn lọc, chứ không đơn thuần là cứ hát thả sức và hát mọi đoạn đều giống nhau. Mỗi âm thanh phát ra đều mượt mà và khoẻ khoắn, đặc biệt là ở những đoạn cao trào; đồng thời khả năng cảm nhận đa màu sắc của cô cũng đã đạt tới sự hoàn hảo, không chút tì vết.”

Các nhà phê bình và người hâm mộ đã bắt đầu kêu gọi Bartoli thể hiện một vai opera chính nào đó. Vào năm 1992, cô đã biểu diễn 3 vở opera của Mozart cùng với Chicago Symphony Orchestra; tuy nhiên trong những lần đó, dù sao cũng là hát với một dàn nhạc giao hưởng chứ chưa phải trong một nhà hát opera đúng nghĩa. Tháng 4 năm 1993, Bartoli có lần ra mắt đầu tiên trong một vở opera khi vào vai Rosina trong Il Barbiere di Siviglia tại Houston Grand Opera. Một chiến dịch quảng cáo hoành tráng cho buổi biểu diễn của Bartoli đã giúp nhà hát Houston Opera bán hết vé của cả 7 buổi diễn ngay từ một tháng trước đêm diễn đầu tiên. Phóng viên William Spiegelman của tờ Wall Street Journal đã nhận xét về buổi biểu diễn của cô tại Houston Grand Opera: “Bartoli đã thể hiện mình là một diễn viên thiên bẩm. Cô đã thể hiện vai Rosina bằng tất cả con người mình: từ đôi mắt, bàn tay cho đến đôi chân (Bartoli đã từng học nhảy flamenco ngay từ thuở thiếu niên); tât cả những yếu tố đó đã kết hợp lại và tạo nên một nhân vật – lúc này có thể rất dễ bảo nhưng khi khác lại thật nguy hiểm; bây giờ có thể ngoan ngoãn như một chú mèo con nhưng ngay sau đấy lại trở nên hoang dại, tất cả đều phụ thuộc vào trạng thái tâm lí của cô”. Ngày 8 tháng 2 năm 1996, Bartoli lần đầu tiên xuất hiện tại Metropolitan Opera, New York – nhà hát trước đây được cho là quá lớn cho giọng hát của cô – trong vai Despina (Così fan tutte, Mozart) dưới đũa chỉ huy của nhạc trưởng tài ba James Levine.

Các phóng viên đã từng gặp Bartoli đều nhận thấy cô là một người hài hước và không hề viển vông. Innaurato cũng đã từng nhận xét: “Cô ấy là một nhà hài kịch bẩm sinh”. Ông còn nói: “Nét đặc trưng của cô đó chính là trạng thái hay thay đổi. Miệng luôn giải thích cái này cái kia nhưng đôi khi lời giải thích ấy lại mâu thuẫn với chính ý kiến ban đầu. Bartoli là một nghệ sĩ có thể tạo ra những đoạn ngắt âm rồi sau đó rất nhanh chóng diễn tả  được hàng chục sắc thái khác nhau chỉ trong nửa giây làm mê hoặc những ai đang nghe nhưng vẫn còn sót lại chút gì đó khiến chúng ta có cảm giác hụt hẫng”.

Các bản ghi âm tiếp theo của Bartoli được bán rất chạy. Bản thu âm solo đầu tiên của cô – Rossini Arias phát hành năm 1989 với hình ảnh cô trong chiếc váy buộc dải màu đen gợi cảm và đôi găng tay đỏ. Một trong những đĩa nhạc sau đó của cô –  “If you love me” gồm những bài hát của Giulio Caccini, Alessandro Scarlatti, Giovanni Paisiello, Pier Francesco Cavalli… đã đứng đầu danh sách nhạc cổ điển năm 1993 và giữ vững ở vị trí đó trong suốt một tháng trời. Các nhà phê bình âm nhạc những bài hát Italy thế kỉ 17, 18 đã phản ánh sự phản hồi chung về các tác phẩm của Bartoli: “Bạn hãy thả hồn trong các buổi diễn của Bartoli và  thưởng thức âm nhạc của cô. Sự đơn điệu, buồn tẻ sẽ không bao giờ hiện hữu trong giọng ca trẻ quyến rũ này. Giọng nữ trung êm dịu, sâu lắng đã thổi vào các bài hát một luồng gió ấm áp như vuốt ve, mơn trớn những ai đang nghe. Chúng cứ bay bổng một cách rất tự nhiên và từng đoạn nhạc được cô hát một cách rất thoải mái, giản dị (ví dụ như bản Lotti’s Pur Dicesti). Nghệ thuật của Bartoli là sự kết hợp giữa cái giản đơn và sự tinh tế. Bartoli đã truyền niềm đam mê vào âm nhạc của cô. Trong đó có một chút nhạy cảm của dòng nhạc Baroque, âm hưởng dạt dào không bao giờ cạn và cả nét sắc sảo, tinh tế của tính hài hước ở con người cô.”

Khi nhận xét về các buổi biểu diễn và các đĩa nhạc của Bartoli, Matthew Gurewitsch đã viết trên tờ New York Times: “Trong hầu hết các buổi biểu diễn của Bartoli, cách bố trí các vở opera không gây cho ta mấy thiện cảm, nhưng đó không phải là lỗi của cô. Tương phản với bố cục không mấy ấn tượng trong Il Barbiere di Siviglia, vai Rosina của cô đã toả sáng. Dưới sự dẫn dắt của Daniel Barenboim, Bartoli là một điểm sáng chói và với sự khắc nghiệt của Nikolaus Harnoncourt lối diễn khoa trương của cô vẫn rực sáng. Tất cả các buổi biểu diễn của cô đều rất cuốn hút”.

Năng khiếu của Bartoli đã được biểu hiện ngay qua vẻ ngoài ấn tượng của cô. Martha Duffy đã miêu tả cô: “Vẻ đẹp bí ẩn của cô hiện lên rực rỡ dưới ánh đèn sân khấu: những lọn tóc bồng bềnh láng mượt, đôi mắt nâu to, cái miệng rộng và đôi vai gầy làm tôn lên những chiếc váy cổ rộng mà cô thường mặc”. Các phóng viên thường hay nhắc tới giọng nói nhẹ nhàng, cách cô cười thoải mái, tính khí thất thường và phong cách rất Italy của cô. Cô được xem như một nghệ sĩ đặc biệt trong thế giới opera vì những sở thích rất đặc biệt như xe môtô, các nhóm nhạc Rock như Led Zeppelin và nhạc Jazz với Ella Fitzgerald”.

Khi được hỏi tại sao cô lại đi theo nghiệp ca hát, Bartoli cho biết: “Bố mẹ tôi, tính cách của tôi và Chúa. Tôi hát chỉ vì tôi hát, không phải để kiếm tiền. Tôi yêu âm nhạc, không phải yêu kinh doanh”. Nhưng bên cạnh đó, cô cũng đã từng nói cô biết cách làm thế nào để tiếp tục phát triển sự nghiệp của mình, vì cô đã  được sống với các nghệ sĩ thực thụ trong suốt cuộc đời mình.

Nếu có ai đó nghi ngờ về tài năng của Bartoli, có lẽ hãy để những lời nhận xét của nhà phê bình âm nhạc Peter G. Davis được trích dẫn tại Vanity Fair xoá bỏ đi những nghi ngờ ấy: “Mỗi lần tôi nghe nhạc của cô là một lần cô hát hay hơn. Bằng giọng hát của mình, Bartoli đã mê hoặc những ai nghe cô. Cô quả là một nghệ sĩ tuyệt vời”.

Trong những năm đầu tiên của thiên niên kỉ mới này, danh tiếng của Bartoli đã nổi hơn bao giờ hết. Trong khi có rất nhiều đề nghị cô ghi âm và biểu diễn thì Bartoli đang tận hưởng cuộc sống xa hoa của mình. Với những album đã phát hành, được ghi âm độc quyền cho hãng đĩa Decca, Bartoli có thể chọn lựa làm những gì mình thích và cô đã giải thích với John Von Rhein của tờ Knight Ridder Tribune News Service: “Tôi chỉ ghi âm khi tôi thấy công việc đó có đáng làm hay không”. Vì Bartoli không đi máy bay nên những buổi xuất hiện hiếm hoi của cô ở nước ngoài càng trở nên đặc biệt.

Là một nghệ sĩ ưa tìm tòi khám phá, Bartoli đã nhiều lần giới thiệu các trích đoạn opera mà cô yêu thích trong các vở opera tưởng chừng như đã bị quên lãng của những nhạc sĩ như Antonio Vivaldi, Christoph Willbald Gluck, Joseph Haydn hay Antonio Salieri. Ghi nhận những đóng góp to lớn của cô, năm 2003 cô được trao giải thưởng âm nhạc đầy uy tín Grammophone Awards dành cho nghệ sĩ được yêu thích nhất vượt qua những cái tên như Sir Simon Rattle hay Nigel Kennedy. Trong mùa diễn 2007 – 2008, Bartoli lại tiếp tục công việc giới thiệu những tác phẩm mới ra công chúng, lần này là đĩa nhạc Maria bao gồm các trích đoạn của các vở opera Lãng mạn và Belcanto đầu thế kỉ 19 từng được nữ danh ca Maria Malibran hát nhân dịp kỉ niệm 200 năm ngày sinh ca sĩ huyền thoại này (1808 – 2008). Đang ở thời kì sung sức nhất, Cecilia Bartoli sẽ còn đem đến cho chúng ta nhiều điều bất ngờ thú vị nữa, hãy chờ xem, chắc chắn cô sẽ không để cho những người hâm mộ cô phải thất vọng!

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: