Alfred Cortot là nghệ sĩ piano bậc thầy, nhà sư phạm âm nhạc nổi tiếng người Pháp. Nghệ thuật diễn tấu điêu luyện đầy chất thơ và sự thấu hiểu đặc biệt sâu sắc đối với âm nhạc thời kỳ lãng mạn, đặc biệt là âm nhạc của Chopin và Schumann, đã đặt ông vào vị trí của một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ 20. Với vai trò là một nhà sư phạm, ông đã đem đến cho nhiều nghệ sĩ piano trẻ một nền tảng giáo dục âm nhạc lý tưởng để từ đó tài năng của họ có thể nảy nở, phát triển một cách toàn diện. Thật khó có thể phủ nhận những ảnh hưởng to lớn của Cortot lên thế hệ các nghệ sĩ sau ông, ở Pháp và cả trên toàn thế giới.

Alfred Cortot sinh ngày 26 tháng 9 năm 1877 tại Nyon, Thuỵ Sĩ. Cha ông là người Pháp còn mẹ ông là người Thuỵ Sĩ. Cậu bé Alfred đã đến với những bài học piano đầu tiên khi mới 5 tuổi. Những tiến bộ sau đó của Cortot vượt bậc đến nỗi cha mẹ cậu quyết định chuyển gia đình đến định cư ở Paris để con trai họ có thể tiếp tục phát triển năng khiếu âm nhạc. Năm 9 tuổi, Cortot đăng ký vào Học viện âm nhạc Paris danh giá. Tại đây, cậu đã được học piano với Émile Descombes – một nhà sư phạm danh tiếng và cũng là một trong những người học trò cuối cùng của Frédéric Chopin. Émile Descombes thường xuyên đem đến cho những học trò của mình sự say sưa, ngây ngất khi ông chơi cho họ nghe các tác phẩm của Chopin. Tình yêu với âm nhạc Chopin của Cortot cũng lớn dần theo năm tháng và cùng với âm nhạc Schumann chiếm một vị trí quan trọng trong cuộc đời ông sau này.

Năm 15 tuổi, Cortot chuyển sang học piano với Louis Diémer và sau đó giành giải nhất trong một cuộc thi piano vào năm 1896. Năm 1897, ông lần đầu ra mắt công chúng với bản Concerto số 3 cho piano và dàn nhạc của Beethoven. Tiếp đó, ông chơi trong các buổi song tấu với Edouard Risler các tác phẩm chuyển soạn cho piano bốn tay của Wagner. Năm 1898, Cortot đến Bayreuth (Đức) để nghiên cứu âm nhạc Wagner. Ông đã có vinh dự được chơi một vài tác phẩm của Franz Liszt trước sự có mặt của con gái nhà soạn nhạc và cũng là phu nhân của Richard Wagner, Cosima Wagner. Tại Bayreuth, ông được mời làm thầy dạy kèm cho dàn hợp xướng và sau đó trở thành phụ tá cho các nhạc trưởng Felix Mottl và Hans Richter. Là một người vô cùng say mê Wagner, Cortot luôn khao khát được giới thiệu các tác phẩm của nhà soạn nhạc Đức với công chúng Pháp. Tất nhiên, những kinh nghiệm mà ông thu được trong thời gian làm việc ở Bayreuth là không hề vô ích.

Trong năm 1902, Cortot tổ chức hàng loạt các buổi hòa nhạc mà mở đầu là vở Götterdämmerung (Hoàng hôn của những vị thần) của Wagner được công diễn lần đầu tiên vào tháng 5 dưới sự chỉ huy của ông. Ông tiếp tục gây chú ý trong tháng 6 với vở Tristan und Isolde của nhà soạn nhạc. Trong những năm tiếp theo, ông chỉ huy các tác phẩm: Parsifal của Wagner, Missa solemnis của Beethoven, German Requiem của Brahms, The Legend of Saint Elizabeth của Liszt. Không lâu sau đó, ông trở thành nhạc trưởng của Société Nationale và là người tích cực tuyên truyền cho các tác phẩm của các nhà soạn nhạc Pháp đương thời như Roussel, Magnard… Năm 1905, ông cùng với Pablo Casals và Jacques Thibaud lập ra một nhóm tam tấu thính phòng và nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Hoạt động của nhóm chính thức dừng lại khi chiến tranh thế giới lần thứ hai bắt đầu nổ ra.

Bên cạnh những hoạt động biểu diễn, Alfred Cortot còn có một sự nghiệp dạy học thành công. Năm 1907, ông được phong giáo sư ở Học viện âm nhạc Paris nhưng vẫn hoạt động chủ yếu với vai trò một nghệ sĩ độc tấu piano và biểu diễn thính phòng. Tuy nhiên, ông đã từ bỏ vị trí này vào năm 1917 vì những chương trình hòa nhạc quá bận rộn khiến ông không thể chuyên tâm vào công việc giảng dạy. Năm 1918, Cortot có tour diễn đầu tiên tại Mỹ. Trong tour diễn thứ hai vào năm 1920, ông đã chơi toàn bộ 5 bản Concerto cho piano và dàn nhạc của Beethoven trong hai tối và bản Concerto số 3 cho piano và dàn nhạc giọng Rê thứ của Rachmaninov trước sự có mặt của nhà soạn nhạc. Đối với bản Concerto của Rachmaninov, một nhà phê bình đã viết: “Alfred Cortot đã khai thác được những chiều sâu tâm linh của âm nhạc. Ông thực sự ở trong số những nhà thơ tuyệt diệu nhất của cây đàn piano”. Năm 1919, Cortot đã cùng với Auguste Mangeot, giám đốc tờ tạp chí Le Monde musical lập ra trường Sư phạm âm nhạc Paris và ông đã giảng dạy ở đó cho đến năm 1961. Ông đã xây dựng cho ngôi trường một tiến trình nghiệp vụ hoàn thiện, với sự nghiên cứu sâu sắc về nhạc cụ, ký xướng âm, lịch sử âm nhạc cũng như thực hành nhạc mục và sư phạm. Là một người sùng bái chủ nghĩa nhân văn, ông cũng đề cao một sự giảng dạy âm nhạc viên mãn với tất cả các môn học có liên hệ với biểu diễn nghệ thuật như: thể dục nhịp điệu, lịch sử nghệ thuật trong mối tương quan với âm nhạc và sinh ngữ.

Trước và sau chiến tranh, Cortot đã cộng tác với những giáo sư âm nhạc nổi tiếng như: Yvonne Lefébure và Nadia Boulanger (piano), Marcel Dupré (organ), Landowska (clavecin), Jacques Thibaud (violon), Pablo Casals và André Navarra (violoncelle), Claire Croiza, Charles Panzéra và Pierre Bernac (thanh nhạc), Georges Enesco, Paul Dukas và Arthur Honegger (sáng tác). Trong suốt cuộc đời, những buổi hoà nhạc và dạy học được ông sắp xếp xen kẽ nhau. Những khóa học về biểu diễn âm nhạc của ông đã thành công đến mức huyền thoại. Những học trò xuất sắc của ông như: Clara Haskil, Dinu Lipatti, Samson François, Setrak, Gina Bachauer, Yvonne Lefébure, Marcelle Meyer, Vlado Perlemuter, Magda Tagliaferro, Reine Gianoli, Jerome Lowenthal, Jean Micault sau này đều trở thành những bậc thầy trong giới biểu diễn piano. Một học trò khác của ông là Marguerite Monnot, nhạc sĩ viết nhạc cho phần lớn những bài hát nổi tiếng của Édith Piaf (nữ ca sĩ huyền thoại của Pháp thế kỷ 20). Một số học trò khác đã trở thành những nhà sư phạm rất nổi tiếng. Không chỉ xuất hiện như là một nghệ sĩ piano tại nhiều phòng hòa nhạc trên khắp thế giới, Alfred Cortot còn khá thành công với vai trò nhạc trưởng khách mời của nhiều dàn nhạc.

Trong Chiến tranh thế giới II, Cortot là uỷ viên cấp cao về mỹ thuật của chính phủ Vichy và là thành viên của Hội đồng quốc gia. Trong suốt thời gian quân Đức chiếm đóng ở Pháp (1940 – 1944), ông là một trong những nghệ sĩ piano được mời đến biểu diễn ở Berlin dưới sự bảo trợ của chính quyền Đức. Tuy nhiên, mối quan hệ với Vichy đã khiến ông trở thành một người không được chào đón sau khi nước Pháp giải phóng. Cortot bị chỉ trích nhiều về những động cơ hoạt động thời chiến của ông hơn là được ghi nhận về sự đấu tranh suốt đời của ông cho nền văn hóa âm nhạc Giéc-manh (gồm có Ănglô Xắc-xông, Hà Lan, Đức và Bắc Âu). Dù bị cấm biểu diễn công khai tại Pháp trong vòng một năm nhưng ông không vì thế mà trở nên thu mình. Ông vẫn tiếp tục nhận những lời mời biểu diễn độc tấu tại các nước khác trên thế giới, đặc biệt là Italy và Anh. Năm 1945, Cortot rời nước Pháp và đến định cư tại Thụy Sĩ.

Vào tháng 1 năm 1947, ông trở lại Paris và chơi bản Concerto cho piano và dàn nhạc giọng la thứ của Schumann mà không gặp phải bất cứ một áp lực nào. Ông còn trở lại đó vào tháng 10 năm 1949 nhân buổi hòa nhạc kỷ niệm 100 năm ngày mất của Chopin. Ngoài ra, ông cũng biểu diễn tại Nhật Bản và các nước Nam Mỹ vào đầu những năm 1950. Buổi hòa nhạc cuối cùng của ông (với Pablo Casal) được thực hiện tại Festival de Prade vào năm 1958.

Với một phong cách chơi đàn trưởng thành từ cái nôi âm nhạc Pháp, nhạc mục biểu diễn và kỹ thuật của Cortot được mở rộng và phát triển trên những nền tảng truyền thống. Ông được biết đến như là một nghệ sĩ có lối chơi linh động (rubato) mang phong cách riêng và cách diễn giải âm nhạc đầy chất thơ. Kỹ thuật của ông, “thiên về tâm lý hơn là cơ học”, theo như ông tự thú nhận, cho phép ông có thể điều khiển những phím đàn với một sự uyển chuyển lớn. Ông có thể tạo ra những giai điệu ngân nga, mềm mại vì ông muốn cây đàn có thể hát lên như giọng người. Ông biết cách điều khiển những hình thái âm nhạc rộng lớn, nhưng cũng có thể để lại một dấu ấn êm dịu trong những tiểu phẩm như: “Malagueña” của Albéniz, “La fille aux cheveux de lin” của Debussy, Etude giọng Fa thứ của Chopin mà ở đó ông đã đạt tới đỉnh cao của phong cách thơ tinh tế và giàu sức gợi. Ở ông, “Tất cả đều sinh động và đầy sức sống từ sự rung cảm nội tại, ngay cả sự im lặng cũng đã nói lên điều đó”, người học trò Yvonne Lefébure đã viết về ông như thế.

Ảnh hưởng của Alfred Cortot lên nghệ thuật biểu diễn piano ở Pháp và ở các nước khác trên thế giới là không nhỏ, đặc biệt là ở Xô Viết, nguồn gốc của sự chia tách các khuynh hướng biểu diễn piano trên thế giới. Một mặt, những khuynh hướng tiến bộ do Heinrich Neuhaus và Samuil Feinberg dẫn đầu đã cuốn hút người nghệ sĩ vào đúng thời điểm ông cần xem xét lại kỹ thuật của mình. Mặt khác, những nghệ sĩ piano có khuynh hướng chủ nghĩa hàn lâm, chẳng hạn như Alexandre Goldenweiser, đã phê phán sự tự do trong lối chơi của ông. Được coi là nghệ sĩ cuối cùng còn chơi theo một phong cách riêng và chủ quan, Cortot không tán thành lối chơi đặt sự logic và chính xác lên hàng đầu cũng như cách diễn giải máy móc, bám sát từng nốt nhạc đen trắng. Nhưng đáng tiếc là việc không có nhiều thời gian tập luyện lúc còn trẻ đã khiến ông có những lỗ hổng lớn về kỹ thuật và trí nhớ. Đối với một trí tuệ âm nhạc tầm cỡ như Cortot, có vẻ như việc thường xuyên chơi sai hay thiếu một vài nốt nhạc là không hợp lý, nhưng khi xét đến khả năng tạo ra một kiến trúc và tầm nhìn rộng lớn trong quan niệm của ông về các tác phẩm thì điều đó lại ít quan trọng. Đôi khi, người ta vẫn so sánh những thiếu sót của Cortot với sự biểu diễn hoàn hảo của Dinu Lipatti, người học trò nổi tiếng của ông. Tuy nhiên, khi ở trong một trạng thái sung sức, ông có thể khiến người nghe phải sửng sốt bởi một kỹ thuật cực kỳ chói sáng, dẫn theo đó một sự bùng nổ âm thanh trên những phím đàn, mà bản thu âm huyền thoại gồm Sonata Si thứ của Liszt và Etude en forme de Valse (Etude theo hình thức valse) của Saint-Saëns là một minh chứng cho điều đó. Ngay cả đến một nghệ sĩ thiên tài, một ảo thuật gia của đàn piano như Horowitz cũng không thể hiểu nổi phép lạ mà Cortot đã làm với những nốt kép trong Etude này.

Nói về nhạc mục biểu diễn của Cortot, chiếm vị trí trung tâm trong đó là các tác phẩm của Chopin, Schumann và các nhà soạn nhạc Pháp như: Debussy, Saint-Saëns, Fauré, ít hơn có: Ravel, Chabrier, Franck, Albéniz. Ông cũng là người tiên phong trong việc xem xét các Etude của Chopin như là những kiệt tác đặc biệt chứ không phải là những bài tập. Dù yêu thích âm nhạc Đức nhưng ông ít chơi hoặc không hề chơi các tác phẩm của Bach, Mozart, Beethoven, Weber (ngoại trừ bản thu âm nổi tiếng cho Sonata giọng La giáng trưởng), Schubert hay Brahms. Thêm một điểm nữa là Cortot không bao giờ chơi nhạc của các tác giả Nga. Nhạc mục dành cho sự phô diễn kỹ thuật điêu luyện của ông cũng chỉ giới hạn trong một vài tác phẩm của Liszt.

Bản thu âm đầu tiên của Cortot được thực hiện vào đầu năm 1902 (ông đệm đàn cho ca sĩ Félia Litvinne trong một mélodie của Massenet). Phần lớn những bản thu âm của ông được thực hiện trong hai giai đoạn 1929 – 1937 và 1947 – 1953. Các bản thu âm trong giai đoạn 1929 – 1937, dù không đạt được sự hoàn hảo về độ vang âm nhưng vẫn cho thấy một sự nhạy cảm đặc biệt của người nghệ sĩ đối với âm sắc, cách sử dụng khéo léo hai pedal và một bảng màu rộng của những sắc thái năng động. Điều đó không chỉ được sáng tỏ qua các tác phẩm của Debussy và Ravel, mà còn qua các tác phẩm của Chopin và Liszt. Các bản thu âm của Cortot trong giai đoạn 1947 – 1953 (sau chiến tranh) thì cho thấy sự suy giảm về kỹ thuật với nhiều nốt sai hơn nhưng vẫn giữ được lối chơi trữ tình, giàu chất thơ đặc trưng của ông.

Alfred Cortot còn là nghệ sĩ piano đầu tiên thu âm Sonata giọng Si thứ của Liszt (1929) và các Préludes của Debussy (1926). Ông để lại không nhiều bản thu âm với dàn nhạc (trong đó có một vài version cho Concerto giọng La thứ của Schumann) nhưng khá nhiều bản thu âm thính phòng với Thibaud và Casals, gồm có các Trio của Schubert, Schumann, Mendelssohn, Beethoven, cũng như các mélodie của Debussy (với Maggie Teye) và lied của Schumann (đáng chú ý có Dichterliebe với Charles Panzéra, 1935). Bản thu âm của Cortot và Jacques Thibaud cho các Violin Sonata của Debussy (1929) cũng là một bản thu âm hết sức quý giá. Phần lớn những bản thu âm quan trọng nhất của Cortot là các chương trình độc tấu các tác phẩm của Schumann, Debussy và đặc biệt là Chopin: ông đã hoàn thành 2 version cho toàn bộ các Ballade, Etude và Waltz, 4 version cho các Prelude mà version năm 1933 được coi là một chuẩn mực, 1 version cho các Impromptu; các tác phẩm khác bao gồm hai Sonata (5 version cho Sonata số 2 giọng si giáng thứ), Berceuse (6 version), các Scherzo giọng Si giáng thứ và Đô giáng trưởng, Fantasy giọng Fa thứ (2 version), 6 Nocturne, 3 Polonaise, Concerto số 2 giọng Fa thứ (với John Barbirolli, 1935). Ông không thu âm các Mazurka của Chopin. Một tuyển tập những bản thu âm của ông cho các tác phẩm của Chopin đã được hãng đĩa EMI xuất bản, một số bản thu âm cũ hơn thì vẫn thuộc sở hữu của các hãng đĩa khác như Nimbus, Biddulph và Music&Arts.

Là một trong những nghệ sĩ biểu diễn Chopin và Schumann nổi tiếng nhất mọi thời đại, Cortot đã cho xuất bản nhiều công trình nghiên cứu về âm nhạc của hai nhà soạn nhạc này cũng như một số nhà soạn nhạc khác như: Franz Schubert, Félix Mendelssohn-Bartholdy, Johannes Brahms, Carl-Maria von Weber và Franz Liszt. Ông cũng viết nhiều cuốn sách giáo khoa bằng văn xuôi, đáng chú ý có Những nguyên lý của kỹ thuật piano – một cuốn sách căn bản gồm nhiều bài luyện ngón hỗ trợ cho việc phát triển những khía cạnh khác nhau của kỹ thuật chơi đàn piano. Khoảng 10.000 công trình và hàng nghìn bản dàn bè được ông chú giải tỉ mỉ hiện đang được lưu giữ tại Médiathèque Musicale Mahler ở Paris. Một phần những bản chép tay của ông vẫn nằm rải rác tại một vài trong số những thư viện lớn nhất trên thế giới.

Tên của ông đã được đặt cho tên một hòn đảo của Nhật Bản (Cortoshima) như một bằng chứng về sự ngưỡng mộ của công chúng yêu nhạc trên đất nước mặt trời mọc nói riêng và trên toàn thế giới nói chung đối với một nghệ sĩ piano vĩ đại của thế kỷ 20.

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: