GIESEKING, WALTER

“Ông như Monet ở Giverny. Cách chơi của ông toả ra hương thơm ngát” – American Record Guide, 1992

Là một nghệ sĩ piano Đức nhưng Walter Gieseking lại tỏ ra không có đối thủ trong các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Pháp, đặc biệt là Claude Debussy và Maurice Ravel. Có lẽ điều này được lý giải khi chúng ta biết rằng ông được sinh ra và lớn lên tại Pháp. Văn hoá, cuộc sống và di sản nơi đây đã tạo nên những ảnh hưởng lâu dài trong suốt cuộc đời của ông. Với nhiều người, sự gắn bó giữa Debussy với Gieseking cũng hiển nhiên như Artur Schnabel với Ludwig van Beethoven hay Arthur Rubinstein với Frédéric Chopin. Nhưng không chỉ có vậy, Gieseking còn rất nổi tiếng khi biểu diễn những bản nhạc của những nhà soạn nhạc Đức-Áo, cũng như là người hưởng ứng nhiệt thành cho những tác phẩm cấp tiến đương đại, như của Paul Hindemith, Ferruccio Busoni và Arnold Schoenberg. Là một nghệ sĩ có khả năng trình tấu thị phạm đỉnh cao cũng như sở hữu một trí nhớ siêu phàm, sự nhạy cảm tinh tế về màu sắc của âm thanh, Gieseking sẽ luôn được nhớ đến như một trong những nghệ sĩ piano vĩ đại nhất thế kỷ 20.

Walter Gieseking sinh ra tại Lyon, Pháp vào ngày 5/11/1895. Cha của cậu là một bác sĩ nổi tiếng và nhà côn trùng học. Vì đặc thù nghề nghiệp của người cha, thuở nhỏ, Walter hiếm khi ở một chỗ lâu dài mà thường xuyên di chuyển giữa miền nam nước Pháp và Ý. Mặc dù gắn bó với cây đàn piano khi chỉ mới lên 4 tuổi nhưng cậu không được đào tạo một cách chính quy mà chủ yếu là tự học với sự hướng dẫn đến từ mẹ mình. Được coi là một thần đồng, 5 tuổi cậu đã có buổi biểu diễn đầu tiên của mình tại Paris.

Chỉ khi lên 16 tuổi vào năm 1911, Walter mới được theo học piano một cách bài bản tại Hanover, Đức. Tại Nhạc viện Hanover, thầy giáo của cậu là Karl Leimer, người sau này đã cùng cậu xuất bản một cuốn sách rất nổi tiếng về phương pháp dạy và học piano. Việc học của Walter chỉ kéo dài trong 5 năm, sự nghiệp vừa chớm nở của cậu bị gián đoạn do cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra. Năm 1916, Walter phải nhập ngũ và phục vụ trong đoàn quân nhạc của một trung đoàn. Những năm tháng đầu tiên sau khi chiến tranh kết thúc đã không thực sự diễn ra suôn sẻ. Gieseking chưa thể có được buổi hoà nhạc hay recital của riêng mình mà phải đảm nhận nhiều công việc khác nhau như đệm cho các ca sĩ và nghệ sĩ độc tấu khác, chơi hoà tấu thính phòng hay đảm nhiệm việc vỡ bài cho các ca sĩ opera. Chính trong giai đoạn này, Gieseking đã thể hiện một số kỹ năng tuyệt vời của mình như khả năng trình tấu thị phạm siêu hạng. Anh có thể ngay lập tức nhìn vào tổng phổ của một vở opera và biểu diễn chúng trên piano. Khi còn đang theo học tại Hanover, khi chỉ mới 20 tuổi, Gieseking đã có 6 buổi biểu diễn liên tục, chơi gần như trọn vẹn 32 sonata piano của Beethoven với sự thành thạo về kỹ thuật và hiểu biết về cấu trúc làm choáng váng toàn bộ giảng viên và sinh viên của nhạc viện, kể cả một số nhà phê bình âm nhạc có mặt khi đó.

Mặc dù vậy nhưng màn ra mắt khán giả London năm 1923 mới được coi như lần xuất hiện chính thức của nghệ sĩ piano Gieseking trước công chúng, là một sự khởi đầu tuyệt vời cho một danh tiếng lừng lẫy và lâu dài. Buổi biểu diễn được đánh giá khá cao, được khán giả cũng như các nhà phê bình hưởng ứng nhiệt tình, họ cảm nhận được trong tiếng đàn của Gieseking những màu sắc tinh tế và một tư duy rõ ràng, mạch lạc. Chương trình gồm có Tổ khúc Anh số 6 của Johann Sebastian Bach, Sonata piano số 4 của Alexander Scriabin và Waldszenen của Robert Schumann. Kể từ đó, cái tên Gieseking trở nên nổi tiếng và các buổi hoà nhạc đã đến với anh liên tiếp. Trong thời hậu chiến, âm nhạc đương đại tại nước Đức cũng như châu Âu vẫn luôn sôi động và Gieseking tỏ ra rất háo hức và thích thú, anh thường xuyên biểu diễn các tác phẩm của Hindemith, Schoenberg, Busoni, Erich Wolfgang Korngold, Francis Poulenc, Igor Stravinsky cũng như một số nhà soạn nhạc đương đại khác. Anh đã có chuyến lưu diễn đầu tiên tại Mỹ vào năm 1926 và còn nhiều lần quay lại đây sau này. Ngày 31/3/1925, anh kết hôn tại Hanover và có được 2 cô con gái. Gieseking muốn định cư tại Thuỵ Sĩ tuy nhiên vợ anh gặp một vài rắc rối liên quan đến vấn đề thuế nên cuối cùng gia đình họ chuyển đến sinh sống tại Wiesbaden, thủ phủ của bang Hessen, Đức.

Sở hữu một kỹ năng thiên bẩm, Gieseking có thể nhanh chóng nắm bắt được những tác phẩm không quen thuộc mà không cần luyện tập nhiều, bất kể nó dài và khó đến đâu. Với phương pháp học được từ Leimer, người thầy của mình, anh hầu như không cần đến piano để học tác phẩm mới. Anh nghiên cứu chúng khi đi trên tàu, xe hoặc máy bay. Theo cuốn sách Những nghệ sĩ piano vĩ đại của Harold C. Schonberg (1963), Gieseking có thể học một concerto mới chỉ trong vòng một ngày. Chính điều này đã giúp anh có được một danh mục biểu diễn rất rộng từ Bach đến các nhà soạn nhạc đương đại ít được biết đến hơn như Goffredo Petrassi, Hans Pfitzner hay Ernst Krenek.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, cũng giống như nhiều nghệ sĩ Đức khác, ông ở lại trong nước, biểu diễn dưới chế độ của Đức quốc xã tại các vùng đất được chiếm đóng. Một trong những bản thu âm stereo đầu tiên đã được Gieseking thực hiện vào năm 1944 khi ông trình diễn bản Concerto piano số 5 “Hoàng đế” của Beethoven cùng Rundfunk-Sinfonieorchester Berlin và nhạc trưởng Arthur Rother, trong đó, ta có thể nghe được tiếng pháo phòng không.

Cuộc chiến tranh kết thúc, ông bị đưa vào danh sách đen trong giai đoạn đầu, dù chưa từng gia nhập đảng Quốc xã. Tháng 1/1947, quân đội Mỹ đã xoá bỏ lệnh cấm, mở đường cho Gieseking chuẩn bị cho chuyến lưu diễn Mỹ 2 năm sau đó. Tuy nhiên, Gieseking đã trở thành tâm điểm của cuộc tranh cãi chính trị khi buổi biểu diễn dự kiến của ông tại Carnegie Hall, New York vào tháng 1/1949 đã bị biểu tình phản đối khi ông bị buộc tội cộng tác văn hoá với phát xít Đức. Các chương trình được lên lịch từ trước đã bị huỷ bỏ. Nhiều nghệ sĩ Do Thái đồng nghiệp cũng chỉ trích ông. Horowitz trong cuốn sách Những buổi tối với Horowitz nói rằng ông là một người “ủng hộ Đức quốc xã” còn Rubinstein trong cuốn Những năm tháng của tôi khẳng định trong một cuộc nói chuyện, Gieseking đã thừa nhận: “Tôi là một người phát xít tận tâm. Hitler đã cứu vớt đất nước của chúng tôi” và mong muốn được biểu diễn cho Quốc trưởng nghe. Mặc dù cũng bị phản đối nhưng các buổi lưu diễn của ông tại nhiều quốc gia khác vẫn được tiến hành bình thường. Tuy nhiên, sau đó một toà án Đồng minh ở Đức đã tuyên bố ông vô tội và Gieseking sau này có thể tiếp tục các chuyến lưu diễn tại Mỹ.

Sự nghiệp biểu diễn của ông tiếp tục và đạt được những thành công chưa từng có. Ông liên tục được mời biểu diễn và thu âm. Gieseking cũng tham gia công tác giảng dạy, ông được bổ nhiệm làm giáo sư tại Saar University of Music, Saarbrücken mới được thành lập vào năm 1947. Ông đã lồng ghép kỹ thuật chơi piano của riêng mình vào những gì học được từ người thầy Leimer thành một phương pháp mới “Leimer-Gieseking” và tích cực quảng bá cách chơi piano này tới mọi người. Đặc điểm của phương pháp này là thư giãn các cơ, luyện trí nhớ bằng cách đọc tổng phổ nhiều lần mà không sử dụng piano, tập nghe bằng cách tập trung cao độ khi luyện tập. Đỉnh cao trong di sản của Gieseking chắc chắn là những tác phẩm của Debussy và Ravel. Cách chơi của ông trong trẻo, tinh tế và có tiết tấu rõ ràng xoá bỏ quan điểm cho rằng âm nhạc trường phái Ấn tượng nên có tiết tấu tự do. Những âm thanh được Gieseking tạo ra lung linh, huyền ảo với những màu sắc mơ hồ nhưng hoà âm, mặc dù phức tạp và thậm chí gây choáng váng vẫn rất rõ ràng. Điều này khác biệt với nhiều nghệ sĩ piano khác khi họ thường ưu tiên âm thanh hơn cấu trúc của tác phẩm. Phẩm chất lớn nhất ở Gieseking có lẽ là sự lãnh đạm, hầu như không bao giờ thấy ở ông sự căng thẳng và áp lực, mọi thứ diễn ra thật tự nhiên và đầy tính cách. Cách chơi của ông luôn đòi hỏi sự tập trung và duy trì tính chính xác của nhịp điệu là minh chứng cho thấy rằng điều đó không đồng nghĩa với căng thẳng.

Tuy nhiên, nhận xét một cách công bằng, các màn biểu diễn của Gieseking không phải hoàn hảo, đặc biệt trong các chương trình hoà nhạc trực tiếp. Thỉnh thoảng, ông lâm vào trạng thái phấn khích, hăng hái cao độ dẫn đến trong các đoạn cao trào có một vài nốt nhạc được chơi không chính xác. Có thể nhận thấy điều này trong bản thu âm trực tiếp bản Concerto piano số 2 và 3 của Rachmaninov mà ông thực hiện cùng nhạc trưởng William Mengelberg và Concertgebouw Orchestra vào năm 1940, mặc dù về tổng thể đây là một màn trình diễn xuất sắc. Vào thời điểm đó, Gieseking là một trong những nghệ sĩ piano hiếm hoi, bên cạnh chính nhà soạn nhạc “dám” biểu diễn và thu âm cả 2 concerto này của Rachmaninov. Ngoài ra, ông có được những hợp đồng thu âm dày đặc, có thể kể đến trọn bộ các tác phẩm dành cho piano độc tấu của Wolfgang Amadeus Mozart, Debussy, Ravel, một số tác phẩm của Schumann, Edvard Grieg, Felix Mendelssohn cũng như nhiều concerto piano. Điều này tạo một áp lực lên ông dẫn tới việc mặc dù có được trí nhớ siêu phàm cũng không thể ngăn chặn việc xuất hiện một số lỗi trong các bản thu âm của ông mà như nhà phê bình âm nhạc người Anh Bryce Morrison nhận xét: “thật xứng đáng là những vết đen trong ánh mặt trời sáng chói”. Những bản thu âm các tác phẩm Mozart của ông cũng bị chỉ trích là bị đục đẽo quá tỉ mỉ, theo kiểu đưa nhà soạn nhạc xuống nghiên cứu dưới kính hiển vi vậy. Có nhà phê bình âm nhạc còn nâng tầm quan điểm khi so sánh âm thanh Gieseking tạo ra khi chơi Mozart như thể ông ghim các con bướm lên tấm bảng (một niềm đam mê mà ông được thừa hưởng từ người cha của mình). Tuy nhiên, khi ông ở trạng thái tốt nhất, kỹ thuật của Gieseking là vô song, hoản hảo không tì vết. Gieseking mang tính quốc tế hơn nhiều so với một đại diện của trường phái piano Đức về tính chất, phong cách và tiết mục.

Ông liên tục được mời biểu diễn trên khắp thế giới, kể cả ở những vùng xa xôi như Nam Mỹ, Nhật Bản và Úc. Tháng 4/1953, ông biểu diễn tại Carnegie Hall trong lần đầu tiên quay trở lại đây kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Lần này không còn cuộc biểu tình nào nữa mà thay vào đó là tôn vinh và yêu mến. Mặc dù sở hữu danh mục biểu diễn có lẽ là rộng nhất so với các nghệ sĩ piano đương thời nhưng ông hiếm khi chơi các tác phẩm của Chopin. Với một cách diễn giải âm nhạc quá nhiều màu sắc, cách ông nghĩ về Chopin mang một phong cách trữ tình gần gũi với những nhà soạn nhạc Pháp như Gabriel Faure. Có thể thấy phần nào điều này qua cách chọn tác phẩm của ông, Gieseking nhiều lần biểu diễn Bacarolle, Berceuse, Ballade số 3 nhưng không bao giờ động đến các bản mazurka và concerto. Tháng 12/1955, hai vợ chồng Gieseking bị một tai nạn xe buýt gần Stuggart, Đức. Ông bị chấn thương ở đầu trong khi vợ ông qua đời.

Năm 1956, Gieseking ký hợp đồng với hãng thu âm EMI để thực hiện trọn bộ các sonata piano của Beethoven cũng như một số bản của Franz Schubert. Công việc ghi âm được tiến hành ở London. Ông đã thực hiện được hầu như trọn vẹn 32 bản sonata của Beethoven, ngoại trừ bản số 15 “Đồng quê”. Gieseking đã thực hiện xong 3 chương của tác phẩm này, dự kiến ngày hôm sau sẽ thu chương cuối cùng. Tuy nhiên, ông đã phải vào bệnh viện do những biến chứng trong cuộc phẫu thuật trước đó vì chứng bệnh viêm tuỵ. Gieseking đã không qua khỏi và mất vào ngày 26/10/1956 sau vài ngày nhập viện để lại những dự án còn dang dở và niềm tiếc thương sâu sắc của những người hâm mộ ông. “Người Đức đã đánh bại người Pháp trong trò chơi của riêng họ”, như một nhà phê bình hài hước từng nói về ông, đã vĩnh viễn ra đi. EMI đã cho xuất bản tuyển tập Beethoven này của ông, kể cả bản sonata piano số 15 còn dang dở. Tuy nhiên, nghệ sĩ Claudio Arrau tỏ ra không thích cách diễn giải của Gieseking đối với những tác phẩm này.

Cũng giống như người cha của mình, Gieseking rất thích thu thập các loài bướm và ông có một bộ sưu tập đồ sộ. Ngày nay chúng ta có thể chiêm ngưỡng chúng tại Bộ sưu tập Lịch sử Tự nhiên của Bảo tàng Wiesbaden sau khi được con gái ông trao tặng. Song song với công việc của một nghệ sĩ piano, ông cũng là một nhà soạn nhạc. Nhưng ngay cả trong cuộc đời của mình, các sáng tác của Gieseking hầu như không được biết đến vì bản thân ông cũng không có những nỗ lực nhằm công bố chúng. Trong một cuộc bình chọn 20 nghệ sĩ piano vĩ đại nhất mọi thời đại được BBC Music Magazine tổ chức, trưng cầu ý kiến của 100 nghệ sĩ piano đương đại, Walter Gieseking được xếp hạng thứ 18. Sau khi ông qua đời, một con phố ở Wiesbaden được lấy tên ông và tại Saar College of Music, ngôi trường mà ông từng giảng dạy, một cuộc thi mang tên Walter Gieseking được tổ chức 2 năm một lần, nhằm thúc đẩy tài năng của các sinh viên theo học tại đây.

 

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: