HERSETH, ADOLPH

“Về tổng thể, ông ấy là nghệ sĩ trumpet chơi trong dàn nhạc được kính trọng và có ảnh hưởng nhất trong nửa thế kỷ qua và có lẽ là vĩ đại nhất… Âm thanh đặc biệt và phong cách biểu diễn của Adolph Herseth là một bức tường thành của bộ đồng, người sở hữu nguồn sức mạnh trong truyền thuyết và sự rực rỡ từ lâu đã là âm thanh tiêu chuẩn của Chicago Symphony Orchestra. Ông ấy là một huyền thoại, theo nghĩa tuyệt vời nhất của từ hay bị lạm dụng này” – John von Rhein

Khi cánh tay của người nhạc trưởng hạ xuống, những tràng vỗ tay vang lên khắp khán phòng, đó là sự tôn vinh chủ yếu dành cho nhạc trưởng hoặc nghệ sĩ độc tấu, những nhân vật chính của đêm biểu diễn. Các nhạc công trong dàn nhạc vẫn đứng đó, cùng chia sẻ ánh đèn sân khấu và những tiếng vỗ tay, nhưng dường như họ chỉ là những nhân vật phụ. Đọng lại trong tâm trí khán giả có lẽ chỉ là cái tên của dàn nhạc. Không nhiều thành viên của các dàn nhạc được biết đến tên tuổi. Chỉ một số rất ít những nhạc công đạt được điều này, nhưng một phần là nhờ những hoạt động tích cực của họ với tư cách nghệ sĩ độc tấu như Jean-Pierre Rampal, Dennis Brain trước đây hay Albrecht Mayer, Emmanuel Pahud ngày nay. Thật đáng tiếc, bởi vì một bộ phận trong số họ là những con người xuất sắc nhất trên thế giới trong lĩnh vực của mình, đặc biệt với nhạc công của bộ hơi: kèn gỗ và kèn đồng. Họ vẫn lặng yên ngồi đó trong dàn nhạc, âm thầm cống hiến tài năng của mình, góp phần tạo nên những buổi biểu diễn và bản thu âm huyền thoại. Chỉ đồng nghiệp, những người say mê nhạc cổ điển và các khán giả trung thành của dàn nhạc đó mới biết và nhớ đến họ. Một tên tuổi tiêu biểu cho những nhạc công như vậy là nghệ sĩ trumpet Adolph Herseth, người có 53 năm làm bè trưởng bè trumpet của Chicago Symphony Orchestra. Chicago Symphony Orchestra là một trong những dàn nhạc xuất sắc nhất trên thế giới, đặc biệt là bộ đồng của họ đã trở thành huyền thoại. Và Herseth chính là lá cờ đầu của dàn nhạc, trụ cột vững chắc nhất, người đã thiết lập nên những chuẩn mực mới. Nếu như ví bộ dây tạo thành bộ khung, kết cấu của một ngôi nhà thì bộ hơi tạo nên diện mạo cho ngôi nhà đó. Herseth chính là người sở hữu “cành cọ vàng”, tô điểm nên những nét vẽ thiên thần, khiến ngôi nhà Chicago Symphony Orchestra có một vẻ đẹp rạng ngời mà hiếm một dàn nhạc nào khác có thể so sánh được.

Adolph “Bud” Herseth sinh ngày 25/7/1921 tại Lake Park, Minnesota trong một gia đình có người cha là giám đốc một ban nhạc tại Bertha High School. Chính ông là người đã đưa cho con trai mình chiếc kèn trumpet đầu tiên. Bud được gia đình cho học trumpet và cornet tại ngôi trường của cha mình. Vào năm lớp 4, Bud đã quen cô bé Avis, “người con gái duy nhất mà tôi từng hẹn hò”, tại lớp học kèn và sau này họ đã kết hôn vào năm 1943. Mặc dù tỏ ra rất có năng khiếu và từng được mời biểu diễn cùng nhiều ban nhạc tại địa phương nhưng Adolph ban đầu không có ý định trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Adolph đã theo học và tốt nghiệp cả khoa Toán lẫn Âm nhạc tại Luther College, Iowa. Sau này Herseth nhớ lại mong ước hồi đó của mình trên International Trumpet Guild: “Tại thời điểm đó, lựa chọn của tôi hoặc là dạy học, hoặc là làm việc cho một công ty bảo hiểm với công việc chuyên viên thống kê hoặc niên kim”. Chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra, Adolph phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ với tư cách nhạc công. Anh phải sử dụng kèn của vợ mình vì như anh cho biết: “Lúc đó tôi nghèo đến mức không thể có cả trumpet và cornet cho riêng mình”. Sau khi chiến tranh kết thúc, chàng trai trẻ Adolph bắt đầu nghĩ đến việc theo đuổi âm nhạc một cách nghiêm túc, anh theo học các nghệ sĩ trumpet chính của Boston Symphony Orchestra, Georges Mager và Marcel LaFosse tại New England Conservatory of Music trong gần ba năm. Nhưng lúc này, Herseth cũng chỉ nghĩ đến công việc dạy nhạc tại các trường phổ thông hoặc cao đẳng.

Năm 1948, khi đang theo học tại nhạc viện, Herseth nhận được một bức điện từ Artur Rodziński, người vừa đảm nhiệm cương vị giám đốc âm nhạc của Chicago Symphony Orchestra, mời đến nhà riêng của ông tại New York để thử giọng cho một vị trí trong dàn nhạc. Herseth nhớ lại: “Tôi không biết nhiều danh mục tác phẩm biểu diễn cho dàn nhạc vào thời điểm đó vì vậy tôi đã cố gắng kiếm được càng nhiều phân phổ trumpet càng tốt trong thư viện. Sau đó tôi tới căn hộ của Rodziński trên Đại lộ 5, đặt chúng lên giá nhạc của chiếc đại dương cầm trong phòng khách rộng lớn của ông ấy. Tôi không căng thẳng, vì tôi nghĩ mình chỉ tham gia tuyển chọn cho chiếc ghế trumpet số 3”. Ông tiếp tục: “Vì vậy bạn có thể tưởng tượng tôi ngạc nhiên thế nào sau khi nghe tôi chơi khoảng một giờ đồng hồ, ông ấy nói: “Cậu sẽ trở thành trumpet số một của Chicago Symphony Orchestra”. Tôi chỉ nghĩ rằng nếu như mình có được một công việc cho chiếc ghế thứ hai, thứ ba hay thứ tư tại bất kỳ một dàn nhạc tử tế nào, tôi cũng sẽ rất vui”. Cho đến lúc đó, Herseth chưa từng một lần biểu diễn chuyên nghiệp và ông cũng không hề biết được người đã giới thiệu ông với Rodziński, có lẽ là một ai đó trong nhạc viện. Nhưng ngay sau đó Rodziński có những xung đột với ban giám đốc dàn nhạc dẫn đến việc ông gần như không còn cộng tác với Chicago Symphony Orchestra và chia tay dàn nhạc vào tháng 4/1948, chỉ chưa đầy một mùa diễn. Điều này đồng nghĩa với việc trên thực tế, chưa một lần Herseth biểu diễn dưới đũa chỉ huy của người đã lựa chọn ông.

Trước khi Rafael Kubelík trở thành giám đốc của Chicago Symphony Orchetra vào cuối năm 1949, dàn nhạc đã mời đến rất nhiều nhạc trưởng khách mời. Herseth coi đây là niềm may mắn lớn của mình, vì nó đã cho ông cơ hội tích luỹ kinh nghiệm và kiến thức: “Năm năm tiết mục lớn trong hai mùa diễn đầu tiên của tôi, một trải nghiệm tuyệt vời”. Herseth đã được biểu diễn cũng rất nhiều nhạc trưởng danh tiếng như George Szell, Bruno Walter, Fritz Busch, Pierre Monteux và Charles Munch. Trong suốt hơn 50 năm gắn bó với Chicago Symphony Orchestra, Herseth đã trải qua nhiệm kỳ của tổng cộng 5 giám đốc âm nhạc: Kubelík, Reiner, Jean Martinon, Georg Solti và Daniel Barenboim.

Herseth là nhân chứng sống cho thời đại hoàng kim của Chicago Symphony Orchestra, vươn mình thành một dàn nhạc hàng đầu thế giới và chinh phục những đôi tai sành sỏi nhất. Bản thân Herseth luôn cộng tác tốt với các giám đốc âm nhạc cũng như những vị nhạc trưởng khách mời của dàn nhạc, kể cả những người khó tính và khắt khe nhất. Reiner là một người như vậy. Herseth cho biết: “Reiner là một người rất kỹ lưỡng, thường rà đi rà lại dàn nhạc, đặc biệt là bộ gỗ và bộ đồng. Bất kỳ một tác phẩm nào có một đoạn đặc biệt dành cho nhạc công, họ nên chuẩn bị trước thật kỹ càng, bởi vị họ sẽ sắp đón nhận một khoảng thời gian khó khăn. Ngay cả khi bạn chơi tốt cho ông ấy trong lần đầu tiên, ông ấy vẫn luôn luôn thử nghiệm bạn”. Nhưng Herseth là một trong những ngoại lệ, Reiner đã dành cho ông sự tin tưởng tuyệt đối. Trong lần thu âm tổ khúc Lieutenant Kijé của Sergei Prokofiev cho RCA Victor vào năm 1957, nhà sản xuất Richard Mohr đề nghị Reiner và dàn nhạc chơi lại phần “Đám cưới Kijé”, chỗ có một đoạn trumpet nổi bật vì Mohr cho rằng Herseth đã chơi sai một nốt nhạc. Herseth phản đối và Reiner đồng ý với ông.

Giữa Herseth và Solti có một tình bạn và sự khâm phục lẫn nhau. Herseth nhớ lại trong một lần biểu diễn vở opera Moses und Aron của Arnold Schoenberg vào năm 1984 tại Carnegie Hall: “Có một chỗ đặc biệt phức tạp với các nhịp hỗn hợp và nó bắt đầu hơi tách ra một chút. Phần kèn đồng chỉ còn lại khoảng 20-30 ô nhịp. Solti căng thẳng nhìn vào tổng phổ và vào tôi bởi vì có một lối vào quan trọng cho trumpet ở phía trước. Ông ấy nhìn tôi như muốn nói: “Lạy Chúa, tôi hi vọng là anh đang đếm, Bud”. Tôi biết lối vào này là điểm tập hợp cho tất cả mọi người. Tôi đã giương cao chiếc kèn và thổi mạnh vào nó. Mọi thứ đã về đúng chỗ của mình. Tại khoảnh khắc đó Solti nhìn thẳng vào tôi và giãn chân mày ra. Đôi môi ông ấy đang nói: “Cảm ơn, Bud””. Herseth luôn dành cho Solti sự kính trọng lớn lao, ông thường gọi Solti là “bậc thầy của tôi” hay “đội trưởng của tôi”. Năm 1997, trong lần lưu diễn của Chicago Symphony Orchestra đến Hungary, Herseth đã đến viếng mộ nhạc trưởng ở Budapest, nơi Solti nằm gần Béla Bartók. Không mang theo cây kèn trumpet, nhưng bằng miệng mình, Herseth đã chơi bài “Taps”, một khúc nhạc thường dùng trong tang lễ quân đội của Lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.

Sự nổi tiếng và thành công của Chicago Symphony Orchestra phụ thuộc vào những vị giám đốc âm nhạc tài năng và cả của những nhạc công, trong đó Herseth có một vai trò quan trọng. Telegraph đã nhận xét: “Sự nổi tiếng của dàn nhạc bắt đầu với Fritz Reiner vĩ đại vào những năm 50 nhưng chính trong suốt 22 năm trị vì của người Hungary dữ dội Georg Solti, dàn nhạc đã trở nên hùng mạnh và là một nhạc cụ chính xác cho đến tận ngày hôm nay, đặc biệt nổi tiếng với âm thanh đồng thau rắn chắc và quý phái”. Tạp chí Smithsonian, số ra ngày 1/9/1994 mô tả: “Chicago Symphony Orchestra từ lâu đã được công nhận là một trong những dàn nhạc vĩ đại trên thế giới và Adolph Herseth đã đóng một vai trò quan trọng trong sự phát triển âm thanh đặc biệt của dàn nhạc”. Còn Chicago Sun-Times, số ra ngày 22/7/2001 thì nhận định: “Qua hàng thập kỷ, âm thanh vàng ròng, phong phú và lối chơi biểu cảm nhưng mạnh mẽ của Herseth là nền tảng cho “Âm thanh Chicago” huyền thoại”. Còn Barenboim, vào năm 1995, bắt đầu mùa diễn thứ 48 của Herseth cho dàn nhạc, đã dành cho ông sự tôn trọng lớn lao: “Mỗi dàn nhạc tuyệt vời đều phụ thuộc vào một vài trụ cột để hỗ trợ và giúp nó thực hiện điều đó. Bud chính là một trong những trụ cột của Chicago Symphony Orchestra”.

Phong cách chơi nhạc của Herseth rất uyển chuyển, dựa trên một nền tảng kỹ thuật thượng thừa. Ông có thể nhào nặn và điều chỉnh âm thanh của mình cho phù hợp với ý đồ của nhạc trưởng. Điều này khiến cho mọi nhạc trưởng của Chicago Symphony Orchestra đều ưa thích và mong muốn hợp tác lâu dài với ông. Jay Friedman, bè trưởng bè trombone của dàn nhạc miêu tả khả năng biểu diễn của Herseth: “Toàn bộ dàn nhạc đang chơi fortissimo và tạo ra một lượng âm thanh rất lớn. Anh ấy ngồi đó, chơi chính xác cường độ mà anh ấy cần phải tạo ra và âm thanh bay lên trên dàn nhạc. Làm thế nào để bạn tạo ra được điều đó? Đây là một tài năng do Chúa ban tặng, thật hiếm có. Một trong những điều tuyệt vời nhất về anh ấy, tôi nhận ra sau ngần ấy năm (bởi vì tôi chơi nhạc cùng anh ấy trong 42 năm. Tôi là người may mắn nhất trên vũ trụ, được ngồi ngay cạnh anh ấy), là tôi luôn ngạc nhiên về tính tuân thủ kỷ luật của anh ấy… Không có gì phải nghi ngờ về nhịp của dàn nhạc khi bạn ngồi cạnh anh ấy, vì đó đúng là nhịp của nhạc trưởng. Anh ấy luôn nhịp nhàng. Anh ấy là người dễ chơi nhất mà tôi từng chơi cùng. Nói anh ấy là một nhạc công vĩ đại là một cách nói giảm thô thiển. Anh ấy không thuộc về thế giới này khi nói đến sự hoàn hảo trong phong cách chơi và sự cống hiến”. Còn John Hagstrom, trumpet thứ hai của dàn nhạc thì nhận xét về người đàn anh của mình: “Anh ấy có thể nắm bắt trí tưởng tượng của bạn, giữ lấy và dẫn dắt bạn. Đó là một cảm giác tự tin mạnh mẽ về khả năng làm chủ thể chất. Anh ấy không thống trị theo cách không có sự cân bằng trong nhóm mặc dù anh ấy thực sự là một biểu tượng… Anh ấy là hình mẫu cho hầu hết mọi nghệ sĩ kèn trumpet, những người từng nghe anh ấy chơi. Anh ấy đặt ra các tiêu chuẩn về sự xuất sắc, anh ấy có đạo đức làm việc của mình và đặt kỳ vọng cao vào bản thân trong suốt nhiều năm là một nghệ sĩ biểu diễn”.

Từ lâu Herseth đã nằm trong ban điều hành cao cấp của Chicago Symphony Orchetra, bằng nhiều cách khác nhau, ông đã đóng góp vào việc để “bè đồng Chicago” đồng nghĩa với phong cách nghệ thuật hoàn hảo với một âm thanh lớn nhưng cũng đầy quyến rũ. Chính ông đã thúc giục dàn nhạc sử dụng bốn chiếc kèn giống hệt nhau (chính xác là loại kèn giọng Đô trưởng có lỗ khoan lớn của Vincent Bach), điều này dẫn đến sự đồng nhất về âm thanh mà dàn nhạc chưa từng có trước đó. Vào năm 1965, ông cũng đã đề nghị dàn nhạc mua một bộ kèn trumpet van quay có âm sắc đặc biệt phù hợp với âm nhạc Đức-Áo cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. John von Rhein, nhà phê bình âm nhạc của Chicago Tribune nói về ông: “Ngồi trong dàn nhạc, Herseth rất dễ được nhận biết, mặt ông thưởng đỏ bừng lên như củ cải khi thổi những đoạn nhạc nhanh, mạnh mẽ. Herseth không tiết lộ ông đã tìm kiếm được ở đâu một lượng không khí lớn để có thể khiến một nhạc cụ bằng đồng nổi tiếng ngoan cố bay bổng như vậy… Ông ấy là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hệ chơi kèn đồng. Ông là một người hùng cho bất kỳ một nhạc công nào từng đấu tranh để làm chủ được thứ mà ông ấy từng gọi là “sự vất vả nhất của các loại nhạc cụ”.

Mặc dù sở hữu một trình độ biểu diễn trumpet siêu hạng nhưng chưa bao giờ Herseth muốn trở thành một nghệ sĩ độc tấu dù ông đã hơn 50 lần thể hiện vai trò này cùng Chicago Symphony Orchestra. Herseth luôn coi mình là một người chơi trong dàn nhạc. Lý do ông giải thích hoá ra lại khá đơn giản: “Tôi chưa bao giờ có tham vọng lớn là trở thành một nghệ sĩ độc tấu. Mọi người thường hỏi tại sao tôi không tận dụng các cơ hội để trở thành một nghệ sĩ độc tấu. Câu trả lời thành thật là tôi không thể kể tên một tác phẩm độc tấu trumpet nào khiến tôi hài lòng về mặt âm nhạc như khi chơi một bản giao hưởng Mahler”. Rất nổi tiếng tại Chicago, nhưng ở bên ngoài, Herseth là một kho báu bị chôn giấu. Donal Henahan của The New York Times than thở về sự việc này, đổ lỗi cho sự thiếu vắng những tác phẩm độc tấu tuyệt vời dành cho trumpet: “Herseth có lẽ là người biểu diễn trên nhạc cụ của mình chói sáng nhất hiện nay. Nếu Mozart, Beethoven hay Brahms để lại một kho tàng tác phẩm dành cho trumpet, Herseth có lẽ đã quen thuộc với thế giới như Heifetz, Horowitz hay Rostropovich”.

Để thưởng thức tài năng của Herseth, chúng ta phải tìm đến các tác phẩm dành cho dàn nhạc có những đoạn độc tấu dành cho trumpet. Một trong những nơi thể hiện trình độ biểu diễn tuyệt vời của Herseth một cách rõ ràng nhất là bảy bản thu âm Những bức tranh trong phòng triển lãm do Maurice Ravel chuyển soạn tử tác phẩm của tên của Modest Mussorgsky, mà Herseth thực hiện cùng Chicago Symphony Orchestra dưới sự chỉ huy của sáu nhạc trưởng: Kubelík, Reiner, Seiji Ozawa, Carlo Maria Giulini, Solti (hai lần) và Neeme Järvi. Trong bảy lần biểu diễn này, Herseth đều tạo ra những âm thanh khác nhau với những hiệu ứng khác nhau trong câu độc tấu mở đầu tác phẩm. Friedman cho biết: “Tôi không nhớ có nhạc trưởng nào đã nói với anh ấy cách chơi phần mở đầu (và tôi có mặt ở sáu trong bảy bản thu âm đó). Anh ấy đã chơi theo cách mà anh ấy cảm nhận được và nó luôn hay đến nỗi nhạc trưởng thường hài lòng với phong cách đó”.

Hầu hết những nghệ sĩ kèn đồng về già thì miệng kèn của họ, hay họ quen gọi là “môi”, bị yếu đi. Nhưng với Herseth, “môi” của ông dường như khoẻ lên theo thời gian. Điều này giúp ông có được một sự nghiệp bền lâu kéo dài hơn 50 năm. Ngày 7/7/1998, nhiều nghệ sĩ kèn đồng nổi tiếng trên khắp thế giới tụ hội về Orchestra Hall, Chicago để tham dự buổi hoà nhạc tri ân Herseth nhân dịp kỷ niệm 50 năm gắn bó của ông với Chicago Symphony Orchestra. Herseth giã từ cương vị bè trưởng trumpet tại Chicago Symphony Orchestra vào năm 2001, sau 53 năm giữ cương vị trí này nhưng ông được dàn nhạc tiếp tục mời đảm nhiệm vị trí bè trưởng danh dự cho đến khi Herseth chính thức nghỉ hưu vào năm 2004. Bên cạnh sự nghiệp cùng Chicago Symphony Orchestra, Herseth không ngừng cống hiến cho sự phát triển của các thế hệ các nghệ sĩ trumpet tiếp theo. Ông thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo, bài giảng và các lớp master class tại Chicago cũng như trên khắp châu Âu. Để ghi nhận những đóng góp của ông, nhiều tổ chức trên thế giới đã trao tặng ông nhiều danh hiệu. Trong đó phải kể đến Liên đoàn dàn nhạc giao hưởng Mỹ trao tặng ông giải thưởng Đũa chỉ huy vàng. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, từ năm 1948, giải thưởng được trao cho một nhạc công trong dàn nhạc. Và vào năm 1988, nhân dịp 40 năm gắn bó của ông với Chicago Symphony Orchestra, chiếc ghế trumpet số một của dàn nhạc được mang tên ông, Adolph Herseth.

Herseth luôn là một con người giản dị, khiêm tốn trong suốt cuộc đời mình. Khi thông báo nhường lại chiếc ghế của mình tại dàn nhạc, Herseth cho biết: “Trong nhiều năm, tôi đã nói với mọi người rằng tôi may mắn khi được đến đây, may mắn là vẫn ở đây và có được tất cả những trải nghiệm tuyệt vời này”. Khi được hỏi rằng ông muốn hậu thế nhớ đến mình như thế nào, ông trả lời: “Là một chàng trai khá đứng đắn và luôn nỗ lực hết mình mỗi khi có cơ hội”. Herseth qua đời ở tuổi 91 vào ngày 13/4/2013 tại nhà riêng ở Oak Park, Illinois. Thay vì hoa, gia đình đề nghị quyên góp cho Chicago Symphony Orchestra, Luther College hoặc West-Eastern Divan Orchestra.

Có rất ít bản thu âm của Herseth với tư cách nghệ sĩ độc tấu trong các tác phẩm dành cho trumpet, nhưng những người nghe nhạc vẫn có thể thưởng thức sức mạnh dường như vô hạn và phong cách hoàn hảo trong tiếng kèn của ông trong những bản thu âm của Chicago Symphony Orchestra. Những câu độc tấu của ông, ví dụ như các đoạn mở đầu trong bản giao hưởng số 5 của Mahler, Những bức tranh trong phòng triển lãm hay các bản thơ giao hưởng của Richard Strauss. Giám đốc của Chicago Symphony Orchestra, Deborah Rutter đã tuyên bố khi thông báo về sự qua đời của Herseth: “Ông đã có một cuộc sống dài, tốt đẹp và rất tuyệt vời với đầy ắp âm nhạc phi thường. Những đóng góp của ông cho nhạc cổ điển, nghệ thuật chơi trumpet và chắc chắn cho Chicago Symphony Orchestra là không thể đo đếm được”.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: