NORMAN, JESSYE

“Giọng hát của bà vang lên như một tiếng sét… Nó giống như một sự phun trào của sức mạnh nguyên thủy.” –Jerusalem Post

Khi Jessye Norman đứng trên sân khấu, có lẽ ngay cả những nhà phê bình âm nhạc giàu kinh nghiệm nhất cũng cảm thấy không có từ ngữ nào có thể miêu tả được đầy đủ sức mạnh trong giọng hát của bà. Như Tim Page đã viết trên Washington Post: “Mọi người chắc chắn sẽ thấy mình rơi vào vòng luẩn quẩn của những từ ngữ sáo rỗng như: sức mạnh đại dương, sức mạnh của tự nhiên, sự hiện diện vượt trội và những thứ tương tự vậy”. Page tiếp tục: “Nhưng với tất cả những ai đã biết về Norman, họ hiểu rằng tất cả những từ ngữ đó đều chính xác. Người phụ nữ to lớn với giọng hát khổng lồ này chính là kiểu như vậy. Hậu thế sẽ ghen tị với chúng tôi vì bà ấy đã ở đây, giữa chúng tôi”. Mặc dù luôn được đề cập đến là giọng soprano kịch tính nhưng âm vực thấp của Norman cũng vô cùng đầy đặn và chắc nịch, khiến bà có thể thoải mái khai thác và tạo ra hiệu quả tuyệt vời trong những phần dành cho mezzo-soprano hay thậm chí là contralto. Kiểu giọng hát đặc trưng của bà, âm vực rộng, âm sắc phong phú, hơi tối màu, ngả về âm vực thấp, đôi khi được gọi là giọng hát “chim ưng”, lấy theo tên của danh ca người Pháp nổi tiếng thế kỷ 19 Cornélie Falcon.

Norman không phải là ca sĩ người Mỹ gốc Phi có vai trò đột phá của nước Mỹ trong thế kỷ 20. Vai trò đó thuộc về Marian Anderson một cách không thể chối cãi và sau đó là Leontyne Price, người có sự khẳng định mạnh mẽ trong thế giới âm nhạc cổ điển nói chung và opera nói riêng vốn dành cho người da trắng. Nhưng với tài năng của mình, Norman được coi là một trong những ca sĩ da màu nổi bật nhất của thế hệ kế tục Price, tiếp tục xuất hiện tại những phòng hoà nhạc lộng lẫy, những sân khấu opera tráng lệ nhất trên thế giới. Khởi đầu sự nghiệp vào những năm 1970 tại châu Âu, Norman đã nhanh chóng khẳng định được tên tuổi của mình. Giọng của Norman đã được ca ngợi một cách vang dội về phong cách biểu đạt, khả năng kiểm soát kỹ thuật và sức mạnh tuyệt đối. Danh mục biểu diễn của bà trải dài từ những vở opera tiêu chuẩn, trong đó nổi bật nhất là các tác phẩm của Richard Wagner và Richard Strauss đến các tác phẩm thanh nhạc lớn và những ca khúc nghệ thuật Đức. Bên cạnh đó, Norman còn thử sức mình ra bên ngoài địa hạt nhạc cổ điển, tham gia vào thể loại khác như jazz và các ca khúc tôn giáo của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và cũng đạt được thành tựu đáng kể.

Được sinh ra tại Augusta, bang Georgia vào ngày 15/12/1945, Jessye Norman là con của ông Silas Norman, một nhân viên bán bảo hiểm và bà Janie King-Norman, một giáo viên. Cả bố mẹ Jessye đều là những nghệ sĩ nghiệp dư, mẹ của cô chơi piano còn cha cô hát trong dàn hợp xướng tại địa phương. Tất cả những anh chị em của Jessye đều được gia đình cho học piano từ nhỏ. Một sự giáo dục âm nhạc không phải dễ dàng có được đối với người Mỹ gốc Phi thời bấy giờ. Như Norman sau này nhớ lại: “Cha mẹ tôi nói với tôi rằng tôi bắt đầu hát khi tôi bắt đầu nói”, ngay từ nhỏ, cô bé đã rất yêu ca hát và biểu diễn ở bất cứ nơi nào có thể: trong nhà thờ, tại trường học hay các cuộc gặp mặt của các nữ hướng đạo sinh và thậm chí là các buổi khai trương siêu thị, khánh thành một tiệm rửa xe. Nhận thấy tình yêu ca hát của Jessye, cha mẹ cô đã tặng con gái mình một chiếc đài phát thanh và cô đã dành nhiều buổi chiều thứ Bảy trong phòng của mình, nghe các chương trình phát sóng trực tiếp của Metropolitan Opera. Khi 10 tuổi, cô đã nghe bản thu âm Anderson hát Alto Rhapsody của Johannes Brahms và hoàn toàn bị mê hoặc. Norman sau đó nói với nhà phê bình Matthew Gurewitsch: “Tôi đã lắng nghe và suy nghĩ. Nhưng đây không thể chỉ là một giọng hát! Một giọng hát không có vẻ đẹp và phong phú như thế này. Đó là một sự khám phá. Và tôi khóc, dù không biết bất cứ điều gì về ý nghĩa của nó. Tôi chỉ nghĩ: “Nó phải cực kỳ quan trọng, thứ âm nhạc này”. Được truyền cảm hứng từ những bản thu âm của Anderson và khi đọc cuốn tự truyện của nữ danh ca, Norman đã tưởng tượng mình sẽ trở thành một ca sĩ opera. Mặc dù vậy, cô bé chưa được đào tạo một cách bài bản và vẫn hát hoàn toàn dựa theo bản năng. Jessye cũng thường đến nhà ông bà ngoại chơi. Bà ngoại cô, cũng là một nghệ sĩ piano nghiệp dư, có một chiếc đàn harmonium (một kiểu đàn organ). Jessye coi đó là “điều kỳ lạ nhất mà tôi từng gặp trong suốt cuộc đời mình”.

Khi đang học trung học, được biết về cuộc thi cấp học bổng hàng năm mang tên Marian Anderson, dưới sự cổ vũ của các bạn học, Norman đã quyết định tham gia cuộc thi tại Philadelphia, đi cùng là giáo viên dạy hợp xướng của trường. Ở tuổi 16, Norman là thí sinh trẻ nhất cuộc thi và dù không giành chiến thắng, ban giám khảo đã cổ vũ cô, khuyên cô nên học hát một cách nghiêm túc. Trên đường trở về nhà, họ ghé qua Washington D.C. Giáo viên của cô đã sắp xếp để Norman có được buổi thử giọng tại đại học Howard. Mặc dù còn một năm nữa mới học hết trung học, Norman đã được Howard cấp học bổng toàn phần. Cô quyết tâm theo đuổi sự nghiệp âm nhạc. Tại Howard, Norman đã xây dựng được cho mình một nền tảng vững vàng. Sau khi tốt nghiệp năm 1967, cô tiếp tục theo học tại Peabody Institute, Baltimore và đại học Michigan, nơi cô lấy được tấm bằng thạc sĩ, củng cố trình độ lý thuyết âm nhạc và kỹ thuật thanh nhạc cũng như nâng cao khả năng ca hát của mình trong những ngôn ngữ Ý, Đức và Pháp.

Như một truyền thống, qua nhiều thế hệ, các ca sĩ opera Mỹ đều tới châu Âu để theo đuổi con đường nghệ thuật của mình. Những nhà hát opera tại đây có nhiều điều kiện để tạo cơ hội cho các ca sĩ trẻ, điều mà nước Mỹ chưa làm được. Nhiều tuyển trạch viên tại châu Âu liên tục xuất hiện tại Mỹ để tìm kiếm những tài năng triển vọng nhất. Ở tuổi 23, Norman đã hát một aria trong vai Elisabeth (Tannhäuser, Wagner) và ngay lập tức gây ấn tượng cho Egon Seefehlner, giám đốc của Deutsche Oper Berlin. Ông đã mời cô đến Đức để hát trong vở opera này. Trước khi hát trong Elisabeth vào năm 1969, Norman đã tham gia và giành giải nhất trong cuộc thi hát do Công ty Phát thanh Đức tổ chức tại Munich. Với lần ra mắt tại Deutsche Oper Berlin, chỉ ngay sau aria đầu tiên, cô đã được đón nhận nồng nhiệt đến nỗi, Seefehlner đã đề nghị với Norman một hợp đồng 3 năm ngay trong giờ nghỉ giải lao. Trong một vai diễn thuần chất Đức này, một ca sĩ người Mỹ gốc Phi còn rất trẻ đã được ca ngợi là giọng ca xuất sắc nhất kể từ thời Lotte Lehmann vĩ đại. Norman ra mắt khán giả Ý một năm sau đó.

Theo truyền thống thanh nhạc tại châu Âu, các giọng hát được phân loại thành trữ tình và kịch tính, sau đó lại được chia tiếp thành những tiểu mục hẹp hơn. Các vai diễn cũng được dành cho ca sĩ dựa trên sự sắp xếp này. Ngay từ đầu, giọng hát đầy đặn, mạnh mẽ của Norman được đánh giá là phù hợp với các tiết mục dành cho nữ cao kịch tính. Tuy nhiên, âm vực rộng của cô lại phủ nhận sự phân loại này. Khi được yêu cầu xác nhận giọng hát của chính mình, Norman đã kiêu hãnh trả lời trong một câu nói đã trở nên nổi tiếng: “Chuồng của chim bồ câu chỉ dành cho chim bồ câu mà thôi”. Mặc dù khởi đầu hoàn hảo trong vai Elisabeth đầy kịch tính nhưng sau đó Norman đã sớm hát trong Rosina (Le nozze di Figaro, Wolfgang Amadeus Mozart), một vai diễn thường dành cho những giọng trữ tình. Cô cũng đã bắt đầu sự nghiệp thu âm của mình, điều khiến cho tên tuổi của Norman được quê nhà biết đến. Những thành công liên tiếp đến với Norman, cô liên tiếp xuất hiện tại những nhà hát opera danh giá nhất thế giới. Ngày 18/4/1972, Norman ra mắt tại La Scala trong Aida (Aida, Giuseppe Verdi) dưới sự chỉ huy của Claudio Abbado. Ngày 21/9/1972, lần đầu cô hát tại Covent Garden với Colin Davis chỉ huy trong vai Cassandra (Les Troyens, Hector Berlioz) bên cạnh Jon Vickers. Năm 1973, Norman biểu diễn chính thức tại Mỹ trong một chương trình độc diễn tại Alice Tully Hall, Lincoln Center, New York. Alan M. Kriegsman đã bình luận trên Washington Post: “Giọng hát luôn có những điểm nhấn rõ ràng của sự tuyệt vời. Nó có biên độ rất lớn và chất lượng tự nhiên phong phú về âm sắc và kết cấu nên chỉ cần một vài những khoảnh khắc lắng nghe để biết được ta đang tiếp xúc với một nhạc cụ đặc biệt”.

Trong khi những nhà phê bình âm nhạc vẫn đang tìm cách để miêu tả giọng hát của bà thì bản thân Norman biết được đâu là những vai diễn hợp với mình. Trong vòng vài năm sau khi ra mắt tại Deutsche Oper Berlin, Norman nhận thấy ban quản lý đang đẩy cô vào những vai diễn mà bà chưa thấy sẵn sàng. Thông thường, giọng của một ca sĩ opera sẽ thực sự định hình và trưởng thành khi ngoài 30 tuổi. Nếu ở tuổi 20, họ hát quá nhiều, giọng của họ sẽ bị bào mòn trước khi phát huy hết khả năng tiềm tàng của mình. Norman quyết tâm bảo vệ “tài sản quý báu” của mình, bà đã từ chối những vai diễn mà mình cảm thấy chưa phù hợp: “Tôi cần rời khỏi nhà hát opera để cho giọng hát của mình trưởng thành. Tôi muốn cứu lấy bản thân. Tôi muốn làm điều này lâu dài. Tôi biết điều này khi ở tuổi 24”. Năm 1975, bà chuyển đến London, tạm thời xa rời sân khấu opera, tập trung chủ yếu vào những buổi hoà nhạc và độc diễn. Trong những năm cuối thập niên 70 của thế kỷ 20, Norman đi lưu diễn trên khắp châu Âu, hát rất nhiều lieder, mélodie và những ca khúc tôn giáo Mỹ. Trong hai năm 1976 và 1977, bà thực hiện lưu diễn trên khắp nước Mỹ, giành được những thành công to lớn nhưng vẫn lảng tránh sân khấu opera.

Trong những năm đầu tiên của sự nghiệp, lịch trình biểu diễn dày đặc khiến bà gặp khó khăn trong việc chăm sóc sức khỏe thể chất của mình. Cuối cùng khi quay trở lại sân khấu opera vào năm 1980, bà đã có được một sắc vóc và giọng hát tốt hơn bao giờ hết, sẵn sàng cho những thử thách khắt khe nhất. Norman hát Ariadne (Ariadne auf Naxos, Richard Strauss) tại Hamburg State Opera, một vai diễn mãi mãi gắn liền với tên tuổi bà vì cách diễn giải mạnh mẽ. Bà cũng xuất hiện trên sân khấu opera Mỹ tại Philadelphia Opera trong Dido and Aeneas (Henry Purcell) và Oedipus rex (Igor Stravinsky). Những vai diễn này, trải dài từ Baroque cho đến thế kỷ 20 là một minh chứng thuyết phục về khả năng âm nhạc và sự linh hoạt trong phong cách của Norman. Dù quay trở lại với opera nhưng Norman vẫn không quên biểu diễn và thu âm các tác phẩm thanh nhạc khác. Đĩa nhạc Bốn bài hát cuối cùng (Richard Strauss) mà bà thực hiện cùng Kurt Masur và Leipzig Gewandhaus Orchestra cho Philips (nhãn hiệu yêu thích của bà) là một thành tựu xuất sắc. Nhà phê bình nổi tiếng Alan Blyth đã nhận xét: “Trái tim hào phóng, phong thái trang nghiêm và giọng nói cao quý của cô ấy dường như rất phù hợp với những câu hát tốt đẹp của Strauss… Hơi thở của cô ấy dường như vô tận, giọng điệu của Norman khoan thai và đầy đủ đến mức nghi ngờ rằng liệu Bốn bài hát cuối cùng phải chăng đã có được âm thanh phong phú như vậy kể từ thời của Kirsten Flagstad”.

Mặc dù đã từng xuất hiện tại Metropolitan Opera trước đó vào ngày 17/11/1968 trong một chương trình hoà nhạc với 2 trích đoạn trong Cavalleria rusticana (Pietro Mascagni) và Die Walküre (Wagner) nhưng sự kiện diễn ra vào ngày 26/9/1983 mới được coi là lần biểu diễn opera chính thức đầu tiên của Norman tại nhà hát danh giá nhất nước Mỹ này. Bà đã hát Cassandra bên cạnh Plácido Domingo dưới sự chỉ huy của James Levine trong đêm opera mở màn mùa diễn. Và ngay sau đó, ngày 22/10/1983, Norman hát trong đêm diễn kỷ niệm 100 năm thành lập Met, chương trình quy tụ hầu hết những ngôi sao opera sáng chói nhất thế giới lúc bấy giờ. Vào thời điểm này, Norman đã được công nhận là một trong những ca sĩ danh tiếng nhất, sở hữu giọng hát độc đáo và quyến rũ. Mặc dù đã hát Aida tại La Scala nhưng Norman không cảm thấy thực sự thoải mái với opera của Verdi: “Tôi không thể trở thành những giọng soprano anh hùng của Verdi và tất nhiên, điều đó là cần thiết trong những nhà hát opera… Để hát những vai mà tôi không có sự đồng cảm là một sai lầm. Thực tế là tôi yêu thích sự khác thường”. Norman hát khá nhiều trong các vở opera hiện đại đầy thách thức, trong đó bao gồm 2 vở opera độc đáo với sự xuất hiện trên sân khấu giọng soprano duy nhất La voix humaine (Francis Poulenc) và Erwartung (Arnold Schoenberg). Bà cũng hát trong Bluebeard’s Castle (Béla Bartók). Norman đã bổ sung tiếng Czech vào các ngôn ngữ mà bà đã hát trước đó như Anh, Pháp, Đức, Nga, Ý, Latin với Věc Makropulos của Leoš Janáček.

Mặc dù Norman đã giành được những thành công vang dội trên sân khấu opera nhưng vóc dáng to lớn cũng hạn chế phần nào diễn xuất của bà. Chính vì điều này, trong giai đoạn sau của sự nghiệp, Norman có xu hướng cô đọng những vai diễn vào những buổi hoà nhạc. Một ví dụ điển hình là “Liebestod” trong Tristan und Isolde của Wagner mà bà đã xuất hiện chói sáng cùng Herbert von Karajan trong những buổi biểu diễn cuối cùng của ông trích đoạn này. Chúng ta cũng có thể kể đến cảnh cuối cùng trong Salome(Richard Strauss) mà Norman biểu diễn trong chương trình hoà nhạc cùng Seiji Ozawa và Boston Symphony Orchestra năm 1987 tại Tanglewood. Michael Kimmelman đã viết trên New York Times: “Giọng của Norman dường như được rút ra từ một đại dương âm thanh rộng lớn… Bất kể Ozawa yêu cầu bao nhiêu âm lượng từ dàn nhạc của mình, nó dường như vẫn chưa đủ với giọng hát của bà. Tuy nhiên, như mọi khi, điều khiến màn trình diễn của soprano này trở nên đặc biệt đáng chú ý là sự dễ dàng khi bà có thể tạo ra các nốt ngân dài, mềm mại… Và chất lượng âm thanh mà bà tạo ra: ngay cả những đoạn lớn nhất cũng có một âm sắc mượt mà, quyến rũ”. Danh tiếng của Norman đã trở lên nổi bật hơn bao giờ hết. Năm 1989, tổng thống Pháp François Mitterrand đã mời bà hát “La Marseillaise” trong buổi kỷ niệm 200 năm Cách mạng Pháp tại quảng trường Concorde. Năm 1990, cùng với những nghệ sĩ Mỹ khác như Itzhak Perlman, Yo-Yo Man Norman đã biểu diễn trong chương trình hoà nhạc kỷ niệm 150 ngày sinh Peter Ilyich Tchaikovsky tại Leningrad cùng Leningrad Philharmonic và nhạc trưởng Yuri Termikanov. Tổng thư ký Liên hơp quốc cũng phong bà làm Đại sứ danh dự.

Sau năm 1990, Norman tham gia nhiều hơn vào những dự án âm nhạc crossover (giao thoa). Bà cũng dành sức lực cho các dự án giáo dục và tiếp cận cộng đồng, thành lập Trường nghệ thuật Jessye Norman ở quê nhà Georgia để cung cấp miễn phí học phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Bà cho biết mục đích của mình: “Điều quan trọng là phải đền đáp. Và tôi thấy thực sự thất vọng và kinh ngạc khi ngày nay chúng ta ít chú ý đến việc giáo dục nghệ thuật cho học sinh của mình như thế nào”. Bà rất nỗ lực trong những công tác nhân đạo để giải quyết các vấn đề như nạn đói, tình trạng vô gia cư, phát triển thanh thiếu niên về nghệ thuật và văn hóa giáo dục. Năm 1997, bà được trao tặng danh hiệu Kennedy Center Honors, dành để ghi nhận những cống hiến trọn đời của bà cho nền văn hoá Mỹ. Ở tuổi 52, Norman là người trẻ nhất giành được vinh dự này, vốn chỉ dành cho 5 cá nhân hoặc nhóm nghệ sĩ hàng năm, bắt đầu từ năm 1978. Giọng hát của Norman bắt đầu suy giảm dẫn đến việc bà ít xuất hiện hơn trong những buổi biểu diễn. Norman vô cùng yêu ca hát và bà không thể nhớ lại khoảng thời gian mà mình không hát. Khi nào bà còn có thể, bà vẫn sẽ làm những gì mình yêu thích: “Chắc chắn sẽ đến lúc không còn ý nghĩa nữa nếu cố gắng hát trước công chúng, nhưng tôi vẫn có thể hát cho chính mình, hát cho bạn bè và hát cho gia đình. Tôi muốn hát miễn là tôi còn hơi thở”. Norman cũng cho biết về sự tôn kính của mình về cách mà bà tiếp cận với công việc ca hát: “Để kích thích bản thân tham gia một buổi biểu diễn, tôi phải hoàn toàn ở một mình. Tôi phải có sự cô độc để tập trung – điều mà tôi coi là một hình thức cầu nguyện. Tôi làm việc rất nhiều với lời hát. Từ ngữ phải được hiểu, cảm nhận và giao tiếp… Nếu bạn xem kỹ câu chữ và tiếp thu chúng, bạn đã đi được nửa chặng đường. Phần còn lại là sự trung thực – trung thực của cảm xúc, trung thực của sự tham gia. Nếu một người biểu diễn thực sự tận tâm, thì khán giả sẽ người đầu tiên nhận biết và sẽ phản hồi tương ứng. Tất nhiên, tình yêu là thứ thúc đẩy tất cả chúng ta. Đó là thứ đưa chúng ta đi cùng – đó là nguồn nhiên liệu”!

Năm 2014, Norman xuất bản cuối hồi ký Stand Up Straight and Sing! (Đứng thẳng lên và hát!). Trong đó, bà kể câu chuyện về “những gia đình người Mỹ gốc Phi ở Jim Crow South”, những người muốn được thừa nhận “giá trị của họ trên thế giới”. Cuốn sách cũng đề cập đến phong trào dân quyền và nguồn cảm hứng mà bà có được từ Anderson. Norman vẫn luôn trăn trở: “Rào cản về chủng tộc trong thế giới của chúng ta vẫn chưa biến mất, vậy tại sao chúng ta có thể tưởng tượng rằng những rào cản về chủng tộc trong âm nhạc cổ điển và thế giới opera đã biến mất?… Hãy nhìn xem, thật không thực tế nếu giả vờ rằng định kiến chủng tộc không tồn tại. Nó có! Đó là điều cần phải có một bộ luật và một điều khác là thay đổi trái tim và suy nghĩ của con người. Điều đó mất nhiều thời gian hơn. Tôi không coi màu da của mình là một vấn đề. Tôi nghĩ nó trông khá đẹp”. Năm 2015, bà bị chấn thương tuỷ sống. Ngày 30/9/2019, Norman qua đời tại bệnh viện Mount Sinai Morningside, Manhattan ở tuổi 74 với nguyên nhân được thông báo là “sốc nhiễm trùng và suy đa tạng thứ phát sau biến chứng của chấn thương tuỷ sống”. Ngày 24/11/2019, một gala tưởng niệm bà được tổ chức tại Metropolitan Opera.

Luôn được nhớ tới với sự sang trọng và hùng vĩ trong giọng hát “như một toà lâu đài lớn” và sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước mỗi lần biểu diễn như một câu nói của Erik Satie mà bà tâm đắc: “Nghệ sĩ không có quyền lãng phí thời gian của khán giả”, Norman đã tạo dựng một sự nghiệp đặc biệt kéo dài hàng thập kỷ, trở thành nhân vật hàng đầu cả trong nhà hát opera và trên các phòng hoà nhạc. Renée Fleming đã miêu tả giọng hát của bà: “Thành thật mà nói, tôi không thể nghĩ ra một giọng soprano hoặc mezzo-soprano nào khác có thể tiếp cận âm thanh của bà. Nó gần giống như một bức tường âm thanh ập đến với chúng tôi, nhưng cực kỳ đẹp và nhất quán… Bà đã biểu diễn ở đẳng cấp cao như vậy, nhưng rất thường xuyên không hát các tiết mục chính thống. Bà hát theo khuôn mẫu của riêng mình và vẫn được yêu mến và ca ngợi ở mọi nơi bà hát”. Được rất nhiều người ủng hộ và là một người ủng hộ nhiệt thành cho đảng Dân chủ, đã có những lời khuyên bà theo đuổi sự nghiệp chính trị, nhưng Norman từ chối: “Tôi đã cân nhắc và sau đó gạt nó sang một bên. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ thành công bởi vì tôi sẽ không thể giữ lại những gì mình cần nói”. Cả cuộc đời Norman chỉ muốn cống hiến cho nghệ thuật và như cách mà Anderson đã truyền cảm hứng cho bà và chính bà cũng là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ thế hệ sau. Norman đã ra đi nhưng sự nghiệp và những cống hiến của bà sẽ mãi mãi không bị lãng quên.

───

PIANO HOUSE

HỆ THỐNG PHÂN PHỐI PIANO CAO CẤP

popup

S� l��ng:

T�ng ti�n: