MUNCH, CHARLES

“Âm nhạc là một nghệ thuật thể hiện sự không thể diễn tả được. Nó vượt xa những gì các từ có thể có nghĩa hoặc trí thông minh xác định được. Địa hạt của nó là vùng đất bất khả xâm phạm và rất khó nhận thức. Quyền nói ra ngôn ngữ này của con người đối với tôi là món quà quý giá nhất đã được ban tặng. Và chúng ta không có quyền lạm dụng nó… Khi đó đừng ai ngạc nhiên rằng tôi coi công việc của mình là một chức tư tế, không phải là một nghề. Đó không phải là một từ quá mạnh” – Charles Munch

Là một nhạc trưởng tài năng, nổi tiếng với các tác phẩm của những nhà soạn nhạc Pháp, Charles Munch đã kéo dài những năm tháng vinh quang của Boston Symphony Orchestra, được tiếp nối từ Serge Koussevitzky cho đến đầu những năm 1960. Munch sinh ra tại Alsace-Lorraine, Pháp, vùng đất khi đó nằm dưới sự kiểm soát của nước Đức. Chính vì vậy, ngay từ nhỏ, ông đã được thẩm thấu nền văn hoá đặc trưng của cả hai quốc gia. Bản thân Munch cũng hưởng lợi từ việc đào tạo của cả Đức và Pháp, những trụ cột trong danh mục biểu diễn của ông. Munch từng đánh giá về nguồn gốc của mình: “Với tư cách một người xứ Alsace và nhạc trưởng, tôi thuần tuý và hoàn toàn là người Đức, nhưng tôi là bạn của nhiều quốc gia và trước hết là một nhạc công và nhạc trưởng”. Sau khi trở nên vô cùng nổi tiếng với tư cách giám đốc âm nhạc của Boston Symphony Orchestra, ông đã trở về quê hương và dưới sự đề nghị của bộ Văn hoá Pháp, Munch đã thành lập Orchestre de Paris, dàn nhạc hưởng lương toàn thời gian đầu tiên của Pháp. Cả cuộc đời Munch đã cống hiến cho âm nhạc. Ông qua đời trong khi đang cùng Orchestre de Paris đi lưu diễn tại Mỹ. Munch luôn được nhớ tới như một trong những nhạc trưởng có uy tín và ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Charles Munch sinh ngày 26/9/1891 tại thị trấn nhỏ Niederbronn-les-Bains, Alsace, Pháp. Thời điểm đó, vùng đất này bị nước Đức chiếm đóng nên họ của Munch được khai sinh là Münch. Charles là đứa con thứ năm trong một gia đình âm nhạc có sáu người con. Cha của Charles, ông Ernst, giảng viên organ tại Nhạc viện Strasbourg và là người sáng lập Dàn hợp xướng Saint-Guillaume. Fritz, anh trai ngay trên Charles sau này cũng trở thành nhạc trưởng còn Hans, một người em họ là nhà soạn nhạc và nhà giáo dục âm nhạc. Khi lên 5 tuổi, Charles đã được cha cho học violin. Mặc dù được học âm nhạc, nhưng mơ ước của cậu bé khi đó là trở thành một kỹ sư tàu hoả. Sau đó Charles theo học tại Nhạc viện Strasbourg. Ông Ernst cũng có một dàn nhạc nhỏ và Charles thường biểu diễn tại đó trong vai trò một nhạc công bè violin 2.

Năm 1912, sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Strasbourg, dù đã đăng ký theo học ngành y khoa nhưng rồi cuối cùng Munch đã quyết định tiếp tục gắn bó với cây đàn violin khi theo học tại Nhạc viện Paris cùng Lucien Capet và sau đó là với nghệ sĩ danh tiếng Carl Flesch ở Berlin. Thế chiến thứ nhất nổ ra, Munch tham chiến cho quân đội Đức với tư cách trung sĩ pháo binh. Anh đã bi thương ở Verdun, đông bắc nước Pháp vào năm 1916. Chiến tranh kết thúc, hiệp ước Versailles được ký kết. Munch chính thức trở thành công dân Pháp và Münch đã được chuyển thành Munch. Năm 1920, Munch trở thành giáo sư violin tại Nhạc viện Strasbourg đồng thời là concertmaster của Strasbourg Philharmonic, dưới sự chỉ huy của Joseph Guy Ropartz, giám đốc nhạc viện. Sau đó, anh chuyển tới Cologne, tiếp tục làm concertmaster tại Gürzenich Orchestra. Từ năm 1925-1932, Munch là concertmaster tại Leipzig Gewandhaus Orchestra dưới thời của các nhạc trưởng lừng danh là Wilhelm Furtwängler và Bruno Walter. Trong giai đoạn này, Munch bắt đầu học chỉ huy dàn nhạc.

Trở về Pháp, ngày 1/11/1932, Munch chính thức có được buổi hoà nhạc đầu tiên của mình dưới tư cách nhạc trưởng tại Paris. Vị hôn thê của Munch, Geneviève Maury, một dịch giả tiếng Đức nổi tiếng, cháu ngoại của nhà công nghiệp Jules Monnerat đã hỗ trợ tài chính cho chồng sắp cưới của mình bằng việc thuê Théâtre des Champs-Élysées và Walther Straram Concerts Orchestra để ông biểu diễn. Ở tuối 41, sự nghiệp chỉ huy dàn nhạc của Munch bắt đầu khá muộn màng. Với độ tuổi này, nhiều nhạc trưởng khác đã xây dựng được một chỗ đứng vững chắc. Munch tiếp tục nâng cao trình độ chuyên môn của mình bằng cách theo học với nhạc trưởng người Czech Fritz Zweig. Sau màn ra mắt, Munch tiếp tục những bước đi đầu tiên khi được mời chỉ huy với những dàn nhạc như Lamoureux Orchestra, Orchestre Symphonique de Paris hay Orchestre de la Société des concerts du Conservatoire. Ngay từ giai đoạn này, Munch đã tỏ ra rất yêu thích âm nhạc của Hector Berlioz và thường đưa những tác phẩm của nhà soạn nhạc tài ba vào các buổi biểu diễn của mình. Công việc cũng tạo điều kiện cho Munch kết bạn với Arthur Honegger, Albert Roussel và Francis Poulenc. Năm 1938, ông trở thành nhạc trưởng chính của Orchestre de la Société des concerts du Conservatoire, dàn nhạc lâu đời nhất nước Pháp. Năm 1939, Munch được mời giảng dạy chỉ huy dàn nhạc tại nhạc viện Paris và có chuyển biểu diễn đầu tiên tại Anh với BBC Symphony Orchestra và Mỹ cùng St. Louis Symphony Orchestra. Munch gây được sự chú ý vì cách thức xử lý độc đáo các tác phẩm âm nhạc có cấu trúc lớn, cũng như sự quan tâm đặc biệt đến những chi tiết về màu sắc của dàn nhạc.

Trong thế chiến thứ hai, Paris bị chiếm đóng, khi nhiều đồng nghiệp của Munch đã đi trốn thì Munch vẫn ở lại với niềm tin rằng điều tốt đẹp nhất là duy trì tinh thần cho người dân thành phố. Ông từ chối biểu diễn tại Đức cũng như các tác phẩm âm nhạc Đức đương đại. Munch cũng hết sức nỗ lực trong việc bảo vệ các thành viên dàn nhạc khỏi Gestapo và đóng góp thu nhập của mình cho quân đội kháng chiến Pháp. Ngay sau khi cuộc chiến tranh kết thúc, Munch đã được trao huân chương Bắc đẩu bội tinh vì những đóng góp của mình. Đây cũng là giai đoạn mà sự nghiệp của Munch bắt đầu trở nên bận rộn. Ông được mời biểu diễn tại Prague cùng Czech Philharmonic nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập dàn nhạc. Năm 1946, cùng với Orchestre de la Société des concerts du Conservatoire, Munch đã có được những đĩa nhạc đầu tiên của mình cho hãng thu âm Decca. Ông cũng xuất hiện tại liên hoan Salzburg cùng Vienna Philharmonic và có chuyến lưu diễn tại Mỹ cùng Orchestre national de France. Chính điều này đã tạo ra danh tiếng cho Munch và ông được mời biểu diễn lần đầu tiên cùng Boston Symphony Orchestra vào ngày 27/12/1946 trong một chương trình gồm toàn những tác phẩm của các nhà soạn nhạc Pháp là Honegger, Albert Roussel, Maurice Jaubert và Camille Saint-Saëns.

Mùa xuân năm 1945, Richard French , nguyên là một trợ lý giáo sư âm nhạc tại Boston, lúc này là trung sĩ Richard French của quân đội Mỹ đóng quân ở Paris. Trong 10 tuần lễ, French đều đặn hoà mình vào dòng người Paris xếp hàng từ sáng sớm Chủ nhật để mua vé cho buổi biểu diễn vào lúc 5h30 chiều với Munch chỉ huy Orchestre de la Société des concerts du Conservatoire. Ông viết thư cho Tillman Merritt, giáo sư âm nhạc tại nhạc viện và hỏi: “Anh đã bao giờ nghe nói về nhạc trưởng tên là Charles Munch chưa? Với tôi, ông ấy có vẻ là sự lựa chọn hợp lý để kế nhiệm Koussevitzky ở Boston”. Và mùa xuân năm 1946, tạp chí PM, New York đăng một bài luận âm nhạc của một tác giả lấy bút danh Nostradamus. Bài viết đánh giá rất cao Munch và khuyên độc giả nên chú ý tới vị nhạc trưởng mới mẻ này. Cả hai dự đoán trên đều đã trở thành sự thật. Năm 1949, Munch đã thay thế Koussevitzky để trở thành giám đốc âm nhạc tại Boston Symphony Orchestra, một trong những dàn nhạc nổi tiếng và lâu đời nhất tại Mỹ.

Với sự bổ nhiệm Munch, Boston Symphony Orchestra đã tiếp tục duy trì phong cách Pháp lãng mạn, thanh lịch cho mình, một truyền thống được Pierre Monteux xây dựng và vun đắp từ những năm 1920. Trong nhiệm kỳ của Munch, Boston Symphony Orchestra được mệnh danh là “dàn nhạc Pháp vĩ đại nhất trên thế giới”. Ngoài Berlioz, Munch cũng chú trọng đến các tác phẩm của hai nhà soạn nhạc trường phái ấn tượng Claude Debussy và Maurice Ravel. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ cho các nhà soạn nhạc Pháp-Thụy Sĩ cùng thế hệ với mình, đặc biệt là Roussel, Honegger và Darius Milhaud. Tất nhiên, với “nguồn gốc” Đức của mình, những tác phẩm kinh điển của Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven hay Johannes Brahms cũng luôn nằm trong danh mục biểu diễn của Munch. Ngoài những nhà soạn nhạc đương đại Pháp, Munch cũng không hề bỏ qua các tác giả khác. Trong 13 năm nắm quyền tại Boston Symphony Orchestra, Munch đã chỉ huy 39 tác phẩm lần đầu tiên ra mắt trên phạm vi thế giới và 58 tác phẩm xuất hiện lần đầu tại Mỹ và cống hiến cho khán giả 168 sáng tác đương đại, trong đó có nhiều tác phẩm được chính Munch đặt hàng nhân dịp lễ kỷ niệm 75 năm thành lập dàn nhạc vào năm 1956. Năm 1954, Munch xuất bản cuốn sách Tôi là một nhạc trưởng tập hợp những suy nghĩ và kiến giải của ông về vai trò của một người chỉ huy dàn nhạc.

Có rất nhiều điểm nhấn tích cực trong nhiệm kỳ của Munch cùng Boston Symphony Orchestra. Với Munch, Boston Symphony Orchestra thực hiện nhiều chương trình hoà nhạc bên ngoài Boston hơn. Cùng nhau họ đã lần đầu tiên có chuyến lưu diễn tại châu Âu vào năm 1952. Năm 1956, Boston Symphony Orchestra tạo nên lịch sử khi là dàn nhạc đầu tiên của Mỹ biểu diễn tại Liên Xô. Boston Symphony Orchestra chính thức trở nên nổi tiếng ở tầm cỡ quốc tế. Duy trì truyền thống có từ thời Koussevitzky, Munch và dàn nhạc đã thực hiện nhiều bản thu cho RCA Victor. Những đĩa nhạc với tác phẩm âm nhạc Pháp do ông chỉ huy luôn được đánh giá rất cao. Munch cũng chủ trương mời nhiều nhạc trưởng khác tới hợp tác cùng dàn nhạc để tạo nên sự đa dạng. Nhiệm kỳ của ông với Boston Symphony Orchestra kết thúc vào tháng 5/1962 sau một chuyến lưu diễn dài tại vùng Viễn Đông và Nhật Bản. Munch thể hiện mình là một nhạc trưởng dễ tính và cởi mở hơn hẳn Koussevitzky. Với ông, khi là nhạc trưởng, đó là sự hợp tác cùng với nhạc công, không phải đứng trên bục và chỉ huy họ. Những nhạc trưởng chuyên quyền thường có một số nhạc công thân tín trong dàn nhạc để hỗ trợ mình và giành quyền kiểm soát dàn nhạc nhưng Munch không bao giờ làm như vậy. Ông luôn hoà đồng với tất cả mọi người. Các nhạc công có thể gặp Munch tại phòng làm việc của ông và trò chuyện về bất kỳ chủ đề nào, kể cả ngoài âm nhạc. Khi di chuyển trong các chuyến lưu diễn, Munch thường ngồi cùng xe với các nhạc công, chia sẻ sự vất vả của họ.

Triết lý cơ bản của Munch trong khi làm việc cùng dàn nhạc là mọi nhạc công đều tài năng và là bậc thầy về nhạc cụ của mình. Nếu không như vậy, họ đã không phải thành viên của dàn nhạc. Hiếm khi ông chỉ trích cá nhân riêng lẻ nào trong các buổi tập. Chỉ khi hoàn toàn không hài lòng với một nhạc công nào đó, Munch mới dừng buổi tập để sửa cho họ. Vì vậy, thời gian tập luyện của Munch cũng tương đương với các nhạc trưởng khác nhưng ông không phí phạm thời gian vào những câu nhạc ngắn mà chú ý đến tinh thần tổng thể của tác phẩm. Phương thức này tỏ ra đặc biệt hiệu quả với Boston Symphony Orchestra và New York Philharmonic. Trong mỗi buổi biểu diễn của Munch, có một lượng “rủi ro được tính toán” nhất định. Đó là vì dàn nhạc không bao giờ hoàn toàn chắc chắn rằng mọi thứ sẽ diễn ra hoàn hảo; do đó họ luôn sẵn sàng, tỉnh táo và nhạy cảm với những chỉ dẫn của nhạc trưởng. Điều này trái ngược với phong cách của những nhạc trưởng như Bruno Walter hay Fritz Reiner, người luôn tập luyện kỹ càng trước khi lên sân khấu, đôi khi tạo ra sự nhàm chán cho các nhạc công. Với Munch, ông không phải người theo chủ nghĩa hoàn hảo và tin vào sự ngẫu hứng của dàn nhạc. Vì vậy, ông và các nhạc công của mình luôn bước vào buổi biểu diễn với một tâm trạng thoải mái nhất và để cho cảm xúc dẫn dắt, tạo nên những khoảnh khắc thăng hoa bất ngờ trên sân khấu, khiến khán giả vôn cùng hứng thú. Tất nhiên, điều này đôi khi cũng gây ra những sự khó chịu. Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích Munch là quá khoa trương và hoang dại. Theo nghĩa đen, bất kỳ điều gì cũng có thể xảy ra khi Munch bước lên bục chỉ huy. Ông có thể hiện thực hoá ngay lập tức những ý tưởng nảy sinh trong tâm trí mình. Munch có một khả năng giao tiếp mẫu mực với dàn nhạc thông qua chiếc đũa chỉ huy. Munch có thể điều chỉnh các vấn đề về tính cân bằng, ngữ điệu và nhịp độ chỉ đơn giản thông qua cử chỉ mà không cần một lời nói với dàn nhạc. Munch chia sẻ về điều này: “Suy nghĩ của bạn, sự giao tiếp của bạn phải tỏa ra với sức mạnh đến mức dàn nhạc đồng thời cảm thấy mong muốn, khao khát giống như bạn và không thể kiềm chế việc thể hiện chúng”.

Munch quay trở về Pháp, ông được bổ nhiệm làm giám đốc École Normale de Musique de Paris, nhạc viện hàng đầu tại Paris, được Alfred Cortot thành lập vào năm 1938. Đồng thời, ông vẫn tiếp tục công việc của một nhạc trưởng khách mời tại châu Âu và Mỹ. Năm 1967, sau khi Orchester de la Société des Concerts du Conservatoire bị giải thể, bộ trưởng bộ Văn hóa Pháp, André Malraux đã mời Munch thành lập một dàn nhạc mới. Orchestre de Paris ra đời và trở thành dàn nhạc đầu tiên tại Pháp mà các nhạc công được hưởng lương toàn thời gian, một mô hình mà các nước tiên tiến khác trên thế giới đã áp dụng từ lâu. Munch trở thành giám đốc âm nhạc đầu tiên của Orchestre de Paris và có buổi biểu diễn đầu tiên vào ngày 14/11/1967. Năm 1968, dàn nhạc có chuyến lưu diễn tại Liên Xô, tuy nhiên, sức khoẻ của Munch đã sa sút một cách đáng kể đến mức ông đã phải nhường lại một số buổi biểu diễn cho Paul Paray. Cuối năm 1968, cùng Orchestre de Paris, Munch tổ chức chuyến đi tại nhiều thành phố trên nước Mỹ như Philadelphia, Washington hay New York. Tuy nhiên, tại Richmond, Virginia vào ngày 6/11/1968, một cơn đau tim đã cướp đi mạng sống của ông ở tuổi 77. Di hài ông được đưa về chôn cất tại nghĩa trang Louveciennes, ngoại ô phía tây Paris.

Diễn giải của Munch về âm nhạc Pháp, Lãng mạn và hậu Lãng mạn cũng như các nhà soạn nhạc cùng thời là những viên ngọc thực sự, minh chứng cho sức sống và sự tươi mới trong cách diễn giải tác phẩm. Những buổi biểu diễn của ông luôn toát ra sự thanh lịch, tràn đầy năng lượng, biến chúng thành “một sự kiện, một cơ hội” như nhận xét của Vic Firth, nhạc công timpani của Boston Symphony Orchestra. Năm 2011, cuốn sách đầu tiên về tiểu sử của Munch được Dallas Kern Holoman và nhà xuất bản Oxford ấn hành, cung cấp cho bạn đọc những thông tin chi tiết và cuộc đời và sự nghiệp của một trong những tên tuổi Pháp nổi bật nhất của nền âm nhạc cổ điển thế kỷ 20.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: